Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Về Bản Án Cho Sư Thạch Chanh Đa Ra Và Một Số Người Khác Của Chùa Đại Thọ

 

Sư Thạch Chanh Đa Ra (nguồn: vov.vn). 

BẢN ÁN CHO SƯ THẠCH CHANH ĐA RA VÀ MỘT SỐ NGƯỜI KHÁC CỦA CHÙA ĐẠI THỌ
Mạch Sống 

Về bản án cho Sư Thạch Chanh Đa Ra và một số người khác của chùa Đại Thọ

2024-12-07

Sư Thạch Chanh Đa Ra (nguồn: vov.vn). 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 26/11/2024 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tuyên án cho 9 người của chùa Đại Thọ: Sư Thạch Chanh Đa Ra lãnh 6 năm tù; Sư Dương Khải lãnh 5 năm 9 tháng; ba nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, và Thạch Chóp bị 2 năm tù, cũng như hai Phật tử Kim Khu và Thạch Nha; ông Kim Khiêm bị 3 năm tù; ông Thạch Ve Sanal bị 2 năm 6 tháng tù.

Cách đây vài tháng, tôi đã có một bài viết về chùa Đại Thọ. Gần đây, tôi cũng phỏng vấn Sư Trương Thạch Dhammo (sống ở Toronto, Canada, là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Theravada Khmer Krom Bắc Mỹ và Giám đốc Tôn giáo của Khmers Kampuchea-Krom Federation) và Luật gia Trương Minh Tam (sống ở Chicago, Hoa Kỳ) về bản án trên.

 

Chuyện gì xảy ra ở chùa Đại Thọ?

Báo Vĩnh Long ngày 26/11/2024 viết:

“Từ năm 2020, Kim Khiêm cùng một số người dân tại ấp Tổng Hưng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tiến hành khởi công, xây dựng công trình trái pháp luật trên phần đất trồng lúa thuộc quyền sử dụng của bà Thạch Thị Ôi (ngụ ấp Tổng Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) mà không được sự đồng ý của bà Ôi.

“Sau đó, vụ việc được TAND huyện Tam Bình xét xử, buộc trả lại phần đất trên cho bà Ôi. […]

“Năm 2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cũng đã có các văn bản về việc yêu cầu các tu sĩ, phật tử không tham gia xây dựng công trình trái pháp luật này. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đến vận động, lập biên bản yêu cầu dừng việc xây dựng công trình trái pháp luật nhưng Kim Khiêm không chấp hành.”

Theo RFA Tiếng Việt ngày 1/4/2024:

“Một người biết chuyện cho biết, năm 2020, sư Thạch Chanh Đa Ra có ý định xây dựng ngôi giảng đường trên phần đất hiến tặng của bà Thạch Thị Xà Bách ở huyện Tam Bình, tuy nhiên chính quyền địa phương lại cho đây là phần đất của bà Thạch Thị Ôi (em gái bà Bách).”

Một sự kiện quan trọng bài viết của báo Vĩnh Long hoàn toàn không nhắc tới là ngày 1/4/2024, công an đưa máy xúc tới đập phá giảng đường mới của chùa Đại Thọ. 

Chua Dai Tho 1.4.2024 2

Hình ảnh công an phá hủy giảng đường chùa Đại Thọ ngày 1/4/2024 (chụp màn hình từ video có được từ Sư Trương Thạch Dhammo). 

Ngoài ra là mâu thuẫn về cây sao 700 tuổi tại chùa.

Báo Vĩnh Long viết:

“Căn cứ kết quả xác định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long về việc cây sao tại chùa Đại Thọ đã chết, nguyên nhân do cây đã già cỗi (trên 700 năm tuổi), ngày 23/3/2022, Ban Quản trị chùa tiến hành đốn hạ cây sao (có đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự và Điện lực huyện Tam Bình hỗ trợ hạ đường dây điện đi ngang qua vị trí cây sao), nhưng Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo một số tu sĩ và phật tử địa phương đứng ra ngăn cản việc đốn hạ cây sao và có hành động quấn áo cà sa lên thân cây sao, vu khống Ban Quản trị chùa cấu kết với chính quyền đến phá hoại chùa, muốn đốn hạ để lấy cây sao của chùa... Do đó, Ban Quản trị chùa Đại Thọ không thể tiến hành đốn hạ cây sao đã chết theo dự kiến.”

Như đã viết trong một bài báo đăng trên Mạch Sống ngày 26/4/2024, Sư Kim Somrinh (một vị sư người Khmer Krom ở Trà Vinh và có qua lại với chùa Đại Thọ) cho biết “Nói chung, Sư Thạch Chanh Đa Ra và Phật tử không cho chặt, không cho phá nguồn gốc. Mặc dù cây sao đó đã chết, nhưng Sư Thạch Chanh Đa Ra và một số Phật tử không đồng tình cho chính quyền cắt” vì cây sao gắn liền với lịch sử chùa Đại Thọ và cũng là di sản của người Khmer Krom.

Cũng theo lời Sư Kim Somrinh, các Phật tử địa phương đã bầu Sư Thạch Chanh Đa Ra làm sư trụ trì chùa Đại Thọ và thay thế Sư Thạch Xươnl, một vị sư bị xem là cấu kết với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và chính quyền địa phương và muốn chặt đi cây sao.

Sau khi công an bắt giữ Sư Thạch Chanh Đa Ra và một số chư tăng khác, Ban Trị sự GHPGVN đưa Sư Thạch Xươnl trở về làm trụ trì chùa Đại Thọ.

 

“Giăng bẫy” nạn nhân

Luật gia Trương Minh Tam cho rằng “Tranh chấp giữa nhóm Sư Thạch Chanh Đa Ra và Ban Quản trị chùa về cây sao chết phải cưa bỏ dưới góc nhìn của tôi chỉ là điểm nút chính quyền Việt Nam dùng để chốt hạ màn kịch đã giăng bẫy từ lâu để tống 9 con người chân chất vào tù với tổng số thời gian giam cầm là 27 năm 3 tháng.

“Vậy cái bẫy chính quyền Việt Nam đã giăng với nhóm Sư Thạch Chanh Đa Ra là gì?

“Đó là việc họ đã vận động thành công những người quản trị chùa này tham gia vào GHPGVN, một tổ chức ngụy tôn giáo được chính quyền dùng để tấn công tôn giáo (theo dự án nghiên cứu mới công bố của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế).

“Thò được một chân chắc chắn có tính pháp lý vào trong chùa rồi thì họ bắt đầu lái lèo các hoạt động của chùa phục vụ cho chính quyền cộng sản chứ không phải phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của cộng đồng. Đây chính là bài vở kích động khiến những nhóm các nhà sư chỉ thuần tuý coi trọng tôn giáo và văn hoá cộng đồng do ông Thạch Chanh Đa Ra cầm chịch sẽ phải lên tiếng và hành động phản đối. Tất cả những hành vi bị quy kết là phạm tội ngăn cản việc chặt cây sao, đóng cửa lò hoả thiêu, đăng tải thông tin tranh chấp lên mạng xã hội, bắt người của những nạn nhân bị toà xét xử đều có thể hiểu được rằng đó là phản ứng rất tự nhiên của con người ít hiểu biết, sống chân chất trước những hành động gây sự bài bản của những người khác. Tuy nhiên cần phải thấy, nguyên nhân không thể bào chữa được cho hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên chỉ chờ có vậy các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự của chính quyền đã nhanh chóng ‘vào cuộc’ để tống những con người lương thiện này vào tù.

“Vẫn cần nhắc lại rằng nếu nhóm của Sư Thạch Chanh Đa Ra không phải là người sắc dân bản địa mang một tôn giáo đặc biệt thì chắc chắn chính quyền Việt Nam đã không dựng lên cái gọi là Ban Quản trị chùa để gây sự phá rối và lừa họ vào bẫy pháp lý hình sự như trên.”

Ông Trương Minh Tam nói thêm “Việc đơn giản phải làm đó là khi có sự xung đột mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp giữa các thành viên trong chùa với Ban Quản trị chùa thì ông Thạch Chanh Đa Ra phải tập hợp những người có nguyện vọng giống mình khởi kiện dân sự một tranh chấp trong hợp đồng để giải tán một cơ cấu tổ chức có quyền lực cao hơn ông ấy hoặc rút khỏi cơ cấu tổ chức ấy. Vụ án có thể kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền Việt Nam sẽ không thể nào duy trì được một nhóm người chỉ có ăn và lo việc gây sự phá rối dưới cái vỏ bọc mỹ miều hợp pháp có tên Ban Quản trị chùa được. Khi không thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tôi nghĩ mối quan hệ của chính quyền với nhóm người này sẽ khác rất nhiều. Rất có thể họ sẽ mất khôn mà làm một số điều dại dột do cảm xúc xui khiến lâm vào thế kẻ phạm tội.”

 

Phiên tòa xử các tu sĩ và Phật tử chùa Đại Thọ

Sư Trương Thạch Dhammo nói “Bốn người dân và năm vị sư không có luật sư bào chữa… Công an làm đủ thứ để ngăn chặn người dân tới phiên tòa hôm đó… Một số vị từ nơi khác hoặc ở địa phương tới tham dự, chính quyền cũng ngăn cản. Cả gia đình Sư Dương Khải cũng có mấy xe công an, cảnh sát tới bao vây.” 

 

Vấn đề tự do tôn giáo của người Khmer Krom

Cái cần chú ý ở đây là GHPGVN. Một bài viết trên trang web của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nói “GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.”

Cũng theo bài viết đó, Hiến chương GHPGVN khẳng định “Mục đích của GHPGVN là điều hòa, hợp nhất các tổ chức, hệ phái PGVN cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới.”

Chúng ta không thể biết chính xác vấn đề nội bộ chùa Đại Thọ, chuyện gì xảy ra… nhưng thực tế là GHPGVN được lập ra để kiểm soát Phật giáo trên toàn Việt Nam, bao gồm chùa Đại Thọ của người Khmer Krom, và chính GHPGVN cũng bổ nhiệm một vị sư làm trụ trì chùa sau khi công an bắt Sư Thạch Chanh Đa Ra.

Điều cần nói là Phật giáo của người Khmer Krom và của người Kinh hoàn toàn khác nhau. Sư Trương Thạch Dhammo giải thích, người Khmer Krom theo Phật giáo Tiểu thừa hay Phật giáo Nam tông, và học kinh kệ tiếng Pali; trong khi người Kinh theo Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Bắc tông, và sử dụng tiếng Sanskrit (tức tiếng Phạn). Cùng là Phật giáo nhưng hai bên khác hẳn nhau—vậy tại sao GHPGVN lại muốn kiểm soát toàn bộ mọi chùa chiền Phật giáo ở Việt Nam và xen vào việc nội bộ chùa Đại Thọ?

TT Dhammo at press conference

Cuối tháng 9/2024 vừa qua, bản báo cáo của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF) đã nêu đích danh GHPGVN là một trong các tổ chức do nhà nước Việt Nam dựng lên để rồi điều khiển làm công cụ đàn áp tôn giáo. Nhà nước bắt các chư tăng và Phật tử Khmer Krom phải quy phục và chấp nhận sự kiểm soát của tổ chức ngụy tôn giáo này. Trong buổi họp báo về tài liệu trên, Sư Trương Thạch Dhammo cũng đã phát biểu về GHPGVN và vấn đề tự do tôn giáo của người Khmer Krom.

Vụ việc xảy ra ở chùa Đại Thọ là một minh chứng cho bản báo cáo. 

Sư Dhammo hy vọng sắp tới Hoa Kỳ sẽ xếp Việt Nam vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern, tức Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống, và đang tiếp diễn).

Mạch Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét