Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Dấu Chân Thời Gian

GIỚI THIỆU

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu - Bài viết DẤU CHÂN THỜI GIAN của thầy Dương Anh Sơn. Tác giả nói lên thực trạng và suy tư của mình về cuộc "đổi đời" sau 30-4-1975.

"Chào Ban Biên Tập,

Xin gửi đến BBT một bài viết ngắn ghi lại vài nét những ký ức của một giai đoạn đổi thay khi dạy học ở ngôi trường cũ trước khi đổi ra dạy TH Nguyễn Huệ. Nhân tiện cũng xin cám ơn BBT đã chọn lựa những hình minh họa rất đẹp và phù hợp khi lên bài. Xin cám ơn BBT".

Trân trọng

NHHN

Hình minh họa - internet

DẤU CHÂN THỜI GIAN
Thầy Dương Anh Sơn 

1 

 Bằng hoa thuyết, dữ xuân phong tri,
       Niên niên, tuế tuế hà cùng dĩ.
       Hoa tự kim niên, nhân lão hĩ

       (Lưu biệt Thích Ca Viện mẫu đơn trình Triệu Thối – Tô Đông Pha **)


 ...   憑花說與春風知

      年年歲歲何窮已 

     花似今年人老喜........ 

     (留別釋迦院牡丹呈趙倅 -蘇東坡)                                                                                           

Cậy nhờ hoa nói cho ngọn gió xuân hay biết: năm năm, tháng tháng có bao giờ dừng lại. Hoa năm nay vẫn như hoa thuở nào mà người đã già hẳn đi… (Từ biệt hoa mẫu đơn ở viện Thích Ca trình Triệu Thối - Tô Đông Pha )

Tôi bất chợt dở chồng sách cũ bắt gặp bài thơ của Tô Đông Pha ngâm nga mấy câu gọi là đánh dấu ngày đầu tiên của một năm mới. Nếu Tô Đông Pha bắt gặp trong tiếng giao mùa những rung động của thời gian cùng với khuôn mặt đã già đi thì tôi cũng thấy mình một hình ảnh tương tự nhưng cằn cỗi hơn. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một cô gái nhỏ, đứng dựa gốc cây trước cổng trường vào những ngày cuối năm Ất Mão 75. Đôi mắt cô bé lạc lõng và xa xăm nhìn bạn bè đến trường mang dấu lặng của ngày tháng trong ký ức :

Buổi mai em dựa lưng đời,
Nụ xuân hiu hắt bay vời mộng xa
Từ em chớm nở bi ca
Con trăng ngơ ngác la đà treo cao…

Có lẽ tôi đã nhìn  hình ảnh cô gái ấy qua lăng kính tâm trạng không mấy vui lúc bấy giờ. Giữa những ồn ào, giữa những cái mới lạ lẫm, giữa những buổi họp vô bổ dài lê thê và giữa những bài giảng mỗi ngày về những điều mình chẳng hề tin tưởng chút nào, tôi và những người bạn như là những người phải đóng kịch trong một vở tuồng chẳng có gì thích thú lắm…

Rồi từng năm tháng lại đi qua, tôi lại phải bắt đầu làm quen với con số mới đánh dấu thời gian của đời người. Những chặng đường trước mắt sương khói giăng toả mịt mờ. Tôi nghe trong tôi, trong chút nắng ấm mong manh của mùa xuân, trong tiếng phấn rít trên bảng xanh một thuở nào, trong từng gương mặt chung quanh những hằn vết xanh xao, mệt nhoài. Thỉnh thoảng, tôi và vài người bạn lên nhà ga nhỏ của thị trấn nhìn những chuyến tàu đi qua xuôi ngược trên con đường sắt duy nhất, cũ kỹ. Tôi nghe trong tiếng còi tàu cùng những tiếng bánh xe va chạm, rít lên khi dừng lại ở sân ga những vang vọng của thời gian. Có tiếng như dội vào lòng những cảm giác bồi hồi lay động tâm hồn, nhưng cũng nhiều tiếng nghe cay đắng và xót xa......

Cũng có khi trong không khí se lạnh gần tết, chúng tôi rủ nhau đi vào những con đường làng được che phủ với những hàng tre đan vòm vào nhau dưới ánh trăng tháng chạp trong suốt. Những giây phút đi dạo chơi như thế, chúng tôi như tạm quên những lời nói hoa mỹ, không thật trong những bài giảng, những buổi họp và những nhát dao cơm áo đang bắt đầu cứa vào đầu óc đáng ra chỉ để dành cho việc dạy học.

Tháng tư rồi cũng đến tháng chạp năm Ất Mão nhọc nhằn với tám mùa trăng cũng đi qua nhanh cuốn hút không biết bao nhiêu những cơn sóng đổi thay. Mặt biển khi thì êm ả, khi thì gợn sóng và nhiều lúc phong ba bão táp, gào thét không ngừng.  Mỗi lần vào Nha Trang, đứng ở bãi biển nhìn ra chân trời xa xa sóng cuồn cuộn vẫn có sức lôi cuốn về một bến bờ xa tít.... Một đôi khi, thèm trở về Đà Lạt lang thang trên đồi cũ tìm lại những đoá thảo lan lặng lẽ trong sương mai hay những đám dã quỳ rộ nở ven hồ. Tiếng hát ngày nào bên đồi hồ Xuân Hương những ngày tháng trước sự biến dời, giờ chỉ còn là những đồng vọng của một khoảng êm đềm trong trí nhớ. Mầu áo đỏ ngày nào bao lần gặp gỡ và chia tay giờ không còn rực rỡ cũng như làm cho tôi xao động nữa. Vẫn còn đó tất cả và cũng mất tất cả.

2

Đêm trăng tháng chạp năm ấy thật sáng. Không khí trong trẻo, lành lạnh. Chúng tôi- những giáo chức "lưu dung" - đang nghỉ lại ở phòng "tập thể" trong trường, đêm trăng sáng rủ nhau đi dọc con đường sắt đến chiếc cầu sắt đen xe lửa cũ kỹ  rồi xuống ngồi chơi ở những cồn cát giữa dòng sông Dinh chảy ngang qua quận đã cạn khô  kể cho nhau cười chơi những chuyện vui về mọi thứ nghe thấy được trong buổi giao thời. Thỉnh thoảng cùng nhau hát những bài hát của T.C.S. như là chất men đem lại chút niềm vui, quên đi những chuyện thường ngày. Một số bạn bè bị buộc thôi dạy và phải xa trường lớp. Đêm trăng ngày ấy, thầy Phách hát một đoạn nhạc Serenade, thầy Tường lặng lẽ với khói thuốc lá, thầy Ba thì hồn nhiên, cô Đào và cô Kim Cương nhỏ to chuyện trò. Mỗi người mỗi tâm sự dưới ánh trăng cao vằng vặc. Dòng sông dẫu cạn khô vẫn còn những vũng nước lấp lánh ánh trăng..... Đã xa lắm rồi những tháng ngày ấy. Vầng trăng giờ vẫn thế,không hề đổi thay! Bốn mươi sáu năm đã đi qua. Ngước lên nhìn bầu trời rộng lớn và vầng trăng treo cao trong sự yên tĩnh của đêm khuya mới thấy được cõi lòng gạn lắng. Và quả thật ánh trăng sáng của những đêm rằm kì diệu làm sao!

3

Cũng vào khoảng thời gian ấy vào dịp Tết dương lịch tôi sắp xếp giờ dạy để lên thăm nhà. Những ngày cuối năm trời Đà Lạt rất lạnh. Từng cơn gió rít kêu lên trên những đồi thông. Đêm cuối năm đầu tiên của biến cố đổi dời, tôi đi lang thang hàn huyên với bạn bè, ngồi nhắp cà phê ở những quán cóc. Tối lại, tôi về nhà thầy Nguyễn Quang Tuyến dạy tôi ở trung học ở chơi vì có thầy Nguyễn Khắc Dương, một giáo sư dạy tôi ở đại học cũng ghé ở lại.

Đêm ấy, ngoài trời gió lộng qua đồi thông sau nhà. Ba thầy trò nằm trên giường cùng nhau nói đủ chuyện. Bỗng nhiên thầy Dương ngừng nói một hồi lâu. Một lát sau, tôi quay sang hỏi và được thầy nói là thầy đang lắng nghe thời gian. Tôi nghe như lạnh cả người. Tôi chợt nhớ ra đêm nay là đêm giao thừa tây lịch. Đêm nay là đêm cuối tôi gặp gỡ hai người thầy. Phải mấy năm sau mới gặp lại các thầy sau những năm tháng ở chốn tù đày. Đó là một trong những người thầy đã để lại những dấu ấn sâu đậm nơi những học trò cũ ở năm cuối trung học và bốn năm đại học.

4

Công việc dạy dỗ và những tranh cãi ở những buổi họp những ngày tháng đầu tiên của niên học mới sau biến cố 75 làm cho tôi nhiều đêm không ngủ được. Tôi thường pha cà phê ngồi lặng lẽ qua song cửa ngắm nhìn ánh trăng. Nhờ thế, lòng tôi dịu vợi, bớt căng thẳng hơn. Đủ thứ đụng chạm giữa những người mới đến và bọn người cũ chúng tôi. Giữa những cuộc họp mệt mỏi ấy, tôi đã chẳng đặng đừng lên tiếng về những cái trái tai, gai mắt,sự thiếu hiểu biết, nhất là những điều mà tôi cho là “con đường một chiều”. Và việc phải đến: họ âm thầm tìm cách loại chúng tôi, nhưng những điều chúng tôi lên tiếng chẳng có gì sai trái ghê gớm! Trước khi nghỉ hè kết thúc năm học, tôi đã tình nguyện dẫn toán học sinh đi tiền trạm lên "phá rừng" ở một vùng có tên gọi là “sông Cầu”, phía Nha Trang đi lên Đà Lạt theo con đường mòn sau này được sửa sang làm đường Đà Lạt-Nha Trang. Thoát khỏi những buổi họp, tôi cùng các em học sinh tuy có những ngày tháng gian khổ nhưng tràn đầy những kỷ niệm êm đềm khó quên về ngày tháng ở rừng. Có những đêm trăng sáng, bên đống lửa nhỏ, tôi nằm võng nhìn lên bầu trời. Những phiền muộn của sự va chạm hầu như biến đi mất. Có những buổi sáng tinh mơ, tôi nằm ngủ bên đống lửa đã gần tàn nghe vang vọng tiếng hát của một nữ sinh dậy sớm lo cơm nước cho lớp. Những bài hát của Lê Uyên &  Phương đưa tôi trở lại một thời của khuôn viên đại học ở giảng đường Spellman, Viện Đại học Dalat, khi tổ chức ra mắt những bài hát đầu tiên của đôi uyên ương này (1970)......  

Tôi cũng không thể nào quên được những tình cảm và sự chia sẻ cùng nhau với thầy Đãi. Anh Đãi đối với tôi như là tình anh em vì chúng tôi hiểu nhau và cùng chung những nỗi niềm thời thế. Anh đã lên thăm thầy trò chúng tôi, đem hộp thuốc hiếm quí lúc đó để cho tôi uống khi nghe tin tôi bị thổ huyết vì khí rừng độc địa. Sau này, khi anh và tôi đã rời xa ngôi trường cũ nhưng tình cảm anh em vẫn đằm thắm. Trong buổi giao thời ấy có lẽ anh đã lầm khi nhìn về cái mới đến. Nhưng rồi anh và biết bao nhiêu trí thức cũ thoát ra ngay cái đầu óc mê muội để thấy được chân tướng. Cuộc chơi đã rẽ hướng. Chúng tôi chỉ là những kịch sĩ dở hơi trên sân khấu, mang mặt nạ để đóng những vở tuồng với kịch bản viết sẵn chẳng mấy hay ho gì. Trong chỗ bè bạn cũ, anh Đãi sống chân thật với bạn bè. Cả cuộc đời đi dạy trước đó và sau này ở Cam Ranh rất đạm bạc, anh chẳng có được một ngôi nhà riêng cho gia đình. Khi cô học trò cũ là Lệ Hồng lớp 12C cũ đột ngột qua đời tại Saigon và chôn cất ở Cam Ranh, tôi đã nhờ anh đứng ra lo lắng việc xây nhà cho con cái cô học trò ấy với tiền đóng góp được từ bạn bè L.H. Anh Đãi đã sốt sắng nhận lời coi sóc việc xây cất cho đến khi hoàn thành. Gần hai năm sau , anh bị bạo bệnh và ra đi. Những giây phút cuối cùng gặp anh ở Sài Gòn trước khi về quê quán ở Nha Trang, anh đã nói với tôi: “Anh sắp ra đi, vạn sự giai không…”. Ít ngày sau thầy Lê Quang Phách báo tin anh đã mất. Tình anh em vẫn sâu đậm trong tôi. Tấm lòng người làm thầy của anh Đãi đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng các học trò cũ của T.H Ninh Hòa/Khánh Hòa một thuở .

5

Lại thêm một mùa xuân nữa. Những dự tính cho một đời người thường bị thời thế và hoàn cảnh sống làm chệch hướng. Cuộc sống vẫn còn đó với những ngỗn ngang, bề bộn. Những trăn trở của thời trẻ và ở cái tuổi trên thất tuần vẫn còn ray rức trong lòng. Biết bao các tác động không mấy đẹp đẽ trong xã hội đã làm thui chột và sa đọa nhiều thế hệ. Cơn lốc của đời sống chạy theo lợi nhuận, tiền bạc đã làm nhiều người trở nên ma quỷ. Cái vốn sống chưa mấy đẹp giống như trái cây chưa kịp chín tới đã phải hái đem ra bán buôn giữa chợ đời. Nhưng ấm áp và trân trọng biết bao, những người đồng nghiệp và học trò cũ vẫn giữ được tình bạn bè và tình thầy trò thắm thiết.

Gặp lại những người học trò cũ buổi giao thời ngày nào, họ vẫn thường tự hào là nhờ có mái trường xưa đàng hoàng với lối học hành và những lời dạy ân cần đã giúp họ vững vàng, cũng như giữ tròn nhân cách trong đời sống. Những người học trò ở dưới mái trường ấy đã được hun đúc bởi những cái hay, cái đẹp và cái thật. Nhiều thầy tóc đã bạc phơ hoặc đã lốm đốm bạc và trò cũng thế. Dòng sông lặng lẽ trôi đi và có ai thấy rõ thời gian đi qua như thế nào không? Hãy tạm mượn mấy dòng thơ của Tô Đông Pha để chấm hết những tạp ghi về năm tháng một thời:

Cố nhân thích thiên lý,
  Lâm biệt thượng trì trì.
  Nhân hành do khả phục,
 Tuế hành na khả truy…
 (Biệt tuế - Tô Đông Pha)

                                                    
 故人适千里,
 臨別尚遲遲。
人行猶可復,
 歲行那可追 ......
 (別歲蘇 - 蘇東坡 )  

Người xưa đã ra đi ngàn dặm. Lúc chia tay dùng dằng, bịn rịn không nguôi. Người ra đi còn có thể trở về. Tháng năm trôi đi làm sao để đuổi theo đây!?                                                                                       
 
** Tô Thức ( 蘇軾 1037–1101), tự Tử Chiêm (子瞻), một tự khác là Hòa Trọng (和仲), hiệu Đông Pha cư sĩ (东坡居士) nên còn gọi là Tô Đông Pha. Ông  là nhà văn, nhà thơ, nổi tiếng Trung Hoa thời Tống. Ông cùng cha là Tô Tuân và em là Tử Do là ba trong tám văn hào lớn (bát đại gia) của Trung Hoa. Ngoài việc giỏi cổ văn, thơ, phú, ông còn là một nhà thư pháp và họa sĩ tài danh.

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét