Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

"Gói Mắm Tôm"

 

Hình minh họa

"GÓI MẮM TÔM"
Ngô Minh Hằng 
(Truyện ngắn - trích Những Chặng Đường - 2001)

“Đã là con gái,

“Đến tuổi dậy thì ì... ì...

“Cô nào trông... cũng... đ... đẹp!... ẹp...” 

Tôi vừa nghêu ngao ê a, ư ử những câu thơ, vừa cảm phục nghĩ rằng không biết những câu thơ này của ai và tôi đã thuộc lòng từ bao giờ mà hôm nay bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến, ngâm nga một cách thích thú và cảm thấy nó đúng vô cùng.  Càng đúng hơn nữa, khi mà lúc này tôi lại hay nghĩ đến Kim, cô bé Gia Long có đôi mắt tròn đen ngây thơ vô tội vạ mà tôi mới gặp hai tuần trước trong chiến dịch quyên góp cứu trợ nạn lụt miền Trung. Thích chí qúa tôi buột miệng: 

- Chí lý! chí lý! đã là con gái thì đẹp là cái chắc. Lại đến tuổi dậy thì nữa thì cô nào mà chả đẹp! Thật là đúng! Đúng không thể chê vào đâu được. Hoan hô nhà ông thi sĩ đại tài! 

Nhưng, sau khi thốt ra câu cuối cùng tôi bỗng khựng lại một giây và cảm thấy có một cái gì bất ổn. Vâng, đúng vậy. Ở đời luôn có những cái NHƯNG quái ác, những định luật bất quy tắc vì tôi liên tưởng đến Mai và Tuyết, hai đứa em gái của tôi. 

Nghĩ đến hai đứa em tôi, tôi mới thấy rằng cái nhà ông thi sĩ nào đó đã có những câu thơ mà mới vài phút trước đây tôi cho là bất hủ, là chí lý, là đúng thật là đúng thì bây giờ, trong trường hợp này nhà thi sĩ ấy lại sai thật là sai! 

Thật ra hai đứa em gái tôi không được đẹp cũng chẳng phải là lỗi của chúng nó mà thật sự là lỗi tại tôi. Nghe các cụ nói khi người mẹ mang thai nếu nghĩ đến hay thương mến ai thì đứa bé trong bụng sẽ giống người đó. Vậy là khi mang thai các em tôi, mẹ tôi chắc phải thương mến tôi ghê gớm nên bọn nó giống tôi như đúc. 

Tôi nghĩ  rằng ông bà cụ nhà tôi không chỉ là những người sành tâm lý mà lại còn biết tiên đoán cả chuyện tương lai và rất giàu kinh nghiệm nên đã “trông mặt đặt tên” cho hai đứa em tôi. Các cụ biết trước rằng đứa em lớn của tôi sau này nó sẽ rất đồ sộ nguy nga nên đặt tên cho nó là Mai. Một cái tên thôi, đủ nói lên những kỳ vọng mà cha mẹ đặt để ở con mình. Đặt tên con gái là Mai, cha mẹ tôi đã hy vọng là khi lớn lên, con mình có cốt cách của một cành mai “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” hay “mình hạc xương mai”.  

Nhờ kinh nghiệm của những năm làm cha mẹ nên điều tiên đoán ấy thật quả không sai một tý nào.  Mai càng lớn càng... sổ sữa. Đến khi  được mười sáu tuổi thì nó đã sổ sữa đến mức tận cùng. Thế là điều mong ước mà ông bà cụ nhà tôi ước mong nơi Mai thì đã bất thành. Chắc là lúc tâm niệm, cha mẹ tôi đã không coi ngày nên chạm phải ngày vía, mất linh.  Vì thế, càng lớn, Mai càng không có chút gì là mình hạc xuơng mai mà ngược lại, nó... vĩ đại đến nỗi có những ngộ nhận rất thường. Một hôm, Hảo, người bạn cùng lớp lần đầu đến nhà tìm tôi.  Mai ra mở cửa, Hảo vội vàng cung kính: 

- Chào chị ạ, thưa chị cho em gặp Tường. 

Thấy Hảo gọi mình bằng chị một cách kính cẩn và còn tỏ ra khép nép thì Mai lại nghĩ là Hảo chọc quê mình nên nó bực lắm.  Mai mở cửa cho Hảo, nguýt dài một cái và xụ cái mặt ra. Vốn đã mát da mát thịt, mặt Mai lúc bình thường đã không nhỏ nay lại xụ ra nên càng “vĩ đại” hơn. Không thèm nhìn Hảo, Mai nói cụt ngủn: 

- Đi vắng rồi! 

- Thưa chị, chị có biết bao giờ Tường về không ạ? 

- Không biết! 

Thấy thái độ của Mai như thế, Hảo lại vụng về luống cuống hơn: 

- Vậy... thưa chị.... cho em... 

Hảo chưa đứt lời thì bỗng nghe Mai hét tướng lên: 

- Có gì thì nói đi! Thưa thưa với gởi gởi hoài, phát mệt! 

Bị bất ngờ đối xử một cách lạnh lùng tàn nhẫn trong khi cố gắng lễ phép hết mình, Hảo hoang mang và bất nhẫn đứng im chưa biết phải phản ứng ra sao.  Thấy vậy, Mai bỏ vào trong nhà để Hảo đứng bơ vơ ngơ ngác một mình với những thắc mắc là không hiểu mình đã làm gì lầm lỗi để cho bà chị của Tường giận mình như vậỵ 

Nghe tiếng Mai hét, bà cụ tôi không hiểu chuyện gì vội từ nhà bếp chạy lên. Thấy nét mặt Mai hầm hầm bực bội đi vào và thấy Hảo đứng trơ vơ ngoài phòng khách, đoán hiểu phần nào, cụ ôn  tồn chữa ngượng cho cả hai: 

- Chào cậu. Mời cậu ngồi chơi. Em Tường nó đi với ông nhà tôi chắc đến tối mới về, cậu có cần gì, tôi nhắn lại. 

Hảo chưa kịp lấy lại hồn vía sau cuộc gặp gỡ với Mai nên nói không có gì nhắn.  Hắn vội chào mẹ tôi rồi lỉnh mất. 

Hôm sau vào lớp, vừa thấy tôi Hảo đã trả thù: 

- Trời đất qủy thần ơi, thằng Tường có bà chị kinh khủng qúa chúng mày à!  Bà ấy vĩ đại lắm, lại xấu không chịu được. Đã thế, bà ấy còn có nghề bán mắm tôm.  Hôm qua, tao đến tìm thằng Tường, bị bà ấy cho ăn mấy gói mắm tôm. Khiếp qúa! Kinh khủng quá! 

Quang thật thà: 

- Thằng Tuờng làm gì có chị? Chắc mày vào lầm nhà thì có! 

Lâm chen vào đùa cợt: 

- Ông cụ non như mày vào lầm nhà được ăn mắm tôm là phúc lắm đấy con ạ. Ai chứ mày vào lầm nhà tao, tao cho ăn đấm! 

Lâm quay lại tôi: 

- À, mà bà nào ở nhà mày mà ghê qúa vậy Tường? Sao không báo động cho chúng tao đề phòng với hả? 

Tôi ngượng ngùng chậm rãi phân trần: 

- Làm gì có bà nào? Con em tao chứ ai. Nó tức mình vì bị thằng Hảo cung kính gọi nó là chị xưng em lại còn khúm  núm thưa  thưa gởi gởi, nó nghĩ  là thằng Hảo thấy nó to con rồi chọc quê nó nên nó nổi sùng! 

Cả bọn cuời ầm lên. Thế là từ đấy tôi có điều gì không ăn ý với lũ bạn là bọn nó lại lôi chuyện “gói mắm tôm” ra để làm áp lực với tôi. Vốn bản tính dĩ hòa vi qúi lại nể bạn, thương em, tôi không muốn tụi bạn mình thêm mắm dậm muối nói những điều oan ức cho Mai nên tôi luôn nhượng bộ. Nhưng tụi nó cũng đâu có để Hảo yên thân, hễ Hảo làm gì không vừa ý thì bọn nó la lên: 

- Tường ơi, mày về xin "bà chị" mày "gói mắm tôm" cho thằng Hảo giùm tụi tao được không?  Nó có vẻ nghiền món mắm tôm của chị mày nặng rồi Tường à. Không tin, đến đây mà xem nó đang lên cơn nghiền nè! 

Lúc đầu chúng tôi còn bò lăn ra cười với nhau mỗi khi có dịp chọc ghẹo nhau như thế. Nhưng sau bị tụi bạn ghẹo  trước mặt cả mấy cô nữ sinh trường bạn đến thăm, làm mấy cô này chả hiểu ất giáp gì cả, cứ nhìn Hảo và tôi dò hỏi làm Hảo mắc cở, nổi sùng. Nhất qủi, nhì ma thứ ba học trò, lời các cụ nói thật chẳng sai chỗ nào, càng thấy Hảo nổi sùng thì tụi bạn càng thấy trò chơi của mình thành công và càng làm tới. Trong đó, chỉ vì là anh của Mai, tôi cũng là nạn nhân của bọn "thứ ba" này. Sau thấy tức giận không giải quyết được thì Hảo đành phải xuống nước: 

- Tao van tụi bay, tụi bay muốn làm gì cũng được nhưng đừng đề cập đến vụ “gói mắm tôm” trước mặt bọn con gái, làm tao muốn độn thổ luôn. 

Đứa em gái út của tôi là Tuyết. Mẹ tôi sanh nó vào đúng đêm Ba Mười Tết.  Thời đó ở ngoại ô chưa có đèn điện nên đêm Ba Mươi đã tối lại tối hơn. Cả nhà chỉ có một cái đèn dầu le lói nên khi bà Mụ nắm đầu nó lôi ra thì chỉ nghe tiếng khóc oe oe chứ chẳng nhìn thấy nó đâu. Mẹ tôi nói ước gì nó trắng như cuộn bông gòn Bạch Tuyết để nhìn cho rõ mặt. Chắc vì nghĩ thế, mẹ tôi bèn bàn với bố tôi đặt tên nó là Tuyết. Ông cụ thấy có lý nên bằng lòng ngaỵ Hôm sau, sáng sớm Mồng một Tết, bố tôi khăn áo chỉnh tề đến chúc tuổi ông Xã trưởng và làm giấy khai sinh ngay cho nó. 

Khác với Mai, Tuyết thì gầy ốm tong teo và đen bóng. Vì gầy qúa, hai mắt của nó trở nên to thao láo và lộ ra như mắt con cá vàng. Hàm răng của nó vêu vẩu trắng toát khoe ra lúc nào trông cũng như cười, nổi bật hẳn trên màu da đen thui của nó. Gía lúc sanh ra mà nó có hàm răng như thế này thì chắc mẹ tôi đã  nhìn thấy và sẽ đặt tên nó khác đi. Nhưng Tuyết lại hiền hơn con chị. Nếu có ai gọi nó là “cây sậy” hay “chiếc đũa mun” thì nó cũng chỉ “cười” với “nụ cười hàm tiếu sẵn nở trên môi” chứ không hề  giận dỗi ngúng nguẩy như Mai. 

Bạn bè Tuyết  còn bảo là Tuyết có tài đóng kịch, nhất là môn cải lương. Chỉ nghe nói thế thôi, còn thật sự tôi chưa bao giờ được nghe nó ca hát gì cả. Chỉ có một lần Phúc đến nhà tôi để đi chung xe đạp đến lớp vì xe của Phúc bị hư, Tuyết ra mở cửa. Với bản tính vui vẻ cố hữu và “nụ cười trời cho”, Tuyết nói một câu rất...cải lương: 

- Chào anh Phúc, nghe anh Tường em nhắc anh hoài, khen anh học giỏi vậy mà hôm nay em mới được gặp anh. Thật là hữu xạ tự nhiên hương! Mời anh vào, anh Tường em đang chờ anh ở trong nhà ấy! 

Tôi đang bỏ mấy cuốn sách vào cái túi da bỗng phì cười. Tôi có nhắc tên của Phúc ở nhà hồi nào đâu. Hơn nữa, xạ ở đâu ra mà tự nhiên hương như vậy?  Cái con bé này mồm miệng qúa! Giữa trưa tháng Năm oi ả, Phúc như được uống một ly nước dừa xiêm mát lịm, chàng theo chân Tuyết vào nhà ngồi chờ tôi ở chiếc ghế sa lông và lòng thì cứ ngẩn ngơ mãi với “nụ cười muôn thuở” của “chiếc đũa mun”. Đến khi tôi bước ra, tằng hắng, Phúc mới tỉnh khỏi cơn mê hồn tận. Tôi cười với Phúc: 

- Mình đi thôi, Phúc! 

Đến giờ nghỉ chuyển môn, Phúc quảng cáo: 

- Thằng Tường có cô em gái dễ thương hết sảy tụi bay ơi! Đứa nào muốn nộp đơn làm em rể nó thì phải đứng xếp hàng sau lưng tao đấy nhé! 

Hảo vội vàng phản đối: 

- Mày điên nặng rồi hả? Có điên thì điên một mình mày thôi Phúc ơi! 

Rồi Hảo gào lớn hơn cho mấy đứa còn chưa chú ý lắm vào câu chuyện: 

- Ê! tụi bay đừng đứa nào nghe thằng Phúc xúi dại nghe. Tao hả, thằng Tường mà tình nguyện gả em gái nó cho tao, tao còn kêu lính bắt và đòi bồi thường thiệt hại nữa kià chứ ở đó mà xếp hàng! 

Cảm thấy Tuyết bị tổn thương, Phúc cự nự: 

- Ê, ăn nói vừa thôi, thời buổi này phát ngôn bừa bãi ở tù đó con ạ! Người ta như thế mà mày chê! Để tao xem bồ mày đẹp đến cỡ nào cho biết! 

- Chả đẹp đến cỡ nào cả, nhưng nếu tao có bồ, tao sẽ không bao giờ chọn một bà mập ú, mặt như cái bánh bao chiều lại còn chanh chua kinh khiếp như em thằng Tường cả! 

Quang cười cười: 

- Đừng mạnh miệng qúa Hảo, coi chừng ghét của nào trời trao của nấy đó! 

Hảo nhún vai trả lời Quang trong lúc Phúc nhìn Hảo ngơ ngác hỏi: 

- Mày nói cái gì lạ vậy Hảo?  Em thằng Tường đâu có ghê gớm như vậy đâu?  Cô bé xinh xắn, nước da bánh mật và ngọt như cục đường phèn, dễ thương như chiều chủ nhật! Có mày lúc nào cũng đòi hỏi tuyệt hảo. Hèn chi tên mày là Hảo cũng có lý do. 

Hảo phá lên cười cay cú: 

- Ối giời đất ơi, ối làng xóm ơi, ối tụi bay ơi, em thằng Tường to bằng cái thùng phuy đựng nước. Mỗi bước chân em đi thì rung chuyển cả ngôi trường Nguyễn Trãi này.  Em mà lườm cho một cái thì dù đang mùa Xuân hoa cũng héo, phán ra câu nào thì câu ấy sặc mùi mắm tôm thế mà thằng con nhà Phúc khen được là xinh xắn ngọt ngào dễ thương thì có chết không cơ chứ!.... Liệu, mày cầm sách vở giùm tao để tao rảnh tay đưa thằng Phúc vào nhà thương Biên Hòa tĩnh dưỡng! 

Phúc cảm thấy Tuyết bị xúc phạm một cách nặng nề và chính chàng cũng bị xúc phạm. Chỗ bạn bè với nhau, chàng bị xúc phạm còn có thể châm chế  nhưng Tuyết bị xúc phạm thì không thể nào tha thứ được! Nghĩ thế, mặt cậu đỏ gay, vừa toan phản pháo thì giáo sư đã vào lớp và kêu gọi vãn hồi trật tự. 

Sau mùa thi tú tài toàn phần năm đó, lũ chúng tôi đứa thì lên đại học tiếp tục dùi mài kinh sử, đứa thì lên đường nhập ngũ để làm người hùng của em gái hậu phương. Có đứa may mắn hơn được cha mẹ gởi đi ngoại quốc du học. Riêng tôi thì sau hai năm học Khoa học, chán qúa thi vào Hải Quân để dệt mộng hải hồ.  Chúng tôi, sáu đứa ngồi hai bàn liền nhau trong suốt hai năm dài, từ đó, chỉ còn gặp gỡ nhau qua những bì thư nhỏ. 

Lần lượt một vài đứa chúng tôi có vợ, có con. Vì hoàn cảnh phải thay đổi chỗ ở luôn luôn, vì bận rộn của công việc, chúng tôi dần dần mất liên lạc với nhau.  Chỉ có Quang và tôi là thỉnh thoảng còn gặp gỡ. Quang phục vụ ở chi khu Hội An còn tôi sau bốn năm theo Tuần Giang Đỉnh tôi đổi về đất liền, ngay căn cứ Hải Quân Đà Nẵng. 

Một buổi chiều vừa ở văn phòng về, Trung, đứa con trai thứ hai vừa lên ba tuổi của tôi cầm một phong thư  đưa cho bố. Cu cậu bập bẹ từng tiếng: 

- Bố, thư. Ông nội.  Bà nội. Mẹ đọc. Bố đọc. 

Tôi cởi áo ngoài vắt trên thành ghế rồi ẵm bổng Trung lên hôn vào cổ nó làm Trung nhột cười khanh khách. Sau đó tôi đặt cu cậu ngồi trong lòng tôi và mở thư ra đọc. 

Gia Định ngàỵ... tháng... năm.... 

Hai con thương yêu của bố mẹ, 

Cu Lớn, cu Nhỏ và bé My yêu qúy của ông bà nội, 

Bố mẹ viết thư thăm vợ chồng con và lũ nhỏ. Gia đình con khỏe mạnh bố mừng.  Bố mẹ mới nhận được thư của vợ chồng con Tuyết hôm kia, sau thư của vợ chồng con hai ngày. Tụi nó báo tin mừng là đứa con thứ hai của chúng nó sẽ chào đời vào khoảng tháng Hai năm tới. Chồng nó, thằng Lộc mới đổi về tiểu khu Kiến Hòa. 

Đặc biệt thư này bố mẹ báo cho các con một tin mừng là bố mẹ đã định ngày cho nhà trai làm đám hỏi con Mai. Chú rể tương lai của nhà mình có cái tên đẹp lắm: Hảo, Nguyễn Ngọc Hảo. Hảo tốt nghiệp kỹ sư điện ở Nhật về được mấy năm nay và hiện làm Phó Giám Đốc nhà máy điện Thủ Đức. Kể ra thì cũng là duyên nợ với nhau hay sao ấy chứ con Mai nhà mình từ chối hết đám này đến đám khác, mẹ mày cứ giục giã vì không muốn nó muộn màng. Cho đến hôm nó đi dự  đám cưới bạn nó, cô giáo Huệ. Huệ là em họ của Hảo và thế là hai đứa nó gặp nhau. Chúng nó thư từ qua lại đã bảy tám tháng rồi và nhà trai mới đến xin  hỏi cưới hôm qua. Nghe nói xưa Hảo cũng học ở Nguyễn Trãi như con, không biết con có biết Hảo không? Vậy nhớ đến ngàỵ... tháng.... các con liệu mà thu  xếp đem bày nhỏ về ăn đám hỏi cô Mai nó. 

Bố mẹ chúc các con khỏe mạnh, may mắn, lũ nhỏ hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn. 

Bố mẹ. 

T.B. Ông bà nội nhớ Cu Lớn, Cu nhỏ và bé My lắm. Tụi con nhớ về thăm nội nghen! 

Chẳng phải moi móc lâu la trong trí nhớ tôi có thể đoán chắc 99% Hảo, thằng em rể tương lai của tôi chính là Nguyễn Ngọc Hảo, thằng bạn cũ của tôi trong những năm Đệ nhị, Đệ nhất ở Nguyễn Trãi. Là đứa bị con Mai đối xử rất ư là tàn nhẫn vô nhân đạo ngày nào và sự tích “mắm tôm” được khai sanh từ đó. Là đứa mà từng to họng cay cú chê con Mai là thùng phuy, là xấu ghê xấu gớm, xấu đau đớn không chịu được. Là đứa đòi kêu lính bắt tôi và đòi bồi thường thiệt hại nếu chẳng may tôi lỡ dại tình nguyện gả em gái tôi cho nó. 

Trong sáu đứa chúng tôi chỉ có mình Hảo là được đi du học ở Nhật vì nó học rất giỏi lại con nhà giàu. Tôi chợt thấy vui buồn lẫn lộn khi nhớ đến đám bạn ngày xưa.  Buồn nhất là khi nghĩ đến Lâm. Cũng như tôi, sau hai năm học đại học, Lâm đi lính tàu bay. Phi cơ thám thính của nó bị bắn rơi ngay trong phi vụ đầu tiên ở biên giới Việt – Lào.  Lâm được ghi là mất tích và đến nay vẫn không ai có tin tức gì về nó.  

Liệu  thì hiện làm luật sư ở tòa án Saigon. Nghe nói Liệu cưới vợ đã mấy năm nay và đã có một con. Phúc sau khi lấy được bằng Dược sĩ có đi dạm hỏi Tuyết nhưng không hiểu sao chuyện lại chẳng thành. Nghe nói giờ này Phúc vẫn còn độc thân vui tính. Quang thì cưới vợ đã hơn ba năm nhưng chưa có con và từ ngày đổi về chi khu Hội An thì cuộc sống của Quang có vẻ an nhàn hơn tất cả.  

Nghĩ đến Quang, nhớ đến lời nó nói với Hảo ngày nào: ”Đừng mạnh miệng qúa Hảo. Coi chừng ghét của nào trời trao của nấy đó!” tôi bỗng phá lên cười.  Quang hiền lành ít nói thật nhưng nói câu nào linh câu ấy. 

Cũng may cho Hảo, sau lần thấy Mai đối xử không phải với Hảo, các cụ tôi bắt Mai ngồi nghe giảng suốt mấy tiếng đồng hồ. Từ đó, nó đổi tính, chịu khó bơi lội, tập thể thao và đến ngày Mai thành cô giáo thì mọi người mới chợt nhận ra rằng điều ước của ông bà cụ nhà tôi đặt vào nó từ lúc mới sanh đã được bà tiên nào đó dùng đũa thần làm ước mơ biến thành sự thật. 

Từ lúc nào không ai nhớ được, chỉ biết rằng Mai bây giờ đúng là một thiếu nữ dù đã qua "tuổi dậy thì" rồi thế mà "trông cũng đẹp", đúng như câu thơ bất hủ ngày xưa. Không biết rằng sau những tháng thư từ tìm hiểu nhau như thế, Hảo có khám phá được một điều rất quan trọng rằng Mai, hôn thê của cậu ta chính là cái thùng phuy, là "bà chị", là "gói mắm tôm" năm cũ hay không. 

Ngô Minh Hằng    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét