Gia đình chị H Duen Niê cùng một số nhà hảo tâm tại phi trường Toronto ngày 28/11/2024 (chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em). Ngày 28/11/2024 vừa qua, chị H Duen Niê đã đặt chân tới Toronto, Canada cùng chồng con sau hơn 5 năm tị nạn tại Thái Lan. Như chúng tôi đã viết trong bài trước trên Mạch Sống, gia đình chị trước đây ở Việt Nam từng bị theo dõi, sách nhiễu nhiều năm vì là người Êđê theo đạo Tin Lành; cha mẹ bị đánh đập tàn bạo; chị bị cô lập, bị “chặn hết đường sống”, phải bỏ chạy sang Thái Lan. Sang Thái Lan, phải cơ cực như bao người tị nạn khác. Đặt chân tới Toronto cũng chưa xong, việc không suôn sẻ, may được một số người Việt chào đón giúp đỡ ở phi trường. Chúng tôi trò chuyện với bà Nga, chị Tuyết, và chị Hạnh, ba trong số những nhà hảo tâm đã tới đón gia đình chị H Duen Niê tại phi trường. Từ trường hợp chị H Duen Niê, nói thêm về những khó khăn chồng chất cho người tị nạn. Gia đình chị H Duen Niê lạc lõng bơ vơ khi hạ cánh Nhóm bà Nga, chị Hạnh, và chị Tuyết sống ở thành phố Mississauga, gần Toronto, được BPSOS kết nối để đến đón người tị nạn. Theo lời kể của chị Hạnh, hôm đó tổ chức Polycultural Immigrant & Community Services (Dịch vụ cộng đồng và người nhập cư đa văn hóa, gọi tắt Polycultural) được sắp xếp để đón gia đình chị H Duen Niê tại phi trường. “[Tổ chức Polycultural] nói 7 giờ sáng họ đã ra… Theo [lịch] họ nhận được thì 7 giờ sáng gia đình này tới, cùng với một gia đình nữa. 7 giờ họ ra, họ không thấy ai hết, họ liên lạc và nhận được tin là 5 giờ 19 phút [chiều] chuyến bay đó sẽ tới, bị trễ. Khi gia đình này tới, trên chuyến bay mà liên lạc với nhóm tôi ra đón, lẽ ra 9 giờ 20 sáng, nhưng chuyến bay đó lại trễ thành 11 giờ 59 phút… Khi họ tới, trong immigration làm giấy tờ không có ai hết… họ phải tự lo lấy.” Nhóm bà Nga đợi bên ngoài, tới gần 2 giờ chiều gia đình chị H Duen mới ra. Họ phải liên lạc ngược về anh Percy Nguyễn của BPSOS ở Thái Lan, hỏi về nhóm bảo lãnh, rồi hỏi border service, rồi vòng qua bên immigration mới có thông tin và liên lạc được với tổ chức Polycultural. “Mình phải chạy tới chạy lui. Từ lúc gia đình chị H Duen ra tới lúc nhóm Polycultural tới, cũng phải hơn một tiếng,” chị Hạnh cho biết. Điều đó có nghĩa là gia đình chị H Duen Niê hoàn toàn không có ai giúp đỡ khi qua hải quan. Tiếng Anh họ không biết, chỉ nói mỗi một câu “I don’t speak English.” Chị Tuyết nói “Họ không biết làm gì hết, họ đưa hết giấy tờ. Những người ở hải quan tự động làm, rồi họ tự ra.” May thay có nhóm người Việt đi đón, giúp gia đình chị H Duen Niê liên lạc với Polycultural và từ đó họ được đưa về thành phố London, Ontario. Hỗ trợ trước đó của các nhà hảo tâm Vì Thái Lan không ký Công ước 1951 và không công nhận người tị nạn, mọi người tị nạn sắp được tái định cư đều phải đóng tiền phạt và vào IDC (trại giam của Sở Di trú) mới được rời khỏi đất Thái Lan. Nếu không nộp phạt thì phải đi tù, một ngày tù cho mỗi 500 baht tiền phạt. Còn vào IDC trước 2 tuần là bắt buộc. Bà Nga và các nhà hảo tâm khác quyên góp số tiền 600 USD (đổi ra thành 19,902 baht), giúp họ khoản tiền phạt. “Gia đình này vào [IDC] 16 ngày. Từ [IDC] đi thẳng ra phi trường. Leo lên máy bay. Tức là họ không có thời gian nghỉ ngơi”, chị Hạnh nói. “Theo lời kể của chị H Duen, sống rất khổ. Tù như dành cho tội phạm. Mấy chục người nhét vào đó. Ở đó 16 ngày, ăn uống khổ, ngủ khổ, vệ sinh dơ dáy. Từ đó họ leo thẳng lên máy bay, nên họ cũng mệt.” Choáng ngợp, vừa đuối sức vừa lo lắng vừa xúc động, chị H Duen Niê bật khóc. Chị Hạnh cũng kể “Vì mấy người immigration mặc đồng phục, [người chồng] hỏi có phải là cảnh sát hay không, không biết họ có bỏ mình vào tù nữa hay không.” “Thấy tội”, bà Nga nói. Chị Hạnh tiếp tục “Thấy họ vẫn còn sợ hãi, vì họ từ Thái Lan qua đây… Tôi cũng nói là không đâu anh, mấy người đó là immigration, họ chỉ làm giấy tờ cho mình thôi. Bây giờ họ đưa anh chị về London, họ sẽ thuê khách sạn ở. Ông chồng nói chị Hạnh có thể đi cùng với tụi em được không, không biết họ có bỏ tụi em vào tù hay không.” Họ cũng kể các nhà hảo tâm có mặt tại phi trường cũng dúi chút tiền, chút quà cho người mới sang. Chương trình bảo lãnh tư nhân, và trường hợp bà Thạch Thị Phay Bà Nga và chị Tuyết là hai trong số năm người thành lập nhóm bảo lãnh bà Thạch Thị Phay, một người Khmer Krom trong số cựu thuyền nhân ở trại Sikiew trước đây, có cuộc đời vô cùng bất hạnh và đau thương. “Rất đáng tiếc là bà ấy chưa được sang đến đây, bà ấy đã mất rồi,” bà Nga nói. Bà Nga và một số người Việt trước đây từng quyên góp tiền cho tổ chức VOICE để cứu giúp người tị nạn, sau này mới nhận ra nhiều thuyền nhân lưu lạc mấy chục năm nay ở Thái Lan, giấy tờ không có, bị bỏ lại và tiếp tục mắc kẹt ở Thái Lan, chẳng biết tương lai ra sao, trong khi một số người được VOICE và VOICE – Canada đưa sang Canada lại có công ty du lịch ở Việt Nam và chẳng cần tị nạn. Bà Nga nói “Chính một người tôi đứng ra bảo trợ, tôi cũng không muốn nói tên ra, ảnh hưởng cuộc sống của họ ở đây, sau này tôi cũng biết họ ở trong nhóm du lịch đó qua… Có một điều là, những người quá khổ đi, như bà Phay chẳng hạn, hay bà Trang (Lê Thị Trang). Nếu họ được chương trình của VOICE – Canada làm từ đầu, đem được họ sang đây, có lẽ họ chưa chết [ở Thái Lan].” Bà Nga cho biết, bây giờ bà Thạch Thị Phay đã qua đời, nhưng các nhà hảo tâm đã quyết định sẽ không lấy lại khoản tiền đã quyên góp mà dành để bảo trợ một gia đình khác. Làm gì để chung tay giúp người tị nạn? Có nhiều cách để trực tiếp hỗ trợ người tị nạn ở Thái Lan: - Hỗ trợ tài chính (đặc biệt cho người lớn tuổi không thể đi làm và không còn nơi nương tựa), hỗ trợ cho những trường hợp cần phẫu thuật hoặc chữa bệnh
- Giúp người tị nạn đóng khoản tiền phạt để sang định cư nước thứ ba
- Chào đón người tị nạn mới sang và hỗ trợ họ trong thời gian đầu, giúp họ hội nhập
- Thành lập nhóm 5 người ở Hoa Kỳ hoặc Canada để bảo lãnh người tị nạn
Ngoài ra, quý vị hảo tâm có thể đóng góp cho BPSOS nhằm tài trợ đội ngũ luật sư và cán sự bảo vệ. Các luật sư giúp can thiệp cho những người như gia đình chị H Duen được Cao ủy Tị nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn và giới thiệu tái định cư với các quốc gia như Canada, Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan… Các cán sự bảo vệ giúp những trường hợp bị đi tù hoặc bị giam ở IDC như gia đình chị H Duen. Mọi đóng góp cho BPSOS xin gửi về: BPSOS 6066 Leesburg Pike, Suite 100 Falls Church, VA 22041 – USA Memo: Tị nạn TL Hoặc đóng góp trực tuyến tại: https://bpsos.org/donate. Khoản đóng góp được miễn trừ thuế Liên bang Hoa Kỳ. Quý vị có thể liên lạc và hỏi thêm chi tiết qua bpsos@bpsos.org. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét