Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Tưởng Niệm Ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng 6 Năm 2020

 

(Hình KMD cung cấp)

TƯỞNG NIỆM NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 THÁNG 6 NĂM 2020
Kiều Mỹ Duyên

Ngày 19 tháng 6 là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cộng đồng VN tị nạn Cộng Sản ở khắp nơi trên thế giới đều tổ chức kỷ niệm ngày QLVNCH. Vì dịch cúm Covid-19 càng ngày càng lây lan cho nên đồng bào tổ chức kỷ niệm trong sự hạn chế của chánh phủ không tổ chức rần rần rộ rộ như mấy năm về trước. Tuy nhiên ban tổ chức cũng tổ chức theo nghi lễ, chào cờ, một phút mặc niệm để tưởng nhớ anh hùng tử sĩ đã hy sinh vì tổ quốc.


Đường Bolsa Avenue đã được thêm tên đường Trần Hưng Đạo, nhờ những trẻ Mỹ gốc Việt nhiệt tình với quê hương đất nước như Thị Trưởng Tạ Đức Trí. Cờ vàng ba sọc tung bay trên đại lộ Trần Hưng Đạo, cờ bay trong gió đẹp tuyệt vời mỗi năm vào những ngày Quốc Hận 30/4, ngày Quân Lực VNCH 19/6. Cờ bay trên nhiều đại lộ như Trần Hưng Đạo, Brookhurst, First Street, v.v...


Thứ Sáu ngày 19/6 năm nay chúng tôi đến Little Saigon, đường Trần Hưng Đạo, một đoàn xe Jeep đậu trước Phước Lộc Thọ. Chủ nhân của những chiếc xe là ông Phạm Công. Những chiếc xe cũ kỹ đầy bụi đường. Các chiến sĩ trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Nhảy Dù, Không Quân, Bộ Binh, Quân Cảnh, Cảnh Sát. Có một số các anh bị tù đầy dưới chế độ Cộng Sản định cư theo diện H.O nhưng đi đứng vẫn thẳng, vẫn uy nghi như ngày nào.


Giữa những anh hùng là thế hệ thứ hai, hậu duệ của các anh chiến sĩ Cộng Hòa, như cháu Bảo thổi kèn rất hay. Khi có tưởng niệm thì Bảo thổi kèn, khuôn mặt của Bảo thật buồn, dáng cao và gày, tiếng kèn của Bảo làm cho nhiều người rưng rưng lệ. Tôi cũng xúc động với tiếng kèn não nùng của Bảo lúc thổi bài chiêu hồn tử sĩ, không khí trang nghiêm như hồn của tử sĩ về đây chứng dám cho những người có lòng, dù ở nơi nào trên xứ người thì ngày QLVNCH vẫn được tổ chức một cách long trọng.


Thế hệ thứ hai là bác sĩ Tâm Nguyễn, thân phụ của Tâm là trung tá Hải Quân, Tâm là chủ tịch của hội Nailing It for America, các anh em trẻ đã từng đi biểu tình ôn hòa tranh đấu với Thống Đốc của California để các tiệm Nail được mở sớm hơn.


Hai thế hệ cùng đứng một chiến tuyến trong buổi lễ tưởng niệm ngày QLVNCH, người già người trẻ sát cánh bên nhau cùng tranh đấu cho Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo, bảo tồn lãnh thổ .


Bác sĩ Tâm Nguyễn đang dạy đại học Cal State Fullerton phát biểu với báo chí, “Bố của con là trung tá Hải Quân, chúng con phải theo gương của bố con và của các bác các chú.”


Tâm đi tị nạn theo bố mẹ, lúc chưa được một tuổi nhưng Tâm nói tiếng Việt rất thông thạo. Em của Tâm là Linh Nguyễn, sinh ở Mỹ nhưng tiếng Việt cũng rất thông thạo nhờ cha mẹ dạy bảo, bắt ở nhà phải nói tiếng Việt thông thạo.


(Hình KMD cung cấp)

Tôi rất mừng khi thấy những người trẻ tham gia vào sinh hoạt cộng đồng. Ông Triệu Phát, chủ nhân Phước Lộc Thọ và nhiều bất động sản khác không chỉ ở thành phố Westminster, đã ân cần nói chuyện với các cựu chiến binh QLVNCH. Ông Phạm Công gởi tặng huy chương từ một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam cùng đơn vị với ông Triệu Phát. Nhiều người thích thú khi biết ông Triệu Phát cũng là lính chiến trong binh chủng TQLC nhưng là TQLC Mỹ. Trong thời chiến Việt Nam có nhiều người lính không quân số như anh em Biệt Kích nhảy ra Bắc Việt. Vì là lính không quân số nên không được hưởng những quyền lợi như người lính có quân số. Sau này ông Sevick Touraison phải tranh đấu với Quốc Hội và chính phủ Hoa Kỳ để những người chiến binh này được định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O.


Nói về sự hy sinh can đảm, gan lì của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa thì nói hoài không bao giờ hết.


Ngày QLVNCH là ngày để tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc, những anh em trong bộ quân phục rất đẹp, rất hào hùng, những chiếc xe jeep bụi đời vẫn còn ở đây, người hy sinh đã đi vào lòng đất mẹ, những hồn thiêng sông núi, hồn thiêng các anh hùng tử sĩ vẫn còn ở đây.


Ký giả Đỗ Dzũng đã phỏng vấn tôi, “Bà là phóng viên chiến trường, điều gì làm bà nhớ nhất trong ngày Quân Lực?”


Nhớ thì nhớ nhiều lắm, nhớ chiến trường cao nguyên, Đắc Tô Đắc Sút, Kontum, Ban Mê Thuột, Pleiku, Quảng Trị, Đông Hà, Giao Linh Châu Đốc, Neak Lương, Cao Miên... Trong bút ký chiến trường Chinh Chiến Điêu Linh của tôi, đa số là những trận đánh trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 nhưng tôi tưởng như mới hôm qua, hôm nay.


Chẳng hạn như nhớ con của người lính Thượng ở tiền đồn Ba Tơ, biên giới Việt Lào. Lúc nửa đêm Việt Cộng tấn công vào tiến đồn, khiến tất cả phải xuống giao thông hào ra rừng để chiến đấu. Người lính Thượng và con cái cũng phải đi theo, người chồng là chiến sĩ, vợ là chiến sĩ và con thì đẩy thùng đạn để cùng cha mẹ chiến đấu bảo về tiền đồn.


Cậu bé đưa tay chỉ vào thùng đạn, cậu bò dưới giao thông hào, hai tay đẩy thùng đạn, lương thì chỉ có người lính có quân số lãnh lương còn người vợ cũng cầm súng bắn vào quân thù, người con thì đẩy thùng đạn. Đó là những người lính không quân số, tiến đồn đẫm máu, kẻ thù chết vắt trên hàng rào kẻm gai. Ngày tôi đi theo trung tướng Lâm Quang Thi bay đến tiến đồn Ba Tơ, mùi máu tươi vẫn còn phảng phất trong rừng cây khuynh diệp.


Đó là chuyện xảy ra ở miền núi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.


(Hình KMD cung cấp)

Và một chuyện lính khác cũng vô cùng xúc động. Bác sĩ Lê Thanh Ý mổ khẩn cấp một người lính Thượng ở cao nguyên trung phần, bác sĩ Mỹ chào thua, vì khi mỗ bác sĩ có thể mất mạng. Một trái đạn nằm trong thân thể người lính, ở chiến trường không có bệnh viện, bác sĩ Ý thành lập một phòng giải phẩu dã chiến xung quanh là bao cát, bác sĩ đưa hai tay qua bao cát để giải phẫu, nếu đạn nổ thì bác sĩ mù hai con mắt, cụt hai cánh tay. Bàc sĩ Lê Thanh Ý chấp nhận rủi ro trong lúc giải phẫu.


Bác sĩ Lê Thành Ý cười ngạo nghễ, “Là bác sĩ tiền tuyến dù có tử trận ở sa trường là việc bình thường.”


Nhà thờ của người Thượng bên cạnh phòng giải phẫu dã chiến, cả làng Thượng và thầy Mô có mặt và đang cầu nguyện cho người lính Thượng thân yêu của họ. Bỗng nghe tiếng nổ cái rầm, tất cả người Thượng đều qùy xuống và tiếng cầu nguyện cất lên thật to. Họ cứ nghĩ thôi rồi người lính Thượng và bác sĩ Lê Thành Ý chắc xong cuộc đời.


Nhưng nhờ sư cầu nguyện nhiệt tình của người Thượng, và nhờ phúc đức của người lính chiến và bác sĩ tiền tiến, mọi sự thành công tốt đẹp. Không có sự hy sinh tuyệt vời nào bằng hy sinh mạng sống của mình. Sau đó báo Stars and Strips của Mỹ đăng một bài phóng sự dài như kỳ tích.


Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được thành lập ngày 19 tháng 6, 1965, một quân lực hào hùng ở vùng Đông Nam Á, nhiều sĩ quan ưu tú xuất thân từ trường Võ Bị Đà Lạt, Thủ Đức, Không Quân, nhiều sĩ quan được du học ở Pháp, Mỹ, Mã Lai và nhiều chiến sĩ được đào tạo ở trung tâm Huấn Luyện Quang Trung, Dục Mỹ, Nha Trang, Vũng Tàu,... nhiều chiến sĩ hy sinh một cách oanh liệt ở chiến trường khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật. Tôi còn nhớ Mùa Hè Đỏ Lửa tôi thường có mặt ở Pleiku , và cũng thường gặp ông John Paul Vann, cố vấn của tướng tư lệnh vùng 2 chiến thuật. Khi là Đại Tá ông ở chiến trường Việt Nam, sau đó ông về Mỹ giải ngũ nhưng khi trở lại Việt Nam ông là cố vấn của trung tướng tư lệnh vùng 2, một người cố vấn dân sự mà tướng Mỹ phải tuân lệnh, ông là bạn của ông Kissinger thời đó. Ông John Paul Vann khen chiến sĩ VNCH hào hùng lắm, dũng cảm lắm. Khi nghe cố vấn Mỹ khen chiến sĩ Việt Nam, tôi cảm động lắm.


(Hình KMD cung cấp)

Tưởng niệm ngày QLVNCH ở Mỹ tôi rất vui mừng thấy nhiều thế hệ tham dự, người lớn tuổi rồi sẽ đi, người trẻ tiếp tục nối chí ông cha, người nào cũng mong ước một ngày nào đó Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sẽ tung bay trên thành phố Sàigon, Huế, Hà Nội. “Cờ bay, cờ bay ta về với quê hương, ...”


Mong một Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải, và chúng ta sẽ về với quê hương.


Garden Grove, 19/6/2020

Kiểu Mỹ Duyện - Viễn Đông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét