Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Vận Động Chính Sách Hoa Kỳ Về Tái Định Cư Tị Nạn

 

Một gia đình tị nạn từ Thái Lan được các nhà hảo tâm đón tiếp tại phi trường Pearson, Toronto, Canada, ngày 28/11/2024

VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH HOA KỲ VỀ TÁI ĐỊNH CƯ TỊ NẠN 
Mạch Sống

Vận động chính sách Hoa Kỳ về tái định cư tị nạn

2024-12-10

  • Kế hoạch với 3 nỗ lực song song

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 10 tháng 12, 2024

http://machsongmedia.org

Trong tháng 11, riêng Hoa Kỳ tái định cư 8 gia đình gồm 24 người tị nạn Việt Nam từ Thái Lan. Nếu tính cả các quốc gia khác thì con số lên đến khoảng 30 người. Chúng tôi dự đoán con số tương tự trong tháng 12 năm nay và tháng 1 sang năm. Sau đó là một dấu hỏi lớn vì chắc chắn có nhiều thay đổi với Hành Pháp và Quốc Hội mới, đều do Đảng Cộng Hoà nắm.

Chúng tôi hy vọng trong 6 tháng đầu năm 2025, sự thay đổi nếu có thì không đến nỗi cực đoan vì: (1) Đỉnh số và ngân sách tái định cư tị nạn được quyết định trong năm nay và áp dụng cho đến cuối tháng 9 năm 2025; (2) Hành Pháp và Lập Pháp mới phải đối phó nhiều vấn đề khẩn cấp hơn; (3) chủ trương của lãnh đạo khối bảo thủ có vẻ không khắt khe như dưới nhiệm kỳ đầu của Hành Pháp Trump.

Kế hoạch của BPSOS gồm 3 nỗ lực song song:

  • Tiếp tục vận động tái định cư tối đa cho đồng bào tị nạn, với mục tiêu thêm 120 người lên đường tái định cư tính đến giữa năm 2025.
  • Vận động tân Hành Pháp và Lập Pháp ưu tiên định cư người tị nạn, đặc biệt là các nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo dưới chế độ cộng sản.
  • Kêu gọi các nhóm, hội đoàn, tổ chức người Việt và không là người Việt “kết nghĩa” với từng gia đình tị nạn để hỗ trợ tinh thần, hướng dẫn đời sống, yểm trợ tài chánh và có thể bảo lãnh tư nhân.

Pic_1_-_12-09-2024.jpg

Hình 1 – Một gia đình tị nạn từ Thái Lan được các nhà hảo tâm đón tiếp tại phi trường Pearson, Toronto, Canada, ngày 28/11/2024

Tiếp tục thúc đẩy tái định cư

Từ năm 2022 đến cuối 2024, khoảng 450 đồng bào đã tái định cư hoặc đang trong dòng chờ tái định cư, bằng gần phân nửa số hồ sơ được can thiệp tư cách tị nạn bởi BPSOS và văn phòng pháp lý Center for Asylum Protection (CAP) do BPSOS đồng thành lập và tài trợ ở Thái Lan.

Hiện nay, chúng tôi vẫn còn 194 hồ sơ, tổng cộng hơn 500 người, đã có quy chế tị nạn do chúng tôi can thiệp. Trong đó, 90 hồ sơ đang trong dòng chờ cứu xét tái định cư theo chương trình của các chính phủ và các chương trình bảo trợ tư nhân của Canada và Hoa Kỳ.

BPSOS một mặt sẽ vận động tái định cư sớm số 90 hồ sơ này, mặt khác sẽ tiếp tục vận động Cao Uỷ Tị Nạn LHQ sớm chuyển số 109 hồ sơ còn lại đến các chính phủ. Chúng tôi tiếp tục vận động việc bảo trợ tư nhân qua chương trình của Canada và qua chương trình Welcome Corps của Hoa Kỳ. Một mạng lưới Tin Lành người Mỹ ở bắc Texas mới đây đồng ý bảo trợ 21 hồ sơ (gia đình) – cuối tháng 11 vừa qua, họ cử đại diện đến Thái Lan để thu thập thông tin cho 4 hồ sơ dợt đầu.

Mục tiêu của BPSOS là đưa vào dòng chờ tái định cư toàn bộ số 109 hồ sơ này tính đến cuối năm 2025. Chắc chắn sẽ lại có thêm hồ sơ mới được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn do sự can thiệp pháp lý của chúng tôi. Nghĩa là công cuộc vận động tái định cư cho đồng bào tị nạn sẽ còn tiếp diễn.

Vận động Hành Pháp và Lập Pháp

Ngày 3 tháng 12 vừa qua, Heritage Foundation, tổ chức nghiên cứu hàng đầu về chính sách bảo thủ, phát hành tài liệu mang tên “Vươn dậy từ tro tàn: Các nguyên tắc và chính sách cho một hệ thống di dân mới của Hoa Kỳ,” đề ra một loạt những khuyến nghị để cải tổ hệ thống di dân và tị nạn dựa trên nguyên tắc: “Hoa Kỳ trước hết, di dân hợp pháp thứ hai, di dân bất hợp pháp không bao giờ.”

Tổ chức này khuyến nghị Hành Pháp và Quốc Hội trong tay đảng Cộng Hoà đơn giản hoá luật lệ di dân và tị nạn để tránh hoặc giảm chi phí luật sư, giải quyết nhanh chóng hồ sơ xin di dân hoặc xin tị nạn và tái định cư tị nạn, tạm hoãn nhận hồ sơ mới cho đến khi giải quyết xong số hồ sơ tồn đọng. Các khuyến nghị này không kêu gọi giảm số di dân hợp pháp hoặc số người tị nạn được tái định cư. Đó là điểm tích cực. Tuy nhiên, việc tạm hoãn nhận hồ sơ mới có thể sẽ tạo khó khăn cho nhiều trăm đồng bào tị nạn còn kẹt ở Thái Lan.

Chúng tôi đang lên kế hoạch vận động sớm với cả tân Hành Pháp và tân Lập Pháp, ưu tiên tái định cư các nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo dưới chế độ cộng sản như Việt Nam. Hơn 90% số hồ sơ người Việt có quy chế tị nạn ở Thái Lan rơi vào trường hợp này. Đảng Cộng Hoà có khuynh hướng ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do tôn giáo và TNS Marco Rubio, nhiều triển vọng sẽ là vị tân ngoại trưởng, mạnh mẽ về bảo vệ tự do tôn giáo lại có thành tích chống cộng.

Phát huy công thức kết nghĩa

Từ nhiều năm qua, BPSOS khuyến khích và kết nối các nhóm người hảo tâm trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại để hỗ trợ dài lâu với người tị nạn ở Thái Lan. Sự hỗ trợ có thể là uỷ lạo tinh thần, yểm trợ tài chánh, hướng dẫn tâm lý, dạy Anh văn... Mối quan hệ bền lâu này đã giúp ích cho một số gia đình tị nạn. Thậm chí có nhà hảo tâm đã ra phi trường đón tiếp gia đình quen biết từ trước khi họ tái định cư và tiếp tục giúp họ hội nhập cuộc sống mới. Cũng có nhóm kết nghĩa đã lập hồ sơ bảo lãnh gia đình tị nạn đã quen biết theo chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada hoặc Hoa Kỳ.

Trong năm 2025, BPSOS sẽ phát triển công thức “kết nghĩa” này. Chúng tôi sẽ ưu tiên các trường hợp tị nạn: (1) với hoàn cảnh ngặt nghèo; (2) có tinh thần phục vụ tha nhân cùng cảnh ngộ.

Bài liên quan:

Thủ bản về chính sách di dân, Heritage Foundation: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/Heritage-Foundation.-Rising-from-the-Ashes-Principles.pdf

BPSOS cập nhật nỗ lực vận động tái định cư đồng bào tị nạn
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2275-bpsos-cap-nhat-no-luc-van-dong-tai-dinh-cu-dong-bao-ti-nan.html

Chị H’Duen Niê: “Chạy trốn thôi, sống chết thế nào không cần biết nữa”
https://machsongmedia.org/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/2286-chi-h-duen-nie-chay-tron-thoi-song-chet-the-nao-khong-can-biet-nua.html

Mạch Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét