GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Truyện ngắn MỘT CÁCH SỐNG do thầy Dương Anh Sơn chia sẽ. Câu chuyện nói về nhân cách của một trí thức miền Nam xuất thân từ trường đại học Văn Khoa Đà Lạt.
“Chào Ban Biên Tập,
Xin gửi đến các bạn một truyện ngắn dựa vào cuộc đời có thực của một đồng môn, lớp tiếp cận với biến cố 75. Dĩ nhiên, câu chuyện có một số chi tiết thêm thắt xoay quanh chủ đề chính: Có những con người biết cách sống trong một thời đại với nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được tư cách của mình. Cũng có những người dù trình độ học vấn thấp hơn nhưng có tầm nhìn xa, dám vượt qua hàng rào chặt chẽ của "cơ chế" khi dùng người. ..... Chúc các bạn luôn được an lành.”
Trân trọng
NHHN
I
Nguyễn là một chàng trai vốn xuất thân từ nhà dòng và cũng "đẹp trai" với nụ cười thân thiện luôn mở trên môi. Rời bỏ giảng đường, rời bỏ dòng tu La San chuyên về giáo dục do việc các tu hội và trường học các tôn giáo bị "tiếp quản", bị "trưng dụng" nên Nguyễn, bản thân là một ông "frère", một sư huynh Công giáo phải từ giã chiếc áo thụng đen trở về cuộc sống ngoài đời.
Trước bước ngoặt lớn của dòng lịch sử, Nguyễn về lại với gia đình và chưa biết phải sống thế nào đây?!. Nhờ vào một ít đồ đạc có thể bán được của ba mẹ, Nguyễn đem bán dần khi là bộ tràng kỷ, khi thì bộ đồ sứ uống trà, khi thì chiếc máy xay sinh tố.... nên cuộc sống gia đình Nguyễn tạm đắp đổi qua ngày. Những đồ dùng có giá lần lượt đi ra chợ trời, chuyện cơm áo của gia đình Nguyễn càng lúc càng khó khăn! Cần phải có một cách sống tạm gọi là "ổn" trong thời buổi đảo lộn như thế này! Qua bạn bè cũ trước ở tu hội, Nguyễn tập tành cuốn thuốc lá đem bỏ mối các quán tạp hóa trong các hẻm và các sạp nhỏ ven các con đường Phú Nhuận, Bình Thạnh. Nguồn lá thuốc do những mối từ Phan Rang đem vào từ sự giới thiệu của bạn bè. Mới đầu, Nguyễn hì hục xắc các cuộn lá thuốc vấn thành sợi bằng dao bầu. Cuốn thuốc chưa chặt và việc xắc cũng còn chậm. Công đoạn tiếp theo là sao tẩm thuốc lá cho khô hơn và có mùi thơm rồi dùng một bàn gỗ nhỏ để vấn thuốc điếu gói vào bịch ny lông cứ mười điếu một bịch.
Nguyễn làm mài miệt từ trưa đến xẩm tối mới nghỉ tay ăn bữa cơm đạm bạc với ba mẹ và người chị bị bệnh bại liệt. Ăn tối xong, Nguyễn giúp mẹ dọn dẹp rồi sắp xếp các bịch thuốc điếu vào thùng giấy cột vào sau yên xe đạp để sáng mai đi bỏ mối. Ngày này qua ngày khác Nguyễn quen dần công việc chưa được đào tạo từ giảng đường đại học này! Trước mắt Nguyễn là việc kiếm mỗi ngày cho được vài chục đồng đủ trang trải cho cả nhà. Lương người làm nghề đi dạy, làm công chức nhà nước chỉ khoảng hai trăm bạc nên sống rất chật vật thiếu trước hụt sau. Trừ chi phí, mỗi tháng Nguyễn kiếm được trên dưới bốn trăm đồng. "Nghề mới" đi bỏ mối thuốc lá dạo được đào tạo cấp tốc từ trường đời tuy vất vả nhưng cũng đắp đổi qua ngày!
Mỗi khi đi bỏ mối thuốc lá, Nguyễn có cơ hội gặp gỡ bạn bè cũ thời đại học và tu hội để hàn huyên đủ chuyện về thời cuộc. Nhiều người "tu xuất" cùng trang lứa với Nguyễn cũng đã có gia đình con cái; cuộc mưu sinh trong thời kỳ "cách mệnh" này thêm nhiều khó khăn tệ hại hơn gấp trăm lần so với trước kia! Nhiều nhà máy lớn máy móc còn mới bị tháo dỡ hoặc bỏ phế để cho những những cơ sở nhỏ "làm ăn".
Các cơ sở làm thuốc lá của nhà nước, của hợp tác xã bắt đầu hoạt động mạnh "tham gia thị trường" khiến những người làm ăn lẻ tẻ như Nguyễn phải thu hẹp chiến trường! Nguyễn phải điều chỉnh lại việc "sản xuất" bằng cách "nâng cao chất lượng" và hạ giá thành sao cho bịch thuốc bán ra thơm hơn, rẻ hơn có sức "cạnh tranh với thị trường"! Những vấn đề lặt vặt như thế chẳng bao giờ được dạy từ lúc còn tiểu học cho đến các giảng đường văn khoa, sư phạm! May ra, khoa Chính trị kinh doanh (bây giờ gọi là Quản trị kinh doanh) của Viện Đại học Dalat có nói về "sản xuất tiểu thủ công nghiệp" này chăng?! "Nghề dạy nghề"! Cuộc "đổi đời" bắt người ta phải "học thêm" nhiều môn học mới để trang trải cuộc sống. Có nhiều người phải khom lưng quì gối trước cái bụng, trước áo cơm và cứ tiếp tục dài dài như thế. Nhưng cũng có người vẫn nhẹ nhàng đứng thẳng người để sống.
Một buổi sáng trên chiếc xe đạp cà tàng đi bỏ mối thuốc lá, Nguyễn bỗng thấy bên kia đường trước cổng chợ Phú Nhuận đường Phan Đình Phùng một gương mặt quen quen trong chiếc áo lãnh quần đen ngồi bên đống áo quần cũ bày biện trên tấm ni lông ở lề đường. Nguyễn ngờ ngợ nhìn cô gái rồi mạnh dạn băng qua đường chào hỏi:
- Thưa có phải chị là Diễm học bên ban Anh không?
Cô gái có khuôn mặt thanh tú nhưng rám nắng ngạc nhiên nhìn Nguyễn đăm đăm rồi nói lớn:
- Có phải là anh Nguyễn, "frère" Nguyễn ở Văn khoa Dalat không?
Hai người nhận ra nhau và mừng rỡ hỏi thăm đủ thứ chuyện về gia đình, về cuộc sống từ khi rời trường và từ khi "đời bị đổi" tính ra gần một chục năm rồi! Diễm nhìn kỹ hơn anh chàng tu sĩ đẹp trai, thân thiện học bên Việt văn thuở nào. Trước mặt Diễm là một anh chàng hơi ngăm đen, dáng vẻ lam lũ trong chiếc áo bạc màu nhưng vẫn còn giữ được hàm răng trắng và nụ cười trên môi. Còn Nguyễn nhận ra nét hiền hòa, dịu dàng của người đẹp ban Anh văn vẫn in trên dáng dấp, giọng nói nhẹ nhàng.
Những năm tháng nên quên bén đi như thế này đã buộc nhiều người phải bươn chải và tìm một "nghề" để kiếm cơm qua ngày. Diễm từng là con nhà công chức cũng phải loay hoay "ra nghề" bán quần áo cũ để kiếm sống cho gia đình sau khi từng đem áo quần cũ của anh chị em đi bán! Ba của Diễm vẫn còn đang đi "học" trong các nhà tù. Dân miền Nam chẳng bao giờ gọi là đi "cải tạo" quanh co mà nói thẳng là đi ở tù cho mau lẹ và khỏi màu mè văn chương giả dối! Mấy anh em Diễm quá khó khăn khi xin việc làm dù đều học xong đại học đành kiếm việc làm tự do tự chủ như sửa điện máy, đóng bìa sách vở, bán quần áo cũ...v.v... Họ hàng gọi anh em Diễm là "thợ đụng", đụng gì cũng có thể làm để nuôi nhau, để lo cho mẹ và bới xách cho cha già vẫn còn "đi học" trong rừng xanh núi đỏ đợi ngày cha "học" xong khóa học được cho về để sắp xếp lại cuộc sống!
- Anh Long có quen ai ở gần đây biết tiếng Anh không? Anh nghĩ thử rồi giới thiệu gấp gấp cho công ty vì có đoàn khách người Úc do Sở Ngoại thương chỉ đến để "trao đổi" việc cung cấp nguyên liệu thô như cao su, cà phê hạt chưa sơ chế cùng các nông sản khác. Họ đang ngồi uống trà, anh nghĩ cách giúp giám đốc "gỡ rối" nhanh nhanh giúp đi!
Long chỉ tay sang Nguyễn nói:
- Cô khỏi lo! Anh Nguyễn bạn tôi đây có thể nói được tiếng Pháp, tiếng Anh!
Cô thư ký tròn xoe mắt nhìn Nguyễn trong bộ dạng mặt mày đen sạm, quần áo bạc màu. Ngó bộ cô không tin tưởng cho lắm! Gấp quá rồi! Cô mời Nguyễn:
- Anh chịu khó sửa lại mái tóc, vuốt lại áo quần theo tôi vào phòng giám đốc giúp cho việc này.
Nguyễn chưa kịp nói gì đành theo chân cô thư ký vào trong. Lúc này ông giám đốc đang rót trà cho bốn ông "khách tây" người Úc áo quần veston đàng hoàng có vẻ đang chờ đợi.... . Giữa họ và ông giám đốc là khoảng trống vì ông giám đốc chỉ biết cười cầu tài và rót nước mời khách. Nguyễn gật nhẹ đầu chào ông giám đốc và bốn "ông tây". Nhờ cô thư ký nói trước nội dung cuộc gặp này theo giấy giới thiệu của sở nên Nguyễn đã nắm khái quát công việc.
Ông giám đốc quay qua Nguyễn:
- Anh là bạn của Long hả? Chuyện đó mình nói sau đi! Bây giờ xin nhờ anh thông dịch và hỏi xem những vị khách này cần gì.
Nguyễn đã xem rất nhanh "Giấy giới thiệu" từ Bộ Ngoại thương Hà Nội chuyển cho Sở Ngoại thương "Saigon" (Nguyễn vẫn giữ thói quen gọi như thế như nhiều bạn học trước 75!) rồi từ đây chuyển tiếp cho "Công ty Ngoại thương số 1" là đơn vị trực tiếp lo chuyện cung cấp này. Thì ra, qua việc nói chuyện bằng Anh ngữ, họ cho biết có nhu cầu được cung cấp thường xuyên, ổn định với giá gốc rẻ và tốt hơn nguồn cung cấp từ Cao Miên, Thái Lan. Cao su và cà phê là hai loại nông sản có nhiều ở miền đông và cao nguyên trung phần. Các nông sản khác như hạt tiêu, hạt điều, các loại đậu... v.v,,, có nhiều ở Long Khánh, Đức Trọng, Dak Minh, Ban Mê Thuộc.... Những kiến thức từ thời trung học đã giúp Nguyễn trình bày cho đoàn khách biết khả năng cung cấp của công ty theo yêu cầu của họ.
Các vị khách tỏ vẻ hài lòng buổi gặp gỡ sáng hôm đó. Họ khen ngợi khả năng thông dịch và kiến thức kinh tế của chàng trai có nụ cười dễ mến đã giúp họ "tiếp cận", hiểu rõ hơn về nền kinh tế thị trường đang hình thành cũng như những nguồn nguyên liệu nông sản mà họ cần kinh doanh. Họ cho biết nếu không có gì trở ngại, họ sẽ trở lại vào ngày mốt để cùng công ty ký bản ghi nhớ trước khi tiến hành hợp đồng giao nhận chính thức. Và họ ra về trong sự nhẹ nhỏm của ban lãnh đạo công ty. Trưa hôm ấy ông giám đốc vui vẻ nói:
- Đầu xuôi đuôi lọt! Thật là may mắn được anh Nguyễn giúp sức nên bước đầu có vẻ thuận lợi. Tôi "đề nghị" trưa nay anh dùng cơm với chúng tôi để bàn công việc sắp tới.
Nguyễn nhận lời ăn cơm trưa với ban lãnh đạo công ty trong nhà ăn mà các người ngoài đó vào đây gọi là "căn tin công ty" nằm ở phía sau sở làm. Vừa ăn vừa nói chuyện ông biết thêm về trình độ và khả năng của Nguyễn. Ông giám đốc tự giới thiệu tên mình là Trực (cô thư ký thưa rõ là anh Ba Trực!). Nguyễn nhận thấy ông giám đốc trạc tuổi trên dưới bốn mươi lăm là dân miền Nam theo cha đi "tập kết" trở về ăn nói lịch sự, thân thiện và có vẻ chịu khó nghe "người ngoài" nói. Những gì ông chưa rõ, ông hỏi lại Nguyễn cho thấu đáo. Dẫu gì kiến thức tổng quát về nhiều mặt mà nền giáo dục bậc trung học miền Nam cung cấp cũng đủ cho Nguyễn nói chuyện kinh tế và nhiều chuyện khác với ông giám đốc trình độ đi kháng chiến! Bữa cơm có chút cá chút rau tạm gọi là "sang" ở thời buổi bấy giờ, ông bắt tay Nguyễn thật chặt rồi nói:
- Thay mặt lãnh đạo công ty tôi xin mời anh Nguyễn ngày mai vào làm ở phòng kinh doanh phụ trách phần "đối ngoại". Mai anh hãy dừng việc đi bỏ mối thuốc lá đi! Anh đến công ty gặp anh Sáu Nhân phòng tổ chức để làm giấy tờ nhận việc.
Nguyễn thật tình kinh ngạc vì không ngờ công việc sinh sống lại xoay chiều chóng vánh như thế. Nguyễn chẳng biết có nên xem đây là chuyện vui hay không! Việc đi làm việc "nhà nước" không nằm trong suy nghĩ của Nguyễn vì những người có "lý lịch" từng làm tu sĩ Công giáo khó mà được tuyển dụng! Nguyễn tặc lưỡi và nghĩ thầm thôi thì cứ tới đâu hay đến đó!
Nguyễn về bàn bạc với Diễm. Diễm nghĩ rằng đó là cơ hội để thay đổi cuộc sống vì không thể xem việc đi bỏ thuốc lá dạo là kế lâu dài. Vả lại, nghề làm ở văn phòng cũng phù hợp với sở học của Nguyễn hơn. Nguyễn nghe Diễm nói ra đúng như ý mình nghĩ. Sáng hôm sau, Nguyễn kiếm trong mớ áo quần cũ một chiếc áo chemise trắng và một chiếc quần tây coi được để "đi làm"! Nguyễn cũng đã nghĩ trong đầu là mình cứ đến nhận việc nếu hợp thì sẽ làm, còn không thì cứ theo việc cũ rồi hẳn tính.
Đến công ty, Nguyễn bắt tay anh bạn làm bảo vệ nơi chốt gác. Long cũng kể sơ qua về việc sắp xếp ban phòng, nhân sự, chức danh một số người lãnh đạo. Nhờ đó, Nguyễn có một khái niệm về "cơ quan" nhà nước này. Đang lúc nói chuyện với bạn, ông Ba Trực cũng vừa đến trên chiếc xe màu đen cũ hiệu Peugeot 404 đời 1969 hay 1970 gì đó. Ông bắt tay Nguyễn và nói:
- Mình vào phòng tổ chức làm cho xong mấy cái giấy tờ rồi qua phòng tôi cùng bộ phận kinh doanh chuẩn bị cho biên bản ghi nhớ với mấy "ông tây" vào ngày mai!
Đích thân ông đưa Nguyễn đến phòng ông Sáu Nhân và "trao đổi" vài câu:
- Như đã bàn với anh Sáu, anh Nguyễn rất khá tiếng Anh và tiếng Pháp là người công ty ta rất cần. Anh giúp anh Nguyễn mau chóng làm cho xong các thủ tục, hồ sơ để nhận việc ngay!
Ông Sáu Nhân mời Nguyễn ngồi rồi đưa ra vài mẫu tờ in sẵn để Nguyễn điền vào. Tới "bản kê khai lý lịch ", Nguyễn ghi đầy đủ những công việc từ hồi mới đi học cho đến khi vào dòng tu vừa đi học ở trung học cũng như khi học đại học cho đến hiện nay. Phần ghi về tôn giáo Nguyễn cũng ghi rõ: trước là tu sĩ Công giáo, nay chỉ là giáo dân! Lý lịch của Nguyễn từ thời đệ nhị cấp cho đến khi học xong đại học và đến 1975 gắn liền với nhà dòng La San. Nguyễn tặc lưỡi nghĩ trong đầu là có chi ghi nấy, đi làm cũng tốt mà không được cũng chẳng sao!
Xong việc "kê khai", ông Sáu Nhân đọc kỹ phần lý lịch rồi đem qua phòng ông Ba Trực. Long cũng đã cho biết vài nét về người bạn đồng môn với ông Sáu Nhân cũng là người Nam đi "tập kết' trở về. Tính ông ta cũng xuề xòa và vui tính, nghĩ gì nói đó. Sau hơn nửa giờ đồng hồ có lẽ bàn luận thêm về lý lịch Công giáo của Nguyễn, hai người lãnh đạo gốc Nam này đi đến quyết định "thoáng" là nhận Nguyễn vào làm với tư cách chuyên viên đối ngoại. Đó là một điều mà ở tỉnh lẻ với nhiều lãnh đạo đầu óc nhỏ nhoi, họ sẽ loại ra ngay liền sau khi giúp họ làm được chuyện. Ông Sáu Nhân nói với Nguyễn:
- Về phần học vấn với trình độ là hai bằng cử nhân, biết hai thứ tiếng chính trong giao dịch ngoại thương nên chúng tôi rất cần người như anh. Chúng tôi không đặt nặng thành phần Công giáo của anh, chỉ mong anh đóng góp hiệu quả , đem lại lợi nhuận cùng thành tích cho công ty là quan trọng. Với lại như bao người khác mới tuyển dụng, anh cứ chăm chỉ trong giai đoạn thử việc đã! Thời gian sẽ giúp chúng ta nhìn nhận nhau đúng hơn!
Ngay sáng hôm đó, Nguyễn cùng bộ phận kinh doanh của anh Năm Cần phụ trách bắt tay việc soạn thảo "biên bản ghi nhớ" cho ngày hôm sau. Nhờ mối quan hệ có sẵn giữa công ty và các tỉnh có sản lượng cà phê hạt và cao su sơ chế ổn định như Sông Bé, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thuận An, Buôn Mê Thuột... v.v... nên số lượng cà phê và cao su mà đoàn khách Úc yêu cầu cung ứng, qua liên lạc điện thoại, họ đã bảo đảm chắc chắn sẽ làm đúng như yêu cầu của công ty về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này, các tỉnh có nông sản rất cần có chỗ tiêu thụ và công ty cũng cần có "đầu ra". Trong thâm tâm, Nguyễn không tin chắc những con số và chất lượng mà các tỉnh hứa hẹn "cung ứng". Tốt nhất là khi thực sự ký hợp đồng cung ứng và giao nhận mình nên cùng bộ phận kinh doanh đi trực tiếp tận địa phương để tìm hiểu kỹ về khả năng và chất lượng nông sản được cung cấp thì hay hơn!
Nguyễn và ban giám đốc hiểu rõ việc giữ cho được uy tín để có mối làm ăn lâu dài với các "đối tác" trong hay ngoài nước rất quan trọng. Những gì "ghi nhớ" trong biên bản là những việc công ty phải làm được và làm cho đúng! Thời gian gấp gáp và mới chỉ một buổi làm công chuyện "ngoại thương" nhưng nhờ chiều qua Nguyễn đã mượn được mấy giáo trình của các bạn học khoa Chính trị Kinh doanh cùng viện. Ban tối, Nguyễn chong đèn đọc những phần cần thiết nên cũng "nắm được" những chi tiết trong giao nhận ngoại thương. Do đó, việc soạn thảo qua đầu giờ chiều là xong bản nháp song ngữ. Cô thư ký phòng kinh doanh và cả phòng giám đốc đều không rành ngoại ngữ và đánh máy rất chậm nên Nguyễn đích thân làm luôn. Những từ ngữ chuyên về kinh tế hay ngoại thương chưa nắm vững, Nguyễn tra lại từ điển cho chắc ăn. Nguyễn đọc lại cho phó phòng kinh doanh là anh Bảy Xê nghe qua và anh đồng ý hoàn toàn rồi cho thư ký trình lên anh Năm Cần trưởng phòng rồi tiếp tục chuyển qua giám đốc công ty để duyệt lại lần cuối và chờ đoàn khách trở lại để cùng ký vào biên bản.
Sáng hôm sau Nguyễn đạp xe đi làm sớm từ nhà ở Tân Bình, ghé qua một quán cà phê vỉa hè ở Lăng cha Cả nhâm nhi ly đen và trà nóng rồi đạp xe một mạch lên Q.1. Nguyễn có thói quen trong nhà dòng làm gì cũng cẩn thận nhưng thong thả.
Những tháng ngày đi
dạy học cũng giúp Nguyễn có thái độ tự tin, bình tĩnh khi làm việc. Khi học ban
Việt văn, Nguyễn rất khoái cung cách ăn nói khoan thai nhẹ nhàng của thầy
Trần Trọng San, vẻ ung dung nghệ sĩ và cách dùng từ chính xác, gọn gàng của
thầy Vũ Khắc Khoan, những lời giảng nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của thầy Lê Hữu
Mục, giọng sang sảng của thầy Phạm Văn Diêu.... Mỗi thầy đều có một vẻ đáng tôn
kính của người đem cái hay cái đẹp của văn chương truyền đạt cho thế hệ mới!
Nhưng ngẫm lại, Nguyễn học được rất nhiều từ thầy Trần Trọng San dạy hán văn.
Cách dạy khoan thai, đỉnh đạt và nhất là sự khiêm tốn đã ăn sâu trong tâm khảm
nhiều thế hệ sinh viên được may mắn học với thầy. Có lẽ thầy San là một trong
số hiếm hoi những người thầy có cốt cách nhà nho còn lại của thế hệ trước đây
chăng? Cung cách ấy là kim chỉ nam cho Nguyễn khi sinh hoạt với cộng đồng hay
trong giao tiếp nên gặp chuyện gì khó khăn, rối rắm, Nguyễn luôn từ tốn, bình
tĩnh giải quyết.
Đoàn khách chào ra về. Từ giám đốc đến các phòng công ty đều tỏ vẻ vui mừng. Tất cả đều hy vọng hợp đồng mới sẽ mở cánh cửa rộng cho việc xuất nhập khẩu của công ty (Nguyễn nghĩ là chữ "khẩu" rộng nghĩa hơn chữ "cảng" vì cảng biển hay cảng hàng không nghe hợp lý nhưng còn cửa ngõ biên giới nữa để xuất nhập chứ đâu chỉ đi qua hai cảng trên!)
Hôm sau, Nguyễn chính thức đi làm cho nhà nước! Công ty giao cho Nguyễn chức vụ trợ lý trưởng phòng kinh doanh về thông dịch và công việc "đối ngoại". Với khả năng đọc và nói được hai sinh ngữ chính cùng với tinh thần tự học của mình, Nguyễn đã nhanh chóng tìm đọc những sách vở và các giáo trình liên quan về kinh tế, về xuất nhập cảng. Nhờ thế, Nguyễn dần dần hiểu rõ về cách tìm hiểu thị trường, cách tìm hiểu "đối tác", cách soạn hợp đồng có tính pháp lý, cách giao nhận hàng tại cảng hay tại nơi nhập cảng... v.v...
Nguyễn không ngờ mình lại học nhanh đến thế! Những bài học về xác suất, thống kê bên Sư phạm để thống kê điểm số, trình độ, số liệu học sinh.... dùng trong trường học giờ được dùng để thống kê con số xuất nhập khẩu, kinh doanh của công ty. Với lại, đại học đòi học tinh thần tự chủ, tự tìm kiếm các vấn đề nghiên cứu là chính yếu. Nguyễn thầm tự hào về những kiến thức căn bản mà đại học đã trang bị đã thực sự giúp cho công việc bây giờ. Công ty cũng thâu nhận một số "cán bộ" tốt nghiệp ngành kinh tế từ Liên Xô, Đông Đức hoặc Tiệp Khắc vào làm việc. Kiến thức và kỹ năng của họ quá yếu nên không đủ sức để soạn văn bản tiếng Việt chứ chưa nói đến bằng tiếng thông dụng khi giao dịch với ngoại quốc là tiếng Anh. Vì vậy, công ty thêm người nhưng vẫn thiếu người!
Ông Ba Trực cũng như các trưởng phòng có công việc liên quan với "nước ngoài" là phải nhờ đến Nguyễn. Nhờ thái độ vui vẻ, khiêm tốn, thân thiện vốn có nên anh em trong công ty rất nể phục và mến mộ tư cách của Nguyễn vì Nguyễn chẳng làm mất lòng ai bao giờ! Những khi có những "suất" hàng "có giá" như xe Honda nội địa, "săm lốp" xe Honda, quạt trần Mỹ Phong, đồ hộp Hòa Lan…v.v... Nguyễn đều nhường cho các anh chị em còn khó khăn khác vì Nguyễn nghĩ đơn giản mình thiếu thốn thì đã thiếu rồi, nhiều anh em sống còn chật vật. Nguyễn nhường cho họ thật lòng và chẳng bận tâm gì cả! Anh em trên dưới càng về sau càng gần gũi với anh nhân viên thân thiện, hiền hòa này.
Gần một tháng sau, đoàn khách điện qua công ty nói là họ sẽ đến Saigon đúng ngày như biên bản ghi nhớ tháng trước. Ban giám đốc nhận tin xong quá đỗi vui mừng và thở phào nhẹ nhõm vì chỉ có con đường "xuất khẩu " mới có thể đem lại sự phát triển cho công ty. Việc loay hoay mua lúa bán gạo, mua hạt điều, hồ tiêu, bắp hạt khô, mủ cao su, hạt mè, các loại hạt đậu... v.v... như mấy lâu nay khi lỗ, khi lời chút chút. Và lỗ thì nhà nước lo! Nhờ một tháng thong thả đó, Nguyễn đã có thời gian tìm hiểu thêm về cách lập hợp đồng có những điều khoản chặt chẽ và ràng buộc pháp lý để hai bên mua bán làm đúng như những gì mình đã hạ bút ký vào. Việc chuyển dịch sang hợp đồng bằng tiếng Anh cũng được Nguyễn chỉnh sửa cho thật tốt. Buổi ký kết hợp đồng diễn tiến thuận lợi. Một lần nữa họ khen ngợi người soạn thảo hợp đồng và gửi "name card" của các cá nhân trong đoàn cho ban giám đốc công ty và Nguyễn. Do chưa in danh thiếp nên Nguyễn lấy mấy tấm card của công ty ghi thêm tên mình rồi đưa cho khách.
Vợ Nguyễn thấy chuyện đi làm cho nhà nước của chồng cũng giúp cho cuộc sống ổn định hơn. Mấy tháng sau, ba Diễm được thả về sau khi "đi học" hơn mười năm! Gặp và nói chuyện với chàng rể, ông thường vui vẻ vì Nguyễn rất lễ độ và biết nói chuyện về những vấn đề ông quan tâm. Ông thầm mong vợ chồng Diễm sẽ luôn bên nhau. Thời gian này chính phủ Hoa Kỳ có chương trình H.O dành cho những người từng bị giam giữ từ ba năm trở lên được xét duyệt cho đi định cư ở Hoa Kỳ.
Ba Diễm có "thâm niên" ở tù trên mười năm nên từ khi nộp đơn ở HCR (High Commissioner for Refugees) chuyển qua Thái Lan và được đồng ý cho đi định cư chỉ mất khoảng ba tháng. Ba mẹ Diễm được phép mang các con chưa lập gia đình cùng đi. Nguyễn và Diễm cứ dùng dằng rất nhiều về chuyện đi hay ở lại. Nguyễn còn người chị ruột bị bại liệt phải cưu mang sau và cha mẹ cũng đã già yếu. Diễm còn có đứa con trai mới hai tuổi chỉ có giấy chứng sinh vì cha mẹ chưa có giấy kết hôn! Bàn đi tính lại, hai vợ chồng đi tới quyết định là Diễm sẽ đi cùng gia đình lo cho tương lai của đứa bé rồi Nguyễn sẽ tìm cơ hội đi qua bên đó sau.
Ngày tiễn Diễm cùng con trai và gia đình vợ bay qua Mỹ, Nguyễn cảm thấy cuộc chia ly rất xót xa. Thương nhau, lấy nhau và phải rời nhau vì những tính toán cho tương lai làm tâm hồn cứ vương vấn. Thôi đành phải lựa chọn vì cơ hội đi định cư không phải dễ. Việc ra đi tìm tự do mấy năm trước đây đã làm tan nát biết bao gia đình kém may mắn khi liều mạng giữa biển cả mênh mông hay băng rừng lội suối qua biên giới ....
Mấy năm sau, Diễm gửi giấy về xin bảo lãnh cho chồng qua Mỹ vì nhờ luật sư chứng minh được tình trạng hôn nhân của hai vợ chồng là do sự khó dễ của địa phương. Giấy khai sinh có ghi tên tuổi cha mẹ là một thực tế. Nguyễn cứ trằn trọc, day dứt chuyện đoàn tụ gia đình nhưng tình thương với người chị bại liệt sẽ không có nơi nương dựa, nuôi dưỡng buộc Nguyễn đi đến quyết định không làm giấy tờ xin đi Mỹ theo giấy bảo lãnh của Diễm nữa!. Với lại, cha mẹ của Nguyễn tuổi cao cũng lần lượt qua đời chỉ còn hai chị em thôi!
Ít lâu sau, ban lãnh đạo công ty đề bạt Nguyễn vào chức vụ phó phòng kinh doanh ngang với ông Bảy Xê, Nghe tin, Nguyễn đã gặp ông Ba Trực, Sáu Nhân và Năm Cần để xin rút khỏi đề nghị này. Nguyễn trình bày:
- Trong phòng kinh doanh có anh Mười Lê là người làm việc lâu năm và góp sức thầm lặng hoàn thành tốt nhiều giao dịch của công ty. Tôi đề nghị nên để anh Mười làm phó phòng là hợp lý. Dầu sao, tôi cũng mới làm được hơn ba năm đóng góp chưa được bao nhiêu.
Sau khi bàn bạc lại, ban lãnh đạo đã theo góp ý của Nguyễn. Tình cảm giữa anh em trong phòng và công ty đối với Nguyễn thêm mến mộ. Cuối năm đó, ông Năm Cần lên chức phó giám đốc công ty. Ông Bảy Xê lên giữ chức trưởng phòng đã đề nghị Nguyễn giữ chức phó phòng. Một lần nữa, Nguyễn đã khéo léo từ chối và đưa đề nghị anh Tám Vung cũng là người kỳ cựu thường hay xông xáo đi về đồng bằng hay lên cao nguyên cùng Nguyễn chọn mua hàng nông sản xuất khẩu.
Ban lãnh đạo lại theo đề nghị này đưa anh Tám phụ trách phó phòng kinh doanh chuyên về thu mua hàng hóa cho xuất khẩu. Từ đó, anh em trong công ty đối với Nguyễn càng nhiều cảm tình hơn trước. Nguyễn luôn tâm niệm nếu biết hạ mình xuống sẽ được người khác nâng mình lên! Đó là những bài học sâu sắc vẫn còn mãi từ hình ảnh và những lời dạy của những người thầy đáng kính vẫn luôn nhắc nhở từ giảng đường Văn khoa đã thấm sâu vào huyết quản những người như Nguyễn.
Nhờ sự tác động của Nguyễn cùng tầm nhìn rộng và chịu khó đổi mới của ông Ba Trực nên số lượng hợp đồng càng nhiều, doanh số mua bán kinh doanh và lợi nhuận sau thuế của công ty ngày càng cao. Mọi người trong công ty đều đánh giá cao về con người và khả năng của Nguyễn. Phúc lợi cao nên đời sống anh em trong công ty được "cải thiện" rất nhiều. Ban lãnh đạo công ty đề bạt Nguyễn làm trợ lý giám đốc công ty. Nguyễn nhận lời sau nhiều lần từ chối không được. Từ khi làm trợ lý giám đốc, những khi có những việc quan trọng ông Ba Trực đều lắng nghe ý kiến của Nguyễn. Các phòng ban khi nhận những chỉ thị của giám đốc đều thấy cách xử lý vấn đề rất cụ thể và khả thi. Và họ đều ngầm hiểu chắc chắn có sự đóng góp ý kiến của Nguyễn đúng với vai trò trợ lý đằng sau!
Lúc này công ty có nhiều khách hàng từ Mỹ muốn tìm hiểu và đặt vấn đề mua nhiều loại nông sản khác như trái cây Việt Nam, các loại thực phẩm đóng gói, nước mắm... v.v... để đưa vào các siêu thị đồ dùng châu Á. Ngược lại, công ty cũng có nhu cầu tìm mua những máy móc thiết bị cho việc trang bị nhà xưởng, kho chứa cho việc xuất hàng và bán ra thị trường trong nước. Một số công ty bên Mỹ chuyên cung cấp loại hình này đã mời đích danh ông giám đốc đi "tham quan" cùng một số phụ tá. Người mà ông Ba Trực nghĩ đến để tháp tùng cùng mình đầu tiên là "Nguyễn trợ lý", sau đó mới đến trưởng phòng kinh doanh và vài kỹ sư cơ khí.
Chuyến đi hai tuần qua Mỹ gặp gỡ và tìm hiểu cho kế hoạch làm nhà xưởng "phục vụ sản xuất" và có "qui mô hiện đại" thành công tốt đẹp nhờ có sự chuẩn bị chu đáo của Nguyễn. Họ sẽ cung cấp những thiết bị đông lạnh, sấy khô, sàng lọc... rất mới và tự động. Họ sẽ khấu trừ qua nông sản thực phẩm xuất qua cho công ty của họ. Thời gian rảnh sau công việc ký hợp động, Nguyễn xin rời đoàn ba ngày đến nam Texas thăm con trai như đã hẹn trước với Diễm. Gặp lại con trai, Nguyễn rất đỗi vui mừng sau tám năm xa nhau. Nam nói tiếng Anh như gió và có vẻ khôi ngô. Cháu đã biết tin ba mình sẽ ghé thăm trên chuyến qua Mỹ nên không bất ngờ.
Những tấm ảnh do Diễm gửi đều đặn về sự khôn lớn của Nam khiến Nguyễn không bất ngờ về con trai của mình. Hai cha con ôm nhau thật chặt. Diễm và người chồng Mỹ cảm động nhìn hai cha con Nguyễn không chớp mắt. Gia đình Diễm mời Nguyễn một bữa ăn tối rất lịch sự, thân mật và chân tình. Nguyễn tỏ ý cám ơn sự chăm sóc Nam như con ruột không hề phân biệt của chồng Diễm. Vợ chồng Diễm cũng có với nhau một đứa con trai năm tuổi. Hai anh em chơi với nhau rất vui vẻ và biết nhường nhịn nhau! Ngày chia tay, chồng Diễm đích thân chở Nguyễn ra bến xe để trở lại với đoàn đợi chuyến bay trở về nước.
* * * * *
Hai năm sau, ông Ba Trực được Bộ Ngoại thương điều động về một tỉnh ven biển có cảng dầu khí quan trọng. Ông được cử giữ chức tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn vì những " thành tích" từ công ty trước. Ông đã đề nghị Sở Ngoại thương cho phép Nguyễn chuyển đi cùng ông. Chức vụ mới của Nguyễn bây giờ là trợ lý tổng giám đốc công ty. Cũng với cung cách làm việc và hòa đồng với các anh em khác trong công ty, Nguyễn được hầu hết nhân viên trong công ty tín nhiệm và nể trọng. Cũng nhờ những ý kiến của Nguyễn nên Ông Ba Trực đã điều chỉnh công việc kinh doanh của công ty lớn này đạt nhiều kết quả tốt hơn trước.
Do yêu cầu của Bộ, nhiều công ty nhà nước có quyết định trở thành công ty cổ phần với số vốn của nhà nước chỉ còn năm mươi mốt phần trăm, còn lại các công nhân và nhân viên trong công ty ưu tiên được mua cổ phần còn lại theo khả năng của mình. Ban giám đốc mới và hội đồng quản trị được bầu ra. Ông Ba Trực vẫn giữ chức tổng giám đốc và Nguyễn cùng hai người nữa làm phó tổng giám đốc. Khi ông Ba Trực đến giai đoạn nghỉ hưu, qua một cuộc bầu cử mới, chín mươi tám phần trăm cổ đông đã tín nhiệm bầu Nguyễn giữ chức tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ty.
Một người xuất thân là một ông "frère" Công giáo lại không phải là đảng viên CS nhưng trở thành tổng giám đốc một tổng công ty lớn về kinh doanh! Bên Mỹ, đứa con trai của Nguyễn cũng đã học xong đại học và có việc làm ngay khi ra trường. Nguyễn đã gửi thư cám ơn vợ chồng Diễm trong một bức thư dài và chân thành. Đối với các anh em cựu sinh viên cũ cùng đại học ngày trước, Nguyễn vẫn thường vui vẻ gặp gỡ chan hòa. Nguyễn cũng lặng lẽ giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đó là cách sống của Nguyễn hay frère Nguyễn một thời nào đi từ nhà dòng đến giảng đường và từ giảng đường bước vào đời sống. Sự hình thành và thành hình một cách sống như thế trong một con người là một chặng đường dài.......
Sg, 11/2015
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét