Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Con Số Thực Tế Thuyền Nhân Hồi Hương Bị Đàn Áp - Bài 7

 

pĐồng bào thuyền nhân biểu tình chống thanh lọc bất công và hồi hương cưỡng bức dưới CPA, Sungei Besi, Malaysia

KỲ TÍCH ĐÓNG CHƯƠNG SỬ THUYỀN NHÂN: CON SỐ THỰC TẾ THUYỀN NHÂN HỒI HƯƠNG BỊ ĐÀN ÁP - BÀI 7
Mạch Sống 

Kỳ tích đóng chương sử thuyền nhân:  Con số thực tế thuyền nhân hồi hương bị đàn áp – Bài 7

2024-12-24

  • Những lời nói dối bất chấp vận mạng con người

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 25 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Trong khi đồng bào thuyền nhân ở các trại tiếp tục biểu tình, tuyệt thực, mổ bụng, tự vẫn để chống cưỡng bức hồi hương, và người Việt ở khắp thế giới tự do lên tiếng phản đối CPA, Ông  Lê Xuân Khoa phổ biến “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” ngày 15 tháng 2, 1995, cảnh cáo:

“Nay thì tất cả những người binh vực cho tị nạn (refugee advocates) đều nhận thấy rằng những phương cách đấu tranh và đòi hỏi như trước đây không những sẽ không có hy vọng thành công mà nhiều khi có thể gây hậu quả trái ngược... cộng đồng người Việt hải ngoại cần tuyệt đối tránh việc gửi đi những tin tức hoặc những tín hiệu sai lạc, đem lại cho đồng bào những hi vọng sai lầm, do đó gây nên những hậu quả tai hại cho nhiều gia đình, nhất là cho những người quá tuyệt vọng.”

Thành phần ủng hộ CPA (Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện) như Ông Lê Xuân Khoa khẳng định rằng hơn 70 nghìn thuyền nhân đã hồi hương không ai bị kỳ thị hoặc đàn áp và số hơn 40 nghìn còn ở các trại cũng sẽ không bị đàn áp khi hồi hương. Do không bị đàn áp khi hồi hương, các thuyền nhân này không đủ tư cách tị nạn, nghĩa là kết quả thanh lọc dưới CPA đúng đắn. Con đường duy nhất là hồi hương, không tình nguyện thì cưỡng bức.

Pic_1_-_12-24-2024.jpg

Hình 1 – Đồng bào thuyền nhân biểu tình chống thanh lọc bất công và hồi hương cưỡng bức dưới CPA, Sungei Besi, Malaysia

Khẳng định này hoàn toàn sai vì chương trình ROVR cho thấy 97% những thuyền nhân hồi hương được phỏng vấn bị đàn áp nên được Hoa Kỳ đón nhận định cư tị nạn. Nhưng trước đó làm gì có các số liệu này. CUTN/LHQ, Bộ Ngoại Giao, nhóm Tổ Hợp Consortium, Ông Lê Xuân Khoa... tha hồ quyết đoán:

“...tôi đã thăm viếng Việt Nam nhiều chuyến kể từ 1991. Tôi cũng không tin là có sự kỳ thị hay đàn áp có hệ thống. Rõ ràng là chính quyền Việt Nam, với sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, đã chuyển từ lập trường Cộng Sản cứng rắn sang kinh tế thị trường.”

Đó là lý lẽ của Ông Lê Xuân Khoa trong bản tuyên bố nộp cho buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995.

Thực tế khác xa

BPSOS giữ liên lạc với nhiều thuyền nhân ở các trại và tiếp tục nhận được thông tin bị đàn áp của họ sau khi hồi hương. Một số thông tin này được trưng dẫn tại buổi điều trần:

  1. CUTN/LHQ chỉ tiếp cận 25% của tổng số hơn 70 nghìn thuyền nhân đã hồi hương. Trong đó, tuyệt đại đa số chỉ tiếp cận 1 lần rồi thôi.
  2. CUTN/LHQ biết ít ra 88 trường hợp thuyền nhân hồi hương đã bị bắt giam hoặc bị án tù, và một người bị xử tử sau khi hồi hương.
  3. CUTN/LHQ chỉ giám sát những người hồi hương tình nguyện, trong khi các người bị cưỡng bức hồi hương gặp rủi ro bị đàn áp cao hơn hẳn thì không được tiếp cận với CUTN/LHQ.

Xem tài liệu tham khảo, trang 181 – 213.

Tôi đã chuyển một số hồ sơ bị đàn áp sau khi hồi hương cho CUTN/LHQ để can thiệp, cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để lên tiếng, cho phái đoàn InterAction mà Ông Lê Xuân Khoa hướng dẫn đi Việt Nam để tiếp cận. Họ lờ đi hết làm như không biết.

CUTN/LHQ giám sát cái gì?

Tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995, Ông Kyle Horst, cựu nhân viên của CUTN/LHQ và sau đó là tổ chức World Vision chuyên giám sát người hồi hương, xác nhận là CUTN/LHQ chỉ giám sát trong phạm vi những gì Việt Nam cam kết dưới CPA chứ không giám sát vi phạm nhân quyền nói chung đối với người hồi hương:

“Các tiêu chuẩn căn bản [dùng để giám sát] là những thực hiện, những cam kết mà Việt Nam đã làm dưới chương trình CPA... Không truy tố tội hình sự do vượt biên, cấp hộ khẩu và nhứng điều như thế.”

Đó là lý do các trường hợp thuyền nhân đi tù sau khi hồi hương mà tôi đã chuyển cho CUTN/LHQ đã không được xem là bị đàn áp. Ts. Alexander Casella, Cố Vấn Đặc Biệt của CUTN/LHQ cho chương trình hồi hương, trả lời: “Người tổ chức [vượt biên] phải bị truy tố là điều được công nhận một cách phổ quát, và tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi phải yêu cầu nhà nước Việt Nam xóa án cho họ.”

Tôi đã chỉ ra cho CUTN/LHQ thấy rằng các nạn nhân bị đàn áp, vì lý do an toàn, thường tự tổ chức các chuyến vượt biên cho mình, gia đình mình và những người thân quên. Ông Casella bất chấp và trả lời như trên. Không đáng ngạc nhiên vì ông ta đã từng viết bình luận trên báo quốc tế rằng nhà nước Việt Nam đã nhân đạo đưa cả triệu quân cán chính VNCH đi cải tạo nhằm bảo vệ họ trước sự trả thù của quần chúng đang căm hận. Đó là người mà CUTN/LHQ giao cho trọng trách giám sát chương trình hồi hương thuyền nhân.

Một hồ sơ minh họa

Ông Trịnh Văn Mến là một chủng sinh với ước nguyện làm linh mục. Tháng 4 năm 1975, chế độ mới chiếm tiểu chủng viện và trục xuất mọi chủng sinh. Ông Mến đi lang thang, sống bất hợp pháp vì không nơi nào cấp hộ khẩu. Sau này Ông lấy vợ có cha là bác sĩ gốc Hoa, mẹ là người Việt. Cha vợ tù cải tạo 7 năm. Vợ của Ông Mến bị liệt kê là người Hoa, bị cắt hộ khẩu, bị đuổi học. Khi lấy nhau, họ không được cấp giấy hôn thú vì cả 2 cùng sống bất hợp pháp trên đất nước nơi họ sinh ra. Con cái của họ không được đi học.

Pic_2_-_12-25-2024.jpg

Hình 2 - Ông Trịnh Văn Mến, cựu thuyền nhân hồi hương, cùng ĐS Rees và BS Hồ Trâm tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tháng 7 năm 2011

Năm 1989, Ông Mến đưa con trai đi vượt biên đến Thái Lan nhưng bị từ chối tư cách tị nạn. Năm 1994, 2 cha con hồi hương theo lời hứa được CUTN/LHQ bảo vệ. Khi về nước, biết ra thực tế phũ phàng nhưng đã quá trễ. Gia đình Ông vẫn không được cấp hộ khẩu, 2 vợ chồng không thể đi làm, con cái vẫn không được đi học. Rõ ràng nhà nước Việt nam vi phạm cam kết dưới CPA.

Ông Mến nhiều lần đến văn phòng CUTN/LHQ xin can thiệp; họ trả lời: “việc cấp hộ khẩu là chuyện nội bộ của Việt Nam, CUTN/LHQ không dính dự.”

Cuối tháng 12 năm 1997, tôi cùng với Ông Rees, Cố Vấn Trưởng của DB Smith, đến thăm gia đình Ông Mến tại Sài Gòn vào một ngày mưa, không báo trước. Tình trạng của gia đình vẫn bế tắc. Sinh kế của họ là tủ bán kem que đặt trước nhà.

DB Smith cử chúng tôi đi chuyến ấy để tìm hiểu tình hình Việt Nam chuội lời hứa với Hoa Kỳ, đã đồng ý hợp tác với chương trình ROVR nhưng rồi trở mặt, tuyên bố rằng các thuyền nhân hồi hương nay đã ổn định cuộc sống nên không muốn đi Mỹ. Ở Việt Nam chúng tôi tiếp xúc nhiều thuyền nhân sau khi hồi hương và thấy rằng tất cả đều bị khốn đốn, đủ tư cách tị nạn nếu được phỏng vấn ROVR.

Sau chuyến đi, chúng tôi tường trình với DB Smith. DB Smith nêu vấn đề với Bộ Ngoại Giao. Bộ Ngoại Giao đe dọa chế tài Việt Nam. ĐS Rees tường thuật sự việc này trong email trả lời Ông Lê Xuân Khoa ngày 29 tháng 1, 2022:

“Nỗi lo ngại của chúng tôi rằng hồi hương về Việt Nam sẽ nguy hiểm cho nhiều thuyền nhân và rằng chính quyền Việt Nam sẽ ngăn cản việc thực hiện chương trình [ROVR] là có căn cứ như sự thể đã diễn ra. Nhiều nghìn người trở về Việt Nam trong những tháng sau đó [khi ROVR được công bố], nhưng chính quyền Việt Nam làm ngơ cam kết là để cho các viên chức phỏng vấn Hoa Kỳ tiếp cận [thuyền nhân hồi hương] để phỏng vấn ROVR. Chỉ sau khi Hành Pháp [Clinton], phải ghi nhận công của họ, kiên quyết trong 18 tháng chặn lại một lợi ích kinh tế mà Việt Nam kỳ vọng nhận được, chỉ ra rõ rằng lợi ích này chỉ được ban cấp khi giới hữu quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết để Hoa Kỳ thực hiện chương trình ROVR. Nhà nước Việt Nam hợp tác nhanh chóng sau đó, và trong vòng vài tháng các viên chức di trú của Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam để thực hiện các cuộc phỏng vấn.”

Tuy nhiên, Ông Mến không thể tham gia chương trình ROVR vì về trước thởi hạn do Bộ Ngoại Giao tuỳ tiện ấn định. Ông Rees và tôi đã vận động Bộ Ngoại Giao cho một chương trình mới, thoạt tiên mệnh danh là Chương Trình Giải Cứu (Rescue Program). Ông Mến và gia đình đã đến Hoa Kỳ theo chương trình này, hiện định cư ở Texas. Một số nhỏ cựu thuyền nhân khác cũng đã được đến Hoa Kỳ theo chương trình này mà có thể ngay chính họ không rõ xuất xứ của nó.

Pic_3_-_12-25-2024.jpg

Hình 3 - Bà Trương Anh Thụy, Chủ Tịch BPSOS, cùng các tình nguyện viên biểu tình chống cưỡng bức hồi hương trước toà Đại Sứ Anh Quốc, Washington DC, năm 1995

Con số thực tế là bao nhiêu?

Chỉ có những người tiếp cận với thuyền nhân hồi hương may ra mới có câu trả lời, như CUTN/LHQ hoặc các tổ chức được Liên Âu hoặc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ để tái hội nhập thuyền nhân hồi hương. Nhưng các thành phần này khư khư rằng không có ai hồi hương bị đàn áp cả. Tại buổi điều trần, Ông Claude Pepin, Phó Chủ Tịch tổ chức World Learning thay mặt nhóm NGO được Bộ Ngoại Giao tài trợ, trong đó có SEARAC, khẳng định, giống như Ông Lê Xuân Khoa:

“... chúng tôi không thấy bất kỳ hồ sơ nào bị ngược đãi hoặc bị kỳ thị từ phía chính quyền Việt nam đồi với bất kỳ người hồi hương nào mà chúng tôi đã làm việc với. Nhân viên của chúng tôi không hề được tiếp cận bởi người hồi hương nào đã bị từ chối tị nạn mà chỉ ra rằng lẽ ra họ phải được xét là tị nạn... Các điểu luật trong H.R. 1561 kêu gọi phải tái phỏng vấn và Hoa Kỳ ngưng hỗ trợ tái hội nhập [người hồi hương] sẽ phản tác dụng cho việc tìm một giải pháp chung thoả đáng.”

Sau khi Ông Pepin phát biểu, tôi nhận định:

“Tôi nghĩ là không công bằng để kỳ vọng rằng các tổ chức NGO này đóng vai trò giám sát. Họ có trách nhiệm chính yếu là cung cấp dịch vụ cho người hồi hương ở Việt Nam và, do đó, sự hiện diện của họ ở Việt Nam rất quan trọng như nguồn tài trợ của họ từ CUTN/LHQ... Chúng ta không nên đòi hỏi họ gây nguy hiểm cho vị trí của họ bằng cách đứng lên chỉ trích hoặc trưng dẫn công khai các hồ sơ [bị đàn áp] mà họ biết.”

Đó là cách nói tế nhị. DB Smith nhận xét thẳng thừng hơn:

“Khi tôi hỏi trực tiếp rằng hãy trả lời về đề tài đang được trao đổi, đó là các vi phạm nhân quyền tràn lan, nghiêm trọng của chế độ độc tài ở Việt nam, quý vị đã không trả lời. Tôi muốn đưa điều này vào hồ sơ [điều trần].”

Chúng tôi biết chắc rằng con số của CUTN/LHQ là 88 thuyền nhân hồi hương bị bắt giam, bỏ tù và 1 người bị xử tử là rất thấp so với thực tế.  Tại buổi điều trần, tôi chỉ ra chương trình tái hội nhập thuyền nhân hồi hương là một thất bại lớn, nhưng sự thật này được giấu kỹ:

“Cần phải phối kiểm kỹ lưỡng các tuyên bố rằng phẩm chất của chương trình hồi hương của CUTN/LHQ, y như chúng ta ứng xử với các tuyên bố về chương trình thanh lọc tị nạn... Chương trình tái hội nhập [được tài trợ bởi] Liên Âu, chương trình tái hội nhập nổi trội nhất cho người hồi hương, được các tổ chức NGO và CUTN/LHQ ca ngợi là một thành công rực rỡ. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu người Đan Mạch được chính phủ Liên Âu thuê để đánh giá chương trình của chính họ đã báo cáo sự quản trị tệ hại và tuyên bố rằng nó là một thất bại lớn. Một giới chức Bộ Ngoại Giao cũng đi đến kết luận như vậy, nhưng chỉ nói riêng với tôi, sau chuyến đi Việt Nam năm ngoái. Chương trình của Liên Âu đã bị chấm dứt tháng 11 vừa rồi.”

Đổ vấy

Giống Bà Trợ Lý Ngoại Trưởng Oakley và Ông Lê Xuân Khoa, Ông Pepin đổ vấy rằng điểu luật chống CPA của DB Smith gây bạo động trong các trại. Bà Luật Sư Pam Baker phản bác:

“Cái mà điều luật tu chính của Ông [DB Smith] không làm là kích động hoặc gợi cảm hứng cho bạo động như đã được thấy. Bạo động ấy đã có và tiếp diễn từ năm 1988... Lựu đạn cay, dùi cui, có cả. Điều tu chính này đã không tạo ra bạo động.”

Cũng giống như Bà Oakley và Ông Lê Xuân Khoa, Ông Pepin lo ngại rằng điều luật chống CPA của DB Smith, nếu được ban hành, sẽ buộc Hoa Kỳ chuội lời cam kết với nhà nước Việt Nam:

“Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên bình thường hoá quan hệ ngoại giao, điều này sẽ tác động tiêu cực đến khả năng duy trì quan hệ song phương của Hoa Kỳ trong khu vực và có thể bị chính phủ Việt Nam diễn giải là không thiện chí trong việc thực hiện các cam kết đối xử công bằng với người tị nạn.”

Trong khi đó họ ỉm đi chứng cứ Việt Nam vi phạm cam kết với quốc tế là không đàn áp thuyền nhân hồi hương. Không ít nhân viên của các tổ chức NGO có lương tâm đã chuyển thông tin và tài liệu nội bộ cho chúng tôi. Trong đó có người làm cho nhóm Tổ Hợp, đặc biệt có đại diện ở Việt Nam của tổ chức SEARAC của Ông Lê Xuân Khoa. Sáng sớm ngày 25 tháng 7 tôi gửi fax tóm tắt những tiết lộ này cho Ông Rees để báo lại cho DB Smith. DB Smith đã đặt nhiều câu hỏi dựa vào đó trong suốt buổi điều trần. Xem tài liệu tham khảo dưới đây.

Trong bản fax, tôi gọi Ông Lê Xuân Khoa là “Ts. Khoa”. Lúc ấy tôi, cũng như toàn thể các vị dân biểu, giới chức Bộ Ngoại Giao, đại diện các tổ chức NGO có mặt tại buổi điều trần đều đinh ninh ông ta là Tiến Sĩ. Trong bản tuyên bố của InterAction gửi cho buổi điều trần, ông ta ký tên là Ts. Lê Xuân Khoa, Chủ Tịch SEARAC. Xem trang 153 nguyên bản buổi điều trần.

Sau này, nhiều người, trong đó có tôi, đã ngỡ ngàng khi biết rằng đó là lời nói dối kéo dài hơn chục năm. Đề tài này sẽ được trình bày trong chuỗi bài về cuộc điều tra của DB Robert Dornan.

Pic_4_-_12-25-2024.jpg

Hình 4 - Danh sách ký tên bản lập trường của InterAction gửi cho buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995

Tài liệu tham khảo:

Nguyên bản buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995:

https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.25_indochinese_refugees_-_comprehensive_plan_of_action.pdf 

Tài liệu fax gửi cho Ông Rees để chuyển cho DB Smith, ngày 25 tháng 7, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/Thangs-email-to-Joseph-Jul-25-1995.pdf

Mạch Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét