Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Phiếm Đời

 


PHIẾM ĐỜI
Tuấn Khanh

Nhiều người lúc đó đoán già đoán non rằng nếu Huy Đức đi từ Mỹ về thì sẽ sớm muộn gì cũng bị bắt, bởi sức tác động của bộ Bên Thắng Cuộc lúc đó đang lan khắp mọi nơi. Rùng rùng. Những người quen với Huy Đức lúc đó cũng nhắn khuyên là thôi thì Huy Đức hãy tạm khoan đi về.


Nhưng rồi Huy Đức vẫn quyết định đi về Việt Nam. Một quyết định được coi là nhiều cảm tính hơn lý trí, bởi vì chính Huy Đức lúc đó cũng không đoán được điều gì sẽ xảy đến với mình nếu đi về nước.


Gặp nhau trên một chuyến xe ở miền Nam Cali, do nhà báo Đinh Quang Anh Thái cầm lái, Huy Đức vẫn đùa như mọi khi, nhưng miệng nói, mắt cười mà vẫn không giấu được sự lo âu với tôi.


BM


“Mày nghĩ tao đi về Việt Nam thì sẽ như thế nào?”, Huy Đức cười, hỏi như chỉ để nhẹ lòng, vì vé ngày về thì đã đặt rồi.


“Họ sẽ không bắt anh đâu. Nhưng có thể dự đoán rằng ngoài chuyện bắt thì có nhiều điều khác có thể xảy đến”, tôi nói.


“Vậy thì sẽ như thế nào”, Huy Đức hỏi, mặt nghiêm hẳn. Bình thường anh hay đùa với tôi rằng, là biết đâu tôi là cán bộ biệt phái cấp cao thâm nhập theo dõi tình hình, có chức còn cao hơn cả anh, đang theo dõi luôn anh.


“Cuốn sách của anh đang có tiếng vang lớn, xác suất bắt giữ về sách thì khó, nhưng về lâu dài dù anh không gây hại thì anh có thể là nằm trong tầm ngắm của phương thức hạ uy tín, để anh mất uy tín cùng với những gì anh viết ra”. Tôi giả định. Huy Đức không nói gì, chỉ trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa xe, gật gù. Lúc đó chiều đang xuống dần.


Tôi cũng có kể cho Huy Đức nghe một câu chuyện, mà tôi đã đọc ở đâu đó với dị bản khá thú vị. Chủ yếu cho bớt căng thẳng lúc đó.


Chuyện là vào những năm tháng khó khăn đang xây dựng lại sau chiến tranh, bữa ăn thiếu thốn không đủ, nhưng mọi thứ thì phải quyết tâm làm cho bằng được với tinh thần cao ngất trời. Ở một nơi xa xôi hẻo lánh, và dĩ nhiên cũng thiếu thốn miếng ăn, chợt có tin chỉ huy cấp cao đến để thị sát, tất thảy đều xôn xao vừa mừng vừa lo.


BM


Nỗi lo lớn nhất lúc đó là tiếp đãi chỉ huy đến thị sát mà không có gì ăn để coi cho được thì rất tệ. Mọi người đi đến quyết định hy sinh con bồ câu đưa thư để lấy chút thịt làm bữa cho chỉ huy.


Bữa tiệc đón chỉ huy diễn ra trang trọng với những phát biểu và tràng vỗ tay nồng ấm, nhưng đến khi phần ăn uống thì hơi ngượng nghịu vì mọi người ngồi một bàn tròn chung, nhưng chỉ có nhúm thịt của con bồ câu nhỏ xíu ở chính giữa, còn chung quanh thì toàn là rau. Thế nhưng ai cũng lờ đi, không dám gắp, cười nói lớn tiếng, vì sợ ăn hết thì chỉ huy không còn gì để giắt răng.


BM


Đêm đó mưa to. Đột nhiên sét đánh một tiếng lớn, đèn đuốc tắt ngóm. Trong tích tắc của bóng đêm, chợt nghe tiếng loảng xoảng bất thường, rồi một tiếng hét to đau đớn.


Khi đèn bật trở lại thì mới thấy, tay chỉ huy cấp cao đang nắm chặt trọn con chim bồ câu, còn trên bàn tay thì tua tủa những chiếc nĩa đang đâm ngập vào. Liếc nhanh trên bàn, thì thấy tất cả mọi người đều mất nĩa, duy nhất có một thành viên là mọi thứ vẫn còn ngay ngắn y nguyên, với vẻ mặt nghiêm nghị nhìn mọi người.


Sau bữa ăn đó, vị chỉ huy triệu tập một cuộc gặp với tất cả những người có mặt trên bàn ăn, trừ người không mất nĩa.


Theo lý luận của vị chỉ huy, ở một cơ sở hoạt động thì bao giờ cũng phải chỉ ra ít nhất một kẻ sai và tập thể luôn đúng, để nêu bật sự vững mạnh, vì vậy mọi người hãy cùng tìm báo cáo một lý do nào đó để hạ mức hạnh kiểm của thành viên duy nhất còn nĩa trên bàn.


Những người được triệu tập đến đều sững sờ, vì cứ nghĩ mình là người sẽ bị trị tội, nhưng không ngờ vì chỉ huy lại đề ra cách để buộc tội người không động đậy gì vào lúc tắt đèn ở bữa ăn.


BM


“Thưa chỉ huy, xin giúp giải thích về việc mình chọn lựa đối tượng để hạ hạnh kiểm không”, một người rụt rè giơ tay bày tỏ ý kiến, ” thật ra hắn đâu có lỗi lầm gì?”.


Viên chỉ huy cười nhạt, dùng bàn tay đang băng bó để xỉa răng – cuối cùng ngài cũng đã ăn trọn được miếng thịt bồ câu – giọng rì rầm bí mật: “ngu lắm, vì tất cả chúng ta đều tham như nhau. Còn nó không tham thì tương lai nó sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta, nhìn xa trông rộng, tránh hậu họa là những lúc như thế này”


Không có lời kể nào thêm về số phận của người tham gia bữa tiệc mà không động đậy, rồi anh ta đi về đâu. Mà trong sách xưa của người Tàu thì cũng từng nói về chuyện này “không làm gì cũng chưa chắc là đời đã yên” với cuộc đời đầy bất trắc này.


BM


Chợt nhớ một kỷ niệm với Huy Đức, mà đến nay việc bắt giữ và điều tra anh đã hơn 6 tháng. Không biết rồi Huy Đức sẽ như thế nào nhỉ? Bên Thắng Cuộc liệu có nằm trong nội dung khởi tố hay không?


BM


Kể lại chuyện, cũng nhân việc sư Minh Tuệ vô can trên đường, đột nhiên bị một lũ nặc nô chụp cho đủ loại nón gông, mũ xiềng. Quả thật là cám cảnh, đúng là không làm gì cũng chưa chắc đời đã được yên.


Tuấn Khanh

Báo Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét