Một báo cáo gần đây từ Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD) cho thấy tỷ lệ vô gia cư ở cựu chiến binh đã gia tăng 7.4 phần trăm từ năm 2022 đến 2023 và ước tính hàng đêm có hơn 35,000 cựu chiến binh là người vô gia cư. Theo bản báo cáo, trong khoảng thời gian một năm, số cựu chiến binh có thể lâm vào tình trạng vô gia cư tăng gần gấp đôi. Tổng cộng, HUD ước tính rằng gần 13 phần trăm dân số trưởng thành vô gia cư là cựu chiến binh.
Bà Kate Monroe, một cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và là Giám đốc điều hành của VetComm.us, gọi tình huống này là “sự phản bội lớn nhất” của chính phủ Hoa Kỳ. Bà cũng là một ứng cử viên Quốc hội của Đảng Cộng Hòa ở California.
“Những gì họ đang cố gắng làm là đưa càng nhiều người vào Hoa Kỳ càng tốt,” bà nói với The Epoch Times. “Và những gì chúng ta đang nói với các cựu chiến binh vô gia cư của chúng ta là chúng ta là một quốc gia chẳng hề quan tâm [tới họ]. Chẳng trách số lượng tuyển quân lại giảm 20 phần trăm.”
Theo một báo cáo hồi tháng 11/2023 của Ủy ban An ninh Nội địa mà Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, số tiền chi cho người nhập cư bất hợp pháp có thể khiến người Mỹ phải tiêu tốn tới 451 tỷ USD tính đến cuối năm nay. Theo NYC.Gov, trang web chính thức của thành phố New York, chỉ riêng Big Apple (tên gọi khác của thành phố New York) trong năm 2023, đã chi 1.45 tỷ USD để cung cấp thực phẩm, nơi ở tạm, và các dịch vụ cho hàng chục ngàn người nhập cư. Một số báo cáo được công bố cho biết trong năm vừa qua, Chicago đã chi 138 triệu USD cho nhà ở, thực phẩm, và dịch vụ chăm sóc cho người nhập cư bất hợp pháp.
Liên đoàn Cải cách Nhập cư Mỹ quốc báo cáo rằng tiểu bang California, nơi có số lượng người nhập cư cao nhất trong năm 2023—hơn 160,000—đã chi 22.8 tỷ USD để chăm sóc cho những người này trong năm 2023. California cũng trở thành tiểu bang đầu tiên cung cấp bảo hiểm y tế cho tất cả người nhập cư bất hợp pháp.
“Tôi đã xuống biên giới. Những chiếc xe bus dừng lại, và những người di cư bất hợp pháp được cung cấp đồ ăn, điện thoại di động, và vé phi cơ,” bà Monroe cho biết. “Họ đang lấy đi nhà ở và nguồn tài trợ dành cho các cựu chiến binh, và người dân Mỹ là nạn nhân.”
Tổ chức của bà chuyên giúp đỡ để các cựu chiến binh nhận được những gì Bộ Cựu chiến binh (VA) nợ họ và cũng đang nỗ lực để cung cấp nơi trú ngụ cho họ và xây dựng năng lực để họ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
“Chúng tôi làm bất cứ điều gì có thể để ngăn họ không rơi vào kết cục phải ở trên đường phố,” bà Monroe nói. Bà và nhóm của mình thường xuyên đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất ở California, trong đó có cả “Những người ở đáy xã hội” ở khu vực San Diego và quận Tenderloin của San Francisco, nơi họ trò chuyện với các cựu chiến binh vô gia cư.
Mặc dù mọi người có thể nhận tiền tài trợ và các dịch vụ thông qua VA, nhưng bà Monroe cho biết khả năng họ bị lờ đi đã diễn ra quá thường xuyên.
“Họ đang không có quyền tiếp cận một cách nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt là vì toàn bộ chương trình vô gia cư của VA dựa trên các khoản tài trợ mà VA chuyển cho những bên thứ ba, những bên mà sau đó trao một phần số tiền đó cho các cựu chiến binh,” bà cho biết.
Cuối tháng Một, VA thông báo rằng, trong năm 2023, họ đã cấp nhà vĩnh viễn cho 46,552 cựu chiến binh vô gia cư, vượt quá mục tiêu là 38,000.
Phát ngôn viên của VA Terrence Hayes nói với The Epoch Times rằng bộ này cam kết chấm dứt tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh và không có quỹ nào của VA từng được dành để cung cấp nơi trú ngụ hoặc chăm sóc sức khỏe cho người nhập cư bất hợp pháp.
“VA không cung cấp hoặc tài trợ bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào cho những người mà ICE [Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Hoa Kỳ] giam giữ,” ông cho biết.
“Không có tài trợ hoặc bất kỳ nguồn lực nào khác từ VA được sử dụng để chi trả hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc nhà ở cho các cá nhân không phải là cựu chiến binh đang bị [ICE] giam giữ.”
Các cựu chiến binh đến một sự kiện Stand Down được tổ chức để giúp các cựu chiến binh vô gia cư hoặc không có chỗ ở ổn định, ở Chicago, ngày 16/06/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Ông Hayes cũng bác bỏ một đoạn trong một báo cáo từ Bộ An ninh Nội địa tuyên bố VA đã và đang phân bổ các nguồn lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho người nhập cư bất hợp pháp.
Đoạn trong báo cáo đó nói rằng “ICE ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Tài chính của VA (VAFSC) để giải quyết các khoản bồi hoàn yêu cầu y tế; Các nhà cung cấp phải hoàn thành và gửi thông tin để nhận thanh toán.”
Theo ông Hayes, một thỏa thuận thanh toán năm 2002 cho phép ICE chi trả cho VAFSC để giải quyết các khoản thanh toán cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ICE tài trợ.
“Khoản này được ICE chi trả đầy đủ và không ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc hoặc bất kỳ dịch vụ nào dành cho cựu chiến binh,” ông nói. “VAFSC đóng một vai trò về mặt hành chính cho ICE, sử dụng các quỹ của ICE, mà không ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe hoặc các lợi ích của cựu chiến binh.”
Cuối tháng Một, VA đưa ra một tuyên bố cũng nói rằng “chấm dứt tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh là một ưu tiên hàng đầu của VA và Tổng thống Biden.” Tuyên bố kết luận rằng “không có cựu chiến binh nào đáng lâm vào bi kịch và chịu sự ô nhục của tình cảnh vô gia cư.”
VA có một trang web để giúp các cựu chiến binh cần tìm nhà ở vĩnh viễn đó hưởng lợi từ các chương trình vô gia cư của VA. Trong tháng này, bộ này đã công bố một “Thông báo về Cơ hội Tài trợ” với số tiền trợ cấp gần 5 triệu USD mỗi năm để trợ giúp các cựu chiến binh hiện đang sống vô gia cư hoặc có nguy cơ trở thành người vô gia cư. Các khoản tiền được cung cấp thông qua Chương trình Trợ cấp và Lương ngày của Các nhà cung cấp dành cho Người vô gia cư của VA.
Các yếu tố liên quan đến tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh
Một trong những vấn đề lớn nhất mà các cựu chiến binh vô gia cư gặp phải là Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), vốn xảy ra khi một người đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện gây sốc, đáng sợ, hoặc nguy hiểm.
“Rất nhiều cựu chiến binh từng tham chiến gặp phải tình trạng PTSD, và nếu họ không được điều trị, thì có thể dẫn đến một loạt các vấn đề,” bà Monroe nói. “Họ có thể có những vấn đề về cơn giận dữ tại nơi làm việc, và đôi khi họ không thể hòa hợp tốt với các đồng nghiệp của mình. Kết quả là, họ có thể mất việc và cuối cùng rơi vào cảnh phải ở trên đường phố.”
Bà cho biết trong các tình huống khác, các cựu chiến binh có thể gặp khó khăn khi chuyển sang công việc dân sự.
“Chẳng hạn, nếu họ đã dành những ngày tháng của mình trên các hàng không mẫu hạm hoặc vận hành xe tăng, những công việc đó không tồn tại trong thế giới dân sự,” bà Monroe nói. “Họ cũng quen sống với căn buồng và boong tàu và có thể không có kinh nghiệm về cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý cho nhà ở, thực phẩm, quần áo, và các nhu yếu phẩm khác.”
Bà đề nghị một giải pháp là thiết lập các trại căn cứ tạm thời để phục vụ các cựu chiến binh đang trong tình trạng vô gia cư. Với kinh nghiệm thực tế của riêng mình về việc thiết lập các trại này, bà cho rằng nhiều thành phố vốn đã có khả năng thiết lập loại nhà ở chuyển tiếp này. Bà Monroe cho biết, trong môi trường đó, các cựu chiến binh cũng có thể tận dụng lợi ích từ các dịch vụ tư vấn, an ninh, ăn uống, vệ sinh, và trợ giúp khuyết tật. Bà khẳng định rằng mô hình này sẽ chỉ tiêu tốn một phần trong số tiền chi phí mà các thành phố thường xuyên chi ra để đưa người vô gia cư vào các khách sạn.
Các dịch vụ dành cho cựu chiến binh vô gia cư
Là một tổ chức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Liên minh Quốc gia về Các cựu chiến binh Vô gia cư (NCHV) tập trung vào việc chấm dứt tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh bằng cách thúc đẩy sự hợp tác và quản lý một đường dây trợ giúp dành cho những người có nguy cơ hoặc hiện đang sống vô gia cư.
NCHV ước tính rằng 20 phần trăm số người nam vô gia cư hiện nay là cựu chiến binh, với 68 phần trăm sống ở các thành phố chính và 32 phần trăm ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn. Các số liệu thống kê ảm đạm khác chỉ ra rằng 70 phần trăm những người này đang đối phó với các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện, 50 phần trăm đang bị bệnh tâm thần nặng, và 51 phần trăm bị khuyết tật thân thể. Trong toàn bộ nhóm cựu chiến binh vô gia cư, thì hơn một nửa là từ 51 tuổi trở lên.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên toàn quốc về khả năng chi trả nhà ở,” ông David Higgins Jr., phát ngôn viên của NCHV, nói với The Epoch Times. “Chúng tôi và các đối tác của mình đã liên tục nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc phải gia tăng hơn nữa các khoản đầu tư liên bang đồ sộ vào những giải pháp hiệu quả.”
Đóng vai trò như là tuyến liên lạc chính giữa các nhà cung cấp dịch vụ cho các cựu chiến binh, Quốc hội, và các cơ quan thuộc nhánh hành pháp, nhóm này tiếp tục nỗ lực để tăng tài trợ cho các chương trình trợ giúp cựu chiến binh vô gia cư khác nhau của liên bang. Họ cũng cung cấp dịch vụ đào tạo trực tiếp cho các nhà cung cấp dịch vụ trên cả nước, tập trung vào giúp đỡ việc làm, quản lý theo trường hợp, trợ giúp pháp lý, các chương trình nhà ở, và các dịch vụ trợ giúp khác.
Tuy nhiên, NCHV cho rằng tiền tài trợ được phân bổ cho người nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề riêng biệt và không ảnh hưởng đến khoản tài trợ cho các chương trình của các cựu chiến binh.
“Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết các nhu cầu của cả cựu chiến binh lẫn những cá nhân có thể không có giấy tờ hoặc được phân loại là người nhập cư bất hợp pháp,” ông Higgins nói. “Điều cần thiết là phải nhấn mạnh rằng việc cung cấp viện trợ cho một nhóm không nhất thiết là xung đột hoặc lấy đi sự viện trợ mà nhóm khác cần đến.”
Quỹ Tunnel to Towers cũng đã và đang giải quyết vấn đề của các cựu chiến binh vô gia cư hoặc bị thương kể từ khi thành lập hồi năm 2001, sau các vụ tấn công ngày 11/09. Staten Island, tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại New York đã và đang phục vụ các cựu chiến binh, những người trong đội phản ứng nhanh, và gia đình của họ bằng cách cung cấp các căn hộ giá cả phải chăng và những ngôi nhà thông minh thích nghi đặc biệt cho những người có nhu cầu. Chỉ riêng năm ngoái, Quỹ này đã cung cấp sự trợ giúp về nhà ở và tiếp cận các dịch vụ cho hơn 3,000 cựu chiến binh.
Ông Gavin Naples, phó chủ tịch của quỹ này và là người đứng đầu Chương trình Cựu chiến binh Vô gia cư của quỹ, nói với The Epoch Times rằng ông đã không ngạc nhiên trước báo cáo HUD về sự gia tăng tình trạng vô gia cư trong các cựu chiến binh.
Ông nói, “Trên thực tế, chúng tôi tin rằng con số này có lẽ cao hơn nhiều vì một số người trong số những người bị ảnh hưởng có thể không thuộc nhóm người vô gia cư thường xuyên và do đó, có thể không đủ điều kiện nhận viện trợ liên bang.”
HUD định nghĩa “tình trạng vô gia cư thường xuyên” là những người đã sống trong cảnh vô gia cư ít nhất một năm hoặc trong ít nhất là bốn lần khác nhau trong ba năm qua.
“Nếu ai đó chậm trả tiền thuê nhà hoặc tiền vay mua nhà hoặc đã và đang sống trong xe hơi của họ trong chỉ vài tuần, thì họ có thể không đủ điều kiện,” ông Naples nói.
Hiện tại, quỹ này hiện đang tìm cách mua lại các khách sạn cũ trong các khu vực đô thị lớn trên toàn quốc để cải tạo và chuyển đổi thành các Làng Cựu chiến binh. Nơi đầu tiên đã hoàn thành là ở Houston.
“Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ là cung cấp một chiếc giường,” ông Naples nói. “Chúng tôi cũng sẽ tạo ra một con đường để đưa họ trở lại cộng đồng bằng việc tư vấn, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, nếu cần thiết, và đào tạo nghề.”
Ngoài các khu vực đô thị lớn, quỹ này đã thành lập một mạng lưới quản lý theo trường hợp trên toàn quốc, nơi bất kỳ cựu chiến binh nào cũng có thể hưởng lợi từ các chương trình cho nhà ở, việc làm, và trợ cấp tài chính, cũng như trợ cấp thanh toán tiền thuê nhà và khoản vay mua nhà.
Quỹ Tunnel to Towers được tài trợ riêng bởi các tập đoàn cũng như các nhà tài trợ cá nhân. Ngoài Làng Cựu chiến binh Houston, hiện đang cung cấp nơi ở cho 131 cựu chiến binh, thì một khách sạn cũ khác ở Atlanta sẽ là nơi cư ngụ của 95 cựu chiến binh sau khi hoàn thành trong tương lai gần. Các dự án tương tự đã được tiến hành ở Pennsylvania và Florida.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét