Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Báo Cáo Tài Chánh 6 Tháng Đầu Năm 2021

 


 

CHS NGUYỄN HUỆ HẢI NGOẠI

Blog: nguyenhuehaingoai.blogspot.com

Email: nguyenhuehaingoai@gmail.com

 

BÁO CÁO TÀI CHÁNH

6 tháng đầu năm 2021

------------

 

    I/- THU

       01- Tồn quỹ đến ngày 31-12-2020                                               312.17         

       02- Mạnh Thường Quân ẩn danh (14-3-2021)                             100.00

       03- Mạnh Thường Quân ẩn danh (14-3-2021)                             100.00

      

                                     Cộng                                                               512.17    

 

    II/- CHI

       01- Biếu quà thầy Nguyễn Đảm bệnh (15-3-2021)                       300.00

       02- Lệ phí gửi tiền $300                                                                 09.00

       

                                    Cộng                                                                 309.00                                            

     

    III/- KẾT TOÁN

          - Cộng Thu:                                                                                512.17                           

          - Cộng Chi:                                                                                 309.00

 

          - Tồn quỹ:                                                                                  203.17

   

     Trân trọng thông báo

 

     San Jose, ngày 30 tháng 06 năm 2021

     

     Thủ Quỹ                                                                      TM. Ban Điều Hành

    

 

     Phạm Lan Anh                                                             Đặng Duy Nhượng




Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Thị Trấn Biến Mất

 

Thuở bé tôi vẫn nhìn về phía núi Vọng Phu để lòng bồi hồi thương cho hai bóng người hóa đá.

THỊ TRẤN BIẾN MẤT 
Huyền Chiêu

Bà tôi cũng kể rằng vùng núi ấy có kẻ ngậm ngải tìm trầm, đi lạc trong rừng mấy mươi năm, khi tìm về được quê nhà thì đã hóa thành con vượn không còn nói được tiếng người.

 

Thỉnh thoảng, ở chợ Ninh Hòa tôi rất sợ khi nhìn thấy có một vài người da đen thui, tóc quăn tít, đàn ông mặc khố, đàn bà địu con trên lưng. Chắc họ từ núi Vọng Phu xuống. Có người nói họ là người Thượng ở Buôn Sim.



Buôn Sim chỉ cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 14 km theo hướng quốc lộ 21. Người dân quê tôi không gần gũi với vùng đất này bởi khí hậu nơi ấy vô cùng khắc nghiệt. Nằm trong lòng chảo của nhiều rặng núi, buôn Sim là một vùng khô cằn, sỏi đá, đêm quá lạnh, ngày quá nóng.



Sau hiệp định Geneve vài năm, Buôn Sim bỗng biến thành một quân trường khổng lồ gồm ba trung tâm huấn luyện Pháo Binh, Biệt Động, Lam Sơn.


Và cái tên Dục Mỹ ra đời.



Khác với thời chống Pháp mà người lính là những “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”, các quân nhân miền Nam được huấn luyện và trang bị rất quy cũ với các doanh trại khang trang, bề thế.

 

Với số lượng quân nhân trong ba trung tâm huấn luyện kèm theo gia đình của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, thị trấn Dục Mỹ mọc lên giữa bốn bề núi non, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng nhộn nhịp.


Cũng giống như những thị trấn mới toanh trong phim cowboy miền viễn tây, Dục Mỹ là nơi quy tụ của quá nhiều người tứ xứ về đây mang theo các giọng nói vùng miền.

 

Người có máu làm ăn cũng vội vàng tìm về đất hứa.

 

Chợ Dục Mỹ cung cấp đủ để nấu được các món ăn đặc trưng kiểu Sài Gòn, Bắc, Huế…. .

 

“Vợ Lính” thong dong chẳng cần làm việc, chỉ lo cơm nước và nuôi con…



Những chuyến xe lam như con thoi nối liền Ninh Hòa – Dục Mỹ. Người dân Ninh Hòa bây giờ hướng về thị trấn mới như một thị trường hấp dẫn, nơi họ có thể làm giàu nhờ nghề cung cấp thực phẩm.

 

Nhà thờ và nhà chùa đã được xây. Các xe schoolbus được chế biến từ xe GMC của ba quân trường chở con quân nhân xuống Ninh Hòa học ở các trường trung học. Những cô cậu học trò đã từng ngồi trên những chiếc GMC cải tiến này, nay đã trên dưới sáu mươi và tôi tin rằng dầu ở chân trời góc bể nào họ không bao giờ quên những chuyến xe chở học sinh kỳ lạ nhưng đầy ắp niềm vui một thuở.



Chủ nhật, con phố Dục Mỹ “Đi dăm phút trở về chốn cũ” có bóng dáng của những “thiếu úy”, “trung úy” trẻ trung, quân phục thẳng nếp, thong thả dạo gót rồi ghé vào một tiệm sách có cô bán hàng xinh xinh.

 

Bên con suối Dục Mỹ vài quán cà phê ra đời có tiếng nhạc hòa trong tiếng ầm ào thác đổ.


Người lính miền Nam thuở ấy vẫn còn mang vẻ thư sinh lãng mạn. Ra trận, thay vì nhìn tới trước “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, (*) họ quay nhìn lại phía sau “Người đi khu chiến, thương người hậu phương” (**)


Biến cố 1975 như một cơn động đất dữ dội làm sụp đổ hoàn toàn trung tâm huấn luyện. Toàn bộ cư dân gồm quân nhân từ ba trung tâm huấn luyện cùng gia đình họ đều chạy khỏi Dục Mỹ, tan tác hãi hùng như mảnh vỡ của một trái phá…



Thị trấn bỗng chốc như bị thần đèn mang đi đâu mất.

 

Dục Mỹ trở lại là buôn sim hoang vắng thuở nào.

 

Cũng còn một số người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu và họ trở thành dân của một vùng kinh tế mới mang tên Ninh Sim.

 

Và người dân Ninh Sim đã phải làm gì để tồn tại khi 100% mang trên đầu bản án lý lịch xấu, con cái chắc chắn không được vào đại học, người thân không biết còn sống hay đã chết trong các trại cải tạo?



Nếu người Ninh Hòa khi ấy kiếm sống bằng cách bám vào bến xe đò và ga xe lửa với các chuyến đi buôn lậu gạo, đường, thuốc lá, đạp xe ba gác, làm phu khuân vác… thì người dân Ninh Sim Dục Mỹ kiếm sống bằng cách bám vào núi rừng. Họ lên núi đào khoai mài, cắt tranh, lấy đót. Họ “ngậm ngải tìm trầm” và có người đã mất xác trong rừng sâu núi thẳm. Họ chặt củi, hái trái rừng, trồng khoai mì, trồng mía. Họ tìm cách sống trong im lặng, chịu đựng mặc cho loa phường ngày ngày vang lên giọng tự hào chiến thắng giặc Mỹ để toàn dân xây dựng thiên đường Xã Hội Chủ nghĩa.

 

Và tượng đá bồng con trên non cao kia chắc đã nhiều lần rơi lệ thương cho cảnh con người bức hại con người.

 

Năm ngoái, anh Phạm Văn Nhàn trở về Ninh Hòa, rủ vợ chồng tôi đi thăm lại Dục Mỹ, nơi anh có thời gian rất lâu là sĩ quan của quân trường Lam Sơn.


Xe ghé lại núi Đeo, nơi vẫn còn tháp huấn luyện của quân trường Biệt Động nằm bên Khu Mưu Sinh.

 

Khu Mưu Sinh được dựng bên một dòng suối đã biến mất nhưng ngôi tháp vẫn còn.

 

Anh Nhàn muốn chụp một tấm hình có người lính già trở về thăm ngọn đồi kỷ niệm.

 

Qua khỏi Dục Mỹ chúng tôi nhìn thấy những đồng mía bạt ngàn, những đàn bò gầy ốm đang gặm cỏ trên những cánh đồng nắng cháy.

 

Đến khoảng cây số 17 anh Nhàn cho dừng xe.



- Hình như trung tâm Lam Sơn hồi trước ở đây mà sao tôi không còn nhìn thấy gì hết?

 

Rồi anh ghé vào hỏi thăm một cô hàng nước:

 

- Cô ơi trung tâm Lam Sơn ở đâu hả cô

 

Cô hàng nước mỉm cười, chỉ tay xuống đất:

 

- Dạ ở ngay đây này

 

Anh Nhàn nhìn quanh. Chẳng còn gì là dấu vết của một địa danh lừng lẫy! Anh bước thêm vài bước, chẳng thấy phố, thấy người chỉ thấy toàn mía là mía.

 

Hơn mười năm tồn tại, Dục Mỹ của ba quân trường bây giờ chỉ là cát bụi thời gian.



Huyền Chiêu 

(*) lời của một người lính miền bắc.

(**) Chiều Mưa Biên Giới - Nguyễn văn Đông


Bát Canh "Độc Cô Cầu Bại"

 

Bát canh rau đay mướp nấu với cua đồng.

BÁT CANH "ĐỘC CÔ CẦU BẠI"
Ara

Mâm cơm của người Việt Nam chúng ta thường bao gồm 3 món ăn ; xào, mặn và canh. Bát canh trên mâm cơm đa dạng tùy theo vùng miền và cũng tùy theo sản phẩm của địa phương. Miền nam trù phú, tôm cá ê hề, thể hiện trong tô canh chua xứng danh «võ lâm minh chủ», thì miền bắc cũng có món canh mà dân bắc kỳ đến đâu cũng canh cánh bên lòng; được kết hợp hài hòa giữa cua đồng kèm theo rau đay và mướp. Trong cuộc tranh tài giữa các bát canh, đây cũng là món mà Ara gọi là món canh «độc cô cầu bại».

Kể chuyện bát canh này Ara không bàn đến những tư tưởng sâu sắc của hai chữ «hài hòa», mà chỉ có một nghĩa đơn giản là đồng điệu và nhịp nhàng.

Hơn 50 năm trước, hắn cũng như bạn bè cùng thời, đều có chọn cho mình một nghề để sinh sống, cũng tốt nghiệp, cũng có công việc hẳn hoi, nhưng dòng đời đưa đẩy lại không đeo đuổi được với nghề mà cái nghiệp tự dưng xoay quanh cả đời…. Ừ! cũng vui với cái nghiệp cho dù là «nghiệp dĩ».

Từ cái nghiệp dĩ này mà cũng có nhiều chuyện để kể, đúng là bép xép như đàn bà vì hắn tuổi kỷ sửu, tử vi tuổi này dính dáng « âm nam », lại nhiều bạn bè nên hơi lắm chuyện để bàn ngang tán ngửa cho vui trong tuổi đời mà một số người gọi là già nhưng hắn chưa chịu già, chỉ là hơi có tuổi thôi!!!

Mới gần đây có đọc một câu chuyện bác Trà Lũ kể dính dáng đến mấy chú cua đồng, những điều bác Trà Lũ viết làm Ara thích thú nên bàn thêm cho vui.

Trong đám bạn bè lính cùng khóa có một tên trong binh chủng thiết giáp, được Ara gọi với nick name thân tình là «thằng Cua»; kể chuyện với bá tánh không có "móc méo" mày nghe Cua!

Ara làm bếp trong nhà hàng; kể cũng quái tăng, vì từ bé hắn có biết nấu bát canh hay kho miếng thịt đâu, chỉ cơm hàng cháo chợ… , vậy mà qua đến đây cũng đã được 20 năm «sẹc vít» trong khói lửa, nghề học nghề nên cũng có chút hiểu biết về nghề. Trong nghề, mới nhận ra trong dân gian những câu ca, điệu hò như là những kinh nghiệm cho công việc.

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc dứng khóc ngồi,
Bà ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng.

Chuẩn quá đấy chứ, loại nào gia vị nấy, đâu cần chỉnh sửa làm gì.

Lại còn câu như:

Cá bống đi chợ cầu canh,
Con tôm đi trước, củ hành theo sau.
Con cua lịch kịch theo hầu,
Cái chầy rơi xuống, vỡ đầu con cua.

Nấu canh cua mà không dùng chày giã nát mấy con cua đồng thì làm sao có nồi riêu đậm đà được.

Cua đồng

Ngày tôi mới vào nam năm 1953, gia đình không sống trong khu vực người di cư, hàng xóm toàn là những người miền nam, có những từ ngữ địa phương chẳng ai hiểu ai! Chợ gần nhà mẹ tôi hay đi là chợ Thái Bình hay chợ Vườn Chuối, hai chợ này tìm món ăn quen thuộc của miền bắc hiếm lắm, như quả sấu, rau thìa là để nấu bát canh giò sống có vị chua thì tìm đỏ cả mắt, có chăng phải đến chợ ông Tạ người mua bán toàn dân di cư mới có, vì những mặt hàng này từ các khu dinh điền trồng đem thẳng đến, mà tên gọi cũng khác miền nam, có lần mẹ bảo tôi đạp xe ra chợ mua cho bà bó rau cải cúc, mà tôi nào biết cải cúc như thế nào. Hỏi thăm các bà bán rau người miền nam, họ lắc đầu không hiểu; thời may có  một «bà bắc» đang đứng mua hàng, cầm một bó rau đưa tôi bảo là rau cải cúc mà tôi tìm. Bà hàng rau lúc đó mới biết, là thứ rau mà miền nam gọi là rau «tần ô». Còn loại rau mà mẹ tôi muốn mua là rau đay thì cả chợ chẳng một hàng rau nào có chứ đừng nói đến con cua đồng.

Cây rau đay

Loại cua đồng này người miền nam thời đó họ chê, không ăn, đi ra đồng mà gặp họ lột mai cho chết bỏ bên đường, vì loại này phá hoại lúa, nên những chợ gần nhà tôi không có. Khi cậu Khanh, em của mẹ tôi ghé nhà chơi nhà, vô tình mẹ tôi kể lại là tìm con cua đồng nấu nồi riêu mà không thấy, cậu mới bảo là bên chợ Xóm Chiếu gần nhà cậu có đầy và bảo tôi đạp xe qua bên đó nhờ mợ Khanh chỉ chỗ bán và mua về một xâu.

Bà bắc bán cua đồng bên cạnh còn bầy rau đay và mướp bán chung. Thế là từ đó về sau cứ mỗi lần mẹ nấu bún riêu hay canh rau đay là tôi đạp xe đi mua, lúc đó mới học lớp đệ thất, chỉ 12 tuổi, nên mấy bà bán cũng thương, chọn cho cua còn tươi, cả rau đay cũng chọn cho bó ngon. Biết và ghiền món canh rau đay cua đồng từ dạo ấy. Khi học đệ tứ, học ban sáng không còn phải chạy qua Xóm Chiếu nữa.
 
Cua đem về mẹ tôi rửa sạch sẽ cho hết bùn bám thân cua, gỡ mai của lấy gạch cua,bỏ đi những ngoe rồi đem giã trong cối đá, nặng chình chịch, thấy mẹ mỗi lần ì ạch bưng đi rửa, đến là khổ, nếu có được cái nón sắt nhà binh thì nhẹ nhàng hơn nhiều.

Chiến binh Ninja

Mỗi lần giã cua mẹ tôi che chắn thân mình như chiến binh Ninja mặc áo giáp cầm chày ra trận vì sợ văng nước cua lên người, tanh lắm. Sau thấy vậy tôi hay giã thế cho cụ, trần trùng trục mặc mỗi cái quần đùi mà giã, tha hồ cho dính cái tanh tanh vào người, chứ bình thường kiếm đâu ra được cái mùi tanh tanh này, sau đó ngồi sàn nước tắm,được cụ kỳ cọ cho, thú vị gì đâu!

Cua giã nát được bóp nát trong nước để thịt cua ra trong nước rồi lọc lại để bỏ đi phần vỏ rồi đem nấu với lửa nhỏ, nước sôi phần thịt cua nổi lên. đây là phần tinh túy được gọi là riêu cua, sau đó muốn ăn kiểu gì cũng bắt nguồn từ đây; bún riêu cũng được, canh rau cũng tốt hay nấu với hoa thiên lý cũng tuyệt vời. Nhưng món canh ngon nhất phải nói là nấu với rau đay và mướp, là món độc đáo nhất với con cua đồng mà tôi vinh danh món này là món canh «độc cô cầu bại» vì thử qua một lần là nhớ là ghiền, canh mong được chê mà không được, nổi bật thêm là kèm theo quả cà pháo. Nhiêu đó thôi là chồng chan vợ húp, gật gù mê tơi. 

Hoa thiên lý

Bát canh cua nấu với hoa thiên lý

Cua đồng nấu với rau đay

Chồng chan vợ húp hết ngay cả nồi


Quả mướp đi chung với rau đay và cua đồng như bộ ba tướng sĩ tượng, không gì hài hòa bằng.

Bên này cũng vài lần đi qua bãi biển Tollen của Hòa Lan, là bãi đá, nơi đây có khu vực họ nuôi moule, khác với sò, nghêu bên mình, hơi giống con chem chép,ở bãi cát cùng nhiều loại sò, ốc, hào. Còn một loại, họ gọi là con couteau, dài khoảng 15cm dẹp giống như con dao cạo của thợ hớt tóc, loại này ngon, bán khá đắt… đi chơi nơi đây đem theo lò nướng, ăn tại bãi. Bên hốc đá có những con cua chỉ nhỉnh hơn cua đồng một chút, chỉ cần móc xương gà vào sợi dây câu, khoảng tiếng đồng hồ sau bắt khoảng nửa sô nhựa khoảng 3 kg. Thứ này đem về nấu bún riêu cũng khỏi chê tuy không nhiều gạch như cua đồng, cũng tanh nồng mùi hải sản, tiếc là thiếu phần nhơn nhớt của những lá rau đay.

Moule ở bãi biển Bỉ và Hòa Lan. Ghé chơi Bỉ cũng nên thưởng thức món đặc sản này; moule Frite (khoai tây chiên) hay moule à la crème fraichekèm theo ly vin trắngNgồi ăn với các bà mà để dính đầy ria mép sẽ nhận được cái nhăn mặt và một tiếng cao giọng… GỚM !!!!

Ngày xưa hay ngồi quán tán dóc với bạn bè, sau đó hay ra tiệm cơm Bà Cả Đọi, mà ra đây thường xuyên là phải ăn canh rau đay mướp nấu với cua đồng là chính, hình như ở Saigon chỉ có bà Cả là có món này, có thể ăn liên tiếp năm bảy ngày vẫn thấy ngon. Món canh rau đay mướp cua đồng đã làm nên tiếng tăm bà Cả hơn nửa thế kỷ.

Lần mẹ tôi bị ngã gãy chân, tôi có về thăm, cụ cũng cho ăn món này, nhưng lần này thím Đạt, cô em dâu nấu. Hiện nay ở chợ, cua đồng chỉ cột hai càng lại, thả trong nước, họ bắt lên cân rồi dùng bàn chải kỳ cọ, gỡ mai cua lấy gạch bỏ vào túi, phần còn lại cho vào máy xay một vài phút là xong, đem về hai túi mà nấu; thím Đạt nấu ngon không khác mẹ, ăn trôi tuồn tuột, đến giọt cuối cùng, không biết là mấy bát cơm.

Ngày trước khi nấu canh cua đồng mẹ hay rang thêm món mặn là con rạm, cũng giống như con cua đồng nhưng nhỏ và mềm hơn, ngon ở chỗ có nhiều gạch. Hay nghe mẹ tôi nói là nếu lựa cua, người ta thường lựa con đực để được nhiều thịt thì với rạm, lại thích con cái vì rạm cái vỏ mềm, lại nhiều gạch nên thường ăn luôn cả vỏ. Để biết là cua đực hay cái; lúc tôi còn học trung học trong môn vạn vật(sinh vật) có dạy là xem phần bụng (yếm cua) cua đực là một nắp mỏng hình tam giác,còn cua cái là một cái nắp rộng, có hình tròn. Mà nói nào ngay chưa bao giờ đi mua cua hay bắt cua, chỉ biết trên lý thuyết là vậy.

Bên trái là con đực và bên phải là con cái vì yếm cua lớn hơn.

Dắt hai đứa con về, chiều nào mấy cha con cũng ra quán bà Cả, không còn ở con hẻm đường Nguyễn Huệ ăn ngày trước nữa mà dời về đường Trương Định; bữa nào cũng ăn canh rau đay cua đồng, kèm theo vài ba món khác.

Mâm cơm bà Cả Đọi, ngoài bát canh cua rau đay còn kèm thêm đĩa cà pháo, mắm tôm và đĩa thịt luộc, có khi thay bằng món giả cầy hay cá rán, rau muống xào bữa nào cũng có. Ara và hai cô bắc kỳ nho nhỏ.

Khi về cũng không quên mua một mớ rau đay, chỉ lấy lá đem về cho vợ ăn thử, rốt cuộc vợ cũng bị quyến rũ, mê tơi với món rau nhơn nhớt, độc cô cầu bại này dù chỉ nấu với tôm khô cũng tuyệt. Vợ tôi sinh trưởng ở Saigon, quê nội ở Gò Công, quê ngoại ở Trà Vinh miền sông nước giàu có mà lại mê cái món đơn sơ, dân gian miền bắc.

Hiện nay hai miền giao lưu trong văn hóa ăn uống nên món này dân miền nam cũng đã bén duyên, chợ búa cũng tràn ngập những bó rau đay và tô canh chua « võ lâm minh chủ » miền nam lại nổi đình nổi đám ở đất bắc, nay còn biến tấu thêm thành « lẩu canh chua »..

Nhiều nơi còn trộn chung với mồng tơi hay rau dền, trộn kiểu này mất đi hương vị thuần túy, chỉ rau đay và mướp là quá chuẩn.

Nhiều nước trên thế giới rau đay cũng là món đặc sản, nghe bác Trà Lũ kể chuyện những người Phi luật Tân khen món rau đay quốc hồn quốc túy của họ cho rằng cần thiết và tốt cho cánh đàn ông. Điệu này rau đay nổi danh chẳng thua gì các  » Minh Mạng thập nhị toa » mà nhiều ông về VN bốc thuốc đem về và ông nào cũng bảo của mình mua là chính gốc hoàng cung.

Các bác thấy đấy, từ giờ trở đi muốn quảng cáo sản phẩm gì cứ bảo là « tốt cho cánh đàn ông » là không những ông đi tìm mà bà cũng giúp chồng lùng sục. Nghệ thuật marketing là đây !

Sản phẩm từ sợi đay

Rau đay ngày trước tôi tưởng là khác với cây đay mà vào năm 1945 hai triệu người miền bắc chết đói khi Nhật cướp chính quyền, họ bắt dân phá lúa trồng đay lấy sợi để giải quyết nạn khan hiếm vải, buộc người dân bán lúa gạo với giá rẻ mạt để chuyển về Nhật . Loại cây này cao đến 2m, sợi đay lấy từ thân cây dùng dệt bao bố, túi rất chắc. Cây đay miền nam gọi là cây bố, trồng lấy sợi, nhưng thực ra chỉ là một, miền bắc tước lá làm rau , người miền nam chê, không có món ăn từ lá đay này. Cũng có hai loại đay: rau đay đỏ (cuống lá, thân cây màu đỏ tía) và rau đay trắng; rau đay trắng nhạt thếch ăn chẳng mùi vị gì, rau đay đỏ mới dùng để ăn. Nhiều sách y học dân tộc ca ngợi là « món ăn bài thuốc », nhiều dược tính… tuy nhiên chỉ là dùng để bổ túc thêm sinh tố chứ không có tài liệu nói về tác dụng để trị bịnh.

Thay đổi câu dân ca cho hợp tình
Gió đưa cây cải về trời,
Cây đay ở lại giúp đời ấm no

Ngày nay nhiều nông trại trồng rau đay vì mang lại lợi ích kinh tế nhiều, khi người miền nam tìm thấy được hương vị hài hòa của rau đay, mướp với con cua đồng.

Cầu nhiều thì cung cũng đáp ứng theo, ít cảnh đi mò cua nơi đồng ruộng nhiều khi mò nhằm hang rắn, hang chuột. Kỹ nghệ nuôi cua đồng trong chuồng trại ra đời, dĩ nhiên so với thiên nhiên thì không ngon bằng, nhưng lại bảo đảm được vấn đề vệ sinh, cua được tắm rửa sạch sẽ trước khi lên quầy hàng. Lại còn một số mặt hàng được xay sẵn, đóng gói, kể ra cũng tiện lợi cho những người đi làm mà thèm món canh « độc cô cầu bại » này..

Cua nuôi trong hồ xây

Một số nơi nuôi cua ngoài đồng trên những cánh đồng đa canh,sau mùa gặt, chờ mùa sau, dùng lưới quây lại khoảnh ruộng và thả cua con. Đến ngày tháng họ di cào bắt cua. Ai chưa thử qua, thử một lần xem Ara nói « độc cô cầu bại » có đúng không. 
Bò ngang với bát canh rau đay một vòng . 

Ara cưp nghề của « thằng Cua » lần này, chịu không Cua !

Liège ngày 07/06/2021

Ara

Tặng Cho Anh

Video Thơ & Nhạc - TẶNG CHO ANH

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Đỗ Hải
Trình bày: Hà Thanh
Thực hiện: Như Nguyệt

Chân thành cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hải đã viết nhạc, hòa âm, thực hiện ca khúc "Tặng Cho Anh" tặng N. Ca sĩ Hà Thanh (trùng tên với ca sĩ Hà Thanh đã qua đời ở Hoa Kỳ) có giọng hát rất dễ thương, ngọt ngào. Cảm kích rất nhiều, anh H ạ.
Mong nhạc sĩ quý mến luôn bình an, vui khỏe nhé. nn

Trân trọng
NHHN

Xin mời quý vị thưởng thức 



Nhớ

 



Mùa Hoa Ghi Dấu

 



Giận

 



Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Thơ Lý Bạch - Bài 20, 21, 22

 


THƠ LÝ BẠCH: Bài 20, 21, 22
Thầy Dương Anh Sơn

Bài 20:


                                              XUÂN NHẬT ĐỘC CHƯỚC 


春風扇淑氣,                      1                  Xuân phong phiến thục khí,  
水木榮春暉。                                          Thủy mộc vinh xuân huy.  
白日照綠草,                                          Bạch nhật chiếu lục thảo,  
落花散且飛。                      4                  Lạc hoa tán thả phi.
孤雲還空山,                                          Cô vân hoàn không sơn,
眾鳥各已歸。                                          Chúng điểu các dĩ quy.  
彼物皆有托,                                          Bỉ vật giai hữu thác,

吾生獨無依。                      8                  Ngô sinh độc vô y.  
對此石上月,                                          Đối thử thạch thượng nguyệt,
長醉歌芳菲。                    10                  Trường túy ca "phương phi".  
李白                                                          Lý Bạch

Dịch nghĩa:

Ngày xuân một mình uống rượu.

Ngọn gió mùa xuân quạt khí trời trong lành. Cây và nước tươi tốt,rỡ ràng trong ánh nắng mùa xuân. Ánh nắng mặt trời trắng xóa soi chiếu cỏ màu xanh lục. Những cánh hoa rơi rụng bay tán loạn. Những áng mây lẻ loi lại quay trở lại ngọn núi vắng vẻ. Các loài chim đều đã trở về. Các loài vật kia đều có nơi nhờ cậy, cuộc sống của riêng ta không có nơi nương tựa. Trước vầng trăng chiếu soi trên tảng đá, ta say sưa hát mãi bài ca "Hương thơm ngát".

Dịch thơ:

NGÀY XUÂN MỘT MÌNH UỐNG RƯỢU.

Khí xuân lành gió quạt,

Cây nước,nắng xuân tươi.

Ánh trời soi cỏ thắm,

Hoa bay tản mát rơi.

Mây đơn về núi vắng,

Chim chóc đều về rồi.

Vật kia có nơi tựa,

Ta không chốn trong đời.

Ngắm trăng trên tảng đá,

Ca "Hương ngát "say vời.


Chú thích:

- thục khí 淑氣: không khí trong lành dễ chịu
   (thục: yên lành, đẹp đẽ).
- vinh 榮: tươi tốt, rỡ ràng, vinh hiển.
- huy 暉: màu sắc của ánh sáng mặt trời, ánh nắng trời, màu nắng.
- tán thả 散且: tản mát và lộn xộn không theo một trật tự nào.
- không sơn 空山: núi non vắng lặng, yên tĩnh.
- bỉ vật 彼物: các loài vật khác, các vật khác.
- thác 托: gửi vào,gửi gắm, nhờ vào, nương cậy, chỗ dựa vào.
- y 依: theo,y như cũ, y như thế, dựa vào, dáng cây cối tươi tốt.
- phương phi 芳菲: phương: hương thơm của cỏ, có đạo đức tốt đẹp được lưu truyền. Phương phi là mùi thơm tho,ngát hương của cây cỏ và cũng là tên bài hát thời đó.

 
Bài 21:


春思                                              XUÂN TỨ

燕草如碧絲,                              Yên thảo như bích ti,  
秦桑低綠枝。                              Tần tang đê lục chi. 

當君懷歸日,                              Đương quân hoài quy nhật,  
是妾斷腸時。                              Thị thiếp đoạn trường thì,  
春風不相識,                               Xuân phong bất tương thức.  
何事入羅幃?                               Hà sự nhập la vi ?!  
李白                                               Lý Bạch

Dịch nghĩa:

Những ý nghĩ trong mùa xuân.

Cỏ đất Yên giống như là những sợi tơ xanh biếc. Còn cây dâu đất Tần cành lá màu xanh lục buông rủ xuống. Giữa lúc ban ngày chàng mong nhớ việc quay về cũng chính là khi lòng thiếp đớn đau não nề (với nỗi nhớ nhung chàng). Cơn gió mùa xuân không hề quen biết kia cớ sao lại đi vào trong phòng khuê (của thiếp).
 
Tạm chuyển lục bát:

Ý XUÂN.

Cỏ Yên biên biếc như tơ,
Dâu Tần rủ nhánh ơ hờ xanh ghê.
Đương ngày chàng nhớ quay về,
Là khi lòng thiếp não nề đớn đau.
Gió xuân nào có quen đâu!
Phòng the sao lại đi vào chốn đây?


Chú thích:

- tứ : âm của chữ tư (suy nghĩ, buồn thương, nhớ mong) có nghĩa là những ý nghĩ, ý tứ.
- Yên 燕: Yên là tên vùng đất xưa của nước Yên bao gồm miền bắc tỉnh Hà Bắc và đông bắc tỉnh Sơn Tây vốn là nước chư hầu của nhà Chu bên Trung Hoa, tồn tại từ thời kỳ Tây Chu, Xuân Thu đến thời Chiến Quốc rồi bị nhà Tần thôn tính (226 TCN). Vùng đất Yên xưa kia là những đồng cỏ lớn thuận tiện cho việc chăn nuôi. Mùa xuân đến cỏ non mới mọc xanh mơn mởn như tơ biếc đầy sức sống theo cách nhìn của Lý Bạch.
- Tần 秦: vùng đất Tần là một lãnh thổ nhỏ ở vùng Thiểm Tây Trung Hoa, chư hầu nhà Chu. Về sau trở thành một nước hùng mạnh thâu tóm hết thảy các chư hầu khác (Tề, Sở,Yên, Hàn, Triệu, Ngụy), thống nhất Trung Hoa nhưng chỉ tồn tại được chỉ 15 năm (221 - 206 TCN). . Thời nhà Tần, hầu như trai tráng của các nước chư hầu bị chinh phục đều bị đi lính làm quân lính cho Tần Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng sau này) để thôn tính các chư hầu còn lại gây ra cảnh chia ly,tang tóc của bao gia đình hoặc những đôi nam nữ đang yêu nhau..... Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa,vùng Quảng Đông,Quảng Tây vẫn là vùng của các bộ tộc Bách Việt chứ chưa là vùng đất của nhà Tần. Dần dà các triều đại sau tìm cách chinh phục và đẩy nhiều bộ tộc đi định cư vùng khác.... Thời Đường Huyền Tôn của Lý Bạch cũng có nước Hậu Yên do tể tướng An Lộc Sơn tạo phản lập nên (755-763) ở kinh đô Lạc Dương khiến vua Đường phải chạy vào đất Thục. Đó cũng là thời kỳ loạn lạc nhưng không liên quan gì đến nhà Tần cách đó trên 900 năm.Cho nên về mặt sử liệu, vùng đất Tần hay đất Yên được Lý Bạch đề cập chỉ là mượn hình ảnh chiến chinh,loạn lạc thời Chiến Quốc xa xưa để nói đến nhiều hoàn cảnh trai gái phải chia ly nhớ nhung xa  cách đương thời. Vùng đất Tần xưa cũ là vùng trồng rất nhiều cây dâu để lấy lá nuôi tằm lấy kén là hình ảnh thanh bình, vui với việc nông tang.Mùa xuân cây cỏ tươi tốt như mối tình nam nữ dù bị chia ly vẫn luôn tiềm tàng sức sống và luôn nhớ về nhau......

- đoạn trường thì : lúc lòng đau như cắt.
- tương thức : quen biết nhau, hiểu nhau.
- hà sự 何 事: cớ sao, cớ chi, vì sao...
- la vi 羅 幃: vi: màn treo che cửa sổ, váy phụ nữ,cái túi. Đây chỉ phòng những cô gái hoặc thiếu phụ khuê các có màn treo cửa bằng lụa mỏng nên vẫn gọi là phòng khuê hoặc phòng the (the là loại lụa được dệt thưa có lỗ đan xen cho đẹp và thoáng) 
 
Bài 22:

採蓮曲(其一)                                THÁI LIÊN KHÚC (kỳ nhất)
 

若耶溪旁採蓮女,                       Nhược Da khê bạng thái liên nữ,

笑隔荷花共人語。                       Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ  
照新粧水底明,                           Nhật chiếu tân trang thủy để minh,
風飄香袂空中舉。                       Phong phiêu hương duệ không trung cử.


採蓮曲 (其二)                            THÁI LIÊN KHÚC (kỳ nhị)

岸上誰家遊冶郎                        Ngạn thượng thùy gia du dã lang,  
三三五五映垂楊                       Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương.  
紫騮嘶入落花去                       Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ,  
見此踟躕空斷腸                       Kiến thử trì trù không đoạn trường.  
李白                                           Lý Bạch

Dịch nghĩa:

Khúc hát hái sen.

- Bài một: Những cô gái hái sen gần bên khe Nhược Da. Tiếng cười cách những đóa hoa sen cùng với tiếng người trò chuyện râm rang. Ánh mặt trời chiếu vào trang sức của họ sáng ngời lên dưới đáy nước.Cơn gió lồng lộng đưa mùi thơm của áo lên khoảng không.
- Bài hai: Ở bờ sông phía trên là mấy gã lang bạt nhà ai đang rong chơi?! Ánh sáng từ hàng thùy dương soi thấy năm ba người ấy. Tiếng con ngựa màu tía hí vang (làm cho) những cánh hoa rơi. Trông thấy cảnh đó, (ta) tần ngần lặng người đau xót!

Tạm chuyển lục bát:

KHÚC HÁT HÁI SEN.

Bài một

Hái sen khe Nhược mấy nàng,
Cách hoa sen thắm râm rang nói cười.
Ánh trời trang sức nước soi.
Gió đưa hương áo thơm vời khoảng không.

Bài hai

Bờ trên mấy gã lang bang,
Thùy dương ánh rọi vài chàng rong chơi.
Hí van! Hoa rụng tơi bời
Bâng khuâng xem thấy lặng người xót xa!

Chú thích:

Bài 1:
- Nhược Da 若耶: tên khe nước nơi người đẹp Tây Thi từng giặt lụa ở Cối Kê, Chiết Giang,Trung Hoa. Tây Thi theo truyền thuyết là người làng Trữ La có sắc đẹp "chim sa cá lặn". Tôi thần của Việt vương Câu Tiễn là Phạm Lãi bầy kế tìm người thật đẹp và chọn được Tây Thi đem về rèn luyện về ca múa,dáng đi,cách nói... v.v... để đem cống nạp cho Ngô vương. Ngũ Tử Tư, đại thần của Ngô vương Phù Sai can ngăn không được. Phù Sai vì say đắm Tây Thi bỏ bê việc nước khiến nước Ngô bị Câu Tiễn tiêu diệt. Tây Thi ngoài chuyện giặt lụa cũng từng đi hái hoa sen bên khe Nhược Da. Dương Quý Phi, Tây Thi là một trong những người đẹp đem lại nguồn cảm hứng cho nhà thơ Lý Bạch....
- bạng 旁: bên cạnh,gần gũi.
- phong phiêu 風飄: gió cuốn lên, gió lay động,gió lộng.
- duệ 袂: tay áo, chỉ chung về áo.
- cử 舉: cất lên, dẫn đến, bốc lên,tất cả...

Bài 2:

- thùy gia 誰家: nhà ai, nhà nào...
- du dã lang 遊冶郎: dã du: chơi bời; lang: chàng trai trẻ. Đây chỉ chàng trai trẻ ham chơi bời, lêu lổng.
- tử lưu 紫騮: tên một loài ngựa có lông màu đỏ tía, bờm đen.
- trì trù 踟躕: tần ngần, do dự, bâng khuâng...
- không 空: vắng lặng, trống trải, khoảng không...

Dương Anh Sơn