Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Kỳ Tích Đóng Chương Sử Thuyền Nhân: Bài Điều Trần Kín - Bài 4

 

Ls. Daniel Wolf và Ts. Nguyễn Đình Thắng hướng dẫn phái đoàn đến Galang, Indonesia, tháng 7, 1991

KỲ TÍCH ĐÓNG CHƯƠNG SỬ THUYỀN NHÂN: BUỔI ĐIỀU TRẦN KÍN - BÀI 4
Mạch Sống

Kỳ tích đóng chương sử thuyền nhân:  Buổi điều trần kín – Bài 4

2024-12-08

  • Sẵn sàng cho cuộc chiến ở Thượng Viện

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 8 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Sau khi thất bại ở Hạ Viện, Bộ Ngoại Giao và nhóm Tổ Hợp (Consortium) cùng với tổ chức SEARAC của Ông Lê Xuân Khoa,  có thể xem là thanh viên không chính thức của nhóm, dồn sức để “giết” điều luật chống CPA của DB Smith ở Thượng Viện. Tại buổi họp với TNS Frank Lautenberg ngày 4 tháng 7, 1995, đại diện của họ ở Việt Nam kêu gọi: “phải đánh bại điều luật của DB Smith ở Thượng Viện, bảo vệ CPA và thúc đẩy hồi hương mọi thuyền nhân; tất cả để phát huy quan hệ thân thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Ngay khi bắt được thông tin về sự việc này, DB Smith quyết định triệu tập 4 buổi điều trần. Thường thì các nhà lập pháp triệu tập buổi điều trần để có thông tin hướng dẫn việc soạn thảo hoặc biểu quyết một dự luật. Đằng nay, Hạ Viện đã thông qua điều luật chống CPA, DB Smith mới triệu tập điều trần. Đây là việc bất thường nhưng cần thiết để đối phó với Bộ Ngoại Giao và nhóm Tổ Hợp. Nội dung điều trần sẽ được chuyển đến các Thượng Nghị Sĩ.

Khi được thông báo về chuỗi điểu trần, tôi lao ngay vào việc chuẩn bị nhân chứng, thông tin và tài liệu. Lại phải xin sở nghỉ thêm nhiều ngày, làm bù sau – lúc ấy tôi đang là kỹ sư nghiên cứu tại một trung tâm nghiên cứu của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ.

Pic_1_-_12-07-2024.jpg

Hình 1 - Ls. Daniel Wolf và Ts. Nguyễn Đình Thắng hướng dẫn phái đoàn đến Galang, Indonesia, tháng 7, 1991

Buổi điều trần kín

Buổi điều trần thứ nhất, diễn ra vào trung tuần tháng 7, được tổ chức kín dành riêng cho các dân biểu, các phụ tá lập pháp, và một số giới chức và viên chức Bộ Ngoại Giao. Nội dung không được ghi vào hồ sơ Quốc Hội.

Phía Bộ Ngoại Giao có bà Phyllis Oakley, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách tị nạn, cùng giàn viên chức Bộ Ngoại Giao mà trước đó không lâu tôi đã vài lần giáp mặt tại hành lang Hạ Viện. Họ vận dộng chống còn tôi vận động ủng hộ điều luật xoá sổ CPA của DB Smith.

DB Smith mời 3 người làm nhân chứng: Ông Shep Lowman, Luật Sư Daniel Wolf, và tôi. Vì là điều trần kín, chúng tôi đã chia nhau nêu các vấn đề “nhạy cảm”:

  • Ông Shep Lowman, Chuyên Gia Phân Tích Chính Sách cho chương trình tị nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trình bày về những lỗ hổng chính sách trong chương trình CPA, mà tai hại nhất là trao quyền thanh lọc tị nạn cho các quốc gia tạm dung vốn không kinh nghiệm và cũng chẳng thiết tha về bảo vệ tị nạn, dẫn đến CUTN/LHQ mất khả năng kiểm soát.
  • Daniel Wolf, một luật sư tình nguyện, phân tích các bất cập và phi lý trong thể thức thanh lọc dưới chương trình CPA, có dẫn chứng bằng một số hồ sơ tị nạn được chính ông can thiệp nhưng bất thành ở Hồng Kông và các trại tạm dung Đông Nam Á; một số đã bị bách hại sau khi hồi hương. LS Wolf cũng nói về vụ kiện Bộ Ngoại Giao vi phạm luật pháp Hoa Kỳ khi thực thi CPA; Ông đã khởi xướng vụ kiện này vào tháng 2, 1994, dưới một chương trình của BPSOS.
  • Tôi, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, phanh phui tình trạng tham nhũng đòi tiền, đòi sex bởi các viên chức thanh lọc của chính quyền sở tại, với sự tham gia hoặc bao che của viên chức CUTN/LHQ. Ở Indonesia, họ lập bảng giá “mua” quy chế tị nạn. Các Phật tử ở trại Galang đã phải góp tiền để “mua” quy chế tị nạn cho 2 vị sư với giá 5000 USD và 7000 USD. Tôi trưng dẫn 2 tài liệu mà BPSOS đã phát hành tháng 8 và tháng 9, 1994 về sự tệ hại trong thanh lọc ở Indonesia và về các chính sách vi phạm nhân quyền của CUTN/LHQ. Xem tài liệu tham khảo.

Cả 3 chúng tôi có cùng một kết luận: Những bất công chồng chất trong thanh lọc, sự tắc trách của CUTN/LHQ, chính sách nghiệt ngã của các quốc gia tạm dung nhằm thắt siết đời sống, và nỗi kinh hoàng phải hồi hương đưới chương trình CPA đưa đẩy nhiều thuyền nhân đến tự sát và gây nên tình trạng bạo động ở các trại cấm, chứ không do điều luật chống CPA của DB Smith. Muốn chấm dứt chương sử thuyền nhân trong nhân đạo và lẽ công bằng, phải xoá bỏ CPA.

Về 3 nhân chứng

Tính đến ngày hôm ấy, 3 chúng tôi đã chung lưng đấu cật với nhau ít ra 7 năm trời để tranh đấu cho các thuyền nhân đi trễ nên mắc nạn CPA.

Năm 1988, Ông Lowman là người đã lôi kéo tôi vào con đường vận động cho thuyền nhân, và hướng dẫn tôi trong thời gian bỡ ngỡ ban đầu. Chính ông đã khuyến khích tôi làm một chuyến đến Hồng Kông vào cuối năm 1988, sau khi chính quyền Anh Quốc quyết định đóng các trại tị nạn và đẩy lùi ra biển các thuyền nhân mới đến. Chính ông đã yểm trợ tinh thần, ngồi ngay sau lưng tôi, khi lần đầu tôi ra điều trần trước Quốc Hội, năm 1989, để tường trình về chuyến đi Hồng Kông.

Sau chuyến đi ấy vài tuần, một hôm đang làm việc trong phòng nghiên cứu, tôi nhận cú điện thoại của LS Wolf. Ông tự giới thiệu và cho biết cũng có mặt ở Hồng Kông cùng lúc với tôi cuối năm 1988 nhưng đã không gặp nhau khi ấy. LS Wolf đề nghị mở chương trình pháp lý bênh vực thuyền nhân trước cuộc thanh lọc đầy bất công. Sau đó ít lâu, Ls Wolf hẹn gặp tôi và Ông Lowman để bàn kế hoạch. Hơn một năm sau chúng tôi ra mắt chương trình LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers, tiếng Việt là Trợ Giúp Pháp Lý cho Thuyền Nhân Việt Nam), một đề án của BPSOS. Tôi là Chủ Tịch, Ông Lowman là Phó Chủ Tịch, và Ls Wolf là cố vấn pháp lý.

Chương trình này mở văn phòng pháp lý ở Palawan, Philippines và rồi ở Hồng Kông để can thiệp quy chế tị nạn cho nhiểu trăm hồ sơ thuyền nhân ở 2 nơi này. Thỉnh thoảng, luật sư LAVAS thực hiện các chuyến “đột kích” đến một số trại cấm ở các quốc gia khác để lấy hồ sơ.   

Lionel_Shep.jpg

Hình 2 – Ông Lionel Rosenblatt và Ông Shep Lowman thời trẻ

Các Anh Hùng Sài Gòn

Người khuyên LS Wolf liên lạc với tôi là Ông Lionel Rosenblatt, Giám Đốc Điều Hành tổ chức Refugees International và là bạn thân của Ông Lowman. Họ là 2 trong số nhỏ viên chức ngoại giao ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn đã bất chấp lệnh của chính phủ là không được di tản người Việt khi chính quyền miền Nam sụp đổ cuối tháng 4 năm 1975.

Ông Rosenblatt từ chức để rộng đường hoạt động còn Ông Lowman trụ lại để chuyển tin từ bên trong ra cho Ông Rosenblatt. Họ và một số đồng nghiệp đã tủa ra khắp nơi để khuyến khích người Việt tìm đường di tản – có thuyền đi thuyền, có tàu đi tàu, có xà lan đi xà lan, có ghe đi ghe – cứ đâm ra Biển Đông thì Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ không thể không cứu vớt. Chính nhờ họ mà nhiều chục nghìn người Việt kịp di tản cuối tháng 4 năm 1975. Sau đó, họ lại chia nhau đi dựng các trại tị nạn cho những thuyền nhân vượt biển tìm tự do.

Từ cuối năm 1988, Ông Lowman và Rosenblatt luôn luôn là 2 thiên thần hộ mệnh bên tôi cho đến hết chương sử thuyền nhân Việt Nam.

Ngày 19 tháng 6, 2015, BPSOS tổ chức một chương trình đồ sộ ở Kennedy Center để đánh dấu 40 năm người Việt vượt biển tìm tự do. Nhân dịp đó, chúng tôi vinh danh nhóm viên chức ngoại giao Hoa Kỳ mà 2 Ông Lowman và Rosenblatt là đầu tàu là “Saigon Heroes” (Các Anh Hùng Sài Gòn). Người trao giải vinh danh là Dược Sĩ Lâm Lê đến từ Atlanta, Georgia – gia đình Ông là thuyền nhân đến Hoa Kỳ qua chương trình ROVR, sau khi hồi hương. Khi ấy, Ông Lowman đã qua đời; vợ là Bà Hiệp thay chồng nhận giải vinh danh.

Công lao của họ ít ai biết đến. Cần những nhà báo, những sử gia viết về họ trước khi quá trễ -- phần lớn trong số họ nay đã ra người thiên cổ.

Pic_3_-_12-07-2024.jpg

Hình 3 – Sự kiện vinh danh các “Anh Hùng Sài Gòn” tại chương trình kỷ niệm 40 năm người Việt vượt biển tìm tự do, Kennedy Center, ngày 19/06/2015. Xem đoạn video vinh danh: https://www.facebook.com/BPSOSTiNanThaiLan/videos/548331944762233

Phản ứng của Bộ Ngoại Giao

Suốt buổi điều trần kín, Bà Phyllis Oakley không hỏi nhiều, nhưng nhân viên của bà ghi chép kỹ lưỡng, có lẽ để chuẩn bị cho cuộc đối đẩu chính thức tuần sau đó.

Chúng ta sẽ thấy Bà Oakley đưa ra mồi nhử nhằm đẩy lùi điều luật xoá CPA của DB Smith. Bà quả quyết rằng CPA là đúng đắn cả trong thanh lọc lẫn hồi huong; tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao sẵn sàng châm chước, cứu xét một ít hồ sơ không đủ tư cách tị nạn nhưng có yếu tố nhân đạo. Mồi nhử này chính là giải pháp “Khu Vực Xám” mà Ông Lê Xuân Khoa cho mình là tác giả.

Trong email ngày 29 tháng 1, 2022 trả lời Ông Lê Xuân Khoa, Ông Rees, trước đây là Cố Vấn Trưởng của DB Smith, nhận xét về giải pháp Khu Vực Xám:

“... Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng một loại chương trình ‘Track II’ hoặc ‘Khu Vực Xám’ dành cho một số người xin tị nạn hồi hương có thể là một ý tưởng hay. Như tôi đã thảo luận ở trên, tôi biết rằng Ông Shep [Lowman] và Lionel [Rosenblatt] cùng những người khác đã có quan điểm tương tự. Nhưng tôi khá chắc rằng trước khi thông qua điều luật của DB Smith vào giữa năm 1995, tất cả các đề xuất này đều nhằm mục đích sàng lọc lại một số người rất ít, có lẽ vài trăm...

Thực tế cho thấy, ít hơn vậy rất nhiều. Đó là điều mà tôi sẽ chứng minh tại 2 buổi điều trần công khai ngày 25 và ngày 27 tháng 7, 1995.

Tài liệu tham khảo:

Email của ĐS Rees trả lời Ông Lê Xuân Khoa ngày 29 tháng 1, 2022: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/GJRs-response-to-LXKs-email-public.pdf

Quyết định của BPSOS thành lập chương trình LAVAS ngày 8 tháng 12, 1991: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-resolution-to-establish-LAVAS.pdf

Tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia, 20 tháng 8, 1949: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-Report-Corruption-in-the-screening-process-in-Indonesia-Aug-20-1994.pdf

CUTN/LHQ vi phạm nguyên tắc bảo toàn đơn vị gia đình, tháng 9, 1994: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/BPSOS-report-Families-broken-Sep-1994.pdf

Chương trình đánh dấu 40 năm người Việt đến tự do, tổ chức tại Kennedy Center ngày 19 tháng 6, 2015: https://www.calameo.com/read/0030565333ed3a85215c1

Mạch Sống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét