TT Donald Trump
Truyện ngắn - SAU NGÀY BẦU CỬ
Lê Đức Luận
Đang trong giấc ngủ mơ màng thì cái cell phone rung… Tôi kê vào tai, hỏi:
- A lô! Tôi nghe - Xin lỗi ai đó?
- Dậy chưa? Tôi gọi sớm để mời ông trưa nay sang nhà tôi chơi - dự tiệc!
Đây là tiếng nói quen thuộc của ông bạn già cùng xóm gọi tôi lúc sáu giờ sáng, sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, năm 2024.
- Tiệc tùng gì mà mời mọc có vẻ trịnh trọng thế? Tôi hỏi.
Ông bạn già không trả lời ngay mà hỏi lại:
- Đêm qua ông có thức để theo dõi kết quả cuộc bầu cử không?
- Có! Nhưng xem một hồi… tôi đi ngủ - chưa biết “mèo nào thắng mỉu nào?”
- Ông Trump thắng cử rồi, mà thắng áp đảo mới lọa (lạ)! Ông bạn già trả lời.
- Vậy, trưa nay ông mời ăn tiệc: “Mừng ông Trump thắng cử à?”
Biết ông bạn già không ưa ông Trump, nên tôi hỏi cà khịa để xem phản ứng của ông thế nào.
Ông bạn già trả lời với giọng Quảng Ngãi không vui:
- Mừng chi mô! Thức suốt đêm qua, hồi hộp theo dõi, đến chừ (giờ) đã sáng bảnh vẫn không ngủ được - đang nhâm nhi cà phê, ngẫm nghĩ sự đời… thì mấy thằng cháu vào cho biết: Trưa nay chúng nó mở tiệc và nhờ tôi mời ông sang chơi.
- Vậy là chúng nó mở tiệc “ăn mừng?” Tôi hỏi.
Ông bạn già trả lời:
- Tui hỏi chúng nó: “Tụi bây mở tiệc với lý do gì?” Chúng nó bảo: “Mở tiệc hòa giải hòa hợp…”
- Sao nghe có vẻ giống Nghị quyết 36 của mấy “ổng” quá vậy? Tôi hỏi.
- Đấy! Mới nghe, tui cũng tưởng như ông, nên bảo chúng nó: “Tao sẽ không dự và cũng không mời ông Tư đâu - cái vụ “hòa giải hòa hợp” tao nghe đã mòn tai… ngán đến cổ rồi!” Nhưng chúng nó giải thích: “Đây là tiệc chung cá độ để hòa giải về bầu cử.”
- Chuyện là thế này: Trước ngày bầu cử, mấy thằng cháu nhà tôi và mấy đứa bạn của chúng nó, cuối tuần tụ tập ở nhà tôi bàn cãi om sòm về bầu cử - một phe ủng hộ ông Trump, phe kia ủng hộ bà Harris … Bên nào cũng giữ lấy quan điểm của mình và cuộc tranh luận có khi gay gắt… nên tôi phải đứng ra hòa giải và đưa ra đề nghị: “Tụi bây tranh cãi mãi, không thuyết phục được nhau. Vậy đến ngày bầu cử cứ đi bầu và vận động nhiều người bỏ phiếu cho phe mình. Khi có kết quả bầu cử: Nếu ông Trump thắng, thì phe ủng hộ bà Harris đãi phe ủng hộ ông Trump một chầu, và ngược lại.” Chúng nó chấp nhận đề nghị này! Bây giờ ông Trump thắng cử; phe ủng hộ bà Harris đang lễ mễ mang bia, rượu và đồ ăn đến sửa soạn mở tiệc “chung cá độ”. Vậy trưa nay mời ông sang chơi để xem thái độ của bọn trẻ được hấp thụ nền Tự Do, Dân Chủ trên xứ sở văn minh này như thế nào…
- Thì sẽ có “trăm đứa buồn, vạn thằng vui…” Tôi pha trò.
Ông bạn già đổ quạu ngang xương - lên giọng:
- Ông ví nghe tréo ngoe! Hồi đó, ông Võ Văn Kiệt nói: “Sau ngày 30-4-75 sẽ có triệu ngưởi vui, nhưng cũng có triệu kẻ buồn…” Nhưng cái buồn là “buồn muôn thưở…” - cái vui chỉ nhất thời - nếu có kéo dài cũng chỉ vài ba đời của đám đảng viên cộng sản. Còn cái vui buồn trong mùa bầu cử ở Mỹ là “cái buồn vui loãng moạn (lãng mạn)” - chỉ năm bữa, nửa tháng… sau ngày có kết quả bầu cử là quên - rồi việc ai nấy lo, nhà ai nấy ở - chờ bốn năm sau sẽ tiếp tục chuyện: cãi vã, buồn vui….
Biết không cãi lại ông bạn già Quảng Ngãi kỳ co, nên tôi hạ giọng:
- Được rồi! Trưa tôi sang.
Trưa hôm ấy, tôi đến nhà ông bạn già, thấy đám con cháu của ông và bạn bè của chúng nó đã tề tựu khá đông - khoảng trên mười lăm đứa. Trên hai chiếc bàn dài kê dọc sát vào nhau, bày biện đồ ăn, thức uống ê hề. Bọn trẻ ngồi hai phía, chúng mời ông bạn già và tôi ngồi vào hai chiếc ghế cạnh nhau ở đẩu bàn.
Trước khi vào tiệc, thằng cháu nội của ông già đứng lên thưa:
- Thưa ông nội, thưa ông Tư! Hôm nay chúng cháu mở tiệc “thua cá độ về bầu cử.” Kính mời ông Tư và ông nội nâng ly chúc mừng phe ủng hộ cựu Tổng Thống Trump thắng cử…
Chúng tôi cùng nâng ly với đám trẻ. Sau đó, ông bạn già đặt ly xuống bàn, hỏi:
- Sau buổi tiệc hôm nay, các cháu có còn vui chơi, thân mật với nhau như trước nữa không?
Một đứa phát biểu:
- Ông ơi! Có gì đâu mà không vui chơi, thân mật. Cá độ trong mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ rất sôi nổi và hấp dẫn - không chỉ dân Mỹ mà nhiều người ở nước khác cũng chơi cá cược về bầu cử Tổng Thống Mỹ như chơi cá độ bóng đá vậy - Tranh cử thì phải có bên thắng, bên thua là chuyện thường - không có gì mà phải giận hờn, ghét bỏ nhau cả.
Ông bạn già nhìn đám con cháu, bảo:
- Vậy là tụi bây văn minh! Trong đám bạn già của ông, có những người trước ngày bầu cử tranh luận, rồi cãi vã… rồi giận hờn… và sau ngày bầu cử không thèm nhìn mặt nhau. Thế mới nhảm!
Đám trẻ cười ồ… nói:
- Quý cụ khó tính quá!
Những đứa cháu của ông bạn già và các bạn bè của chúng đều trên hai mươi tuổi - đa số đã tốt nghiệp Đại học. Chúng nó ăn uống vui vẻ và nêu ra những nhận định và tiên đoán: Ông Trump sẽ chọn những nhân vật nào vào nội các và chính sách đối nội, đối ngoại mà ông Trump đã hứa trong mùa bầu cử có thực hiện được không? Có làm cho nước Mỹ “Vĩ Đại Trở Lại” hay sẽ làm cho nước Mỹ thêm chia rẽ? Và chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” có làm cho nước Mỹ bị cô lập và mất ảnh hưởng trên trường quốc tế không?
Ngồi nghe chúng nó bàn thảo, phân tích… ông bạn già quay qua tôi, nói:
- Người đời thường bảo: “Trẻ hay nói về tương lai, già thích nói về quá khứ.”
Quả thực không sai ông nhỉ?
Một thằng cháu ngồi bên cạnh nghe thế, bèn hỏi:
- Vậy ông nội thấy điều gì đặc biệt và đáng nói trong cuộc bầu cử ở Mỹ?
- Ông thấy ở Mỹ cứ bốn năm một lần - dân chúng chờ đợi một “trò chơi chính trị” hấp dẫn trong mùa bầu cử Tổng Thống: Trước ngày bầu cử, người dân theo dõi hai ứng cử viên Tổng Thống tranh luận về chuyện quốc gia đại sự, nhưng còn nghe họ đem hết các thói hư, tật xấu của của đối phương bêu ra cho bàn dân thiên hạ nghe chơi… Ngay cả tông chi họ hàng ba đời nội ngoại cũng bị lôi ra đàm tiếu. Trong dân chúng cũng chia hai phe cãi nhau ỏm tỏi, rồi giận hờn, rồi cá độ… Đến ngày bầu cử diễn ra thì thức suốt đêm theo dõi trên truyền hình và hồi hộp như đang xem bóng đá hay xổ số… Sau khi có kết quả bầu cử, ông thua phone chúc mừng ông thắng, rồi mời ông thắng hôm nào rảnh vào tòa Bạch Cung thăm chơi và hứa sẽ bàn giao quyền lực trong êm thắm… Người dân xem TV thấy hai ông tay bắt mặt mừng - không biết trong lòng thế nào - nhưng bề ngoài trông như đôi bạn “tri kỷ”, sự công kích dữ dội trước ngày bầu cử coi như nước chảy qua cầu. Còn dân chúng thì mở tiệc ăn mừng hay chung cá độ - đa số quên hết mọi chuyện bàn cãi linh tinh ngày trước và chờ xem ông tân Tổng Thống sẽ làm được gì cho nước Mỹ?
Ông bạn già nhấp ngụm bia, rồi phán:
- Chỉ ở xứ Mỹ này, người dân mới “nếm” được cái “thú” về bầu cử…
Sau bữa tiệc chung vui với đám trẻ, ông bạn già mời tôi vào nhà uống trà, tiếp tục câu chuyện về bầu cử và suy ngẫm chuyện đời.
Biết ông bạn già là người không thích ông Trump và rất “già mồm” nên tôi chỉ gợi ý để ông thổ lộ tâm tình, chứ nói lý với ông thì ông cãi đến bến - không bao giờ chịu thua - dân Quảng Ngãi nổi tiếng kỳ co mà!
Bắt đầu câu chuyện, tôi hỏi:
- Sáng nay, ông nói: “Đã thức suốt đêm theo dõi bầu cử, sáng ra vẫn không ngủ được và ngồi suy ngẫm chuyện đời …” Vậy, có phải ông Trump thắng cử làm ông cảm thấy không an tâm?
- Ông biết tôi là người không thích ông Trump về cách ăn nói bỗ bã, châm chọc thô lỗ…Đó không phải là cách nói của một vị Tổng Thống, nhưng lần này tôi bỏ phiếu cho ông và mong ông thắng cử.
- Có lẽ ông còn thủ cựu, chưa chịu đàn bà “nằm” trên đàn ông? Tôi hỏi.
- Không! Năm 2016 tôi bầu cho bà Hillary Clinton đấy chứ. Nhưng lần này, xét về mọi mặt, bà Harris chưa xứng tầm với chức vụ nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ - khả năng của bà chỉ đảm nhiệm đến chức Thống Đốc một Tiểu bang là cùng, nhưng có lẽ “phúc ba đời nhà bà hay do mồ mả tổ tiên đến hồi phát” đã đưa bà đến chức Phó Tổng Thống là hết cửa rồi.
- Vậy tại sao ông bảo: Ông Trump thắng cử là chuyện “loạ” - nó “lọa” ở chỗ nào?
- Thì trước ngày bầu cử, truyền thông đưa ra các cuộc thăm dò: bà Harris dẫn trước ông Trump, gần ngày bầu cử thì thấy hai bên ngang ngửa, nhưng kết quả bầu cử cho thấy ông Trump thắng áp đảo. Thế mới lọa!
Tôi góp ý:
- Đấy! Đám già chúng ta tiếng Anh tiếng u chẳng có bao nhiêu, chỉ trông cậy vào các báo, các đài tiếng Việt để biết tin tức, nhưng hiện nay một số những người Việt làm truyền thông cứ loan tin hay bình luận thời sự thiếu khách quan và lương thiện - nếu không muốn nói là một lũ “bát nháo… bất lương”- chúng nó chỉ góp nhặt tin tức từ các báo, các đài ngoại quốc rồi “thêm mắm dặm muối” như những “thằng mù sờ voi” rồi đưa ra những tin tức, nhận định thời cuộc theo “đơn đặt hàng” mà không nghĩ đến thiên chức của người làm truyền thông làm cho nhiều người hiểu sai các vấn đề thời sự…
Ông bạn già tư lự, rồi phát biểu:
- “Tôi cũng thấy đa số bọn làm truyền thông bây chừ cứ “sờ voi” rồi “vẽ rắn thêm chân” như các thèng (thằng) hay nói tin tức và bình luận trên đài truyền hình Việt ngữ - chúng nói như đang nằm trong “ruột giòa (già)” của ông Trump để biết ông ta nghĩ và sẽ làm những gì - Dân ta nên tẩy chay những thèng như rứa thì may ra mới khá được.
- “Bao nhiêu năm ni, Đảng Dân Chủ và đám truyền thông cánh tả mô tả ông Donald Trump phạm tội này, lỗi kia về hình sự và đạo đức với vô số từ ngữ xấu xa … Rồi cái miệng người đời, cứ lặp đi, lặp lại những luận điệu như thế làm cho một số người nghĩ rằng ông Trump bê bối, dốt nát, không có kinh nghiệm về chính trị… v…v… Nhưng bây chừ (giờ) quá nửa số cử tri bầu ông làm Tổng Thống - chẳng lẽ những người dân Hoa Kỳ này ngu muội, mù quáng hết hay sao? Đó là điều làm tôi suy ngẫm…”
Nắng chiều ngả bóng, hai chúng tôi ngồi im lặng một lúc khá lâu, cùng trông ra vườn nhìn những chiếc lá vàng rời cành, chao trong gió rồi rơi xuống đất - nằm yên! Cái không gian êm ả ấy, khiến tôi không muốn thêm lời.
Nhưng ông bạn già lại lên tiếng với giọng trầm buồn - mất cái giọng kỳ co, cay cú như thường lệ:
- Ngẫm ra cuộc đời có những cái thay đổi mà ta không thể lường trước được.
Ngày chúng ta được định cư trên đất nước này - chỉ hơn ba, bốn mươi năm nay thôi - lúc đó, nếu có ai hỏi: “Nước Mỹ có phải là Thiên đàng không?” Ta không do dự trả lời: “Yes, It is”. Nhưng bây chừ, cũng cùng câu hỏi ấy, chúng ta ngần ngại, đắn đo… không biết nên trả lời: “Yes hay No”.
Ông bạn già tiếp tục:
- “Ngày đó chúng ta đến đây với hai bàn tay trắng, người Mỹ đón nhận chúng ta với tấm lòng nhân ái và hào sảng. Từng bước, chúng ta ổn định được cuộc sống, con cái chúng ta được hưởng một nền giáo dục tân tiến nhất thế giới, chúng ta vui mừng thấy được tương lai tươi sáng của chúng nó. Nhưng bây chừ những phong trào cấp tiến làm chúng ta lo ngại cho thế hệ mai sau.
Những chuyện đồng tính luyến ái, chuyển giới, phá thai được phổ biến trong học đường và được xem như cái quyền của giới trẻ. Ngoài xã hội thì nạn trộm cướp công khai xảy ra nhiều nơi; nạn bạo hành càng ngày càng nhiều làm ta ngại mỗi khi ra đường.
- “Ngày nào những Dân biểu, Nghị sĩ được kính trọng, nhưng bây chừ dân chúng coi như những tên bát nháo, thời cơ và bè phái! Những năm trước đây:
Hạ Viện duới sự lãnh đạo của bà Bà Nancy Pelosi, không lo làm ra những đạo luật ích nước lợi dân, mà mất rất nhiều thời giờ và tiền thuế của dân để đàn hạch truất phế một đối thủ chính trị là Tổng Thống Donald Trump. Bà này còn có những lời lẽ và hành động thiếu văn hóa làm mất thể diện quốc gia khi bà xé bản Thông điệp Liên bang của một đương kimTổng Thống trước lưỡng viện Quốc hội.
Trông không ra cái thể thống chi cả ông ạ!”
Nhấp ngụm trà, ông bạn già trở lại cái giọng cay cú cố hữu:
- “Có đời nào, Tổng Thống của cường quốc số một này mà cúi rạp người trước các Quốc Vương Á Rập như ông Tổng Thống Obama? Và khi viếng thăm Trung Quốc, ông bị nước này chơi “xỏ lá” cho xuống máy bay bằng cửa sau - không theo đúng nghi lễ đón tiếp một vị nguyên thủ quốc gia.
- “Có đời nào mà cả bà Chủ tịch Hạ viện và một lũ ‘lâu la bộ hạ’ quỳ gối trước quan tài một tên đầu trộm đuôi cướp, có nhiều tiền án là George Floyd.
Đám ma của George Floyd được tổ chức linh đình như một vị anh hùng dân tộc, hay như một vị Thánh Tử Đạo, có Phó Tổng Thống Joe Biden và cũng là ứng viên Tổng Thống năm 2020 tham dự, tiễn đưa?
- “Những cái quỳ gối vì nhắm vào đám cử tri da đen làm tôi lợm giọng! Sau đó nhiều cuộc biểu tình bạo động dẫn đến đốt phá và hôi của trên nhiều Tiểu bang… Nước Mỹ bấy giờ không còn là nước Mỹ khi tôi đến đây mấy mươi năm trước. Nếu có ai hỏi: Nước Mỹ bây chừ ra sao? Tôi cúi mặt… làm thinh!”
Bây giờ, ông bạn già mơ màng như kẻ mộng du:
- “Còn đâu được nghe thấy những lời tuyên bố cứng rắn của ông Tổng Thống trẻ Kennedy, trong vụ ‘khủng hoảng tên lửa ở Cuba’ vào tháng 10 năm 1962:
‘Nga hãy đem các tên lửa ra khỏi Cuba, nếu không Hoa Kỳ sẽ hành động.’
Không ai biết Hoa kỳ sẽ hành động như thế nào - chỉ thấy Khrushchev lặng lẽ rút giàn tên lửa hạt nhân của Liên Xô ra khỏi Cuba với sự nhượng bộ nhục nhã.
- “Còn đâu được chiêm ngưỡng một Tổng Thống già như Ronald Reagan đã đứng trước cổng Brandenburg gần Bức tường Bá Linh (Berlin) ngày 12 tháng 6 năm 1987, thách thức Gorbachev: ‘... Hãy đến đây, trước cánh cổng này, Ngài Gorbachev hãy mở cánh cổng này, Ngài Gorbachev hãy phá đổ bức tường này!’ Hai năm sau đó, vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 bức Tường Bá Linh bị phá đổ - nước Đức thống nhất vào ngày 3 tháng 10 năm 1990. Sau đó khối Cộng sản Liên Xô và Đông Âu tan rã.
- “Những vị Tổng Thống như thế đã làm cho các nước đồng minh ngưỡng mộ, các nước thù địch e ngại… Còn người dân Hoa Kỳ cảm thấy hãnh diện được sống trên một nước Tự Do và Hùng mạnh.”
Ông bạn già thẫn thờ như thả hồn về quá khứ với vẻ bi quan. Tôi lên tiếng để đưa ông về với hiện tại:
- Mỹ là một quốc gia kỳ diệu! Cứ mỗi lần đất nước này suy thoái hay lâm nguy thì xuất hiện một nhân vật cứu lấy nước Mỹ. Ông có nghĩ Trump sẽ là người làm được việc đó và sẽ làm cho “Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” như ông Trump đã hứa trước quốc dân?
Ông bạn già suy nghĩ rồi phát biểu:
- “Trong bốn năm vừa qua, chính quyền thuộc Đảng Dân Chủ đã trù dập, tố khổ ông Trump hết cỡ - hình ảnh chịu đựng và bất khuất để sống còn hầu đạt được mục đích của ông Trump trong các phiên xử ở Tòa án làm tôi liên tưởng đến những con người trên chiếc tàu buồm Mayflower rời bỏ nước Anh đi tìm miền đất hứa của Thượng Đế, và nghĩ rằng họ đã lưu truyền lòng quả cảm và sự kiên trì cho những người Âu châu di dân đến Mỹ qua nhiều thế hệ sau này. Trong đó có ông Trump.
- “Rồi một ngày (13-7-2024) khi một viên đạn xuyên qua tai, máu loang trên mặt, ông Trump vẫn hiên ngang đứng lên hô to: Fight! Fight! Fight! (Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!). Trong khoảnh khắc đó, không phải ai cũng làm được như thế. Chỉ những người có dòng máu dũng cảm lưu truyền trong huyết thống - trổi dậy lúc lâm nguy để làm nên lịch sử và trở thành một anh hùng mà không ai có thể phủ nhận được. Hình ảnh đó sẽ đi vào lịch sử và lưu truyền trong dân gian như một nguồn cảm hứng về sự can trường của những anh chàng cao bồi đi tìm vàng miền Viễn Tây xứ Mỹ. Trump mang hình ảnh hào hùng đó!
- “Trời cho ông Trump cái tố chất phi thường. Nhưng bốn năm cầm quyền, tôi thấy ông Trump là con người ‘hai mặt’ - có lúc thể hiện bản chất của người quân tử, nhưng có khi hành xử như kẻ tiểu nhân. Tôi không thích ông Trump là vì vậy.
Tôi góp lời:
- Có lẽ đời đã dạy cho ông Trump làm người “hai mặt” - “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.” Ông Trump làm Tổng Thống của một đại cường quốc - thù trong giặc ngoài, nên phải đối phó nhiều mặt. Dân chúng Mỹ bầu ông làm Tổng Thống chứ không phải bầu ông làm Đức Giáo Hoàng để được nghe những lời đạo đức và ban phước lành.
Thấy tôi có vẻ bênh vực ông Trump, ông bạn già châm biếm:
- Vậy “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi, nói lại là quân tử khôn?”
Tôi cười và nêu ý kiến:
- Ở cái thời đại nhiễu nhương, thế giới nhiều biến động này, những người làm chính trị thường mang cái mặt nạ “đạo đức giả”, tuyên bố rào trước, đón sau…Nhưng ông Trump thì không - ông cứ nói “toạc móng heo” và để lộ cái cá tính tốt lẫn xấu của mình… Cho nên trong thiên hạ - ai ghét ông thì “ghét thậm tệ”, còn người thương thì “thương đến cuồng”- không có kẻ trung dung.
Ông thấy thế nào về nhận xét này? Tôi hỏi ông bạn già.
Nhấp ngụm trà, cười tủm tỉm, ông trả lời:
- Thì cứ nhìn cái nét mặt và ánh mắt “mê tít” của thằng Chí Phèo Kim Jong Un khi bắt tay đưa ông Trump bước qua lằn ranh phân chia Nam và Bắc Hàn tại khu phi quân sự (DMZ) thì biết ông Trump có một sức thu hút khác người.
Tôi nêu thêm câu hỏi:
- “Còn một điều kỳ lạ là những hành động của ông Trump không theo truyền thống hay học thuyết chính trị nào. Ông làm những điều bất thường không ai ngờ tới - các chuyên gia phê bình: sai lầm, ấu trĩ…; dân chúng thì chê bai, phản đối lung tung… Nhưng sau một thời gian thấy việc ông làm có lý và đạt thành công.
- “Những quốc gia thù địch thì cho ông là người khó đoán, nên e dè, không dám manh động. Do vậy, trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, thế giới không xảy ra cuộc chiến tranh nào và ông làm được những việc mà các Tổng Thống tiền nhiệm không giải quyết được.
- “Nhiều người cho rằng ông Trump là “một hiện tượng” của thời đại. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?”
Ông bạn già trả lời:
- “Quả là ông Trump tạo ra một hiện tượng lạ trong sinh hoạt chính trị truyền thống của Hoa Kỳ. Người ta gán cho ông nhiều cái tên khác nhau: Thiên sứ, Độc tài, Phát xít hay là “đệ tử” của Machiavelli*. Nhưng tôi thấy: ông Trump làm chính trị theo lối “thực dụng Hoa Kỳ” hay nói cách khác ông áp dụng “chủ nghĩa chính trị hiện thực” phù hợp với trào lưu hiện đại, nên đã giúp ông thắng cử kỳ này.
- Nhưng nguyên do nào đã giúp ông Trump đạt được số phiếu cử tri áp đảo mà ông cho là chuyện lọa?” Tôi hỏi.
- Có lẽ Đảng Dân Chủ chơi ép ông ta quá, khiến dân thương cảm dồn phiếu cho ông. Ông bạn già trả lời.
Tôi góp ý:
- “Đó chỉ là một trong những lý do để ông Trump thắng cử. Nhưng ông Trump thắng cử một cách áp đảo là do yếu tố chủng tộc. Tôi nghĩ như thế.
Tuy người Mỹ không có những huyền thoại về tổ tiên như người Việt Nam có truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” hay như người Nhật có thần thoại “Thái Dương Thần Nữ”. Nhưng người Mỹ có những giai thoại như chuyện “chiếc thuyền buồm Mayflower” lưu lại ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) truyền thống để họ nhớ về những di dân da trắng Âu châu “đi mở nước” là tổ tiên của họ. Nước Mỹ không có lịch sử lâu đời, nhưng có những cuộc chiến đấu anh dũng của tổ phụ người Mỹ da trắng với Đế quốc Anh để giành độc lập vào năm 1776. Giai thoại về một lá cờ cho thấy lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của người Mỹ đến tuyệt vời! Chuyện rằng: Pháo đài Mc Henry trên cảng Baltimore, MD bị quân Anh vây hãm hơn 18 tháng. Rồi đêm 13 tháng 9 năm 1814 - một đêm mưa gió bão bùng - quân Anh nã đạn vào pháo đài như bứng đất… Ngày hôm sau, khi bình minh ló dạng, tưởng rằng lá cờ của Anh được kéo lên. Nhưng không! Lá cờ Mỹ lấp lánh nền sao vẫn còn tung bay trên pháo đài Mc Henry. Frances Scott Key xúc động viết bài thơ “The Star- Spangled Banner” sau này được phổ nhạc và trở thành quốc ca Hoa Kỳ.
Những giai thoại như thế là niềm tự hào của chủng tộc da trắng Hoa Kỳ và vinh quang đó thuộc về của họ.
- “Ngày nay mọi công dân Hoa Kỳ sống dưới chế độ Cộng Hòa, được bình đẳng trước pháp luật, được hưởng một nền Tự Do, Dân chủ tối ưu không phải tự nhiên mà có, mà nó kinh qua nhiều gian nguy, đấu tranh anh dũng - đã mất nhiều máu và nước mắt của di dân người da trắng từ Âu châu đã đến đây từ bao thế kỷ trước. Cho nên người da trắng có niềm tự hào về tổ tiên của họ, và họ nghĩ rằng nước Mỹ là của người da trắng.
- “Ai cũng biết Mỹ là quốc gia của người di dân - đa chủng tộc , đa văn hóa và nước Mỹ phồn thịnh cũng nhờ sự đóng góp công sức của nhiều người nhập cư sau này, nhưng hậu thế chớ tự phụ mà quên công ơn tổ tiên của người da trắng.
- “Khi nước Mỹ lâm nguy hay suy thoái hoặc người Mỹ da trắng bị xúc phạm, thì họ sẽ đoàn kết để chống lại các thế lực thù địch và chắc chắn họ sẽ chiến thắng. Đó lả một thực tế, không thể phủ nhận.
- “Cứ xem bản thống kê dân số Hoa Kỳ thì biết: Hiện nay dân số Hoa Kỳ có trên 333 triệu (thống kê 2024). Theo chủng tộc - Da trắng: 76,3%. Da đen: 13,4%. Người gốc Á châu: 5,9%. Người gốc Tây Ban Nha hoặc Latinh: 18,5%. Đa chủng:2,8%. Nguời bản địa:1,3%. Người gốc Thái Bình Dương: 0,2% (trích từ WikipediA)
- “Người da trắng chiếm 76%, nếu họ đồng lòng bỏ phiếu cho ứng cử viên nào, thì chắc chắn ứng cử viên đó sẽ thắng cử. Vừa rồi ông Trump thắng cử áp đảo, tôi nghĩ nhờ yếu tố chủng tộc.
Ông bạn già phát biểu:
-Ông phân tích, tôi hiểu ra: ông Trump thắng cử áp đảo không còn chi lọa nữa. Bây chừ ván đã đóng thuyền, chỉ cầu mong ông Trump đừng đi theo “vết xe” của Đảng Dân Chủ trả thù hay trù dập các đối thủ chính trị mà hướng về tương lai: làm cho nước Mỹ hùng mạnh và đoàn kết trở lại.
- Tôi nghĩ nếu ông Trump làm được như thế, ông sẽ là một trong những vị Tổng Thống vĩ đại của Hoa Kỳ.
Ông bạn già đề nghị:
- Chúng ta hãy cầu nguyện và xin ơn trên soi đường, dẫn lối cho TT Trump.
Nắng chiều đã tắt, chúng tôi chia tay, sau gần một ngày nói chuyện về bầu cử. Trong lòng cảm thấy một niềm vui.
LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 12-2024)
*Niccolo Machiavelli (1469-1527) người Ý viết tác phẩm kinh điển về triết lý chính trị: The Prince - Ông Hoàng (Thuật làm vua) - là quyển sách gối đầu giường của nhiều chính trị gia nổi tiêng thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét