LTS: Trong tháng 12/2024, LHQ công bố bức thư của nhà nước Việt Nam trả lời 13 Báo cáo viên Đặc biệt về một số vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền liên quan đến người Thượng (trong đó có nhắc tới trường hợp Y Quynh Bdap). Trong đó, họ khẳng định Việt Nam không có đàn áp tôn giáo, cũng không có kỳ thị sắc tộc. Sau đây chúng tôi xin tiếp tục đăng lại loạt bài của Việt Nam Thời Báo về người Thượng Tây Nguyên. Bài 7: Đàn áp tự do tôn giáo tại Tây Nguyên Tác giả: Quang Nguyên (VNTB) Chính quyền Việt Nam đã bị quốc tế cáo buộc nhiều lần về việc đàn áp tôn giáo trong cả nước, nói chung, và đối với người Thượng ở Tây Nguyên nói riêng. Tây Nguyên có đông đảo người dân tộc thiểu số như Êđê, Jarai, Bahnar, và nhiều nhóm khác. Người Thượng theo các tôn giáo chính thống như đạo Tin Lành, Công Giáo, Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài và các tín ngưỡng truyền thống. Tôn giáo, tùy theo từng hệ phái và quan điểm, không chỉ tập trung vào thờ phượng đấng thiêng liêng và yêu thương con người, mà còn bao hàm trách nhiệm xã hội sâu rộng hơn. Nhiều tôn giáo khuyến khích tín đồ không chỉ làm việc thiện mà còn tham gia vào những hành động bảo vệ công lý, công bằng xã hội, và quyền con người. Ví dụ, Kitô giáo, một trong những lời răn chính là yêu thương người khác như chính mình và giúp đỡ những người nghèo khổ. Giáo hội Công giáo dưới thời Đức Giáo Hoàng Francis đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đấu tranh chống lại bất công xã hội, bảo vệ người di cư, và bảo vệ môi trường. Phật giáo cũng khuyến khích các tín đồ thực hành từ bi, hỉ xả, sống vì lợi ích của người khác và làm việc để giảm bớt đau khổ. Đức Phật từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp đỡ những người khốn khó và xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng. Các phong trào tôn giáo như Thần học Giải phóng ở Mỹ Latinh, cũng là một minh chứng cho việc tôn giáo có thể đóng vai trò trong việc đấu tranh cho công lý xã hội, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo đứng lên chống lại áp bức và bất công. Các tôn giáo phát xuất từ Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng vậy, không chỉ giới hạn ở sự thờ phượng đấng thiêng liêng mà còn bao gồm những giá trị hành động thiết thực, bảo vệ quyền lợi tổ quốc và cuộc sống của con người trong xã hội. Chính vì vậy, Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo đã bị cộng sản bắt cóc, thủ tiêu. Chính vì tôn giáo thường kêu gọi công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người và đối đầu với các bất công, nên trong những chế độ độc tài, toàn trị hoặc đảng trị, tôn giáo bị coi là mối đe dọa. Những chính quyền này lo sợ rằng các tổ chức tôn giáo có thể huy động sức mạnh của người dân để chống lại các chính sách áp bức, đòi hỏi tự do và công lý. Chính Chúa Giê-Su bị giết vì người ta sợ Ngài Lật Đổ Chính Quyền. Chúa Giê-su khi giảng đạo đã có hàng ngàn người đi theo, trong đó có nhiều người yêu nước mong muốn Ngài đứng lên giải phóng Do Thái khỏi tay nô lệ La Mã. Tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người yếu thế và đấu tranh cho quyền con người, khiến các chính quyền độc tài cảm thấy bị thách thức. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, mục sư, linh mục, tu sĩ hoặc tín đồ có thể bị giám sát, hạn chế hoạt động hoặc thậm chí bị đàn áp, bị giết ngay cả trong trường hợp họ không làm gì ngoài việc phụng thờ đấng thiêng liêng và lo cho phần hồn của tín đồ. Khi kiểm soát được một nửa đất nước qua hiệp định Geneve 1954, chính quyền cộng sản đã thẳng tay tiêu diệt tôn giáo, hàng ngàn nhà thờ, chùa chiền bị phá hủy hay biến thành kho hợp tác xã, nuôi trâu bò. Hàng ngàn tu sĩ bị bắt hoàn tục, bỏ tù hay đưa ra đấu tố. Tại Việt Nam, Giáo hội Tin Lành, Công giáo, Phật giáo, và nhiều tôn giáo khác đã bị giám sát nghiêm ngặt hoặc cấm đoán dù họ chỉ là mong muốn có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo cùng những quyền cơ bản khác của con người. Việt Nam dựng lên các tổ chức tôn giáo “quốc doanh” nhằm kiểm soát các tôn giáo như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, Hội Thánh Tin Lành Miền Nam, Ủy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo, hoặc ngay cả tiêu diệt một tôn giáo nào đó để dựng một tôn giáo khác. Họ tiêu diệt tôn giáo Cao Đài chính truyền từ Thượng Đế để lập nên một tôn giáo giả là Chi Phái Cao Đài 1997 có tên Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh do ngụy tu sĩ Nguyễn Thành Tám cầm đầu. Chính quyền tạo dựng và nuôi dưỡng những ngụy tu sĩ nhằm kiểm soát và thao túng chính tôn giáo họ là thành viên, hoặc tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin khác để phục vụ cho mục đích chính trị. Ông Nguyễn Thành Tám của Cao Đài chi phái 1997, Thích Nhật Từ của Giáo Hội PGVN, ông Trương Bá Cần bên công giáo, hay hai ông Nay Sia và Y Tuân Mlô của Giáo Hội Tin Lành Miền Nam Việt Nam là những ngụy tu sĩ kiểu này. Trong lịch sử hiện đại, Công giáo và Tin Lành là hai tôn giáo bị chế độ cộng sản đàn áp khốc liệt nhất. Hai nhánh chính của Kitô giáo này đã có những ảnh hưởng lớn đến tiến trình xã hội và sự thăng tiến của con người, đặc biệt trong bối cảnh các chế độ độc tài và toàn trị. Công giáo và Tin Lành có truyền thống lâu dài về việc đấu tranh cho quyền con người và công bằng xã hội, bảo vệ những người bị áp bức, chống lại bất công và cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, khuyến khích sự tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội. Chế độ cộng sản toàn trị lo sợ tôn giáo, vì những tổ chức tôn giáo có khả năng đoàn kết và tổ chức quần chúng, khuyến khích tư tưởng tự do, nhân quyền, và chống lại sự bất công. Tôn giáo có mạng lưới tổ chức mạnh mẽ với hàng triệu tín đồ. Điều này tạo điều kiện cho việc tổ chức các phong trào quần chúng nhằm đòi hỏi công lý, tự do và quyền lợi cho con người. Bằng cách ủng hộ quyền tự do, công bằng xã hội, và thăng tiến con người, tôn giáo trở thành một thách thức trực tiếp đến quyền lực của các chính quyền độc tài vốn muốn kiểm soát toàn bộ mọi khía cạnh của đời sống. Tại Tây Nguyên, một số nhóm dân tộc không chỉ theo các tôn giáo mà còn kèm theo đòi quyền tự trị hoặc. Tin Lành Đề Ga là một ví dụ điển hình, vì ngoài tôn giáo thì còn liên quan đến phong trào đấu tranh vì quyền lợi của người Thượng. Chính quyền lo ngại rằng những phong trào này có thể gây ra bất ổn xã hội và chính trị. Chính quyền Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp để theo dõi, giám sát, ngăn chặn hoạt động của nhiều tôn giáo và đi đến cấm đoán, đàn áp. Chính quyền đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước để có thể hoạt động hợp pháp. Nhiều nhóm tín ngưỡng bản địa và Tin Lành ở Tây Nguyên không được chính quyền công nhận, và do đó bị coi là bất hợp pháp. Điều này dẫn đến việc các tín đồ bị hạn chế thực hành đức tin, bị bắt bớ, và nhà thờ bị phá hủy. Có những cáo buộc về việc chính quyền cưỡng ép người Thượng cải đạo sang các tôn giáo chính thống hơn, như đạo Công giáo hoặc Phật giáo, để dễ kiểm soát hơn. Một số người cho biết đã bị buộc phải từ bỏ niềm tin của mình dưới áp lực từ chính quyền địa phương. Các báo cáo từ các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch cho thấy những trường hợp người dân tộc Tây Nguyên bị bắt giam, tra tấn, và đàn áp vì lý do tôn giáo. Có những cuộc biểu tình của người dân Tây Nguyên nhằm phản đối sự kiểm soát của chính quyền về tôn giáo và đất đai, dẫn đến việc lực lượng an ninh đã đàn áp mạnh tay. Chính quyền thường sử dụng các biện pháp hành chính và pháp lý để hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân tộc thiểu số, từ chối cấp phép cho các hoạt động tôn giáo và cản trở những người lãnh đạo tôn giáo không được nhà nước công nhận. Chính quyền cũng dễ dàng tạo giả mạo chứng cứ, cáo buộc một số nhóm tôn giáo phạm tội. Muc sư đứng đầu Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, ông Aga, bị Công an tỉnh DakLak kết tội phản động, có mục tiêu chống phá Nhà nước và “đòi thành lập nhà nước riêng, tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Hai lãnh đạo của hội thánh này là ông Y Krec Byă, Y Coi Bkrong và các tín đồ cũng đã bị bắt. Mục sư Aga may mắn trốn thoát, và đang là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố. Luật sư Sean Nelson của ADF International – tổ chức luật sư nhân quyền Thiên Chúa giáo, có trụ sở tại thủ đô Vienna, Áo, hỗ trợ pháp lí cho tự do tôn giáo toàn cầu cho hay “Một trong những người Thượng bị đàn áp là cậu học sinh 19 tuổi Nie, chính quyền đã liên tục gởi giấy triệu tập nhằm đe dọa, thậm chí kiểm soát gia đình cậu. Nie bị mời lên đồn công an 6 lần trong vòng 4 ngày. Hiện Nie đang bị căng thẳng quá mức. Những việc đàn áp này không chỉ dừng ở người Thượng hoặc Mông, mà còn có các tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài.” Tình hình đàn áp tôn giáo tại Tây Nguyên vẫn tiếp tục được các tổ chức nhân quyền theo dõi và lên án. Chính quyền Việt Nam thường bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng họ chỉ duy trì trật tự xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia. Bài sau: Đàn áp tiếp nối đàn áp Bài liên quan: Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 6) - Hai cuộc biểu tình 2001, 2004 tại Tây Nguyên Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 4) - Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 3) - Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 2) - Tây Nguyên đang đi về đâu? Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 1) - Tây Nguyên và thú dữ Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét