- Tham nhũng, đòi tiền, đòi tình trong thanh lọc
Ts. Nguyễn Đình Thắng Ngày 26 tháng 12, 2024 http://machsongmedia.org Phe ủng hộ CPA xác quyết rằng kết quả thanh lọc tị nạn là xác đáng. Tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995, Bà Phyllis Oakley, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách tị nạn, nhấn mạnh: “40.000 thuyền nhân Việt Nam, hơn phân nửa ở Hồng Kông, không được cứu xét là có tư cách tị nạn và, theo CPA, bắt buộc phải hơi hương. Họ sẽ không bị đàn áp. Việt Nam không trả thù thuyền nhân hồi hương.” Trước đó 2 tuần, các đại diện của nhóm Tổ Hợp Consortium, mà SEARAC là thành viên mở rộng, khẳng định tại buổi họp với TNS Frank Lautenberg khi Ông công du Việt Nam: “Số 43 nghìn thuyền nhân còn ở các trại đều đã bị từ chối tư cách tị nạn thông qua thể thức thanh lọc chu đáo của CPA dưới sự giám sát của CUTN/LHQ, một thủ tục pháp lý tốn kém nhất trong lịch sử của CUTN/LHQ. Có thể có vài khiếm khuyết trong tiến trình thanh lọc, tuy nhiên không thể để chúng ảnh hưởng các kết quả tích cực của CPA.” Tại buổi điều trần, Bà Oakley cho biết có chăng là một số nhỏ hồ sơ không là tị nạn nhưng có yếu tố nhân đạo có thể được Bộ Ngoại Giao xét lại: “...trong khi họ không được xét là tị nạn, dù vậy có thể vì lợi ích nhân đạo cho Hoa Kỳ... chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ một đề nghị tạo cơ hội phỏng vấn tái định cư sau hồi hương cho người hiện ở các trại đồng ý hồi hương tự nguyện.” Trong bản tuyên bố gửi vào hồ sơ điều trần, Ông Lê Xuân Khoa đồng tình là chỉ xét lại “một số giới hạn” hồ sơ liên quan đến cựu tù chính trị, cựu nhân viên Hoa Kỳ, lãnh đạo tôn giáo, người bất đồng chính kiến, thân nhân cách ly, và trường hợp nhân đạo đáng thương tâm. Ông ta gọi đó là các hồ sơ thuộc “Khu Vực Xám”. Hình 1 – Ông Lê Xuân Thọ tự thiêu ngày 20 tháng 5, 1994, để phản đối thanh lọc bất công, trại Galang, Indonesia (trích tài liệu về tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia) Thế nào là “một số giới hạn” Chính xác đó là 535 hồ sơ mà InterAction đã nộp cuối năm 1994 cho Bộ Ngoại Giao khi Bộ Ngoại Giao ngỏ ý sẽ cứu một số hồ sơ bị cho là oan sai trong thanh lọc. Hầu như không tổ chức nào có hồ sơ ngoại trừ BPSOS. Trong số 535 hồ sơ, khoảng 520 là do tôi thu thập từ các hồ sơ “mạnh” nhất của BPSOS và LAVAS, chương trình do BPSOS quyết định thành lập cuối năm 1990. Đó cũng là số 500 hồ sơ mà Ông Rees, Cố Vấn Trưởng của DB Smith, nhắc đến về buổi họp đầu tháng 2 năm 1995 với Ông Shep Lowman, Ông Lionel Rosenblatt và tôi. “... tôi hỏi các người đi vận dộng này tại sao, nếu tiến trình [thanh lọc] tỏ ra tệ hại đến thế, lại chỉ yêu cầu tái thanh lọc có 500 hồ sơ?” (Trích email ngày 29 tháng 1, 2022 của Ông Rees trả lời Ông Lê Xuân Khoa) Làm phép thử, tôi đã cài vào đó 2 hồ sơ mà tôi yêu cầu DB Smith chuyển trực tiếp cho CUTN/LHQ. CUTN/LHQ đã tái xét và công nhận 2 hồ sơ này là tị nạn. Bộ Ngoại Giao đã lọc từ 535 hồ sơ ra 48 hồ sơ, không có 2 hồ sơ làm phép thử, để chuyển cho CUTN/LHQ. CUTN/LHQ cho biết 12 hồ sơ, khoảng trên dưới 30 người, được tái xét là tị nạn. Tại buổi điều trần, tôi giải thích lý do không thể tin vào giải pháp do Bộ Ngoại Giao đề xuất: “Các hồ sơ này được [BPSOS] gom lại thành từng đợt. Trong đợt thứ nhất gồm các hồ sơ mạnh, tôi đã cố tình cài vào 2 hồ sơ đặc biệt, cốt để làm phép thử cho hệ thống [tuyển lọc của Bộ Ngoại Giao], và 2 hồ sơ này -- ừ, một hồ sơ là vị sư Phật Giáo. Cả 2 hồ sơ này rất đặc biệt vì đã được CUNT/LQH tái xét là tị nạn theo thẩm quyền riêng. Bộ Ngoại Giao không biết điều này và kết quả [tái xét của CUTN/LHQ] chưa được công bố. “Hai hồ sơ này đã không nằm trong số 48 hồ sơ được Bộ Ngoại Giao lọc ra để chuyển cho CUTN/LHQ xem xét. Khi tôi hỏi giới chức Bộ Ngoại Giao chịu trách nhiệm tuyển lọc số 48 hồ sơ vì sao 2 hồ sơ kia đã không được chọn, ông ta trả lời rằng vị sư Phật Giáo sẽ không bị gì nếu sống khép mình, nếu không làm gì trái với chính sách của nhà nước.” Sau khi chỉ ra rằng vị sư này từng bị đàn áp vì không tham gia giáo hội Phật giáo do nhà nước dựng lên, không lẽ khi hồi hương phải tham gia để được yên thân, tôi kết luận: “Tôi tin rằng [Bộ Ngoại Giao] chẳng có tiêu chuẩn [tuyển lọc] rõ ràng. Mặc dù tôi không muốn đặt vấn đề về ý định của Bộ Ngoại Giao, tôi cảm thấy chúng ta phải đặt dấu hỏi về sự phán xét của họ khi tuyển lọc các hồ sơ.” Bộ Ngoại Giao đề ra giải pháp mà Ông Lê Xuân Khoa mệnh danh “Khu Vực Xám” không vì thiện chí mà chỉ để thuyết phục Thượng Viện là đã có sẵn giải pháp thoả đáng, không cần đến điều luật chống CPA của DB Smith. Như tôi chứng minh, để Bộ Ngoại Giao tuỳ tiện tuyển lọc hồ sơ "Khu Vực Xám" sẽ là tai hoạ. Phải xoá toàn bộ kết quả thanh lọc CPA và phỏng vấn lại mọi thuyền nhân, do viên chức tị nạn Hoa Kỳ thực hiện theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ. Đó chính là nguyên tắc căn bản của điều luật chống CPA của DB Smith, làm nền tảng cho chương trình ROVR. Quyết định đối đầu Khoảng gần cuối năm 1993, Tổ Công Tác CPA (CPA Task Force), gồm một số tổ chức hội viên của liên minh InterAction thành lập, mời tôi tham gia. Lúc ấy Ông Lionel Rosenblatt và Ông Lê Xuân Khoa là đồng chủ toạ. Chỉ được 3 tháng, tôi rút ra vì thấy rằng chủ trương của họ là ủng hộ CPA, chấp nhận kết quả thanh lọc tị nạn, đồng ý hồi hương thuyền nhân và chỉ vớt vát một số nhỏ hồ sơ có quan hệ với Hoa Kỳ hoặc có lý do nhân đạo đặc biệt. Theo tôi, muốn giải cứu đồng bào thì phải xóa bỏ CPA dù điều này dẫn đến đối đầu với Bộ Ngoại Giao, CUTN/LHQ và các tổ chức NGO trước kia là đồng minh nhưng đã xoay chiều. Bước sang năm 1994, chúng tôi bắt đầu đối đầu: - Tháng 2, 1994 – LAVAS kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vi phạm Luật Di Dân và Nhập Tịch vì không giải quyết đơn của công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ bảo lãnh đoàn tụ gia đình cho thân nhân là thuyền nhân bị “rớt thanh lọc” ở Hồng Kông.
- Tháng 8, 1994 – BPSOS phát hành tài liệu về tình trạng tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia, có sự tham gia hoặc bao che của một số luật sư và viên chức CUTN/LHQ. Nhiều thuyền nhân, vì uất ức, đã thắt cổ hoặc tự thiêu.
- Tháng 9, 1994 – BPSOS phát hành tài liệu lên án CUTN/LHQ vi phạm nguyên tắc bảo vệ đơn vị gia đình, là một nhân quyền được LHQ công nhận, trong các trường hợp gia đình phân tán ở nhiều trại; người này được công nhận là tị nạn có thể tái định cư còn người kia bị “rớt thanh lọc” phải hồi hương.
- Tháng 12, 1994 – BPSOS vận động chính phủ Indonesia tách ra khỏi sự ràng buộc của CPA và CUTN/LHQ để giải quyết tình trạng thuyền nhân một cách nhân đạo và hiệu quả.
Xem phần tài liệu tham khảo. Hình 2 – Ông Nguyễn Văn Quang, hạ sĩ VNCH, binh chủng nhảy dù, treo cổ tự vẫn ngày 12 tháng 4, 1992, trại Galang, Indonesia Tham nhũng và bê bối trong thanh lọc Tại buổi điều trần, Bà Oakley chống chế tài liệu của BPSOS về tham nhũng ở Indonesia. Tài liệu nêu rõ tên tuổi của các viên chức di trú Indonesia đòi tiền, đòi sex và một số luật sư và viên chức CUTN/LHQ thông đồng hay bao che cho họ. Thậm chí họ có bảng giá từ 2.000 đến 12.000 Mỹ kim tuỳ giai đoạn trong tiến trình “thanh lọc”. Trong nhiều trường hợp, Phật tử ở trại và ở ngoại quốc đã gom tiền để “mua” tư cách tị nạn cho các nhà sư với giá 5.000 – 7.000 Mỹ kim. Tài liệu có kèm chứng cứ và lời chứng của nạn nhân cũng như danh sách những người sẵn sàng làm chứng, kể cả nhân chứng đã bị đòi sex và phải trả giá để được xét là tị nạn. Tài liệu này chúng tôi đã gửi cho Bà Oakley và CUTN/LHQ từ tháng 8 năm trước, nhưng họ lờ đi. Chỉ 2 ngày trước buổi điều trần CUTN/LHQ mới nộp tài liệu phản bác để Bà Oakley viện dẫn. Tài liệu phản bác công nhận có luật sư CUTN/LHQ lấy tiền của thuyền nhân, có việc tống tiền, tống tình. Tuy nhiên, họ lập luận rằng tham nhũng chỉ giúp người không xứng đáng là tị nạn được công nhận tư cách tị nạn, chứ không hề có trường hợp ngược lại. Bà Oakley nói là mới chỉ biết thông tin của BPSOS dù thực tế chúng tôi đã gửi đi từ gần một năm trước: “Tôi ở Geneva tuần qua. Tôi gặp các giới chức CUTN/LHQ về việc này... Họ đã khởi động cuộc điều tra các cáo buộc về những điều sai trái... liệu người ta được xét là tị nạn một cách sai trái, hay bị từ chối một cách sai trái? Tôi nghĩ là không ai muốn đặt câu hỏi về trường hợp được tư cách tị nạn một cách sai trái...” Tài liệu của CUTN/LHQ đi xa hơn. Nó khẳng định rằng, qua rà soát, họ thấy không hồ sơ nào bị từ chối tư cách tị nạn một cách oan sai; tham nhũng chỉ giúp những người không tư cách tị nạn được xét là tị nạn. Ông Claude Pépin, đại diện nhóm Tổ Hợp, đệm thêm: “Kinh nghiệm của chúng tôi ở Galang trong tiến trình thanh lọc không dính dự đến thanh lọc, tuy nhiên, nhân viên của chúng tôi khi ấy báo cáo miệng về sự lạm dụng quyền lực dẫn đến những người lẽ ra bị loại đã được công nhận tư cách tị nạn. Là một trong số ít NGO Hoa Kỳ có nhân viên ngoại quốc sống tại Galang, chúng tôi không nghe thấy các hồ sơ bị loại mà lẽ ra phải được công nhận tư cách tị nạn.” Đó là lập luận “cùng một giuộc” với nhau của những thành phần ủng hộ CPA: CUTN/LHQ, Bộ Ngoại Giao, Ông Lê Xuân Khoa, Ông Claude Pepin... Hình 3 – Cô Trịnh Kim Hương, 28 tuổi, tự thiêu ngày 30 tháng 8, 1991 ngay khi nhận kết quả bị từ chối tư cách tị nạn, trại Galang, Indonesia Khi bị phanh phui những điều cực kỳ tệ hại, bê tha trong thanh lọc không thể phủ nhận, họ tuyên bố bừa rằng tham nhũng chỉ sai một chiều: giúp người không xứng đáng trở thành tị nạn, chứ không hồ sơ nào bị oan sai. Khi DB Tom Davis, đại diện địa hạt cử tri Bắc Virginia, hỏi về điều này, tôi trả lời: “Rất khó để tin rằng các viên chức thanh lọc tự dưng trở nên trong sạch khi đối diện một hồ sơ tị nạn đích thực. Tôi không nghĩ rằng người như họ bỗng trở nên thánh thiện. Không chỉ có vậy, chúng tôi đã có được các tài liệu [nội bộ] của CUTN/LHQ nói về các hồ sơ tị nạn đích thực đã bị loại bỏ tư cách tị nạn vì không có khả năng trả tiền.” Chính nỗi uất ức mất tư cách tị nạn vì không thể trả tiền hoặc không muốn đáp ứng đòi hỏi tình dục đã đẩy nhiều thuyền nhân vào đường cùng. Họ chỉ còn biết cách biểu tình, tuyệt thực, tự sát. Tài liệu của BPSOS về tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia cho thấy các phản ứng này đã biểu hiện nhiều năm trước khi DB Smith đưa ra điều luật chống CPA. Bất luận, các thành phần bảo vệ CPA đổ vấy cho điều luật này và cả tập thể người Việt đang mưu cầu giải cứu đồng bào là gửi tín hiệu sai lạc, là tạo hy vọng sai lầm, là gây nguy hại cho thuyền nhân: “... cộng đồng người Việt hải ngoại cần tuyệt đối tránh việc gửi đi những tin tức hoặc những tín hiệu sai lạc, đem lại cho đồng bào những hi vọng sai lầm, do đó gây nên những hậu quả tai hại cho nhiều gia đình, nhất là cho những người quá tuyệt vọng.” Đó là lời lẽ trong “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” của Ông Lê Xuân Khoa, ngày 15 tháng 2, 1996. Buổi điều trần ngày 27 tháng 7 sẽ dành cho họ nhiều bất ngờ. Tài liệu tham khảo: Tóm tắt hồ sơ LAVAS kiện Bộ Ngoại Giao trong văn khố nhân quyền của Đại Học Minnesota: http://hrlibrary.umn.edu/refugee/VietnameseRehearing_v_DOS.html Tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia, 20 tháng 8, 1994: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-report-corruption-in-screening-in-Indonesia.pdf Đề nghị giải pháp với Indonesia, 22 tháng 12, 1994: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-proposal-to-Indonesia-Dec-22-1994.pdf CUTN/LHQ vi phạm nguyên tắc bảo toàn đơn vị gia đình, tháng 9, 1994: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-report-Families-broken-Sep-1994.pdf “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” của Ông Lê Xuân Khoa: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/LXKs-letter-to-boat-people-Feb-15-1995.pdf Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét