Tất cả chúng ta đều từng gặp những người tham lam, và dường như với họ không bao giờ là đủ, ngay cả khi họ đã có rất nhiều. Một số người trong chúng ta có thể bị ám ảnh trước khao khát có nhiều hơn: nhiều tiền hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều tình cảm hơn, nhiều danh tiếng hơn, .v.v.
Đôi khi, thật khó để nhớ ra rằng chúng ta đến thế giới này với tay trắng và cũng sẽ ra đi trắng tay. Có lẽ, cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh) của nhà văn Charles Dickens và bức tranh minh họa của họa sĩ Arthur Rackham nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc vượt qua lòng tham của chính mình.
Tiểu thuyết ‘Hồn ma đêm Giáng Sinh’ của nhà văn Charles Dickens
Trong tiểu thuyết “Hồn ma đêm Giáng Sinh” của nhà văn Charles Dickens, nhân vật Ebenezer Scrooge nổi tiếng là người sống keo kiệt và bủn xỉn. Thậm chí vào Đêm Vọng của Lễ Giáng Sinh (đêm trước Lễ Giáng Sinh), ông ta không những từ chối chia sẻ của cải của mình cho việc thiện nguyện, mà còn [từ chối chia sẻ] tinh thần của Lễ Giáng Sinh với cháu trai. Thay vào đó, ông ôm giữ trái tim lạnh giá hơn cả mùa đông Giáng Sinh.
Thế nhưng, vào Đêm Vọng của Lễ Giáng Sinh đó, khi ông Scrooge đang ngồi một mình trong căn phòng lạnh lẽo thì hồn ma của người bạn buôn bán với ông là Jacob Marley ghé thăm. Ở thế giới bên kia, ông Marley đang bị trừng phạt vì lòng tham của mình và phải lang thang trên trái đất với những xiềng xích đè nặng trên thân. Ông ta mong muốn giúp ông Scrooge tránh được số phận tương tự, và cho ông ta biết rằng sẽ có ba hồn ma ghé thăm.
Đầu tiên, “Hồn ma của Giáng Sinh Quá khứ” đến thăm ông Scrooge. Hồn ma này nhắc nhở ông về xuất thân khiêm tốn của mình, cho ông thấy quá khứ khi ông còn là một cậu học trò và một người học việc. Hồn ma cũng cho ông thấy hôn ước giữa ông và tình yêu cuộc đời là bà Belle đã kết thúc chỉ vì lòng tham tiền bạc quá lớn của ông. Ông Scrooge cảm thấy hổ thẹn về bản thân.
Tiếp theo, “Hồn ma của Giáng Sinh Hiện tại” đến và đưa ông Scrooge đi khắp London để ông có thể nhìn thấy những người khác đang đón Lễ Giáng Sinh như thế nào. Ông Scrooge chứng kiến cảnh nghèo khổ của anh Bob Cratchit, nhân viên của ông. Gia đình Cratchit chỉ có bữa ăn đạm bạc vào dịp Lễ Giáng Sinh, còn cậu con trai út Tiny Tim thì bị mắc bệnh hiểm nghèo. Hồn ma cũng đưa ông Scrooge đến nhà cháu trai của ông để chứng kiến gia đình cậu đón mừng Lễ Giáng Sinh mà không có ông, và ông Scrooge tràn ngập xúc động.
Cuối cùng, “Hồn ma của Giáng Sinh Tương lai” cho ông Scrooge thấy cái chết của một người đàn ông bí ẩn. Ông Scrooge tình cờ nghe thấy mọi người phàn nàn về lòng tham và sự nóng nảy của người đã khuất. Hai thương nhân bàn luận về kẻ bần tiện mới qua đời này, và một người nói, “Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?”. “Old Scratch” là tên gọi khác của Ác quỷ. Ông Scrooge được đưa đến nghĩa trang, nơi ông nhận ra mình chính là người đàn ông đã qua đời kia.
Quá choáng váng, ông Scrooge cầu xin sự tha thứ. Ông không muốn chết, cũng không muốn bị mọi người nhớ đến như một thương nhân già tham lam và vô cảm. Ông thề sẽ thay đổi cách sống của mình, trao tặng và cư xử tử tế với mọi người.
Bức tranh “Old Scratch has got his own at last, hey?” (Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?), năm 1915, của họa sĩ Arthur Rackham.
‘Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?’
Ông Arthur Rackham là họa sĩ người Anh sống vào thế kỷ 19, người vẽ bức tranh minh họa cho tác phẩm “Hồn Ma Đêm Giáng Sinh” của Charles Dickens. Một trong những tác phẩm minh họa của ông có tên là “Old Scratch has got his own at last, hey?” (Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?), trong đó ông Rackham diễn giải và mô tả cảnh “Hồn ma của Giáng Sinh Tương lai” tiết lộ tương lai cho ông Scrooge.
Hai nhân vật cao lớn là ông Scrooge và Ác quỷ choán phần lớn bố cục của bức tranh. Nhân vật bên trái là ông Scrooge. Ông đang kinh hãi nhìn tên ác quỷ đứng trước mặt mình. Toàn bộ bộ trang phục trên người ông đều nhăn nhúm, như thể ông đang run lẩy bẩy trước sự hiện diện của Ác quỷ. Ông cũng nắm chặt hai túi tiền, mỗi tay một túi.
Ác quỷ hơi nghiêng người về phía ông Scrooge và ngoắc tay ra hiệu cho ông Scrooge lại gần. Tay khác, hắn cầm một thứ như lưỡi hái mà hắn thường dùng để bắt giữ các nạn nhân của hắn. Ác quỷ được mô tả là nửa người nửa thú, đuôi của hắn trườn lên và quấn quanh cổ tay như thể ngay cả bản thân hắn cũng đang bị giam cầm bởi chính những ham muốn xấu xa của mình.
Bên dưới ông Scrooge và Ác quỷ là hai thương nhân đang trò chuyện trong đám tang mô phỏng của ông Scrooge. Họ mặc áo khoác dài và đội mũ chóp cao. Họ nói chuyện và bắt tay nhau. Dựa vào nhan đề của bức tranh minh họa này, chúng ta cũng có thể đoán được người này đang nói với người kia, “Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?”
Lòng tham quỷ dữ
Câu chuyện của nhà văn Dickens và bức tranh minh họa của họa sĩ Rackham có thể mang đến cho chúng ta một cái nhìn sáng tỏ về bản chất của Ác quỷ và lòng tham. Như đã đề cập trước đó, “Old Scratch” ám chỉ Ác quỷ và “chính hắn” ngụ ý là ông Scrooge. Do đó, bức tranh minh họa của Rackham miêu tả việc Ác quỷ đã bắt ông Scrooge để làm tài sản của mình.
Tuy nhiên, câu nói của vị thương nhân và nhan đề của bức tranh đã gợi ý rằng, Ác quỷ không thể bắt giữ bất cứ ai, ngoại trừ chính hắn. Nghĩa là, Ác quỷ chỉ có thể bắt được những người giống như hắn. Và điều gì khiến ông Scrooge giống như Ác quỷ? Đó chắc chắn phải là lòng tham.
Tham lam và sợ hãi thường có mối tương quan với nhau, vì người tham lam thường lo sợ mất đi hoặc không có đủ. Nỗi sợ hãi thôi thúc họ kiếm nhiều hơn và tích trữ nhiều hơn; nếu không thì có lẽ họ đã không tham lam như vậy. Thoạt nhìn thì có vẻ như ông Scrooge sợ Ác quỷ, và có thể là ông sợ thật. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, bạn có thể nhận thấy ông ta sợ phải từ bỏ những túi tiền mà ông đang nắm chặt trong tay hơn.
Ngay cả khi đối mặt với cái chết và mối đe dọa cực hình của Ác quỷ, thì ông Scrooge vẫn không thể buông bỏ tiền tài của mình. Cơ thể ông ta run lên xoay túi tiền [qua hướng khác] khi Ác quỷ đến gần. Chính lòng tham quá độ và sự tàn phá này là điều khiến Scrooge giống như Ác quỷ.
Và Ác quỷ cũng tham lam. Trong truyền thống Cơ Đốc Giáo, kẻ tham lam quyền lực nên bị đuổi khỏi thiên đàng. Ở địa ngục, Ác quỷ tham lam các linh hồn và dùng công cụ giống như lưỡi hái để giam cầm những ai có chung lòng tham với hắn. Ngay cả chiếc đuôi của Ác quỷ, dường như cũng mang ý nghĩa riêng khi quấn quanh cổ tay hắn như chiếc cùm của tù nhân. Như thể chiếc đuôi, bộ phận thấp nhất của động vật trong một con người tràn đầy lòng tham đã nhận ra lòng tham và tìm cách giam cầm nó.
Vậy phải chăng, không chỉ có Ác quỷ đang đến và bắt giữ những kẻ giống hắn, mà ngược lại, chính lòng tham cũng đang giam cầm những kẻ thực hành nó, kể cả chính Ác quỷ?
Lễ Giáng Sinh này, sẽ không có hồn ma nào đến giúp chúng ta mặc cả và vượt qua lòng tham của mình. Vậy làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi xiềng xích của nó? Những trải nghiệm của ông Scrooge nhắc nhở ông phải tử tế, rộng lượng, và quan tâm đến những người xung quanh. Có lẽ, Giáng Sinh này và nhiều Giáng Sinh tiếp nữa, chúng ta có thể nhớ tới nhân vật Scrooge và cố gắng làm điều tương tự.
Bạn đã từng nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp nhưng lại không biết ý nghĩa của tác phẩm đó là gì? Trong loạt bài “Chạm đến tâm hồn: Nghệ thuật truyền thống mang lại điều gì cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển theo nhiều cách mà có thể mang đến sự hiểu biết sâu sắc về đạo đức đối với chúng ta thời nay. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng tác phẩm nghệ thuật để xem những sáng tạo lịch sử này có thể truyền cảm hứng như thế nào cho lòng tốt thiên bẩm của chúng ta.
Eric Bess _ Chi Lan
Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét