Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Lại Thêm Một Người H'mông Chết Trong Tù

 


LẠI THÊM MỘT NGƯỜI H'MÔNG CHẾT TRONG TÙ
Mạch Sống

Lại thêm một người H’mông chết trong tù

2024-12-26

LTS: Gần đây, trong lá thư trả lời 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về nhà hoạt động Y Quynh Bdap và các vấn đề khác liên quan tới người Thượng, chính phủ Việt Nam lần nữa khẳng định Việt Nam không có việc tra tấn hay đối xử vô nhân đạo.

Tuy nhiên trong tháng 11/2024 lại có một cái chết bất thường của một người H’mông trong trại giam ở Thanh Hóa.

Bài viết sau đã được đăng trên trang Facebook BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam, chúng tôi nay đăng lại.  

Nguồn: BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam.

Người xấu số là ông Thào A Páo, 85 tuổi quê ở Bản Huổi Thủng 3, Xã Na Cô Sa, Huyện Nậm Pồ, Tỉnh Điện Biên.

Ông Thào A Páo chết trong trại tù Thanh Phong đóng trên địa phận Tỉnh Thanh Hóa và do Bộ Công An quản lý. Ông chết ngày 22 tháng 11 năm 2024 khi chỉ còn vài ngày nữa là hết án phạt tù một năm và trong tình trạng trên thân thể có những vết thương nghiêm trọng. Bệnh Viện Đa Khoa Nông Cống – nơi được cho là đã điều trị bệnh ông Thào A Páo đã kết luận rằng ông bị chết vì nhồi máu cơ tim. Các con của ông Thào A Páo cũng yêu cầu không mổ tử thi và đề nghị được nhận xác ông để mang về quê chôn cất. Tuy nhiên, trại tù Thanh Phong đã cưỡng bức họ ký vào biên bản đồng ý cho mổ tử thi để hợp thức hóa cho việc mổ tử thi đã được thực hiện trước khi họ có mặt. Khi nhận xác cha của mình, các con ông Thào A Páo đã phát hiện trên cổ của cha mình có một vết thương dài khoảng 5cm và các khớp xương cổ ở trong trạng thái lỏng lẻo như đã bị bẻ gãy. Trại tù đã không trả lời các chất vấn của các con ông Thào A Páo. Rõ ràng đây là một cái chết rất bất thường. Đáng lo ngại hơn là các thủ tục pháp lý và thủ tục hành chính đã được hợp thức nhưng đang mâu thuẫn với nhau. Dấu hiệu của cái chết bất thường và các thủ tục bị mâu thuẫn cho thấy trại tù Thanh Phong đã cố gắng che dấu sự thật dẫn tới cái chết oan khuất của ông Thào A Páo.

Qua dữ liệu theo dõi của Liên Minh Chống Tra Tấn - Việt Nam (Coalition Against Torture Vietnam – VN CAT) và một số các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác thì ở trong các trại tù Việt Nam đang duy trì hai hai vấn nạn vô cùng nghiêm trọng đó là:

1/ Nhân viên công vụ các trại tù chủ động thực hiện hoặc cho phép các tù nhân thân cận với họ đánh đập dã man và cưỡng bức lao động khổ sai với các tù nhân còn lại để ép buộc họ phải thừa nhận tội đã được ghi trong các bản án trước đó.

2/ Trại tù để mặc các tù nhân xử lý nhau như chốn không có pháp luật (đánh nhau, chiếm đoạt đồ của nhau trong đó nhiều nhất là tình trạng cướp đồ ăn, tự tạo và phân định ngôi thứ trong buồng tù…)

Cả hai vấn nạn này đã đẩy số phận của những người tù nghèo khổ và phần lớn người tù dân tộc thiểu số ở trong hoàn cách vô cùng bi đát. Sự sống của họ luôn luôn bị đe doạ. Mỗi năm đều có trên dưới khoảng 10 người tù bị chết nhưng tất cả đều được các trại tù hợp thức bằng kịch bản “chết vì bệnh tật” như trường hợp ông Thào A Páo.

……

Vào đầu năm 2022, ông Thào A Páo bị Toà Án Huyện Nậm Pồ, Tỉnh Điện Biên tuyên phạt một năm án tù về tội “huỷ hoại rừng” do trước đó ông cùng với gia đình sử dụng một vạt rừng hoang không có cây gỗ nào có đường kính lớn hơn 10cm. Cuối năm 2023, ông Thào A Páo mới phải thi hành bản án đã tuyên trước đó gần hai năm.

Theo đánh giá của Đề Án Dân Quyền Việt Nam thuộc BPSOS thì bản án này cũng có bốn vấn đề uẩn khúc:

1. Liệu có đáng hay không để xử phạt tù một năm với một người dân tộc kém hiểu biết đã cố gắng tự sản xuất lương thực nuôi sống cả nhà khi diện tích rừng bị phá chỉ là mảnh đất trống không cây gỗ?

2. Bản án có làm rõ được nghĩa vụ của nhà nước trong việc hướng dẫn cách thức để người dân tộc thiểu số có thể nuôi sống được gia đình mà không phải phá rừng không?

3. Lý do gì để bản án đã tuyên phán tới gần hai năm mới ra quyết định thi hành?

4. Tại sao Tòa Án Nậm Pồ và Trại Tù Thanh Phong không áp dụng các quy định của Luật Người Cao Tuổi và Bộ Luật Hình Sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Thào A Páo khi ông đã 83 tuổi lúc phạm tội và tha hạn tù trước thời hạn khi ông đã thực hiện quá 1/3 án tù ở tuổi 85 trong năm nay? Để hiểu rõ vấn đề này bạn đọc có thể đọc toàn văn Luật Người Cao Tuổi và các Điều 51, Điều 66 Bộ Luật Hình Sự hiện hành.

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét