Một người lính Ukraine đang điều khiển pháo xạ gần Chasiv Yar, Ukraine, tháng 11 năm 2024. Nguồn: Oleg Petrasiuk/ Lực lượng vũ trang Ukraine/ Reuters
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRUMP KẾT THÚC CHIẾN TRANH Ở UKRAINE
Tác giả: Michael McFau
Chuyển Ngữ: Trần Gia Huấn
Tóm tắt: Thuyết phục Kyiv đổi lãnh thổ lấy tư cách thành viên NATO
Khi vận động tranh cử, Trump hứa, nếu đắc cử, Trump sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong một ngày. Lời cam kết lạc quan này đã trở thành điệp khúc quen thuộc mỗi ngày. Trump là người duy nhất có thể buộc cả Nga và Ukraine phải đình chiến để đàm phán. Việc Trump trở lại Nhà Trắng đã dấy lên lời đồn đoán về một thỏa thuận hòa bình.
Chiến tranh thường kết thúc bằng hai cách: Một bên chiến thắng, hoặc cả hai cùng rơi vào thế bế tắc. Thực tế, cả Ukraine và Nga còn xa mới đến đích chiến thắng, và chưa bế tắc. Riêng Putin thì cho rằng ông đang chiến thắng. Nếu Trump càng dọa cắt viện trợ cho Ukraine, thì Putin càng táo tợn. Không có chuyện Putin ngừng tấn công, khi đối thủ đang rơi vào thế yếu. Nếu Putin cảm thấy Trump và ban lãnh đạo mới ve vuốt, hòa dịu thì Putin sẽ hung hăng lên nhiều.
Bài học mà Trump đã từng thương lượng với Taliban ở nhiệm kỳ 1.0 sẽ giúp Trump biết cách đối phó với Putin. Trump và Taliban đã thỏa thuận những điều khoản có lợi cho Taliban. Chính quyền Biden phải tôn trọng những điều khoản đã ký, gồm lệnh đình chiến, mốc thời gian rút quân, và thành lập chính phủ nhiều thành phần. Taliban không thực hiện lời cam kết, sử dụng lệnh đình chiến như một trạm dừng để giành chiến thắng. Hòa dịu với Taliban không tạo ra hòa bình. Hòa dịu với Putin càng không tạo ra hòa bình. Thay vì cho Putin tất cả những gì Putin muốn để Trump trở thành người đàm phán tài ba, Trump nên nghĩ đến một kế hoạch khuyến khích Ukraine nhường lại phần lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng đổi lấy nền an ninh vững chắc là thành viên NATO. Chỉ có thỏa hiệp này mới mang lại hòa bình lâu dài cho Ukraine.
Con át chủ bài trong tay Trump
Trong những lời hùng biện khi tranh cử, Trump cho rằng sự giúp đỡ Ukraine là vung phí, là kéo dài chiến tranh. Nhưng, nếu cắt viện trợ cho Ukraine bây giờ cũng không mang lại hòa bình. Ngược lại, còn thúc đẩy Putin mở rộng chiến tranh. Để tiến tới một thỏa thuận hòa bình, Trump nên cung cấp viện trợ quân sự đã phê duyệt, và báo hiệu sẽ cung cấp thêm vũ khí tấn công để ngăn đà tiến của Nga, đưa cuộc chiến vào thế bế tắc. Putin chỉ đàm phán khi quân Nga không thể chiếm thêm lãnh thổ, hoặc tốt hơn nữa là Nga bắt đầu thua. Putin chỉ nghiêm túc khi biết Mỹ không bỏ rơi Ukraine.
Trump phải thuyết phục Zelensky ngừng chiến đấu. Đây là một việc khó khăn. Bởi vì, không một tổng thống nào dám từ bỏ lãnh thổ. Từ bỏ đất đai đồng nghĩa với từ bỏ đồng bào. Không một lãnh đạo dân cử nào dám làm điều này. Trong cuộc thăm dò vào mùa thu năm nay, 88% dân Ukraine tin rằng họ sẽ thắng. Nhiều quân nhân Ukraine đang chiến đấu để trả thù cho đồng đội đã hy sinh, sẽ rất khó để hạ vũ khí.
Zelensky và người Ukraine không hy sinh quả cảm, nếu không nhận được thứ gì đó đáng giá như tư cách thành viên NATO. Việc trở thành thành viên NATO ngay lập tức sẽ giúp bù đắp lại những nhượng bộ đầy cay đắng khi cho phép 25% lãnh thổ nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Đây là con bài duy nhất mà Trump có thể chơi để thuyết phục người Ukraine ngừng chiến đấu.
Ukraine thuộc NATO là con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình lâu dài cho Ukraine. Đây là bài học phải áp dụng cho bất cứ nơi nào. Bản Đồng thuận Budapest – 1994 giữa Nga, Mỹ, Vương quốc Anh, và Ukraine đã trở thành giấy lộn. Anh và Mỹ không thực hiện cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine, đổi lấy việc Ukraine nhường lại kho vũ khí nguyên tử cho Nga. Người Ukraine thừa hiểu Nga không bao giờ dám đụng đến NATO, nhưng đã xâm lược Georgia năm 2008, xâm lược Ukraine năm 2014, năm 2022, và đang chiếm đóng một phần Moldova.
Người Ukraine đã chứng kiến Nga ký kết, cam kết, thỏa thuận, hiệp ước… nhưng vất bỏ ngay sau đó. Những mảnh giấy có chữ ký chẳng có ý nghĩa gì để ngăn cản những cuộc xâm lăng triền miên của Nga. Người Ukraine có lý. Họ hiểu rằng lệnh ngừng bắn, nhưng không là thành viên NATO, chỉ giúp Nga câu giờ, thêm thời gian tổ chức lại nền công nghiệp quân sự, chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng khác. Chính xác những gì đã xảy ra giữa 2014 đến 2022. Nếu người Ukraine chấp nhận sự chiếm đóng lâu dài của Nga trên ¼ lãnh thổ, thì họ cũng nên nhận được bảo đảm tin tưởng của NATO.
Thời điểm NATO kết nạp Ukraine có ý nghĩa lớn. NATO nên đưa ra lời mời chính thức vào thời điểm Zelensky và Putin tuyên bố ngừng chiến. Sau lời mời, các nước thành viên NATO phải phê chuẩn nhanh chóng. Trump phải đích thân lên tiếng để các thành viên khác không kéo dài quá trình phê chuẩn. Trump đang nắm trong tay vốn liếng chính trị lớn với thủ tướng Viktor Orban và Robert Fico. Trump nên sử dụng đòn bẩy này để kết thúc cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine.
Một ngày chiến thắng cho tất cả
Có ý kiến cho rằng, Putin không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO. Thế nhưng, việc Ukraine trở thành thành viên NATO không cần phải xin phép Putin, và Putin không có vai vế gì trong việc đàm phán giữa Ukraine và NATO. Cho phép Putin can thiệp vào lộ trình này sẽ bộc lộ sự yếu kém của Mỹ không những với Moscow mà còn cả với Bắc Kinh.
Nhiều người đánh giá quá cao mối quan ngại của Putin về việc Ukraine nhập NATO. Putin xâm lược Ukraine không phải vì lý do mở rộng NATO. Trước 2022, không ai bàn tới tư cách thành viên NATO của Ukraine. Từ Brussels tới Moscow, từ Kyiv tới Washington đều hiểu rõ điều này. Putin xâm lược Ukraine với một mục đích lôi kéo người Ukraine vào Nga để thống nhất nòi giống Slav, và phá hoại nền dân chủ Ukraine hướng về phương Tây. Putin không hề khó chịu khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào năm 2023 và 2024. Mặc dù, Phần Lan có chung đường biên giới dài 1400 Km với Nga. Chính Putin đã đẩy Ukraine về phía NATO, chứ NATO không lôi kéo Ukraine.
Hiển nhiên, Nga khăng khăng rằng Ukraine nhập NATO là đe dọa an ninh Nga. Trump có thể giải thích với Putin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ khóa tay Ukraine. Zelensky không chấp nhận việc mất lãnh thổ, nhưng một trong những điều kiện để Kyiv được nhập NATO là phải tìm kiếm sự thống nhất lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Tây Đức và Nam Hàn đã đồng ý những điều khoản tương tự để đổi lấy những hiệp ước quốc phòng với NATO và Mỹ. Một trong những điều kiện gia nhập NATO là Zelensky phải rút quân khỏi Kursk. NATO là một liên minh phòng thủ. NATO chưa bao giờ tấn công Liên Xô hoặc Nga. Putin hiểu rõ chuyện này.
Thời điểm thích hợp nhất để kết thúc chiến tranh là ngày Ukraine gia nhập NATO. Đó cũng là ngày huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Putin. Putin có thể tuyên bố với người Nga và toàn thế giới rằng: Ông đã thành công, đã chiến thắng. Putin sẽ cho duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Bên ông là những nhà lãnh đạo Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, đứng cạnh lăng Lenin. Putin sẽ có một vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa lịch sử Nga, ngang hàng với Peter Đại đế, Catherine Đại đế, Nguyên soái Stalin vĩ đại. Putin trở thành một trong những người mở rộng bờ cõi cho đế chế Nga. Putin tuyên bố chiến thắng, và sẽ không phá hỏng bữa tiệc chiến thắng của mình bằng một cuộc xâm lược khác, sẽ không đe dọa hay ngăn cản tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Vài chính khách ở Đức và Hung, thường bày tỏ lo lắng: Ukraine gia nhập liên minh sẽ châm ngòi Thế chiến III. Họ lập luận rằng: Nga và đồng minh sẽ mở rộng chiến tranh. Lập luận này sai. Sau ba năm tham chiến cay đắng và đau đớn với Ukraine, Nga không còn hứng thú gì để chiến đấu với một liên minh hùng mạnh nhất thế giới trong đó có quân đội Mỹ. Quân đội Nga đã chịu một tổn thất to lớn về sinh mạng và khí tài, trong lúc chỉ giành được vài chiến thắng nho nhỏ trước đội quân Ukraine yếu hơn. Putin không bao giờ dám gây chiến trực tiếp với Mỹ, khi đã có tới 78,000 tử sĩ trên chiến trường Ukraine. Ước tính số thương và vong của Nga khoảng 400,000 tới 600,000. Đó là chưa kể tới cuộc vật lộn sống mái chống các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các lãnh đạo Đức cũng nên hiểu những lợi ích to lớn của tư cách thành viên NATO. Tây Đức nhập NATO năm 1955 mà không hề châm ngòi cho Thế Chiến III; trong khi, Tây Berlin bị vây quanh bởi lãnh thổ Đông Đức. Ngược lại, với tư cách thành viên NATO, Tây Đức đã sống sót ngay cạnh Hồng Quân Liên Xô đồn trú ở bên kia biên giới Đông Đức.
Nhìn rộng hơn, Âu châu sẽ hưởng lợi lớn về kinh tế từ một Ukraine ổn định và an toàn. NATO không phải cung cấp hàng tỷ Mỹ kim cho Ukraine, không phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn. Giống như trong Chiến tranh Lạnh, NATO đã tạo điều kiện cho Tây Âu phát triển. Giờ đây, Ukraine thuộc NATO sẽ giúp nền kinh tế của các thành viên khác hưởng lợi, thương mại, đầu tư bùng nổ thời hậu chiến. Mỹ sẽ tiếp cận nguồn khoáng sản quan trọng của Ukraine. Mỹ sẽ giảm phụ thuộc vào những nhà cung cấp chuyên quyền, không đáng tin cậy.
Tâm điểm là Trump
Trump là người hoài nghi về NATO và nguồn viện trợ cho Ukraine, không dễ gì thuyết phục ông đi theo hướng này. Tuy nhiên thỏa thuận trên sẽ giúp Trump đạt được một số mục tiêu của riêng ông. Bằng cách kết nạp Ukraine vào NATO, Trump sẽ giành được một chiến thắng ngoại giao quan trọng là chia sẻ gánh nặng của NATO. Sau khi vào NATO, quân đội Ukraine, chỉ sau một đêm, sẽ trở thành quân đội Âu châu mạnh và giàu kinh nghiệm nhất trong liên minh. Lực lượng võ trang Ukraine có thể được triển khai tới những quốc gia đồng minh khác giúp Washington bớt gánh nặng.
Ukraine sẽ giúp các thành viên NATO có đường biên giới với Nga về kỹ thuật điều khiển phương tiện không người lái trên không, trên biển, và trên bộ mà quân đội Ukraine vô cùng lão luyện. Trump có thể giải thích cho dân Mỹ rằng: Kết nạp Ukraine vào NATO sẽ giúp Mỹ bớt chi tiêu quốc phòng, tập trung ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Kế hoạch này sẽ giúp tránh được sự sụp đổ có thể xảy ra như ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân 2021. Nó cũng tạo ra một nền hòa bình lâu dài ở Âu châu, chứ không phải là lệnh ngưng bắn tạm thời mà Nga dễ dàng xé bỏ. Nếu Trump thành công trong việc môi giới đạt đến thỏa thuận này, ông xứng đáng trở thành ứng cử viên cho giải Nobel Hòa Bình mà ông hằng khao khát.
Không dễ gì thuyết phục Putin và Zelensky hạ vũ khí để đàm phán. Trump sẽ bực bội khi dùng việc hỗ trợ Ukraine làm phương tiện đàm phán. Thế nhưng, cuộc chiến kéo dài bất tận, hoặc đầu hàng Putin thì còn tồi tệ hơn nhiều.
Tác giả: Michael McFau là giáo sư Khoa Chính trị, nghiên cứu viên cao cấp Học viện Hoover, giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Ông McFau từng giữ chức Đại sứ Mỹ ở Nga từ năm 2012 tới 2014, và là tác giả của cuốn sách “Từ Chiến Tranh Lạnh Tới Hòa Bình Nóng: Đại sứ Mỹ tại nước Nga của Putin”.
Tiếng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét