Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Sự Tương Hợp Giữa Tư Tưởng Đạo Lão Và Tư Tưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh



VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH - PHẦN HAI (Tiếp Theo)
Thầy Dương Anh Sơn

CHƯƠNG II

SỰ TƯƠNG HỢP GIỮA TƯ TƯỞNG ĐẠO LÃO VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Bên cạnh nguồn ảnh hưởng sâu đậm của đạo Nho, chúng ta cũng nhận thấy một số dấu vết đạo Lão đã được đem vào Đoạn Trường Tân Thanh ít nhiều có những điểm tương hợp với quan điểm đạo Phật. Tuy nhiên, giữa đạo Phật vào đạo gia có nhiều điểm tương đồng chặt chẽ, vì thế rất khó phân định một cách rõ ràng và chính xác, ngoại trừ những sự biến thái có tính cách phổ cập trong quan niệm bình dân.  

Mục 1       

CHỮ TÀI CHỮ MỆNH KHÉO LÀ GHÉT NHAU 

Trước hết. cái quan niệm “tài mệnh tương đố 相 妒” hoặc “bỉ sắc tư phong 彼嗇斯豐 ” (do câu: "Phong vu bỉ sắc vu thử" nghĩa là dồi dào cái này sẽ giảm bớt, kém đi cái kia) mà Nho gia gọi là mệnh, Phật gọi là nghiệp thì đạo gia cũng gọi đó là đạo trời hay luật thừa trừ (乘除) do sự biến hóa âm dương mà ra. Thật vậy, Kiều sinh ra là một cô gái không những có tài mà còn có sắc nên nàng phải đứng trong vòng của luật thừa trừ của đạo trời đất. Lão Tử cho rằng:  Thiên chi đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc” 天 之 道  損 有 餘 而 補 不 足 (道德經) (Đạo của trời bớt chỗ có thừa để bù vào chỗ thiếu. - Đạo đức kinh, ch. 77 ) [1]  

Đồng thời, tinh thần đạo gia cũng dựa từ sự biến hóa của tự nhiên để cho rằng: “cây cao thì hưởng gió” (Đại thụ chiêu phong 大樹 招 風) và “kẻ mặt xấu thường ghen ghét những người mày ngài” (Xú diện ố nga mi 丑面 惡 娥眉). Chính vì định luật âm dương chuyển biến như thế nên nàng Kiều đã bị đày vào kiếp phong trần. Trời đất có một thứ định luật riêng biệt của nó mà tất cả sự vật trong cõi vũ trụ, đều phải chấp hành dựa trên sự đối chọi của “hữu” và “”, “cao” với “thấp”, “xấu” và “tốt” v.v... nghĩa là từng cặp tương tranh, đối chọi lẫn nhau. Nằm trong vòng cái định luật tự nhiên của trời đất như thế, Thúy Kiều, một kẻ tài sắc có thừa không thể nào tránh thoát sự bù trừ của tạo vật tự nhiên để lăn lưng vào chốn phong trần theo một nghiệp kiếp bất khả kháng:

“Đã cho lấy chữ hồng nhan,               (c. 1271)
Làm cho, cho hại, cho tàn cho cân!
Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.”

Cho cân” nghĩa là cho thỏa lòng ghen ghét của tạo vật, nhưng cũng có nghĩa là tuân theo luật bù trừ, vì Kiều đã được  “cho lấy chữ hồng nhan”. Chính sự ghen ghét hay sự bù trừ ở đây đã đưa Thúy Kiều vào chốn đoạn trường mà nàng khó lòng tránh thoát:

Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất

天 網 恢 恢, 疏 而 不 失 (道德經)

(Lưới trời lồng lộng, thưa mắt mà không thể lọt) [2]


Chính Tố Như tiên sinh đã từng suy ngẫm luật thừa trừ này trong những bài thơ chữ Hán của ông, ngoài việc đưa vào bên trong Đoạn Trường Tân Thanh:


Phàm sanh phụ kỳ khí, Thiên địa phi sở dung (Điệu khuyển)  

凡 生 負 奇 氣.  天 地 非 所 庸(悼犬)   

(Phàm sinh ra có khí phách khác thường, trời đất không có chỗ dung túng - Bài "Tiếc thương con chó") [3]


Vì thế, ít nhiều Truyện Kiều của Tố Như đã được xây dựng từ quan niệm và một định luật có tác dụng trên mọi sự vật là định luật bù trừ bắt nguồn từ Đạo gia. Thành thử, định luật “tài mệnh tương đố” được đem vào phần mở đầu Truyện Kiều, tuy có liên quan trực tiếp với Nho gia bởi chủ trương chữ “mệnh”, nhưng lại có căn nguyên từ Đạo gia. Đây cũng là đầu mối tạo thành vạn vật như Kinh Dịch chủ trương: 


“Nhất âm nhất dương chi vị đạo”

一陰 一 陽 之 爲 道  (經易)

Một âm một dương là đạo  (Kinh Dịch)


Kinh Dịch được xem là nguồn cảm hứng để Lão Tử sáng tác Đạo Đức Kinh và các người thuộc phái Đạo gia về sau cũng dựa vào đó để khai thác nhiều vấn đề khác nhau về huyền nhiệm."Lưỡng Nghi" gồm cặp âm dương, là sự vận hành của con người và nhiên giới. "Tài" và "Mệnh" tưởng như đối kháng nhau nhưng nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy trong "Tài" có "Mệnh" và trong "Mệnh" có "Tài". Tài và Mệnh tương đố, tương khắc nhưng hóa ra lại tương đồng tạo nên vận mệnh con người. Thúy Kiều cũng không đi ra ngoài sự chuyển hóa của cặp đôi ấy. Nói như Lão Tử: "Vạn vật phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi hòa 萬物負陰而抱陽,冲 氣以為 和." [4] (vạn vật đều cõng lấy âm và ôm bồng dương, nhân chỗ khí trống rỗng mà hòa quyện nhau)


Mặt khác, Đạo Đức Kinh của Lão Tử cũng nhắc nhở chúng ta cần tránh thành kiến, tư dục trong khi tìm tới lẽ đạo, tìm đến chân lý. Chữ Tài và Mệnh tuy có “tương đố” nhưng không phải tách biệt nhau hoặc đối nghịch nhau, mà lại bổ khuyết cho nhau theo luật bù trừ. Và theo lời dạy của Lão Tử, chỉ dưới nhãn quan không tư dục, vô phân biệt mới có thể nhận chân được sự thật. 


Sự thật đó là mối đồng nhất giữa Tài và Mệnh bởi Tâm của con người và chỉ kẻ nào “lòng” không tư dục, thành kiến mới thấy rõ sự hòa giải giữa hai mối tương đố này. [5]


Thường không tư dục, mới nhận thấy chỗ kỳ diệu; thường bị tư dục nên chỉ thấy chỗ chia cách; cả hai đồng với nhau; xuất thân cùng một chỗ nhưng tên khác nhau. “Đồng” nên gọi là “huyền”, huyền rồi lại huyền. Chúng là cửa ra vào của sự kỳ diệu (của Đạo)” [5] - Từ chữ “Tài”, Tố Như đã khéo léo đưa Thúy Kiều đến chỗ nhận thức được chữ “Mệnh”, hay nói khác hơn, đây là ý nghĩa của chữ Huyền rồi lại sinh ra Huyền, cho đến khi nào chúng đồng với nhau. Đồng với nhau (tức là đến giai đoạn thứ ba của tiến trình biện chứng như đề cập ở mục trên) trong sự chứng nghiệm của chữ tâm: “Cỗi nguồn cũng tại lòng này mà ra” - Tâm là nơi hóa giải được sự xung khắc giữa tài và mệnh theo ý nghĩa của chữ Đồng. Vả lại, cuộc đời nhân vật Thúy Kiều có gian truân khổ ải mới là cơ hội để nàng trau luyện viên ngọc tâm của mình. “Ngọc bất trác bất thành khí” nên khổ đau hay những tai họa liên tiếp giáng xuống số mệnh của Kiều cũng chỉ là bước đường cần phải trải qua để tạo lập được sự quân bình về sau. Lão Tử cũng từng chủ trương:


“Họa hề phúc chi sở ỷ”

  兮 福 之 所 倚 (道德經

(Họa là nơi phúc dựa vào - ĐĐK,ch.58) [6]


Trong tai họa đã hàm chứa hạnh phúc và ngược lại, phúc cũng là nơi họa nằm phục theo lý lẽ tự nhiên của đạo trời đất. Điều quan trọng là làm thế nào thấy được đầu mối từ nơi chính mình. Nhân vật Tam Hợp được Nguyễn Du có khi gọi là đạo cô (câu 2651: “Gặp bà Tam Hợp đạo cô”) và liền ngay đó, gọi là sư (câu 2655: “Sư rằng: Phúc họa đạo trời”) biểu tượng cho tư tưởng Đạo gia và nhà Phật pha trộn, đan lồng vào nhau khi xác tín:  


"Sư rằng: Phúc họa đạo trời,                 (c. 2655)

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra”


Tìm trở về với cội rễ, với cội nguồn nghĩa là trở về với một tâm thức đã lắng đọng, đã biết tuân theo mệnh trời và từ đó nhận ra đầu mối bình thường của vạn vật, của lòng người:  


“Qui căn viết tịnh,                                  歸根曰靜

thị vị viết phục mệnh;                            是謂曰復命

phục mệnh viết thường;                         復命曰常

tri thường viết minh.”                            知常曰明

(Đạo đức kinh/Chương 16)                   (道德經) [7]


Đạt đến trình độ nhận thức được chân lý của đời sống nằm nơi chữ “Thường” cũng là quan niệm của nhà Phật sau khi đã trải qua những quả kiếp nghiệp duyên để thức ngộ được “sự bình thường mới là đạo” (bình thường tâm thị đạo) như thiền gia luôn luôn nhắc nhở chúng ta. Chính vì thế , tiếng đàn của Kiều khi tái hợp với Kim Trọng bây giờ đã “đầm ấm dương hòa” và hạnh phúc cuối cùng nằm trong sự bình thường của khung cảnh sum họp gia đình. Thêm vào đó, ý nghĩa của câu “Phúc họa đạo trời” nếu có thể hiểu rộng hơn, chúng ta thấy tương hợp phần nào với chữ Nghiệp trong quan niệm nhà Phật và đó là tư tưởng Phật học được Nguyễn Du tiên sinh đưa vào Đoạn Trường Tân Thanh. Dĩ nhiên, ở một cấp độ nào đó, giữa đạo Phật và chữ Nghiệp, đạo Nho với chữ Mệnh và Lão gia với chữ Đạo chỉ gần nhau ở một vài điểm nào đó mà thôi. Cuối cùng, đạo Phật lại đầy đủ tư thế để được Tố Như chọn làm câu trả lời cho sự đối chọi, xung khắc của  định luật “tài mệnh tương đố”. Và đương nhiên, quan niệm Phật học trong Đoạn Trường Tân Thanh đã khoác màu sắc có sự khác biệt so với quan niệm có tính cách nguyên thủy mà chúng ta sẽ đề cập rõ hơn về sau. Nói khác đi với quan niệm “vô phân biệt” của thiền đạo chủ trương, chúng ta mới có thể đạt đến cảnh giới thanh tịnh; để từ đó mới thấy rõ được đạo nằm trong sự bình thường. Giữa đạo gia và thiền gia đều nhắm về một cứu cánh duy nhất là chứng nghiệm được sự huyền diệu của đạo. Và đạo đây chính là cái tâm theo thuật ngữ của thiền gia. Nhìn chung, “Tri thường viết minh”- Biết được lẽ thường là thấu rõ tự nhiên - của Lão Tử hay “Minh tâm kiến tánh” - Cái tâm trong sáng (Thiện căn ở tại lòng ta - c.3251) sẽ giúp thấy được chân tánh của nhà Phật, - đều nói về một thực tại duy nhất. Và “thực tại” thì không còn phân biệt đây là thực tại đạo gia, kia là thực tại thiền gia nữa, cũng như khi xét định về chữ tâm của Nho gia. Nhưng rồi với tinh thần phá chấp của Thiền: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm 應 無 所 住 而 生 其 心" (Không có chỗ nào để trụ vào mới sinh ra cái Tâm kỳ diệu) của "Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh 金剛般若波羅密多經," (Vajracchedika-prajnaparamita-sutra), đã vượt lên trên để thấu rõ và hàng phục cái tâm. Đó là điều mà Nguyễn Du khi tìm hiểu đạo Phật và đọc trên một ngàn lần Kinh Kim Cương vẫn chưa hiểu thấu chân nghĩa. Phải đến khi đi sứ bên Trung Hoa, ghé qua Phân Kinh Thạch Đài do Lương thái tử cho dựng, mới hiểu được "kinh không chữ mới là chân kinh"[8].


Dương Anh Sơn 


Tài liệu tham khảo:  

[1] Lão Tử, Đạo Đức kinh, bản dịch Thu Giang Nguyễn Duy Cần, NXB Khai Trí,  Sài Gòn, 1961, Q.II, chương 77.

[2] Lão Tử, S.đ.d., chương 73.

[3]  Xem Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du /Tập 2: Nam Trung Tạp Ngâm / Bài 24, D.A.S chuyển dịch lục bát (đã đăng trên <ninh-hoa.com> và sẽ đăng trên <nguyenhuehaingoai.blogspot.com> sắp tới đây)

 [4]  Lão Tử, sđd, Q.II, chương 42

 [5] Lão Tử, sđd, Q.I, chương 1, tr.37  

 [6] Lão Tử, sđd, chương 58.                                                                                

 [7] Lão Tử, sđd, QI, chương 16, tr.16

 [8] Xem Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du, Bắc Hành Thi Tập, sđd bài 106: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài (đã đăng trên<ninh-hoa.com> và sẽ đăng trên<nguyenhuehaingoai.blogspot.com>


Mục 2        

CHẲNG TU MÀ CŨNG NHƯ TU MỚI LÀ

Bên cạnh ý nghĩa của những điều nêu trên, chúng ta cũng nhận thấy Nguyễn Du tiên sinh đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của đạo học. Trực tiếp nghĩa là chắc hẳn tiên sinh là người uyên thâm Phật Nho và việc nghiên cứu đạo học là lẽ tự nhiên mà hầu hết các nhà nho xưa thường làm. Do đó, ảnh hưởng của tư tưởng đạo học trong thi ca của tiên sinh và ít nhiều nơi Đoạn Trường Tân Thanh đã chứng nhận điều đó. Gián tiếp vì những bài thơ chữ Hán của ông để lại như Mộ Xuân Mạn Hứng, Đạo Ý, Dạ Hành, Tạp Ngâm, Ngọa Bệnh, Ký Hữu, Tự Thán, Đề Nhị Thanh Động v.v...[1] đều có những âm hưởng khoáng đạt tiêu dao của đạo gia; đồng thời, những bài thơ này cũng mang phong vị của đạo thiền nữa. Hai nguồn tư tưởng về đạo học và thiền học đã dung hợp mật thiết với nhau trong thi ca của tiên sinh và cũng đã được đem vào Truyện Kiều dưới hình thức này hay hình thức khác. Dĩ nhiên, dấu vết của nguồn ảnh hưởng này khó nhận ra vì nó tiềm tàng trong từng ý thơ, nhưng không vì thế mà mất dấu, mất ảnh hưởng. 

Thật vậy, đoạn nói về cuộc tái hợp giữa Kim và Kiều, Nguyễn Du phác họa một Thúy Kiều giờ đây đã thấy rõ lý lẽ sâu xa của Đạo khi phát biểu:

Từ rày khép cửa phòng thu,               (c. 3107)

Chẳng tu mà cũng như tu mới là.”

Trước hết, “chẳng tu” và  “như tu”, cho thấy đây là tư tưởng được rút ra từ tư tưởng căn bản của đạo gia.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng thường nhấn mạnh đến ý niệm vô vi của ông. Vô vi không phải không làm, nhưng không phải làm cái vô ích. Vả lại, ý niệm vô vi đã được minh định:  

“Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi” (đạo Thường không làm, nhưng không gì là không làm)    

道 常 無 爲,而 無 不 爲     (道德經)    [2]   

Quan niệm “chẳng tu” có liên hệ với ý niệm “vô vi” và quan niệm “như tu” có tương quan với ý niệm “vô bất vi” ở đây. Đạt đến cấp độ “chẳng tu mà cũng như tu mới là” tức đạt đến chỗ Đạo Thường. Chữ “Thường” trong câu trích dẫn trên phù hợp với cuộc đời Thúy Kiều trong giai đoạn này. Nàng giờ đây đã nhận thức rõ ràng cái lẽ huyền vi của đạo ngụ ẩn trong cuộc sống bình thường. Sống “bình thường” không có nghĩa là sống “tầm thường” nhưng thấy rõ đâu là nguồn cội và ý nghĩa của cuộc đời. Nàng tuy chấp nhận sống cuộc đời vợ chồng với Kim Trọng, nhưng chỉ “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ” và vẫn giữ được “chữ trinh còn một chút này”. Nói khác hơn, tuy nàng sống cuộc đời vợ chồng với Kim Trọng, nhưng không phải là thứ tình vợ chồng tầm thường của thân xác; và tuy mang danh nghĩa vợ chồng song lại là thứ tình bạn sâu xa, thứ tình cầm kỳ mà “lọ là chăn gốí mới ra sắt cầm”. Điều quan trọng là nàng đã giữ vẹn tiết trinh của nàng. Chữ “trinh” cũng không phải hiểu theo nghĩa “tầm thường”, nhưng là theo nghĩa “bình thường” sau khi nàng đã vượt qua khỏi chốn đoạn trường, nàng ý thức rõ hơn ai hết giá trị thực sự của đời sống nằm trong ý nghĩa giữ được tấm lòng trinh nguyên này sau khi đã bị bao nhiêu sự dày vò. Ý nghĩa đó vượt lên sự tầm thường của vật dục để đạt đến chỗ bình thường của tâm linh. Thêm vào đó, hạnh phúc mà nàng có được sau bao năm luân lạc không phải là thứ hạnh phúc cao vời, xa lạ, nhưng thật gần gũi trong sự bình thường: 

Trông xem đủ mặt một nhà,                    (c. 3009)

Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi.

Hai em phương trưởng hòa hai,

Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa.

Tưởng bây giờ là bao giờ,

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 

“Sự sum họp với đầy đủ cha mẹ, anh em, người tình muôn thuở chính là thứ hạnh phúc mà nàng từng khao khát bấy lâu nay và rồi nàng đã đạt được nhờ nghiệp duyên của mình, nhờ chính nỗ lực vượt thắng của chính mình nữa.

Ngoài ra, ý niệm  “vô vi” cũng được nhận thấy trong câu:   

“Hoa tàn mà lại thêm tươi,                         (c. 3123) 

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

Có điều chi nữa mà ngờ…”

Tố Như tiên sinh đã vẽ một nàng Kiều tuy trải qua mười năm luân lạc nhưng vẫn còn trẻ đẹp mặn mà như thuở nào và lại có phần hơn nữa. Thời gian và không gian tuy có làm nàng Kiều đổi thay, nhưng không phải là sự thay đổi đem đến sự hao mòn, tàn tạ song lại có tác dụng cấu thành một nàng Kiều tâm thức đã mở rộng, sáng trong “hơn mười rằm xưa”. Nếu:

“Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân”

曲 則 全,枉 則 直,窪 則 盈,敝 則 新     [3]

(cái gì khuyết thì lại toàn, cái gì cong thì lại ngay, cái gì sâu thì lại đầy, cái gì cũ thì lại mới) 

Theo sự hành xử của đường lối “vi vô vi 為 無為” [4] của đạo Lão thì “hoa tàn mà lại thêm tươi” xứng hợp với quan niệm “khúc tắc toàn” hoặc “tệ tắc tân” ở đây. Dĩ nhiên, Tố Như tiên sinh không nhắm đến việc tả lại dung mạo “thêm tươi” của nàng Kiều, nhưng muốn mượn lời Kim Trọng để đề cao cái đẹp của một tâm hồn thanh khiết vượt lên sự ô nhiễm của bụi đời: 

"Như nàng lấy hiếu làm trinh,                       (c. 3l19)

Bụi nào cho đục, được mình ấy vay.

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”

Chính nhờ bao nhiêu nỗi đoạn trường, Kiều mới huân tập được cõi lòng của mình; nhờ sự khổ ải mới có ngày hạnh phúc. Cho nên, dẫu rằng “hoa tàn” vẫn chất chứa hình ảnh đẹp rỡ ràng và “thêm tươi”. Trong họa có phúc và phúc cũng nằm trong cái họa mà nàng Kiều đã chịu đựng để vươn tới sự tỏ ngộ lòng mình như “tan sương đầu ngõ”, như “vén mây giữa trời”. Đó là một thứ hạnh phúc đích thực! Khi tìm hiểu những ý từ của các câu thơ này,chúng ta sự liên hệ giữa đạo gia và thiền gia thật gần gũi và có thể nói dung hợp lẫn nhau khá chặt chẽ trong những câu dẫn trên. Ý niệm “thêm tươi” được rút ra từ ý niệm “hoa tàn” cũng là đến giai đoạn của những kẻ tầm cầu chân lý trong thiền gia chứng đắc được sự thật về cuộc đời. Ở giai đoạn đó, con người hay kẻ đi tìm tâm thức đã hé mở, đã khai ngộ như “tan sương đầu ngõ”, như “vén mây giữa trời”. Và “trăng” tượng trưng cho chân lý trong quan niệm của thiền tông, là nguồn hứng khởi cho các thiền sư và các thi gia chịu ảnh hưởng Phật môn bây giờ đã sáng tỏ: “Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa” đến nỗi Kim Trọng thay lời Tố Như đã quả quyết xác nhận tâm thức sáng trong ấy của Thúy Kiều: “có điều chi nữa mà ngờ” như đã trình bày ở các phần bên trên! Vả lại, “trăng” cũng chính là mối cảm hứng của chính Nguyễn Du trong rất nhiều bài thơ chữ Hán (Long Vỹ Giang Đầu, Đạo Ý, Dạ Hành, Ký Hữu, U cư, Ngẫu đề, Tương âm dạ v.v...) cũng như trong ĐTTT. Chẳng hạn, trong bài thơ Đạo Ý, Tố Như đã viết:

"Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,

Tỉnh thủy vô ba đào....                [5]

(Giếng xưa có ánh trăng sáng tỏ soi vào. Nước giếng không gợn sóng....)

Cuộc đời Kiều, nhất là tâm thức của nàng luôn luôn được ánh trăng theo dõi và mượn trăng để tâm sự diễn tả. Nhưng nếu trăng là biểu tượng của chân lý của thiền gia [6] thì cũng chính trăng lại là biểu tượng cho ý niệm “vô vi” hoặc “đạo thường” của đạo gia. Nguyễn Du tiên sinh khi để Kiều phát biểu:

"Bấy chầy gió táp mưa sa,

Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn"   (c.3100)

Và rồi lại chính Tố Như đã nhờ Kim Trọng thay lời mình để cho thấy sự huyền diệu khởi đi từ trạng thái thoạt nhìn có vẻ đối chọi giữa “hữu và vô”, giữa “khuyết, tàn” và “thêm tươi”, với hơn “mười rằm xưa”, song lại vượt lên trên được hai trạng thái ấy để đạt đến chỗ cao khiết, “không để cho bụi bặm  lẫn vào cõi thanh hư (Bất dung trần cấu tạp thanh hư - Ngọa bệnh):  

Hoa tàn mà lại thêm tươi, 

 Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”   

Chữ “lại thêm” và “hơn mười” mang ý nghĩa vượt trội, viên mãn trong quan niệm của thiền đạo” nói riêng, và đạo Phật nói chung, được rút ra và nẩy sinh từ sự tương tranh giữa “tàn” và “tươi” hoặc giữa “trăng tàn và “hơn mười rằm xưa” tương hợp với tư tưởng của đạo gia. Vai trò của tư tưởng thiền đạo không những đã dung hợp được hai cảnh giới đối nghịch, nhưng còn vượt hẳn lên trên để thấy rõ cuộc đời chẳng còn “có điều chi nữa mà ngờ” (câu 3l25) như Kim Trọng đã xác tín về tâm thức của Kiều. Bồ Đề Đạt Ma cũng thường khuyên chúng đệ tử: “Phàm mê là mê ở ngộ, còn ngộ là ngộ ở mê. Bậc chánh kiến hiểu tâm vốn không vô, tức vượt lên mê ngộ. Không có mê ngộ mới gọi là chánh giác, chánh kiến... “nói “có” là có do “ở không” nói không “là không do ở “có”. Đó mới là thấy chân thực”.[7] 

Vượt lên mê ngộ” tương hợp với ý nghĩa của chữ thêm tươi” hoặc “hơn mười rằm xưa” ở đây. Đồng thời phải có mê mới có ngộ, hay nói khác hơn, phải có sự tương tranh giữa chốn đoạn trường rồi mới có được ngày tái hợp để từ đó nàng Kiều mới được an vui trong hạnh phúc bình thường. 

Mặt khác, trong một bài thơ chư Hán, Tố Như tiên sinh cũng cho thấy sự hiểu biết ít nhiều về lẽ đạo huyền diệu khi viết:  

Long vĩ giang đầu ốc nhất gian    

U cư sầu cực hốt tri hoan                 

Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt

Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn”    

(Tạp ngâm, kỳ nhị)


龍 尾 江 頭 屋 一 閒
幽 居 愁 極 忽 知 歡

達 人 心 境 光 如 月   

處 志 門 前 青 者 山


Tạm chuyển lục bát: 


Đầu sông Long vĩ một nhà,

Quá buồn ở ẩn chốc đà hân hoan  

"Đạt nhân" lòng sáng như trăng

Trước nhà “xử sĩ” giăng hàng núi xanh

(Tạp ngâm - Bài 2)


Tận cùng của sự đau buồn đưa đến việc biết được nguồn vui (sầu cực hốt tri hoan). Phải chăng đây là ý nghĩa mà tiên sinh đã đem vào trong câu:


Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào?            (c. 3207)

Xưa sao sầu thẳm giờ sao vui vầy.

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”


Chấm dứt đau khổ ắt hẳn bước đến giai đoạn sung sướng hạnh phúc? Hơn thế nữa, tiên sinh cũng đã đặt câu hỏi đó khi đưa ra sự đốí chọi giữa “Tẻ” và “Vui”, giữa “Sầu thảm” và “Vui vầy”, phải chăng do “bởi tại lòng này” tức là cái “Tâm” của mỗi người? Cái tâm này chính là tâm thiền đã hóa giải được xung khắc giữa tẻ, vui và đã vượt lên trên sự đối kháng ấy. Nói khác đi, nó không còn ẩn tàng trong sự đối nghịch của ý niệm “hữu”, “vô” hoặc “khuyết”, “toàn” của Lão gia, nhưng đã vượt lên trên bằng ánh sáng của Thiền tông. Chính Nguyễn Du để sư Tam Hợp phát biểu: “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra” (câu 2656), và trong phần kết luận, tiên sinh hạ bút “thiện căn ở tại lòng ta” đã xác nhận rõ cái nguồn cội mọi mối tương tranh đều do cái Tâm của con người chủ xướng. Cái mà đạo gia gọi là “tri thường viết minh” (Biết được Thường là sáng suốt - ĐĐK, XVI) thì thiền gia gọi là sự giác ngộ, đều nhằm đến việc diệt trừ “vô minh” để trở lại trạng thái “sáng suốt” (Minh) như quan điểm của đạo Lão. Đồng thời, biết được sự Thường là Minh cũng chính là quan niệm của thiền gia nơi ý nghĩa của câu “Bình thường Tâm là Đạo” và “cỗi nguồn” mà Tố Như đề cập bao hàm bổn tánh của con người như Bồ Đề Đạt Ma đã giảng giải: 


Bổn tánh tức là tâm, tâm tức là tánh... tâm mình vốn thanh tịnh” hoặc “Tâm ấy từ vô số kiếp đến nay vẫn y như hiện giờ, chẳng sai khác, chưa từng có sống chết, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thêm, chẳng bớt, chẳng sạch, chẳng dơ, chẳng tốt, chẳng xấu...” [8], nghĩa là một cái tâm rất “bình thường” đúng với ý nghĩa của hai chữ ấy. Nếu xét kỹ hơn thì đạo gia cũng chủ trương tương tự, mặc dù không xác định bằng một thuật ngữ rõ ràng khi cho rằng “quay về nguồn cội chính là cõi lòng thanh tịnh” (quy căn viết tịnh). Giá trị của thiền vị là nhằm chân nhận một thực tại mà Nguyễn Du đã khai mở. Tâm hay Đạo rốt cùng cũng chỉ là một mà thôi.


* * * * *

Ngoài ra, ý niệm “đục trong” hoặc “bụi trần”, gương trong cũng ít nhiều có sự dung hợp do bởi hai nguồn tư tưởng thiền và đạo gia. Thực vậy, khi phát biểu: “Chỉ có kẻ đạt được đức nhân” mới có được tấm gương lòng thoát tục sáng như trăng” (Đạt nhân tâm kính minh như nguyệt - Long Vĩ Giang Đầu), nghĩa là chẳng còn nhuốm “chút bụi trần” mới có được tấm “gương trong” (câu 3173). Nói như thế, Tố Như đã cho thấy sự thâm ngộ của mình về tư tưởng thiền tông, nhất là của Huệ Năng và Thần Tú, hai thiền sư nổi tiếng ở Trung Hoa (thế kỷ thứ 7 và 8, sau TL). Song nếu xét đoán sâu xa hơn, Nguyễn Du tiên sinh qua thiền học đã chịu ảnh hưởng gián tiếp của đạo Lão.  


Thúy Kiều, nhân vật biểu tượng cho sự đau khổ của kiếp đoạn trường phải chịu sự ô nhiễm trần cấu lại chứng ngộ cho tâm thức bình yên, từ sự vẩn đục của cuộc đời phong ba đó, vì nàng hơn bất cứ kẻ nào chưa từng trải qua kiếp đoạn trường đã thấy rõ cái mệnh hay nghiệp duyên của mình:


Đục trong thân vẫn là thân”     (c. 1423) 


Đã mang lấy hình tướng, sắc thân, tức phải chấp nhận mọi sự tốt đẹp cũng như xấu xa có thể xảy đến cho mình, phải “lấy thân mà trả sự đời cho xong” chứ không thề chối từ được. Song, từ sự chấp nhận mà không thể chối từ “phận bèo bao quản mưa sa” đó, Kiều mới có thể đạt đến một tâm thức bình yên. “Đạo Đức kinh” cũng khai triển tính chất vi diệu của hình thức nhị nguyên đó:  


“Hỗn hề kỳ nhược trọc, thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh chi từ thanh” 

混 兮 其 若 濁,孰 能 濁 以 止,靜 之 徐 清。

(Pha lẫn dường như nước đục, ai hay nhờ tịnh mà đục hóa trong)[9]


Vả lại, nàng Kiều đã chứng đắc được đức “Tĩnh” như Lão Tử thường đề cập. Nàng không bao giờ nói về sự giác ngộ (hiểu một cách thật bình thường) của mình đúng như tinh thần thiền nhà Phật, vì rằng nàng hình như không nhận biết được, nhận biết được tức là chưa “giác” đúng với nghĩa của chữ này. “Chúng sinh đời mạt thế tu tập Bồ Đề, lấy cái chỗ mình chứng một ít mà cho là thanh tịnh, thời cũng chưa hết được cái cội gốc của tướng “ngã”... Người tu hành không bỏ được tướng ngã không khi nào được giác thanh tịnh” [10]. Thúy Kiều hơn ai hết, nàng đã im lặng, an vui trong cái hạnh phúc bình thường, vì biết rằng:


“Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung”

多 言 數 窮, 不 如 守 中。   [11]

(Nói nhiều càng không thể nói hết được, chi bằng giữ lấy cái trung) 


Thúy Kiều tuy biểu hiện được đức trung (chẳng tu mà cũng như tu mới là), nhưng nàng đã quên tướng “ngã” của mình và để chàng Kim Trọng (nhân vật chứng nhận sự thay đổi của tâm thức Kiều trước và sau thời luân lạc) lên tiếng mà thôi: 


Như nàng lấy hiếu làm trinh                (c. 3119)

Bụi nào cho đục được mình ấy vay

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời ...

... Còn điều chi nữa mà ngờ”              (c. 3125)


Hoặc: 


Gương trong chẳng chút bụi trần      (c. 3173)

Một lời đã quyết muôn phần kính thêm


Hay là:


“...... Phổ ấy tay nào                   (c. 3208)

Xưa sao sầu thảm, giờ sao vui vầy? 


Có chăng Thúy Kiều chỉ nói về cái thân của mình một cách rất khiêm tốn, mặc dù sự giác ngộ được đức Tĩnh theo cách của đạo giáo hay nhà Phật gọi là cái hạnh “Tĩnh” () (cái tâm giác thanh tịnh) là do bởi sự nỗ lực của chính nàng. Kiều vẫn khiêm tốn:  


Thân tàn gạn đục khơi trong             (c. 3181)

Là nhờ quân tử khác lòng người ta


Nếu nàng không có hạnh “Tĩnh” thì làm thế nào chàng Kim tỏ lòng tôn kính và nhận nàng làm kẻ tri kỷ được? Thành thử, khởi đi từ sự tương tranh giữa đục và trong, nàng Kiều đã đạt đến được đạo từ tinh thần “vô vi”; và một cách tương hợp, nàng Kiều cũng đạt đến cảnh giới của sự an vui thanh tịnh mà nhà Phật nhắm tới. Có “đục” mới có trong” và đạt đến “trong” tức là đã “Qui căn viết tịnh” (歸根曰靜)[12] (trở về cội nguồn của sự thanh tịnh). Có lăn lưng vào kiếp phong trần với bao nỗi đoạn trường khổ đau, nàng mới vươn tới được bầu trời của một tâm thức giác ngộ, tức là đã đạt đến cảnh giới. Kinh Viên Giác đã viết: “Như chư Bồ Tát, ngộ Viên giác thanh tịnh, mượn cái tâm giác thanh tịnh mà làm cái hạnh tĩnh. Nhân lắng trong cái niệm, biết các thức lay động phiền nhiễu, tuệ tĩnh sinh ra; thâm tâm, khách trần theo đó mà diệt mất không còn, rồi lại phát ra nhẹ nhàng, tịch tĩnh bên trong”.[13]


Tinh thần “Hy ngôn tự nhiên 希言自然"[14] (Ít nói mặc cho tự nhiên) hơn bất cứ tác phẩm văn chương nào khác đã được thể hiện đầy đủ trong Đoạn Trường Tân Thanh. Cuộc đời Thúy Kiều dù có nhiễm ô của chốn đoạn trường, nhưng lòng nàng giờ đây đã “trút sạch làu làu” để đạt đến cái “trong”, đến sự Tĩnh, vì nàng đã im tiếng hay có nói, "nhưng rất ít về mình. Nói khác hơn, nàng đã đạt đến chỗ “vô phân biệt” như trong quan điểm của thiền tương hợp rất mật thiết với Lão gia mà Suzuki đã luận bàn: "Riêng trong kinh Thắng Man, Như Lai Tạng (Tathgata Garba) , được mô tả như dẫy đầy vô số dơ uế mà tự nó vẫn không nhiễm dơ. Tạng Như Lai ấy tức là thế giới tâm linh, vô phân biệt, vô nhiễm, còn thế giới nhiễm dơ vẩn đục là của tư tưởng và phân hóa. Con người còn đắm vào tư tưởng thì hai thế giới ấy còn tách biệt mãi, không thể dung thông nhau. Nhưng kinh điển lại dạy rằng cái đục và cái trong đều hòa tan trong Như Lai Tạng, mà tạng ấy bổn lai không hoen ố. Đó là đều vượt hẳn ngoài giới hạn của tư tưởng. Nhưng nếu ta thông được lẽ đồng nhất giữa sai biệt và vô sai biệt thì đồng thời ta cũng thấu suốt rằng dơ sạch gì cũng vẫn do một tạng ấy, tùy ứng phô bày ra theo những hình tướng thích đáng. [15]


* * * * *

Ngoài những điều nêu trên, tinh thần “tam giáo đồng qui” cũng cho thấy một sự tương hợp khác nữa giữa Đạo gia và Phật gia trong Đoạn Trường Tân Thanh. Chúng ta ai cũng biết rằng Đạo gia, nói một cách chung, và Lão gia nói một cách riêng đều là những học phái đã xây dựng nền tảng thuyết lý của mình phần lớn dựa vào Kinh Dịch và Kinh Thi là hai bản kinh có từ lâu đời của Trung Hoa. Triết lý “nhất nguyên lưỡng cực” (hai mà một, một mà hai) hoặc “nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Kinh Dịch, Hệ từ) hầu như thấm nhập vào trong đời sống người ở Á Đông dưới nhiều  hình thức khác nhau, từ bình diện cao của những kẻ trí thức cho đến quan niệm bình thường của người bình dân. Và chính triết lý đó đã được Tố Như đem vào Đoạn Trường Tân Thanh cũng dưới nhiều cách thế khác nhau. Dĩ nhiên, thi ca không phải là một bản sớ giải, nên triết lý ấy tàng ẩn bên trong ngôn từ. Việc khai sáng, hay nói đúng hơn, đem lăng kính của "Dịch kinh”, “Thi kinh” hay “Đạo Đức kinh” để nhìn lại chỉ là một công việc đối chiếu để mà đối chiếu. Và thi ca, với huyền nghĩa của nó vẫn là một bầu trời thơ với nhiều cửa để đi vào cùng nhiều lối hiểu mà người đọc cần phải tham dự hay ít ra làm một nhịp cầu nối liền bằng một mối giao cảm sâu lắng! Không dự vào trời thơ làm sao biết được "hoa tàn mà lại thêm tươi" hay "trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!" . Chúng ta hãy nhớ đến lời dạy của đức Phật: "Tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình chứ làm sao nương dựa vào người khác được" [16] có thể áp dụng cho việc tham dự này để "tự mình thắp đuốc lên mà đi" như lời Phật đã dạy nhằm thấu ngộ ẩn nghĩa bên trong! Đồng thời, chúng ta cũng nên suy ngẫm lời đức Phật đã dạy trong Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật đã được Nguyễn Du "đọc" hơn ngàn lần: "Nhứt thiết hữu vi pháp /Như mộng, huyễn, bào, ảnh/ Như lộ diệc như điện /Ưng tác như thị quán [16] 一切有為法/ 如夢 幻 泡影 / 如  露 亦 如 電  / 應 作 如 是  觀". Từ đó, với tinh thần Bát Nhã, cái cuối cùng là chữ Tâm mà Thúy Kiều đạt được cũng sẽ là "bất khả đắc" hay "vô sở đắc" (anupalabdha - không thể đạt được, không có chỗ nào để đạt)! [17] Dùng những ảnh hưởng của Lão giáo vì nó có những tương đồng với tinh thần Thiền Bát Nhã khi tìm hiểu ĐTTT. Ảnh hưởng đó dù là đạo Lão hay cả đạo Phật cuối cùng cũng không phải là chính pháp. Với tinh thần Bát Nhã, "chính pháp" cũng trở thành "phi pháp". Trong Kim Cương Bát Nhã, đức Phật đã phá "chấp pháp": Phật dạy: "Tu-Bồ-Đề! Người phát tâm Bồ-đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả. Tu-Bồ-Đề! Như-Lai nói "các pháp" không thật có "các pháp", chỉ gọi là"các pháp". Hòa thượng Thích-Thiện-Hoa đã lược giải:"Đoạn này Phật dùng trí-huệ Kim-Cang Bát Nhã, phá trừ cái chấp pháp..... Đó là phương pháp "hàng phục vọng-tâm mà cũng là để an trụ chơn-tâm" [18]. Và Tố như cũng thấu hiểu áo nghĩa đó khi nhận ra "Kinh không chữ mới là chân kinh"! trong bài thơ "Lương Chiêu Minh Thái tử Phân Kinh Thạch Đài mà chúng ta đã nhiều lần đề cập bên trên.


Dương Anh Sơn


T.L Tham khảo:
 [1] Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sđd, xem tập I, Thanh Hiên Thi Tập đã đăng trên <ninh-hoa.com> và <nguyenhuehaingoai.blogspot.com>
 [2]  Lão Tử, Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, NXB Khai Trí, Saigon 1961, Quyển I, chương 37, tr.189
 [3]  Lão Tử, sđd, Q.I, chương 22, tr.126
 [4]  Lão Tử, sđd. Q.II, chương 63.
 [5] Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sđd, xem tập I, Thanh Hiên Thi Tập đã đăng trên <ninh-hoa.com> và <nguyenhuehaingoai.blogspot.com>
 [6] Deisetz T. Suzuki, Thiền Luận (quyển hạ), bản dịch của Tuệ Sỹ, Saigon, NXB An Tiêm, 1973,tr.461
 [7] Bồ Đề Đạt Ma , Sáu cửa vào động Thiếu Thất,Trúc Thiên dịch, Saigon, NXB An Tiêm, 1971, tr.88-89
 [8] Bồ Đề Đạt Ma, sđd, tr.120,122,123
 [9] Lão Tử, sđd, Q.I, chương 15, tr.96
 [10] Kinh Viên Giác, bản dịch Huyền Cơ, Tủ sách Phật học, XB lần 3, Saigon,1962, tr.88
 [11] Lão Tử, sđd, Q.I, chương 5, tr.58
 [12] Lão Tử, sđd. chương 16, tr.101,102 
 [13] Kinh Viên Giác, sđd, tr.67
 [14] Lão Tử, sđd, Q.I, chương 23, tr.131
 [15] Daisetz T. Suzuki, Cốt tủy đạo Phật, sđd, tr.46, 47
 [16] Kinh Pháp Cú - Dhammapada, dịch giả Thích Trí Đức, in kỳ IV, Saigon, 1966, Phẩm Tự kỷ, tr.41
 [17] Daisetz Teitaro Suzuki, sđd (q.hạ) tr.421, 422
 [18] Hòa thượng Thích-Thiện-Hoa, Phật Học Phổ Thông khóa XII, Saigon, 1965, tr.180, 181   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét