Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Có Bị Đàn Áp Sau Khi Hồi Hương? Bài 6

 

Lớp học cho các trẻ em thuyền nhân, trại Chimawan, Hồng Kông, năm 1995

KỲ TÍCH ĐÓNG CHƯƠNG SỬ THUYỀN NHÂN: CÓ BỊ ĐÀN ÁP SAU KHI HỒI HƯƠNG? - BÀI 6
Mạch Sống

Kỳ tích đóng chương sử thuyền nhân: Có bị đàn áp sau khi hồi hương? – Bài 6

2024-12-20

  • Chương trình ROVR xác nhận rất nhiều thuyền nhân hồi hương bị đàn áp

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 20 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Yếu tố quan trọng nhất phân biệt giữa bên chủ trương xoá bỏ CPA và bên quyết bảo vệ nó là: Thuyền nhân hồi hương có bị đàn áp hay không?

Bộ Ngoại Giao và các thành phần ủng hộ CPA, nổi bật là Ông Lê Xuân Khoa, đoan quyết rằng các thuyền nhân đã hồi hương không ai bị đàn áp, và những người còn ở các trại không phải lo sợ vì Việt Nam đã mở cửa và đang thay đổi. Như thế, họ bị từ chối tư cách tị nạn dưới CPA là chính đáng.

Ông Shep Lowman, điều trần trong tư cách Giám Đốc về Chương Trình Tị Nạn của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích rõ điểm này:

“Tiêu chuẩn được áp ng [trong thanh lọc CPA] là tiêu chuẩn của Công Ước Geneva 1951 [Công Ước LHQ về tư cách tị nạn], theo đó, nó công nhận tư cách tị nạn cho ai được xét là có nỗi lo sợ có căn cứ khi hồi hương. Nói cách khác, đó là phép thử về sự đàn áp tương lai hoặc nỗi sợ hãi về sự đàn áp tương lai.

“Cách mà tiêu chuẩn này được áp dụng ở Đông Nam Á và CPA là những viên chức phán quyết [tư cách tị nạn] ở các quốc gia tạm dung đã xét các hồ sơ với quá khứ chính trị nhạy cảm và thường kết luận, và họ đã nói với tôi rằng, ừ, người này có thể gặp khó khăn vài năm trước đây, nhưng Việt Nam đã thay đổi, người ấy bây giờ OK. Không việc gì phải sợ hãi nữa.” Xem tài liệu tham khảo, trang 45 – 49.

Ông Lowman là người đã hướng dẫn tôi trên những bước đầu tranh đấu cho thuyền nhân.

Pic_1_-_12-20-2024.jpg

Hình 1 – Lớp học cho các trẻ em thuyền nhân, trại Chimawan, Hồng Kông, năm 1995

Không thuyền nhân hồi hương nào bị đàn áp?

Tại buổi điều trần, Bà Oakley cho biết văn phòng của Bà chỉ được báo cáo về 3 trường hợp hồi hương bị trở ngại, chứ không phải đàn áp. Bà nêu trường hợp Ông Nguyễn Văn Kha bị bắt sau khi hồi hương, giải thích rằng ông ta bị bắt vì tội cướp của và giết người, bị án tử hình nhưng sau chuyển thành án tù chung thân. Bà Oakley nói về các “đơn vị theo dõi” của Bộ Ngoại Giao ở Việt Nam:

“... các báo cáo thực tế của họ cho thấy thuyền nhân không bị đàn áp và tái hội nhập khá tốt... Nếu có sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với những người hồi hương thì chúng tôi đã phải nghe về chúng.”

Các đơn vị theo dõi ấy là các tổ chức được Bộ Ngoại Giao tài trợ 8 triệu Mỹ Kim trong 3 năm qua, trong đó có tổ chức SEARAC của Ông Lê Xuân Khoa. Trong bản tuyên bố gửi vào hồ sơ buổi điều trần, Ông Lê Xuân Khoa quả quyết:

“...tôi đã thăm viếng Việt Nam nhiều chuyến kể từ 1991. Tôi cũng không tin là có sự kỳ thị hay đàn áp có hệ thống. Rõ ràng là chính quyền Việt Nam, với sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, đã chuyển từ lập trường Cộng Sản cứng rắn sang kinh tế thị trường. Trong tháng này, qua việc thiết lập quan hệ bang giao với Hoa Kỳ và trở thành thành viên của ASEAN [Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á], tiến trình hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng các quốc gia đã tăng tốc. Như một kết quả, sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát huy dân chủ và cải thiện thành tích nhân quyền của quốc gia này...

“Trong những năm qua, nhiều nhóm trẻ người Mỹ gốc Việt đã thiết lập các chương trình của riêng họ, huy động nguồn lực của chính họ, để cung ứng sự trợ giúp cho cả những người hồi hương và những người không thuộc thành phần hồi hương. Không một nhóm nào trong số đó nhận diện bất kỳ trường hợp bị đàn áp nào.”

Lấy đó làm căn cứ, Bà Oakley khẳng định lập trường của Bộ Ngoại Giao là bảo vệ CPA đến cùng:

“Hoa Kỳ cam kết một cách vững chắc sẽ tuân thủ sự vẹn toàn của CPA và nguyên tắc không tái định cư những người không được xét là tị nạn trực tiếp từ các trại... Hoa Kỳ trên nguyên tắc không chống lại hồi hương bắt buộc... Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các tổ chức NGO đóng vai trò quan trọng trong việc lên tiếng với người ở các trại tạm dung cũng như người Mỹ gốc Việt về kết thúc chương trình CPA.”

Ông Lê Xuân Khoa đã làm điều ấy qua “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” phổ biến ngày 15 tháng 2, 1995:

“Nay thì tất cả những người binh vực cho tị nạn (refugee advocates) đều nhận thấy rằng những phương cách đấu tranh và đòi hỏi như trước đây không những sẽ không có hy vọng thành công mà nhiều khi có thể gây hậu quả trái ngược...

...cộng đồng người Việt hải ngoại cần tuyệt đối tránh việc gửi đi những tin tức hoặc những tín hiệu sai lạc, đem lại cho đồng bào những hi vọng sai lầm, do đó gây nên những hậu quả tai hại cho nhiều gia đình, nhất là cho những người quá tuyệt vọng.”

Bà Oakley nói sai sự thật

Nữ LS Pam Baker từ Hồng Kông, phát biểu ngay sau Bà Oakley, đã phản bác thẳng thừng:

“Ông Nguyễn Văn Kha là một người mà tôi biết rất rõ. Ông ấy thông dịch cho tôi. Ông ấy là một người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Ông ấy làm việc ở Phân Khoa Ngoại Ngữ của Trường Đại Học Hà Nội trước khi ra đi, và ông ấy đã gặp khó khăn sau khi có lời phát biểu năm 1988. Ông ấy bị đưa đi cải tạo, và ông ấy đã vượt trại và chạy thoát sang Hồng Kông.

“Ở Hồng Kông, ông ấy năng nổ trong các sinh hoạt chính trị ngay từ ngày mới đến, và khi bị cưỡng bức trở về đã định quyên sinh. Khi ông ấy về nguyên quán, chúng tôi được tin ông ấy bị bắt. Sau đó ông ấy bị cáo buộc tội giết người và cướp của.” Xem tài liệu tham khảo, trang 29 – 33.

Bà Baker cho biết đã viết cho Toà Đại Sứ Anh ở Việt Nam và cho CUTN/LHQ nhưng không ai có thể viếng thăm Ông Kha trong tù để lấy thông tin chính xác. Báo cáo của CUTN/LHQ nộp cho buổi điều trần cho biết Ông Kha đã bị xử tử chứ không như Bà Oakley bảo rằng ông ta được giảm án thành tù chung thân.

Tôi là người đề nghị DB Smith mời Bà Baker điều trần. Từ năm 1992, các luật sư LAVAS mà chúng tôi gửi sang Hồng Kông đều hoạt động dưới tán dù của văn phòng luật của Bà Baker. LAVAS là viết tắt của Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers, tiếng Việt là Trợ Giúp Pháp Lý cho Thuyền Nhân Việt Nam, một đề án của BPSOS do LS Daniel Wolf, Ông Shep Lowman và tôi đồng sáng lập năm 1990.

Pic_2_-_12-20-2024.jpg

Hình 2 – Nữ LS Pam Baker

Bưng bít thông tin

Đến lượt điều trần, tôi dẫn chứng rằng Việt Nam vẫn đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng thông qua một số trường hợp điển hình, và cho biết công an Việt Nam giữ hồ sơ đen của những thuyền nhân bị xem là “phản động”. Khi hồi hương, họ lập tức bị chất vấn, đe doạ, bắt giam hoặc bỏ tù.

“... ngay cả số 72 nghìn người hồi hương... tôi biết nhiều trường hợp bị sách nhiễu, ngược đãi, bỏ tù người hồi hương, phần lớn thông qua các tài liệu bị tiết lộ [của chính CUTN/LHQ].”

Tôi nêu một số ví dụ.

“Hồ sơ 1 đã về Việt Nam năm 1989 vì tin vào lời hứa bảo vệ của CUTN/LHQ. Ông ta lập tức bị đưa vào nhà tù vì đã toan tính vượt biên trước đây. Người anh ở lại Hồng Kông báo cáo sự việc này trong lời khai xin tị nạn. Chính quyền Hồng Kông khiển trách CUTN/LHQ đã ghi vào hồ sơ lời cáo buộc tai hại ấy mà không điều tra kỹ lưỡng.

“Vị trưởng phái bộ CUTN/LHQ [ở Hồng Kông] trả lời, ‘Tôi đích thân biết rõ trường hợp này chính vì nó có thể ảnh hưởng đến chương trình hồi hương tình nguyện và [tôi] có thể bảo đảm với Ngài rằng các lời khai liên quan trong đơn xin tị nạn phản ánh đúng sự việc đã được CUTN/LHQ xác minh.’ Người anh sau đó được công nhận tư cách tị nạn.”

Tôi cho biết đã từng yêu cầu một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đi công tác ở Việt Nam tìm hiểu trường hợp này và nhiều trường hợp bị đàn áp sau khi hồi hương khác. Vị này cho biết văn phòng CUTN/LHQ ở Việt Nam xác nhận những gì xảy ra cho thuyền nhân kể trên và cập nhật rằng sau 15 tháng tù, người này được thả và rồi biến mất. Viên chức Bộ Ngoại Giao cho biết không tiếp cận được bất kỳ trường hợp nào mà tôi gửi gắm.

Ví dụ thứ 2 là thuyền nhân hồi hương năm 1993 từ Thái Lan đã lập tức bị bỏ tù vì toan tính vượt biên trước đây. Người vợ gửi thư cầu cứu đến CUTN/LHQ nhưng không được hồi âm. Vào thời điểm điều trần người này vẫn còn trong tù. Không những thế, tôi còn trao hồ sơ này cho phái đoàn InterAction mà Ông Lê Xuân Khoa hướng dẫn đến Việt Nam cuối năm 1994:

“Khi một phái đoàn NGO Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam cuối năm ngoái, tôi gửi gắm họ một số hồ sơ nhạy cảm, kể cả trường hợp kể trên, và yêu cầu điều tra. Phái đoàn này, tuy nhiên, quyết định không xem xét bất kỳ trường hợp nào, với lời giải thích là không tin rằng sẽ được phép tiếp cận và e rằng sự quan tâm từ bên ngoài có thể gây nguy hiểm cho người hồi hương.”

Trường hợp thứ 3, người hồi hương từ Hồng Kông đã kể cho vị luật sư trưởng của LAVAS ở Hồng Kông đang có mặt ở Việt Nam rằng ông ta bị tra khảo suốt 3 ngày về các hoạt động của mình khi còn ở trong trại và của những người mà công an đã có hồ sơ theo dõi – các hồ sơ này bao gồm thông tin chi tiết và cả hình chụp của từng đối tượng. Ông ta được phép đi làm kiếm sống nhưng bị cấm ra khỏi Hà Nội.

Tôi nêu thêm một số trường hợp rồi nhận xét:

“Có nhiều lý do để tin rằng công an Việt Nam cài người của họ ở các trại để cập nhật thông tin về các khía cạnh khác nhau trong sinh hoạt ở đó.”

Và kết luận:

“Tóm lại, Việt Nam có cải thiện, nhưng chế độ cộng sản vẫn còn áp bức. Nhiều người xin tị nạn ở các trại có nguy cơ bị đàn áp nếu phải hồi hương. Họ không thể trở về trong an toàn, và sẽ tiếp tục cưỡng lại việc hồi hương đến cùng, kể cả phải trả giá với sự bạo động, đổ máu và thiệt mạng...

“Đẩy những người tị nạn chân chính này về lại Việt Nam là vi phạm các nguyên tắc CPA.” Xem tài liệu tham khảo, trang 37 – 41.

CPA dựa trên nền tảng Công Ước LHQ về tư cách tị nạn, mà nguyên tăc căn bản là “non-refoulement” – không được đẩy lùi người tị nạn về nơi họ bị đàn áp. Các thành phần quyết dứt điểm chương sử thuyền nhân theo kế hoạch CPA đã cố tình bưng bít thông tin về thuyền nhân hồi hương bị đàn áp để tránh tiếng vi phạm nguyên tắc ấy. Ông Lowman chỉ ra điều này tại buổi điều trần:

“CPA được rao hàng cho các tổ chức NGO với ý tưởng là nó sẽ chấm dứt cưỡng bức hồi hương, bảo đảm quyền tạm dung, không còn đẩy lùi thuyền ra biển, và những người tị nạn chân chính được đến [các quốc gia tạm dung]. Chúng tôi đã tưởng rằng chúng ta đang nói về một hệ thống khá rộng lượng.

“Không bao giờ chúng tôi lúc ấy có thể ngờ rằng những người thuộc các thành phần [tị nạn theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ] ấy có khi nào bị hồi hương về Việt Nam bằng vũ lực, và, thực lòng, tôi không nghĩ rằng kể cả phái đoàn Hoa Kỳ [khi ký kết CPA] đã có thể ngờ như vậy. Tôi không nghĩ rằng đó là điều chúng ta đã tiên liệu, nhưng đó là cách CPA diễn tiến. Đó là cách mà nó đang được thực hiện.”

Pic_3_-_12-20-2024.jpg

Hình 3 - Ts. Nguyễn Đình Thắng tại trại cấm Chimawan, Hồng Kông

Lý do phải xoá CPA

Trong buổi điều trần, Bà Pam Baker và tôi cùng chỉ ra rằng:

  • Bộ Ngoại Giao có thông tin về một số thuyền nhân đã bị bỏ tù, khảo tra, ngược đãi sau khi hồi hương, nhưng làm như không biết.
  • Phái đoàn InterAction đến Việt Nam do Ông Lê Xuân Khoa hướng dấn đã không tiếp xúc các hồ sơ thuyền nhân hồi hương bị đàn áp có sẵn trên tay. Thế nhưng Ông Lê Xuân Khoa quả quyết là chưa từng gặp một trường hợp hồi hương nào bị đàn áp.
  • Tài liệu nội bộ của CUTN/LHQ xác nhận nhiều thuyền nhân hồi hương bị đàn áp, nhưng không được tiết lộ ra ngoài. Nhiều đến đâu, sẽ được trình bày trong bài sau.

Tôi chỉ ra thêm: càng lo sợ bị ngược đãi, sự kháng cự cưỡng bức hồi hương càng mãnh liệt; cho nên còn trật lại ở các trại một tỉ số cao những người có lý do chính đáng để đi tị nạn:

“Hầu như tất cả những người này đều còn ở các trại, từ chối hồi hương. Vài người đã tự vẫn để không bị trả về.”

Muốn cứu họ, phải xoá kết quả thanh lọc CPA, để Hoa Kỳ phỏng vấn mọi thuyền nhân lại từ đầu theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Đó là nội dung của điều luật chống CPA của DB Smith. Chương trình ROVR, từ đó mà ra, đã chứng minh điều này: Hơn 18 nghìn thuyền nhân hồi hương được Hoa Kỳ xét là đã bị đàn áp và đã được tái định cư vào Hoa Kỳ với tư cách tị nạn.

Ông Lê Xuân Khoa vội nhận đó là công lao của mình dù trước đó luôn luôn quả quyết rằng không thuyền nhân nào bị đàn áp khi hồi hương.

Bài sau: Lỗi hệ thống về giám sát người hồi hương

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu chuyển tả buổi điều trần ở Quốc Họi ngày 25 tháng 7, 1995: https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.25_indochinese_refugees_-_comprehensive_plan_of_action.pdf

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét