Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Kỳ Tích Đóng Chương Sử Thuyền Nhân: Vừa Đàm Vừa Đánh Trong Cuộc Chiến Ở Thượng Viện Hoa Kỳ

 

Thuyền nhân biểu tình ở trại tạm dung Palawan, Philippines

KỲ TÍCH ĐÓNG CHƯƠNG SỬ THUYỀN NHÂN: VỪA ĐÀM VỪA ĐÁNH TRONG CUỘC CHIẾN Ở THƯỢNG VIỆN HOA KỲ 
Mạch Sống

Kỳ tích đóng chương sử thuyền nhân: Vừa đàm vừa đánh trong cuộc chiến ở Thượng Viện Hoa Kỳ

2024-12-04

  • Nhóm chống đối quyết “giết” điều luật chống CPA của DB Christopher Smith

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Ngày 24 tháng 5, 1995, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua “điều luật chống CPA” của DB Christopher Smith với tỉ số áp đảo: 266 phiếu thuận, 156 phiếu chống, và 12 phiếu trắng.

Phe chống đối, có Ông Lê Xuân Khoa là người Việt duy nhất, hoàn toàn thất bại. Ngày 8 tháng 6, Hạ Viện thông qua Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Đối Ngoại, H.R. 1561, có điều luật chống CPA.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, Hạ Viện nắm quyền quyết định ngân sách quốc gia. Các luật về ngân sách luôn luôn do Hạ Viện khởi xướng và, sau khi thông qua, chuyển sang Thượng Viện để tu chính – thêm, bớt, thay đổi.

Ngày 14 tháng 6, 1995, luật H.R. 1561 được chuyển sang Thượng Viện.

Pic_1_-_12-04-2024.png

Hình 1 – Thuyền nhân biểu tình ở trại tạm dung Palawan, Philippines

Âm mưu bại lộ

Chưa đầy một tháng sau, tôi bất ngờ nhận qua máy fax một tài liệu nội bộ của nhóm “Tổ Hợp” (Consortium) gồm các tổ chức được Bộ Ngoại Giao tài trợ từ năm 1993 để giúp thuyền nhân hồi hương “tái hội nhập” xã hội Việt Nam. SEARAC mà Ông Lê Xuân Khoa làm Chủ Tịch kiêm Giám Đốc Điều Hành là một trong số tổ chức này.

Tài liệu nội bộ là văn thư gửi đi bằng fax cho Thượng Nghị Sĩ Frank Lautenberg, đảng Dân Chủ - New Jersey, ngày 10 tháng 7, 1995. Nó nhắc lại nội dung buổi họp ngày 4 tháng 7 giữa đại diện ở Việt Nam của các tổ chức thành viên của Tổ Hợp với TNS Lautenberg, lúc ấy đang công du ở Việt Nam. Đại diện ở Việt Nam của SEARAC đứng tên trên bản fax là Ông Nguyễn Hữu Thu.

Văn thư kêu gọi TNS Lautenberg hành động theo các khuyến nghị của nhóm Tổ Hợp.

Phải bảo vệ CPA

Nhóm đại diện Tổ Hợp rào trước rằng họ dựa vào nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp giúp người tị nạn Đông Dương để đưa khuyến nghị cho TNS Lautenberg, và hăm he rằng nếu điều luật chống CPA của DB Smith được Quốc Hội thông qua thì nhiều thuyền nhân đã hồi hương sẽ lại vượt biên lần nữa.

Họ kêu gọi TNS Lautenberg:

  1. Trong các buổi họp báo tường trình chuyến đi Việt Nam của mình, tuyên bố rằng các tổ chức phi chính phủ từ Hoa Kỳ đã giúp đỡ 20 nghìn thuyền nhân hồi hương với ngân sách của Bộ Ngoại Giao và chưa từng gặp một trường hợp thuyền nhân hồi hương nào bị ngược đãi bởi chính quyền; nhân viên CUTN/LHQ đã phỏng vấn hơn phân nửa số 73 nghìn thuyền nhân đã hồi hương cũng thừa nhận như vậy.
  2. Thay đổi điều luật của DB Smith vì nó áp đặt việc tái thanh lọc mọi thuyền nhân còn ở các trại tạm dung.
    1. Triển vọng điều luật này được Quốc Hội thông qua đã tạo ra các cuộc biểu tình bạo động ở các trại Hồng Kông và Malaysia. Nhiều chuyến bay hồi hương đã phải huỷ bỏ vì nhiều thuyền nhân rút tên khỏi danh sách hồi hương.
    2. Nếu được thông qua, điều luật của DB Smith sẽ cản trở các tiến bộ hướng đến quan hệ bình thường và thân hữu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nó sẽ chuyển tải thông điệp rằng Việt Nam không tuân thủ chương trình CPA, ngược đãi công dân, và do đó không đáng tin.
    3. Nếu được thông qua, điều luật của DB Smith sẽ kéo dài thời gian thuyền nhân phải ở lại các trại tạm dung. CUTN/LHQ đã quyết định ngưng tài trợ cho các trại tạm dung cuối năm 1995. Hoa Kỳ sẽ phải tìm ngân sách để tài trợ các trại tạm dung.
    4. Kéo dài sự hiện diện của thuyền nhân ở các trại sẽ tốn kém hơn là hồi hương và tái hội nhập họ.
    5. Số 43 nghìn thuyền nhân còn ở các trại đều đã bị từ chối tư cách tị nạn thông qua thể thức thanh lọc chu đáo của CPA dưới sự chứng giám của CUTN/LHQ, một thủ tục pháp lý tốn kém nhất trong lịch sử của CUTN/LHQ. Có thể có vài khiếm khuyết trong tiến trình thanh lọc, tuy nhiên không thể để chúng ảnh hưởng các kết quả tích cực của CPA.
    6. Đã có sẵn chương trình ODP ở Việt Nam cho những ai có quan hệ với Hoa Kỳ và muốn đến định cư Hoa Kỳ sau khi hồi hương.
  3. Tăng vai trò của Phòng Liên Lạc [lúc ấy chưa có Toà Đại Sứ hay Lãnh Sự] của Hoa Kỳ ở Việt Nam trong việc yểm trợ chương trình CPA và các chương trình tái hội nhập thuyền nhân được tài trợ bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và chính phủ Anh Quốc:
    1. Hỗ trợ tái hội nhập tập trung vào phát triển tiểu thương, huấn nghệ và tìm việc, dịch vụ sức khoẻ, và giáo dục. Các chương trình này giải quyết các nguyên nhân làm cho thuyền nhân bỏ nước ra đi và sẽ khuyến khích họ trở về.
    2. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Phòng Liên Lạc sẽ khuyến khích nhà nước Việt Nam hợp tác thực hiện các chương trình này một cách hiệu năng và hiệu quả, chứng tỏ rằng Hoa Kỳ quan tâm đến phúc lợi của thuyền nhân và ủng hộ chương trình CPA.

Pic_2_-_12-04-2024.png

Hình 2 – Ts. Nguyễn Đình Thắng thăm viếng các em trẻ tại trại cấm Hồng Kông

Phải đánh bại điều luật chống CPA

Các khuyến nghị kể trên cho thấy nhóm Tổ Hợp chủ trương:

  • Thuyền nhân ra đi vì lý do kinh tế, do không có công ăn việc làm.
  • Không một thuyền nhân nào bị ngược đãi sau khi hồi hương, nghĩa là không có sự sai sót trong chương trình thanh lọc CPA vốn chu đáo, tốn kém, và được giám sát bởi CUTN/LHQ, vì theo luật tị nạn quốc tế, để được xét tư cách tị nạn thì phải chứng minh sẽ bị ngược đãi nếu hồi hương.
  • Cứu xét lại tình trạng của thuyền nhân sẽ ảnh hưởng quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Bỏ ý tưởng cứu xét lại dù chỉ là vớt vát “một số nhỏ” hồ sơ bị rớt thanh lọc oan sai như Ông Lê Xuân Khoa viết trong bản lập trường của SEARAC.
  • Tuyệt đối ủng hộ chương trình CPA, cho nên phải đánh bại điều luật của DB Smith vì nó xoá bỏ CPA, đòi hỏi tái thanh lọc mọi thuyền nhân bởi Hoa Kỳ và theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Người chuyển tài liệu

Khoảng 1 hoặc 2 hôm sau khi tôi nhận được tài liệu nội bộ kể trên qua máy fax, có người đàn ông gọi cho tôi vào lúc xế chiều, tự xưng là Nguyễn Hữu Thu, đại diện SEARAC ở Việt Nam, và hỏi tôi có nhận được bản fax không.

Ông ta cho biết có việc về lại Hoa Kỳ ít hôm, muốn cho tôi biết là văn phòng SEARAC ở Việt Nam chẳng giúp gì cho thuyền nhân hồi hương, và hẹn sẽ cung cấp thêm thông tin khi có dịp. Người này không bao giờ liên lạc lại với tôi.

Pic_3_-_12-04-2024.png.jpg

Hình 3 – Thuyền nhân ở trại Sikiew, Thái Lan kêu gọi lòng nhân đạo của quốc tế

Đóng kịch hợp tác

Khi nhận được tài liệu nội bộ của nhóm Tổ Hợp, tôi chuyển ngay cho DB Smith. Nó cho DB Smith thấy Bộ Ngoại Giao cùng với các tổ chức nhận tài trợ, trong đó có SEARAC, sau khi thất bại ở Hạ Viện, đang quyết tâm “giết” điều luật chống CPA tại Thượng Viện. Có lẽ DB Smith không ngạc nhiên vì đã từng có kinh nghiệm về Ông Lê Xuân Khoa.

Ngày 22 tháng 5, tức 2 hôm trước ngày Hạ Viện biểu quyết điều luật chống CPA, Ông Lê Xuân Khoa gửi văn thư khen ngợi DB Smith, bày tỏ sự ủng hộ, và yêu cầu một buổi họp để góp ý “cải tiến” điều luật chống CPA. Thế nhưng ngày 24 tháng 5, Ông Lê Xuân Khoa đã đăng đàn tờ Washington Post để cùng Bà Phyllis Oakley, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách vấn đề tị nạn, cáo buộc DB Smith tạo hy vọng hão cho thuyền nhân, dẫn đến bạo loạn ở các trại cấm, phá hỏng chương trình hồi hương, và làm cho Hoa Kỳ mất tín nhiệm với quốc tế vì không tuân thủ các cam kết của CPA.

Nhận được tài liệu do tôi chuyển, DB Smith lập tức quyết định triệu tập chuỗi buổi điều trần mà nội dung sẽ được chuyển cho Thượng Viện để phản bác các lập luận của Bộ Ngoại Giao và nhóm Tổ Hợp.

Chuyển lửa lên Thượng Viện

Trong vòng chỉ 2 tuần lễ, chúng tôi phải gấp rút sắp xếp giàn nhân chứng hùng hậu cho các buổi điều trần này, và gây quỹ để tài trợ cho một số nhân chứng từ nhiều quốc gia đến thủ đô Hoa Kỳ.

DB Smith nói về chuỗi điều trần đã được thực hiện chớp nhoáng này tại buổi điều trần ở Quốc Hội mà Ông Chủ Toạ vào ngày 9 tháng 7 năm nay,:

“Tiến sĩ Thắng có mặt ở đây. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Ông ấy đang làm việc cho Boat People SOS và là một người bạn tuyệt vời cũng như người tranh đấu cho người dân Việt Nam.

Và chỉ để lấy một ví dụ -- tôi xin lỗi các đồng nghiệp của tôi vì đã tiếp tục phát biểu -- nhưng quay lại thời Hành Pháp Clinton, họ muốn buộc hồi hương những người thuộc Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện [CPA].

Có rất nhiều thuyền nhân ở khắp châu Á. Và tôi đã đến nhiều địa điểm tị nạn khác nhau, bao gồm cả High Island ở Hồng Kông. Và chúng ta cưỡng bức họ hồi hương với lý do họ không phải là người tị nạn.

Và ông ấy đã cung cấp – ông ấy, đó là Tiến sĩ Thắng -- những thông tin đáng tin cậy có thể dẫn đến hành động rằng tình trạng tham nhũng tràn lan trong quá trình thanh lọc tị nạn. Tôi đã đưa vào Hạ Viện điều khoản tu chính, và nó được thông qua, để bảo đảm rằng chúng tôi [Hoa Kỳ] thực hiện thanh lọc, rằng chúng tôi không uỷ thác cho ai khác làm. Và 20.000 người đã đến định cư [ở Hoa Kỳ].

Tôi đã triệu tập bốn phiên điều trần về vấn đề đó và Hành Pháp kiên quyết rằng không, đó không phải là những người tị nạn. Họ có người giám sát hồi hương đón chờ họ khi họ về đến Việt Nam -- không có trại cải tạo nào cho họ, thay vào đó họ sẽ được giám sát.

Vì vậy, tôi đã có buổi điều trần với người giám sát, một trong số họ -- chỉ có bảy người giám sát lúc ấy [ở Việt Nam], và tôi đã nói, “Ai sẽ đi cùng bạn khi bạn đến một ngôi làng, một thị trấn nào đó hay bất cứ nơi nào?”

Và anh ta nói: “Công an chìm”.

Như vậy, bạn có nghĩ rằng sẽ có ai dám nói: “Ồ, tôi đang trải qua một khoảng thời gian khủng khiếp ở đây” khi ngồi ngay cạnh người đó là một người công an chìm? Sẽ không ai dám đâu.

Vậy là bà [Trợ Lý Ngoại Trưởng Cindy Dyer, đặc trách chương trình chống buôn người] biết đấy, Hà Nội nổi tiếng là không trung thực.

Không chỉ có Hà Nội không trung thực. Ông Lê Xuân Khoa cũng đã phát biểu như vậy: Việt Nam đã thay đổi; không một thuyền nhân hồi hương nào bị ngược đãi.

Pic_4_-_12-04-2024.jpg

Hình 4 – DB Christopher Smith tại buổi điều trần ngày 9 tháng 7, 2024

Xem: https://youtu.be/25_5OoHPGHU?t=4640

Bài 4 – Điều trần ở Hạ Viện để tiếp lửa cho Thượng Viện

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu nội bộ của SEARAC và các thành viên Tổ Hợp: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/Consortiums-fax-to-Senator-Frank-Lautenberg-07-10-1995.pdf

Thư của Ông Lê Xuân Khoa gửi DB Christopher Smith ngày 22 tháng 5, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/LXK-s-letter-to-Rep-Smith-5.22.1995.pdf

DB Christopher Smith: Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đáng tin cậy:
https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/2187-db-christopher-smith-nha-nuoc-viet-nam-hoan-toan-khong-dang-tin-cay.html

Mạch Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét