Một báo cáo mới nhất từ tổ chức tư vấn của quân đội Trung Quốc đã phân tích ảnh hưởng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đối với địa chính trị. Báo cáo này đề xuất việc nhắm vào tỷ phú Mỹ Elon Musk để tác động đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng kế hoạch xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng ông Trump là người đặt dấu chấm hết cho chính sách xoa dịu với ĐCSTQ và khó có khả năng bị ảnh hưởng.
Một báo cáo mới nhất từ tổ chức tư vấn của quân đội Trung Quốc đã phân tích ảnh hưởng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đối với địa chính trị. Báo cáo này đề xuất việc nhắm vào tỷ phú Mỹ Elon Musk để tác động đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng kế hoạch xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng ông Trump là người đặt dấu chấm hết cho chính sách xoa dịu với ĐCSTQ và khó có khả năng bị ảnh hưởng.
Giáo sư Viên Hồng Băng (袁红冰), một học giả pháp lý ở Úc, cựu giáo sư luật Đại học Bắc Kinh và là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Úc, cho biết, theo nguồn tin trong nội bộ ĐCSTQ mà ông có được, nhóm nghiên cứu quân sự của Trung Quốc đang khuyến nghị ban lãnh đạo nước này tăng cường mối quan hệ kinh tế và tình cảm với tỷ phú công nghệ Elon Musk để tác động đến ông Trump về cách ứng phó với vấn đề Đài Loan.
Nguồn tin cho hay, phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trương Hựu Hiệp đã triệu tập 9 chuyên gia địa chính trị và chiến lược gia quân sự hàng đầu của Trung Quốc từ Quân đội và Bộ Ngoại giao Trung Quốc để biên soạn báo cáo mới từ một nhóm nghiên cứu quân sự về tác động có thể xảy ra của cuộc bầu cử năm 2024 tại Hoa Kỳ đối với địa chính trị. Ông Viên Hồng Băng đã xem được báo cáo. Ông cho biết, báo cáo đã nêu ra các khuyến nghị cho ban lãnh đạo Đảng về cách xử lý mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc và dự đoán chính xác rằng ông Trump sẽ trở lại Toà Bạch Ốc.
Một trong những khuyến nghị chiến lược liên quan đến tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX và là chủ sở hữu của nền tảng truyền thông xã hội X.
Giáo sư Viên Hồng Băng cho biết: “Nhóm nghiên cứu này đã khuyên chính quyền ông Tập Cận Bình tập trung Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ để nhắm mục tiêu vào Elon Musk và các thành viên gia đình ông, đặc biệt là mẹ ông ấy”.
Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, chính thức được gọi là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban Trung ương Đảng, do ông Tập đứng đầu.
Mặt trận Thống nhất điều phối hàng nghìn nhóm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, đàn áp tiếng nói và hoạt động bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Cuối cùng, ĐCSTQ sử dụng Mặt trận Thống nhất để thúc đẩy lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của họ trên toàn thế giới.
Ông Tập Cận Bình đã mô tả Mặt trận Thống nhất là “vũ khí ma thuật” của ĐCSTQ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, vào tháng 12 năm 2023, ông Tập gặp các phái viên ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh và nói với họ rằng họ phải “tận dụng tốt công cụ hiệu quả của công tác Mặt trận Thống nhất”.
Lo ngại về mối quan hệ của ông Musk với chính quyền Trung Quốc
Giáo sư Viên Hồng Băng nhận định rằng, tỷ phú Musk là ưu tiên của ĐCSTQ vì mối quan hệ kinh tế quan trọng của CEO Tesla với gã khổng lồ châu Á và những bình luận ủng hộ Bắc Kinh trước đây của ông về vấn đề Đài Loan.
Vào ngày 12 tháng 11 vừa qua, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã bổ nhiệm ông Musk làm đồng lãnh đạo Ban Hiệu suất chính phủ, có nhiệm vụ cải thiện hiệu quả của chính phủ Hoa Kỳ. Cơ quan này sẽ có ít ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề đối ngoại của Mỹ.
Trước đây, tỷ phú Musk là thành viên của Diễn đàn Chiến lược và Chính sách của tổng thống, do ông Trump triệu tập vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, CEO Telsa đã từ chức vào năm 2017 vì bất đồng quan điểm với quyết định của ông Trump về việc rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Theo trang Financial Times, vị tỷ phú sinh ra ở Nam Phi và tự xưng là “người bạn thứ nhất” của ông Trump đã nổi lên như một nhân tố có tiềm năng quan trọng nhưng lại khó lường trong mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới.
Đế chế kinh doanh của ông Musk nằm giữa những mặt trận của những xung đột có thể xảy ra về các vấn đề an ninh quốc gia, cạnh tranh công nghệ, chuỗi cung ứng và quyền tự do ngôn luận, cũng như tương lai của Đài Loan.
Người đàn ông giàu nhất thế giới có mối quan hệ sâu sắc với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đang trong quá trình vận động hành lang Bắc Kinh về các quyết định quan trọng đối với doanh nghiệp xe điện trị giá 1 nghìn tỷ Đô la của mình là Tesla.
Tesla đã nhận được hàng tỷ Đô la Mỹ tiền vay giá rẻ, trợ cấp và miễn thuế từ chính phủ Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô này phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy ở Thượng Hải, nhà máy lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của hãng, không chỉ để bán cho quốc gia có 1,4 tỷ dân mà còn để xuất khẩu ô tô do Trung Quốc sản xuất sang các nơi khác trên thế giới. Các nhà cung cấp Trung Quốc của ông Musk, đặc biệt là về pin, cũng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất toàn cầu của công ty, bao gồm cả ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc tỷ phú Musk gia nhập Ban Hiệu suất chính phủ dường như cho thấy ông đã sẵn sàng thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Trump về việc tăng mạnh thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, một quyết định có thể tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Tesla.
Theo ông Philippe Houchois – nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies của Hoa Kỳ, ông Musk có khả năng tạo ra một “cầu nối quan trọng” giữa Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Trump.
Đã có những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của tỷ phú Musk có thể mở rộng sang quan hệ của Hoa Kỳ ở nước ngoài, chẳng hạn như sự hiện diện của ông trong cuộc điện đàm sau bầu cử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelenskyy.
Với những rủi ro liên quan đến Tesla, vị doanh nhân này có thể được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là “ảnh hưởng điều tiết” đối với các mức thuế quan mà ông Trump đã lên kế hoạch.
Có bằng chứng rõ ràng về áp lực chính trị đối với các xung đột tiềm ẩn của ông Musk. Hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã tìm cách mở một cuộc điều tra liên bang về cuộc trao đổi được cho là giữa tỷ phú Musk với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, làm dấy lên mối lo ngại về quyền miễn trừ an ninh cấp cao của ông Musk và hàng tỷ đô la tiền tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Bà Vương Á Thu (王亚秋/Yaqiu Wang), giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức Freedom House, cảnh báo rằng Bắc Kinh đã trở nên “rất khéo léo” trong việc thao túng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài — bao gồm cả việc tận dụng quyền tiếp cận đất nước của các công ty của họ — để buộc họ phải “tuân theo” đường lối của chính quyền Trung Quốc.
“Ông Musk không chỉ dễ bị tổn thương trước áp lực của Bắc Kinh do lợi ích kinh doanh rộng lớn của ông ở Trung Quốc, mà ông còn có vẻ thực sự thích mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc. Động thái này tạo ra nhiều cơ hội để ĐCSTQ tác động đến chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc”.
Với cảnh báo của ông Trump về mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ, ông Musk đã nhanh chóng hành động để bảo vệ Tesla bằng cách tăng cường sản xuất tại Hoa Kỳ và tạm dừng các kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico, nơi sẽ sản xuất một phần ô tô cho thị trường Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả khi đó, công ty của ông vẫn phải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú Musk, cũng đã xây dựng được hình ảnh công chúng vững chắc tại Trung Quốc với hơn nửa triệu người theo dõi trên Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu), nền tảng mạng xã hội Trung Quốc giống như Instagram của Mỹ.
Tuy nhiên, giáo sư Viên Hồng Băng cho rằng, chiến lược của nhóm nghiên cứu Trung Quốc nhằm tác động đến ông Trump thông qua tỷ phú Musk khó có thể hiệu quả. Ông Viên nói với báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh: “Đây là một sự kiện có xác suất xảy ra thấp. Khát vọng quốc gia của ông Trump và chiến lược độc đoán của ĐCSTQ về cơ bản là không tương thích với nhau”.
Học giả Viên nói thêm rằng nhóm chính quyền do ông Trump bổ nhiệm bao gồm các chính trị gia có hiểu biết rõ ràng về chế độ áp bức của ĐCSTQ. Ông nhấn mạnh: “Trump là người chấm dứt các chính sách xoa dịu đối với chủ nghĩa độc đoán của ĐCSTQ”.
Cựu giáo sư trường luật Bắc Kinh hy vọng rằng, tỷ phú Musk và các thành viên gia đình của ông ấy sẽ hành động đúng đắn nếu họ được nhân sự của ĐCSTQ tiếp cận. Ông Viên nói: “Chế độ toàn trị của ĐCSTQ là kẻ thù của thế giới tự do, dân chủ và là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ. Hy vọng rằng các doanh nhân sẽ đứng về phía tự do và dân chủ tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử”.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng đưa ra một số khuyến nghị khác cho ông Tập, chẳng hạn như tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho Nga, phá vỡ các liên minh khác nhau của Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu, cũng như tăng cường quan hệ chính trị với các cường quốc Trung Đông chống lại Hoa Kỳ.
Khả năng chính quyền Trung Quốc xâm lược Đài Loan
Ông Viên cho biết báo cáo cũng khuyến nghị ĐCSTQ đẩy nhanh cuộc xâm lược Đài Loan, cụ thể là diễn ra trước năm 2027. Có thông tin rằng ông Tập đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
Trong khi một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng nếu Hoa Kỳ leo thang các biện pháp đối phó với ĐCSTQ, thì ông Tập Cận Bình sẽ rút lui về các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên, ông Viên Hồng Băng lại nhận định rằng quan điểm này “mâu thuẫn với logic chính trị cơ bản của chế độ độc tài ĐCSTQ”.
Theo giáo sư Viên, nền kinh tế trong nước Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Ngoài ra, áp lực từ cuộc chiến thương mại cũng như các cuộc đối đầu ngoại giao có khả năng chỉ tăng chứ không giảm khi ông Trump vào Toà Bạch Ốc, như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ trầm trọng hơn.
Ông Viên nói: “Ông Tập Cận Bình hiện đang phải đối mặt với tình hình cực kỳ tồi tệ, cả trong nước lẫn quốc tế. Ông ấy không có chỗ để thoái lui. Trong bối cảnh này, lối thoát duy nhất có thể của ông Tập Cận Bình—hoặc theo cách ông ấy nhận thức—là phát động một cuộc chiến tranh giành Đài Loan để chống lại hoàn toàn áp lực từ Hoa Kỳ. Nếu ông ấy từ bỏ phản ứng chiến lược của mình, ĐCSTQ sẽ ở thế hoàn toàn bị động trong cuộc đấu tranh địa chính trị với Hoa Kỳ”.
Ông Viên nhận định rằng “tình trạng thụ động này có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của ĐCSTQ” vì sự bất mãn trong nước. “Do đó, cộng đồng quốc tế phải chuẩn bị cho khả năng chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ phản công một cách tuyệt vọng vào những thời điểm quan trọng nhất, có khả năng dùng đến những hành động liều lĩnh như một nỗ lực cuối cùng”.
Tổng thống Trump sẽ điều tra nguồn gốc của virus Corona?
Ông Viên dự đoán rằng dựa trên hồ sơ chính trị của chính quyền Hoa Kỳ sắp tới, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là điều không thể tránh khỏi.
Ông Viên nói: “[Chính quyền Mỹ] chắc chắn sẽ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tổn hại gây ra cho cộng đồng quốc tế và nhân loại trong nhiều năm qua”. “Cuộc điều tra về virus Covid-19 là một phần không thể thiếu trong chiến lược khai triển tổng thể của Hoa Kỳ”.
Giáo sư Viên chỉ ra mục tiêu cơ bản của ông Trump là tạo ra một “thời kỳ hoàng kim” cho Hoa Kỳ và “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông nói: “Lực lượng duy nhất có thể ngăn chặn điều này là sự bành trướng toàn cầu của chế độ chuyên chế của [ĐCSTQ], chiến lược bành trướng độc đoán mà chính quyền của ông Tập Cận Bình hiện đang thực hiện. Điều này có nghĩa là để ông Trump đạt được tầm nhìn chính trị của mình là khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì ông ấy phải đánh bại hoàn toàn chiến lược bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa độc đoán. Do đó, xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên không thể tránh khỏi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét