Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Cận Thị Ở Trẻ Em Tệ Hơn Trong Covid-10

 

Hình minh họa

CẬN THỊ Ở TRẺ EM TỆ HƠN TRONG COVID-19
Debbie Jones & Kate Gifford _ Tuệ Minh

Trước năm 2020, các bác sĩ chuyên khoa mắt đã lên kế hoạch kỷ niệm năm 2020 là năm thị giác (khi có nhiều trẻ em có thị lực 20/20). Vậy mà năm 2020 sẽ được coi là năm khởi đầu của những thập kỷ thị lực thế giới trở nên tệ hơn. Các nhà khoa học đang cho rằng vấn đề sức khỏe mới nhất này là do đại dịch.

Tỷ lệ cận thị đã và đang gia tăng trên toàn thế giới trong những thập kỷ gần đây. Một nửa dân số thế giới được dự đoán sẽ bị cận thị vào năm 2050.

Thời gian trẻ em nhìn vào màn hình kỹ thuật số ngày càng tăng do các lớp học trực tuyến trực tiếp góp phần làm tăng thêm tình trạng cận thị ở trẻ em. Trẻ em học tại nhà vào thời đại COVID-19 có nguy cơ trở thành nhóm dân số bị tổn hại về thị giác trong tương lai.



Tập trung nhìn vào một vật trong thời gian dài với khoảng cách ngắn làm tăng nguy cơ mắc tật cận thị.

Một nghiên cứu gần đây với hơn 120,000 trẻ em ở Trung cộng đã chứng minh rằng trẻ em từ 6 đến 8 tuổi phải ở trong nhà do phong tỏa trong sáu tháng đầu năm 2020 mắc bệnh cận thị nhiều hơn so với những trẻ em từ những năm trước.

Tác hại lâu dài của cận thị

Đối với một đứa trẻ bị cận thị, tầm nhìn xa bị mờ trong khi tầm nhìn gần vẫn rõ ràng. Các chuyên gia chăm sóc mắt cho biết rằng trẻ em cận thị tuổi càng nhỏ thì độ cận của chúng càng cao hơn khi trưởng thành.

Bệnh cận thị ở trẻ em thường tiếp tục tiến triển cho đến khoảng 16 tuổi, nhưng khoảng 10% thị lực của bệnh nhân cận thị tiếp tục xấu đi vào đầu những năm 20 tuổi.


Có một mối liên hệ giữa độ cận cao và nguy cơ mắc các bệnh mắt mãn tính. Một người được chẩn đoán cận 6.00 độ có 90% khả năng bị khiếm thị ở tuổi 75. 

Một số bệnh về mắt phổ biến ở người lớn có độ cận cao gồm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bong võng mạc, thoái hóa võng mạc và các bệnh về mắt khác có thể ảnh hưởng suốt đời đến thị lực của họ. 

Một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên có độ cận khá cao sẽ bị suy giảm thị lực khi không đeo kính hoặc áp tròng, khiến chúng hoàn toàn phụ thuộc vào kính. Phẫu thuật laser đôi khi không đủ điều kiện thực hiện hoặc kết quả kém thành công hơn với độ cận cao.

Chúng ta có thể làm gì về sự khởi phát và tiến triển của tật cận thị

Yếu tố di truyền


Yếu tố lớn nhất không thể thay đổi được là bệnh cận thị của cha mẹ. Một đứa trẻ rất có khả năng bị cận thị nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị. 

Khoảng cách giữa mắt và màn hình

Một yếu tố có thể thay đổi được là lượng thời gian trẻ dành cho “các hoạt động ở gần mắt,” các vật cách mắt dưới 40cm.

Kéo dài thời gian mắt tập trung vào khoảng cách ngắn góp phần làm tăng độ cận thị. Màn hình kỹ thuật số đã bị xem như là nguyên nhân chính, nhưng liệu đó có phải là màn hình điện tử hay việc một đứa trẻ cầm máy tính bảng hoặc điện thoại rất gần trong thời gian dài? 


Trong khi có một số tranh luận, khoảng cách mắt lấy nét ngắn có nhiều khả năng là thủ phạm hơn.

Ngay cả với sự tấn công của kỹ thuật số, không phải chúng ta “mất” tất cả. Cha mẹ và người bảo hộ có thể giúp ngăn ngừa trẻ bị cận thị và làm chậm tốc độ tiến triển của tình trạng này.

Chỉ cần dành nhiều thời gian bên ngoài hơn là đã có thể trì hoãn sự khởi phát của cận thị. Ánh sáng mặt trời trực tiếp đóng góp một phần vào khả năng lấy nét tầm xa khi chơi ngoài trời.

Chơi ngoài trời cũng là cách hạn chế thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

5 cách bảo vệ thị lực cho trẻ


Đối với trẻ em học ở nhà, hãy đảm bảo rằng màn hình không được giữ hoặc đặt quá gần với trẻ.

Khuyến khích nghỉ giải lao thường xuyên

Sử dụng quy tắc 20-20-20: Nhìn cách xa 20 feet sau mỗi 20 phút trong 20 giây. 

Cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em đi ngủ muộn hơn có nhiều khả năng bị cận thị – thêm một động lực cho các bậc cha mẹ đang tìm kiếm lý do để con mình ngủ sớm. 

Sử dụng thuốc nhỏ mắt có công thức đặc trị và các loại kính áp tròng làm chậm tiến triển cận thị.

Những điều này có thể được thảo luận với bác sĩ chăm sóc mắt của bạn, họ sẽ giới thiệu cách tốt nhất cho con của bạn. 


Đại dịch đã gây ra khó khăn trên diện rộng. Các bậc cha mẹ có thể giảm thiểu tác động của nó đến thị lực và sức khỏe thị giác của thế hệ sau của chúng ta ngay từ bây giờ.

Debbie Jones là giáo sư lâm sàng tại Trường Khoa học Nhãn khoa & Thị giác và Nhà khoa học Lâm sàng tại Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Nhãn khoa tại Đại học Waterloo ở Canada, và Kate Gifford là một thành viên nghiên cứu thỉnh giảng về Khoa học Thị lực và Thị giác tại Đại học Queensland Công nghệ Úc châu.

Debbie Jones & Kate Gifford _ Tuệ Minh - Báo Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét