Thiêu xác bằng nước bắt nguồn từ ý tưởng thiêu huỷ xác động vật mắc bệnh dịch trong môi trường vô trùng. Ảnh: BBC
PHƯƠNG PHÁP THIÊU XÁC BẰNG NƯỚC Ở MỸ
Lê Hùng
Thay vì chôn cất hay
hoả táng, con người có thể chọn hình thức yên nghỉ bằng thủy phân kiềm, hay còn
gọi là thiêu xác bằng nước.
Bang California, Mỹ, vừa thông qua một dự luật nhằm hợp pháp hóa
việc người dân lựa chọn hình thức hóa lỏng thi thể, thay vì chôn cất hoặc hỏa
táng sau khi chết, theo International Business Times. Dự
luật này được đề xuất bởi Qico, một công ty chuyên về hình thức xử lý xác chết
gọi là thiêu xác bằng nước (aquamation) có trụ sở tại thành phố San Diego, Mỹ.
Bộ luật sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2020.
"Tôi rất vui mừng khi nhiều người có thể sử dụng phương
pháp thiêu xác bằng nước. Tôi nghĩ đây là một xu hướng cho tương lai. Trong 10
năm tới, ngọn lửa dùng trong hỏa táng sẽ được thay thế bằng một quá trình dựa
trên nước", Jack Ingraham, giám đốc điều hành của Qico, cho biết.
Hai phương pháp thông
thường để xử lý xác chết là chôn cất hoặc hỏa táng đều có những hạn chế về mặt
môi trường. Nghĩa trang chiếm một lượng không gian khá lớn và quan tài không
phân hủy dễ dàng. Ngoài ra, các chất độc từ quá trình ướp xác có thể rò rỉ vào
trong đất.
Hỏa táng đòi hỏi mức
nhiệt độ khoảng 1.000°C. Phương pháp này tiêu thụ một lượng lớn năng lượng,
thường lấy từ nhiên liệu hóa thạch, và nó cũng có thể thải các chất độc hại vào
bầu khí quyển.
Ngược lại, thiêu xác
bằng nước làm phân hủy toàn bộ cơ thể. Sản phẩm cuối cùng là một dung dịch nước
kiềm nhẹ có thể được trung hòa trước khi quay trở lại mặt đất. Người ta đặt xác
chết trong dung dịch kali hydroxit và nước, sau đó đun nóng dưới điểm nhiệt độ
sôi cho đến khi thi thể tan hoàn toàn chỉ để lại bộ xương. Toàn bộ quy trình
mất khoảng 4 giờ.
Phần xương cốt của
người chết được sấy khô và tán thành bột trắng mịn. Người nhà không nhận lại
phần chất lỏng sau khi thủy phân mà chỉ nhận lại bột xương vô trùng này. Nhìn
chung, phương pháp thiêu xác bằng nước sử dụng ít năng lượng hơn nhiều so với
hỏa thiêu. Vì vậy ngoài việc xử lý thi thể người, nó cũng có thể áp dụng để xử
lý xác chết của vật nuôi.
Lê Hùng - VN Express
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét