Hình minh họa - internet
CHA TÔI
Nguyễn Thành
“Quê tôi sớm tinh mơ tiếng gà gọi cha vác
cuốc ra đồng” lời bài hát “Quê tôi” của Nguyễn Hoàng Anh Minh với hình
ảnh sớm mai nơi vùng quê thật yên bình, thật chân thật. Hình ảnh người cha
trong lời mở đầu bài hát làm cho tôi liên tưởng đến người cha thân yêu của tôi.
Sống nơi vùng quê đất cày lên sỏi đá nên
cha mẹ tôi phải vất vả lao động, thức khuya dậy sớm để ra đồng cày cấy hay vào
rừng lấy gỗ kiếm tiền nuôi chị em chúng tôi ăn học. Từ nhỏ tôi đã quấn quýt bên
cha. Cha đi đâu cũng đưa tôi đi theo, nếu cha đi xa không thể đưa tôi đi được
thì chắc chắn lúc về cha sẽ mua quà cho tôi.
Hình ảnh in sâu trong tâm trí của tôi lúc còn
nhỏ về cha tôi là hình ảnh cha, cứ 4h sáng cha tôi đã thức dậy, xuống bếp nhóm
lửa nấu cơm sáng, nấu cám cho heo rồi đánh thức cả nhà dậy đọc kinh sáng chung.
Tôi nói với cha rằng: “sao cha không đánh thức con dậy để con nấu hay
gọi mẹ dậy để mẹ nấu cho”, thì cha tôi bảo: “con cứ ngủ thêm chút nữa
cho khỏe mà đi học còn mẹ tối nào cũng đi ngủ trễ nên để mẹ nghỉ thêm chút nữa,
để cha dậy cũng được không sao đâu". Dù tính tình hiền lành, ít nói
nhưng cha tôi luôn làm cho chị em tôi rất cảm phục, cha thường nhắc nhở chị em
tôi chăm lo học hành, sống phải lễ phép nhất là luôn thúc giục chị em chúng tôi
đọc kinh, đi nhà thờ, đi học giáo lý, đi lễ. Có lẽ lòng đạo đức của cha tôi đã
từng ngày ghi khắc vào tâm hồn chị em chúng tôi. Tôi còn nhớ, sáng nào cha cũng
thức dậy đọc kinh gia đình, em tôi còn nhỏ chưa biết đọc kinh thì cha tôi bảo:
“cứ cho nó nghe hoài thì nó ngấm và tự động nó biết đọc”. Buổi tối khi
cha mẹ đi nhà thờ, cha không quên nhắn nhủ chị em tôi: “ở nhà học xong,
trước khi đi ngủ nhớ đọc kinh rồi mới lên giường nha mấy đứa”.
Lớn lên, chị em chúng tôi có thể làm được việc
nhà và phụ với cha mẹ việc đồng áng thì cha tôi đi làm xa, khoảng hai tháng mới
về một lần. Dù đi xa nhưng cha tôi luôn gọi điện về hỏi thăm gia đình và nhắc
nhở chị em chúng tôi chăm lo học hành và phải nghe lời mẹ. Khi chị em chúng tôi
mải mê chơi mà bỏ bê việc học thì mẹ đã nói một câu mà tôi lúc ấy chẳng hiểu
gì, mẹ bảo: “Cha thì lo đi làm, bán linh hồn cho ma quỷ còn mấy đứa chỉ lo
chơi, phá phách thôi mà chẳng lo học hành gì”. Tôi lúc ấy không hiểu “bán
linh hồn cho ma quỷ” là gì. Khi cha về, tôi kể lại cho
cha nghe và hỏi cha câu nói đó nghĩa là gì, cha ân cần giải thích: “Cha đi
làm xa, có những nơi có đạo thì ngày Chúa Nhật được đi lễ, còn những nơi không
có đạo lại xa nhà thờ nên cả hai tháng cha không đi lễ được; nên mẹ con mới nói
là ‘bán linh hồn cho ma quỷ’ là vậy”. Tôi hiểu ra nên cảm thấy
rất đau lòng và thương cha vô cùng, cứ mỗi lần nhớ lại câu nói này của mẹ, tôi
chảy nước mắt vì thương cha tôi.
Dần dần kinh tế gia đình ổn định, chị em chúng
tôi đi học xa nhà, còn cha cũng không đi làm xa nữa mà ở nhà làm kinh tế cùng
với mẹ tôi. Cứ mỗi dịp tết hay dịp hè, khi chị em chúng tôi về thì cha là người
đi đón chúng tôi tận bến xe, mặc dù bến xe cách nhà chỉ mất 5 phút đi bộ. Từng
ngày trôi qua, tôi vẫn học được nơi cha gương sáng của một người Ki-tô hữu đạo
đức. Tôi vẫn thấy cha sáng sáng dậy cắm cơm rồi đánh thức cả nhà dậy đi lễ hoặc
đọc kinh chung. Bây giờ người còn thêm một công tác quan trọng đó là dạy giáo
lý cho các em thiếu nhi. Điều ấy càng làm tôi cảm thấy hãnh hiện và cảm phục
cha tôi nhiều hơn.
Nhớ về cha, tôi thầm cảm tạ Chúa rất nhiều vì
Chúa đã ban cho tôi có một người cha như Cha Thánh Giu-se vậy, tuy âm thầm,
hiền lành, ít nói nhưng lại cần cù, chịu khó, thương con cái và nhất là có một
đời sống rất đạo đức. Còn trong xã hội hôm nay, nhiều gia đình đang trong tình
trạng khủng hoảng, cha mẹ chỉ biết lo kiếm tiền nên không có thời gian chăm sóc
con cái, các gia đình công giáo sống đức tin hời hợt, nhiều cha mẹ công giáo
chưa ý thức việc giáo dục đức tin cho con cái ngay trong gia đình. Tôi thầm cầu
nguyện, xin Chúa cho những người cha người mẹ ý thức trách nhiệm giáo dục con
cái bằng đời sống đạo hạnh, yêu thương nhau. Cùng dâng lên Chúa lòng ước
nguyện, xin Chúa cho cha sẽ luôn được bình an, hạnh phúc trong vai trò của một
người cha đạo đức, thánh thiện.
Nguyễn Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét