Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Nhà Nước Việt Nam Trả Lời LHQ Như Thế Nào Về Anh Y Quynh Bdap Và Người Thượng?

Y Quynh Bdap (trái) và Y Pher Hdruê vào tháng 3/2024. 

NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRẢ LỜI LHQ NHƯ THẾ NÀO VỀ ANH Y QUYNH BDAP VÀ NGƯỜI THƯỢNG?
Mạch Sống

Nhà nước Việt Nam trả lời LHQ như thế nào về anh Y Quynh Bdap và người Thượng?

2024-12-23

Y Quynh Bdap (trái) và Y Pher Hdruê vào tháng 3/2024. 

Hải-Di Nguyễn

Ngày 10/12/2024 vừa qua, LHQ công bố bức thư của chính phủ Việt Nam trả lời thư cáo buộc của 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về trường hợp nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap và một số vấn đề khác liên quan tới người Thượng.

Anh Y Quynh Bdap là người Êđê tỵ nạn tại Thái Lan, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ), và hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam vì cáo buộc đứng sau vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023. Bản thân anh đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Cho bài viết sau, tôi cũng phỏng vấn ông Y Pher Hdruê, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, về cách trả lời của nhà nước Việt Nam.

 

Thư cáo buộc nêu ra những vấn đề gì?

Bức thư của 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ nhắc tới những vấn đề sau:

  • Phiên tòa xử 100 cá nhân về cáo buộc liên quan tới vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023
  • Cách nhà nước Việt Nam bắt và giam giữ các nghi phạm trước phiên tòa
  • Cáo buộc nhà nước Việt Nam kỳ thị sắc tộc và đàn áp tôn giáo với người Thượng Tây Nguyên
  • Việc Việt Nam xếp Hội Người Thượng vì Công lý là tổ chức khủng bố vào ngày 6/3/2024
  • Cáo buộc Việt Nam tìm cách đưa người Thượng ở Thái Lan về Việt Nam, bao gồm trường hợp anh Y Quynh Bdap
  • Cái chết của ông Y Bum Byă ngày 8/3/2024 tại Đắk Lắk

 

“Người Thượng” hay “Montagnard” có phải là “ngôn ngữ miệt thị”?

Mở đầu câu trả lời, chính phủ Việt Nam nói “Việt Nam kiên quyết phản đối việc sử dụng từ ‘Montagnard’ để gọi bất kỳ sắc tộc nào ở Việt Nam. Thuật ngữ này, do thực dân dùng cùng các ngôn từ miệt thị và phân biệt chủng tộc khác, xếp chung một loạt các sắc tộc khác nhau ở Tây Nguyên mà không quan tâm tới sự đa dạng của hàng chục các sắc tộc khác nhau cùng chung sống ở đó, với bản sắc, văn hóa, phong tục, và tập quán riêng đáng được tôn trọng.”

Nhà nước Việt Nam “cũng kiên quyết phản đối” việc công văn chính thức của LHQ dùng chữ “Montagnard”, tức “người Thượng”.

Ông Y Pher Hdruê, sắc tộc Êđê, nói “Từ ‘người Thượng’ là từ thời Việt Nam Cộng Hòa”, vì sống ở khu vực thượng du miền núi. “Còn thời Pháp thì gọi là ‘Montagnard’. Nhưng tất cả các sắc tộc ở Tây Nguyên thì gọi chung là ‘Đê-ga’ hay ‘Degar’.”

Ông khẳng định từ “người Thượng” lẫn từ “Montagnard” đều không phải là ngôn ngữ miệt thị hay xúc phạm. Bản thân tôi đã tiếp xúc với nhiều người Thượng (Êđê, J’rai, K’ho…) và họ dùng cụm từ “người Thượng”. Tổ chức Người Thượng vì Công lý là một tổ chức của người Thượng cho người Thượng.

Nhưng tại sao nhà nước Việt Nam phản đối cụm từ này? Ông Y Pher Hdruê cho rằng đó là vì “họ không muốn các sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên đoàn kết với nhau… Họ muốn tách ra, họ muốn sắc tộc nào thì gọi sắc tộc đó, như sắc tộc Êđê.”

 

Việt Nam nói gì về phiên tòa 100 người về vụ xả súng ngày 11/6/2023?

Ngày 11/6/2023, đã xảy ra vụ xả súng nhắm vào trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, trong đó có công an xã, cán bộ xã, và dân thường.

 “Chúng tôi lo ngại rằng phiên tòa xét xử hình sự lưu động với 100 bị cáo vào tháng 1/2024 không đáp ứng các tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật nhân quyền quốc tế”, các Báo cáo viên Đặc biệt nói. “[Chỉ] có 19 luật sư được chỉ định cho 94 bị cáo có mặt tại tòa, và 6 người bị xét xử vắng mặt không có bất kỳ đại diện pháp lý nào”.

Việt Nam không phủ nhận việc 6 người bị xét xử vắng mặt, trong đó có anh Y Quynh Bdap, không có đại diện pháp lý. Cũng không phủ nhận việc 94 bị cáo chỉ có 19 luật sư.

Họ nói “Trong toàn bộ thời gian xét xử và điều tra, các bị cáo lẫn luật sư đều không nộp bất kỳ khiếu nại nào về các hành vi điều tra hay bất kỳ hình thức tra tấn, cưỡng ép, hay đánh đập nào của công an.”

Chúng ta không thể biết được quá trình điều tra 94 người này diễn ra ra sao. Nhưng chúng tôi đã phỏng vấn và có nhiều bài viết đã đăng trên Mạch Sống về những nhân chứng người Thượng từng bị công an Việt Nam đánh đập, tra tấn, ép cung trong trại giam. Có người bị đánh đến ngất xỉu. Có người bị đập gãy xương. Có người bị nhốt trong hầm tối mịt mù, không chút ánh sáng.

Chính anh Y Quynh Bdap cũng cho biết mình trước đây bị công an hành hạ đánh đập ở Việt Nam.

 

Việt Nam trả lời ra sao về cáo buộc đàn áp người Thượng?

Nhà nước Việt Nam nói “Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, với 54 dân tộc chung sống hòa thuận, cùng nhau đấu tranh giải phóng đất nước, góp phần phát triển đất nước.” Họ khẳng định Việt Nam không có phân biệt hay kỳ thị, mọi sắc tộc đều bình đẳng như nhau.

Đây là những điều phái đoàn nhà nước Việt Nam đã nói đi nói lại tại phiên rà soát vào cuối tháng 11/2023 về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, viết tắt là CERD).

Dựa theo thông tin từ các tổ chức XHDS (bao gồm BPSOS), LHQ đã đặt câu hỏi về chênh lệch giàu nghèo và điều kiện học hành giữa người Kinh và các sắc tộc khác; về sự phân biệt một cách hệ thống về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và đất đai với người Thượng, người H’mông, người Khmer Krom; về cách nhà nước Việt Nam cưỡng chế đất đai, ép buộc bỏ đạo, đuổi tín hữu Tin Lành người Thượng và người H’mông khỏi làng, tước đoạt giấy tờ tùy thân và biến họ trở thành “vô quốc tịch” trên chính quê hương mình; tra khảo, bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, v.v.

Phái đoàn Việt Nam trả lời lấp liếm, bị khiển trách là thiếu số liệu. Không chỉ vậy, như đã nói trong bài viết sau phiên rà soát, ông Gun Kut, một trong các thành viên của CERD, đã “nói các vị không cần đọc lại báo cáo, chúng tôi đã đọc rồi; các vị nhắc rất nhiều đến Hiến pháp, đến luật này luật nọ, nhưng không cho thấy các điều luật đó được áp dụng như thế nào; đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam bị rà soát về vấn đề nhân quyền, và họ chẳng nói được gì mới.”

Ông Y Pher Hdruê nói thêm “Phong tục tập quán của người bản địa, họ xóa bỏ, đồng hóa.”

Trong thư, nhà nước Việt Nam cũng lần nữa nói họ không công nhận khái niệm người bản địa.

 

Tổ chức Người Thượng vì Công lý nói gì về cái nhãn khủng bố?

Ông Y Pher Hdruê nói nhà nước Việt Nam dùng vụ xả súng ngày 11/6/2023 làm cái cớ để đàn áp người Thượng và răn đe những người khác, khiến họ không dám cung cấp thông tin cho Người Thượng vì Công lý.

Ông nói “Tổ chức Người Thượng vì Công lý không liên quan”, và cũng nói anh Y Quynh Bdap không dính gì tới vụ tấn công đó.

“Theo tôi thấy là không có bằng chứng gì hết.”

 

Tình hình anh Y Quynh Bdap hiện nay ra sao?

Y Pher urges Thai government not to extradite Y Quynh

Tháng 1/2024, anh Y Quynh Bdap bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử vắng mặt, với bản án 10 năm tù giam. Anh đã tỵ nạn ở Thái Lan từ năm 2018, được quy chế chính thức từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Ngày 11/6/2024 vừa qua, anh bị bắt ở Thái Lan và hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam. BPSOS đang tiếp tục vận động cho anh Y Quynh Bdap.

Mạch Sống 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét