Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Vì Sao Lễ Tái Mở Cửa Nhà Thờ Đức Bà Paris Khiến Hàng Triệu Trái Tim Thổn Thức?

 


VÌ SAO LỄ TÁI MỞ CỬA NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS KHIẾN HÀNG TRIỆU TRÁI TIM THỔN THỨC?
Theo Lê Minh, Tri thức mới

Vì sao Công giáo gây được ảnh hưởng mạnh đối với các giáo dân trên thế giới? Một trong số các nguyên nhân quan trọng là sự đóng góp của các công trình kiến trúc Công giáo – đó là các nhà thờ, các Thánh đường. Đấy là nơi mà nghệ thuật kiến trúc giúp kiến tạo nên một không gian thiêng liêng nâng đỡ lòng sùng tín của giáo đồ đối với Đức Chúa Trời. Nhà thờ Đức Bà Paris là điển hình cho những công trình đó. Nó là kết tinh của lao động, sức sáng tạo và nguồn của cải của nhiều thế hệ, nó là chứng nhân của lịch sử Paris và nước Pháp với vô vàn biến động thời cuộc trong suốt gần 900 năm tồn tại.  

Theo bình luận của hãng truyền thông Vox News, nếu nước Pháp mất Nhà thờ Đức Bà Paris, đó không chỉ là mất mát một nơi thiêng liêng, một kho báu nghệ thuật và kiến trúc. Bởi vì công trình này còn là biểu tượng của thành tựu nhân loại và hơn thế nữa, là biểu tượng của thành tựu xã hội. Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là công trình của một người nào, đó là của nhiều thế hệ. Vượt ra khỏi phạm vi Pháp quốc, nhà thờ này là một trong những biểu tượng của văn hóa nghệ thuật nhân loại.

Vậy mà có lúc người ta tưởng đã mất Nhà thờ Đức Bà Paris, và không chỉ một lần vào chiều ngày 15/4/2019 (giờ địa phương). Nhân dịp Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa lại vào ngày 7/12/2024 với một diện mạo mới đẹp đẽ trong nghi lễ long trọng với sự góp mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, chúng ta hãy theo dòng lịch sử điểm lại nhiều sự kiện thăng trầm thịnh suy của công trình này.

*** 

Nhà Thờ Đức Bà Paris – những kiếp nạn theo dòng lịch sử

Nhà thờ Đức Bà Paris thường được gọi đơn giản là Notre-Dame ​​là một nhà thờ Công giáo thời trung cổ trên Île de la Cité (một hòn đảo trên Sông Seine), ở quận 4 của Paris nước Pháp. Nhà thờ được xây dựng để tôn vinh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến ​​trúc gothique của Pháp.

Đó là một nhà thờ chính tòa (tiếng Latinh: Ecclesia cathedralis, gốc từ cathedra nghĩa là “cái ngai”) là nhà thờ chính của một giám mục trong các giáo phận hay tổng giáo phận thuộc các Giáo hội Kitô giáo, nơi có đặt tòa giám mục (ngai) của giám mục cai quản giáo phận (hay tổng giáo phận) đó.

Là nhà thờ mẹ của một giáo phận và hàng giáo sĩ tại đó được xếp cao hơn các giáo sĩ khác. Nhà thờ chính tòa phải được cung hiến với nghi thức trọng thể. Vì tính chất quan trọng nên trong tiếng Việt, nó còn được gọi là Nhà thờ Lớn mặc dù không hẳn nó là nhà thờ có quy mô lớn nhất trong khu vực đó. Giống như người ta vẫn gọi Nhà thờ Lớn Hà Nội vậy.

Việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu vào năm 1163 dưới triều đại vua Louis VII và người khởi công thực hiện là Giám mục Maurice de Sully, nhưng phần lớn nhà thờ được hoàn thành vào năm 1260, mặc dù nó đã được sửa đổi trong các thế kỷ tiếp theo. Ngày nay, Nhà thờ Đức Bà Paris được coi như một trái tim của nước Pháp, không chỉ theo nghĩa bóng mà còn theo nghĩa đen. Nhà thờ này thực sự là điểm khởi đầu của mọi con đường ở Pháp.

Tuy vậy công trình có 860 năm tuổi này không phải lúc nào cũng được coi trọng như một báu vật hay là có danh tiếng như hiện nay.

Kiếp nạn đầu tiên của công trình là vào năm 1548, khi những người theo Tin lành nước Pháp hay người Huguenot nổi loạn đã phá hủy một số bức tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris, coi chúng là đồ thờ ngẫu tượng. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Chiến tranh tôn giáo ở Pháp, là một chuỗi gồm 8 cuộc tranh chấp giữa phe Công giáo và phe Huguenot (Kháng Cách Pháp) từ giữa thế kỷ 16 kéo dài đến năm 1598. 

Tại sao lại có hiện tượng người Tin lành ở Pháp đập phá tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris? Để giải thích điều này cần hiểu về sự khác biệt thái độ giữa Công giáo và Tin lành đối với Mỹ thuật, nó có liên quan đến lịch sử.

Từ khi bắt đầu nền văn minh, nhân loại đã không ngừng thông qua các tác phẩm mỹ thuật để thể hiện sự sùng kính đối với Thần và sự khao khát đối với Thiên quốc. Thời Trung cổ, khi Công giáo chiếm tư tưởng chủ đạo ở châu Âu, giáo hội sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để tuyên giảng giáo nghĩa cho số lượng lớn người không biết chữ, đã đạt được hiệu quả rất tốt, vì vậy giáo hội luôn khuyến khích các nhà nghệ thuật thể hiện chủ đề Thần Thánh này.

Song dần dần theo thời gian, có sự khác biệt về quan điểm mỹ thuật giữa các dòng tu.

Ví dụ, vào thế kỷ thứ 12, dòng tu Cistercians phát hiện ra rằng khi cầu nguyện thì các tranh đơn sắc loại thiên về đen trắng có thể giúp các tu sỹ tiêu trừ tạp niệm, vì vậy họ bắt đầu yêu cầu một số nhà thờ và tu viện đổi các cửa sổ kính màu thành đơn sắc, để giảm thiểu kích thích các giác quan, khiến con người càng chuyên chú hơn vào tu hành. Một số dòng tu khác cũng bắt chước điều này.

Đến khi có phong trào Kháng Cách và xuất hiện Tân giáo hay Tin Lành từ đầu thế kỷ 16, thì thái độ của Công giáo và Tin Lành đối với mỹ thuật cũng phát triển về hai thái cực. Tin Lành phản đối sự sa hoa của Công giáo, vì vậy về nghệ thuật, Tin Lành chủ trương đơn giản chất phác, đồng thời nghiêm cấm các loại chủ đề có thể có liên quan đến sùng bái ngẫu tượng. Song Công giáo thì không cho rằng truyền thống nhất quán miêu tả Thần của giới nghệ thuật đã có cả nghìn năm này là sùng bái ngẫu tượng. Chẳng hạn từ thời Giáo hội La Mã, họ đã đầu tư rất nhiều tiền của vào những nhà nghệ thuật tài hoa, khiến họ sử dụng nghệ thuật thị giác rực rỡ vô song để miêu tả sự tráng lệ của Thiên đường, trang hoàng các nhà thờ Công giáo thành điện đường nghệ thuật khiến người ta thán phục, từ đó cuốn hút đại chúng quy y.

Khi chiến tranh tôn giáo ở Pháp xảy ra, thì Nhà thờ Đức Bà Paris – một nhà thờ Công giáo rõ ràng sẽ là mục tiêu đập phá của những người Hugenot theo Tin Lành.

Kiếp nạn lớn tiếp theo của Nhà thờ Đức Bà Paris cũng lại là một kiếp nạn của Cơ Đốc giáo, đó là Cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Cách mạng Pháp chính là thời kỳ khủng bố tôn giáo, tức là Cơ Đốc giáo. Trong thời kỳ này, Robespierre, họa sĩ Jacques-Louis David và những người đi theo họ đã sáng lập một kiểu chủ nghĩa vô thần dựa trên phong trào Khai sáng, xưng là “Giáo phái Lý tính” nhằm thay thế Cơ Đốc giáo. 

Ngày 5/10/1793, Công hội Quốc dân bãi bỏ lịch Cơ Đốc giáo, đặt ra lịch Cộng hòa. Ngày 10/11/1793, Nhà thờ Đức Bà Paris bị đổi tên thành Đền Lý tính (Temple of Reason), và một nữ diễn viên đóng vai “Nữ Thần Lý tính” cho quần chúng bái lạy. “Giáo phái Lý tính” dựa trên thuyết vô thần nhanh chóng được cưỡng chế triển khai ở Paris. Chỉ trong một tuần, tại Paris, ngoài ba giáo đường Cơ Đốc giáo còn hoạt động ra, tất cả các giáo đường còn lại đều bị đóng cửa. Vận động khủng bố tôn giáo nhanh chóng lan ra toàn quốc, một lượng lớn các giáo sĩ bị bắt giữ, một số bị xử tử.

Trong thời gian này, nhiều kho báu của Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị phá hủy hoặc bị cướp bóc. 28 bức tượng của các vị vua trong Kinh thánh nằm ở mặt tiền phía tây, bị nhầm là tượng của các vị vua Pháp, đã bị chặt đầu. Nhiều đầu tượng đã được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1977 gần đó và đang được trưng bày tại Musée de Cluny. 

Trong một thời gian, tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã bị tượng Nữ thần Tự do thay thế trên một số bàn thờ. Những chiếc chuông lớn của nhà thờ may mắn đã thoát khỏi việc bị nấu chảy. Tất cả các bức tượng lớn khác trên mặt tiền đều bị phá hủy, ngoại trừ bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh trên cổng tu viện. Nhà thờ được sử dụng làm nhà kho để lưu trữ thực phẩm và các mục đích phi tôn giáo khác. Người ta thậm chí còn tính đến chuyện phá dỡ công trình để lấy những viên đá xây nhà thờ mang bán lấy tiền. 

Napoleon Bonaparte, một người Công giáo đã cứu và khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris cho Giáo hội Công giáo với Hiệp ước năm 1801 là thỏa thuận giữa Đệ Nhất Cộng Hòa Pháp của Napoleon và Tòa Thánh. Những khôi phục này chỉ được hoàn tất vào ngày 18/4/1802. Chính giám mục mới của Paris, Jean-Baptiste de Belloy do Napoleon bổ nhiệm đã khôi phục lại nội thất của nhà thờ. Hai kiến trúc sư Charles Percier và Pierre-François-Léonard Fontaine đã thực hiện các cải tiến gần như theo phong cách gothique cho Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi thực hiện nghi lễ đăng quang Napoleon với tư cách là Hoàng đế của nước Pháp. Bên ngoài tòa nhà được quét vôi trắng và bên trong được trang trí theo phong cách Tân cổ điển là phong cách đang thịnh hành khi ấy. 

Nhưng vào những thập kỷ sau các cuộc chiến thời Napoleon, Nhà thờ Đức Bà Paris rơi vào tình trạng hư hỏng đến mức các quan chức Paris đã cân nhắc đến việc phá hủy nó. Lúc này, một danh nhân văn hóa của nước Pháp đã cứu nó, đó chính là văn hào Pháp Victor Hugo.

Vào năm 1831, tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo ra đời và gây tiếng vang lớn, góp phần làm hồi sinh nhân vật chính của tác phẩm này – Nhà thờ Đức Bà Paris.

Trong tác phẩm của Victor Hugo, Nhà Thờ Đức Bà Paris hiện lên như một sinh mệnh có sự sống chứ chẳng phải vật vô tri, nó từng lộng lẫy, huy hoàng nhưng lại phải chịu sự khinh miệt, và bị làm vấy bẩn, ô uế. Victor Hugo còn muốn nói tới các hành vi phá hoại và những người phục dựng nhà thờ không đúng cách, bằng cách cho thêm các chi tiết của thế kỷ 19 vào kiệt tác kiến trúc Trung Cổ theo phong cách gothique.

Sử gia Anne-Marie Thiesse, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp CNRS, giải thích trên báo Le Monde ngày 16/04/2019 là Victor Hugo đã đấu tranh kịch liệt chống các hành vi phá hoại các công trình tôn giáo, tạo động lực thúc đẩy chính quyền cho phục dựng Nhà Thờ Đức Bà Paris. Vào năm 1843, công tác cải tạo nhà thờ được khởi công dưới sự chỉ đạo của Eugène Viollet-le-Duc và kéo dài suốt 20 năm.

Theo sử gia Anne-Marie Thiesse, nhờ tác phẩm văn học “Nhà Thờ Đức Bà Paris” mà vào thế kỷ 19, người Pháp được tái khám phá một công trình kiến trúc gothique, không chỉ về nét đẹp thẩm mỹ mà còn cả về góc nhìn chính trị.

Như thế là, không nhất định phải sử dụng tiền hay hiện vật, người ta có thể sử dụng ngòi bút lương thiện và có sức lay động lòng người để bảo vệ một công trình văn hóa.

Nhưng kiếp nạn của ngôi nhà thờ này vẫn chưa hết trong thế kỷ 19 rực cháy của các cuộc cách mạng ở Pháp.

Trong thời kỳ Công xã Paris từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1871, nhà thờ chính tòa và các nhà thờ khác đã bị đóng cửa, khoảng hai trăm linh mục và Tổng giám mục Paris đã bị bắt làm con tin. Vào tháng 5, trong thời kỳ Semaine sanglante của “Tuần lễ đẫm máu”, khi quân đội chiếm lại thành phố, những người của Công xã Paris đã nhắm mục tiêu vào nhà thờ chính tòa, cùng với Cung điện Tuileries và các địa danh khác, để phá hủy. Họ chất đống đồ đạc lại với nhau để đốt nhà thờ chính tòa. Đến khi họ chợt nhận ra rằng đám cháy cũng sẽ phá hủy bệnh viện Hôtel-Dieu lân cận, nơi có hàng trăm bệnh nhân, vụ phóng hỏa mới được dừng lại.

Vào thế kỷ 20, trong cuộc giải phóng Paris tháng 8/1944, nhà thờ đã bị hư hại nhẹ do đạn lạc. Một số kính thời trung cổ đã bị hư hại và được thay thế bằng kính có thiết kế trừu tượng hiện đại. Vào ngày 26/8, một Thánh lễ đặc biệt đã được tổ chức tại nhà thờ để kỷ niệm ngày giải phóng Paris khỏi quân Đức; có sự tham dự của Tướng Charles De Gaulle và Tướng Philippe Leclerc.

Nhưng vào chiều ngày 15/4/2019, trước sự chứng kiến đau lòng mà bất lực của hàng vạn người dân Paris, của hàng triệu người theo dõi qua truyền thông khắp thế giới, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của hơn 400 lính cứu hoả quả cảm, ngọn tháp nhọn biểu tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã đổ sập xuống vì hoả hoạn. Vào đêm hôm đó dù ngọn lửa được kiểm soát, song nó cũng đã kịp làm sập thêm một mảng lớn mái vòm chính của nhà thờ và thiêu đốt nhiều cổ vật vô giá.

Dường như lúc ấy, nhân loại khi đối chiếu một tình tiết trong tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” sẽ thấy có chút rùng mình ám ảnh với cảnh Victor Hugo miêu tả một đám cháy ở ngôi Nhà thờ này. Văn hào chỉ bằng trí tưởng tượng mà vẽ nên cảnh tượng kinh hoàng song giống như một lời tiên báo. Ông viết:

“Mọi cặp mắt đổ dồn về phía đỉnh nhà thờ. Những gì chúng nhìn thấy thật ghê gớm. Ngay tại phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cả cửa sổ hình hoa hồng, một ngọn lửa lớn bốc lên ngay giữa hai tháp chuông với những ngọn lửa cuồn cuộn, lửa hỗn loạn và giận dữ…

Bên dưới ngọn lửa này, bên dưới hành lang tối tăm hai máng nước như hai con quái vật không ngừng phun ra trận mưa bạc bỏng rẫy…”

Công trình văn hóa lộng lẫy gần nghìn năm tuổi có nguy cơ trở thành một phế tích, một nỗi tang thương chỉ gợi lại sự luyến nhớ quá khứ huy hoàng đã mất, nghe như nỗi u hoài của Bà Huyện Thanh Quan trong “Thăng Long thành hoài cổ” vọng về:

“Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường”.

Dù ở Đông hay Tây, tình cảm xót xa ấy cũng là như nhau.

Một công trình văn hóa giúp đoàn kết nhân loại

Ngay buổi sáng đầu tiên thức dậy sau thảm kịch, hàng chục tổ chức văn hoá, xã hội của Pháp đã đứng ra vận động quỹ để xây dựng lại nhà thờ. Stephane Bern, đại diện của chính phủ Pháp về di sản tối 16/4 (giờ địa phương) nói rằng họ đã nhận được cam kết quyên góp tới gần 800 triệu USD. Con số này có thể tăng lên theo thời gian.

Công việc trùng tu phức tạp lâu dài có thể gây e ngại, nhưng Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhận định rằng: “Thiệt hại rất đáng kể, nhưng may mắn là Pháp có mạng lưới công ty phục hồi di sản tuyệt vời, dù là nghệ nhân bình thường hay các nhóm lớn”

Ông nói thêm rằng vẫn có khả năng phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris mà vẫn giữ nguyên hình thức và đặc tính ban đầu, điều đó phụ thuộc vào kế hoạch, sơ đồ cùng những vật liệu có được. “Các kiến trúc sư cần dữ liệu lịch sử ở mức tối đa, hoặc những dữ liệu gần đây được thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3D”, Fischer nói.

Các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ khó nhất là phục hồi mái của nhà thờ, bộ phận được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian. Theo ước tính, 1.300 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình, loại gỗ lớn như vậy nay đã khó tìm hơn ở Pháp.

Dù thế, những người lạc quan hơn vẫn cho rằng, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, quá trình phục dựng chắc chắn sẽ diễn ra suôn sẻ. Trong tuyên bố hôm 16/4/2019, một loạt quốc gia đã cam kết hỗ trợ nước Pháp hết mình để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó thậm chí còn khẳng định sẽ điều các chuyên gia tốt nhất của Nga đến Pháp để giúp khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris bởi Nga là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phục dựng những công trình bị tàn phá trong chiến tranh.

150 quốc gia đã quyên góp được 895 triệu USD, dư thừa so với con số tổng chi phí 750 triệu USD mà nước Pháp đã sử dụng để trùng tu công trình này. Có phải giống như Hoàng đế Napoleon Bonaparte, hay văn hào Victor Hugo, trong mỗi tấm lòng lương thiện ở mọi màu da chủng tộc tồn tại một suy nghĩ chân chính rằng: có công với việc gìn giữ di sản cha ông hay văn hóa truyền thống, chính là có công với nhân loại? Đó phải chăng là chỗ mà con người khắp nơi dù tồn tại nhiều khác biệt vẫn có thể gặp nhau?

Kết quả là, cuộc đại tái thiết lớn đã khôi phục đỉnh tháp, mái vòm, trụ đỡ, cửa sổ kính màu và tượng đầu thú bằng đá chạm khắc, đưa nhà thờ trở lại vẻ huy hoàng trước đây, với các đồ trang trí bằng đá trắng và vàng sáng bóng hơn bao giờ hết. Những bức tường đá vôi của nhà thờ trông như mới, không chỉ sạch bụi từ đám cháy mà còn sạch cả bụi bẩn tích tụ trong nhiều năm. Nhà thờ đã sẵn sàng cho ngày trở lại với công chúng.

Chính phủ Pháp đã mời 50 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tới dự buổi lễ. Tổng thống Pháp Macron sẽ có bài phát biểu. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã xác nhận trên nền tảng “Truth Social” rằng ông sẽ đích thân tham dự lễ kỷ niệm tái mở cửa Nhà thờ Đức Bà ở Paris.

Nếu không phải vì ý nghĩa của công trình văn hóa này với nhân loại, chưa chắc nước Pháp đã mời được nhiều vị khách quan trọng đến thế.

Nghi thức mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ bắt đầu vào ngày 7/12/2024 với một động tác lạ. Dùng gậy giám mục của mình, Đức cha Ulrich, Tổng giám mục Paris, sẽ gõ ba lần vào cửa nhà thờ chính tòa. Đây là một truyền thống, dựa vào Thánh Vịnh 23, biểu hiện việc Đức Kitô mở cửa Nước Trời.

Nhưng nước Pháp có hai thách thức lớn. Một là đảm bảo an ninh nghiêm ngặt khi có quá nhiều khách VIP tề tựu, trong đó có tổng thống Donald Trump là mục tiêu không ngừng nghỉ của những vụ ám sát, trong khi nước Pháp lại đã từng xảy ra nhiều vụ khủng bố chấn động của người Hồi Giáo.

Hai là, đảm bảo chương trình diễn ra một cách chừng mực và truyền thống. Mặc dù sự kiện này có thể giúp nước Pháp nói chung và tổng thống Macron nói riêng nâng cao thể diện, nhưng nó cũng có thể gây tác dụng ngược với những ý tưởng bốc đồng thái quá, mà Olympic Paris mùa hè vừa qua là một bài học vẫn còn rất mới.

Xin chúc mừng nước Pháp và chúc cho buổi lễ diễn ra tốt đẹp và thành công. 

Theo Lê Minh, Tri thức mới

DKN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét