Ông Nguyễn Vũ Nhã, người chuyên tân trang máy vi tính tặng học sinh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT!
Đoan Trang
'Chú ơi, máy của con đâu?'
SAN JOSE, California (NV) – “Từ khi tiểu bang phải đóng cửa vì đại dịch, nhu cầu dùng máy vi tính để học sinh học ở nhà qua Zoom tăng lên, khiến tôi nghĩ đến việc tặng máy để các cháu không bị gián đoạn chuyện học tập,” ông Nguyễn Vũ Nhã mở đầu câu chuyện khi gặp phóng viên nhật báo Người Việt tại San Jose, nơi ông đang sinh sống và làm việc.
Được ủng hộ vì làm “chuyện có lý”
Ông Nhã cho biết ngay từ khi phải đóng cửa, nhà trường đã cung cấp máy cho các em, nhưng là những chiếc chromebook khá nhỏ, chỉ có thể nghe bài giảng và làm bài.
“May sao lúc đó, tôi có sẵn khoảng 100 chiếc máy dư, tuy là máy xài rồi nhưng không quá cũ,” ông Nhã kể. “Tôi đem máy về tân trang, và nghĩ sao không đem tặng, để các cháu còn lên các trang web hay Google tìm hiểu và đọc thêm tài liệu chứ!”
Một trăm chiếc máy vi tính thuộc dạng “đầu thừa, đuôi thẹo” này là do ông có sẵn trong suốt thời gian làm việc cho công ty IT Infrastructure về hạ tầng cơ sở của trung tâm dữ liệu (database center). Máy thì thiếu bàn phím, con chuột, máy có bộ nhớ kém, hoặc thiếu luôn hardware.
Muốn tặng các cháu thì máy phải chạy tốt. Ông bỏ tiền túi, mua thêm các phần bị thiếu, rồi tân trang cho máy chạy chương trình Window10 thay vì Window7.
Máy có rồi, ông Nhã không biết làm sao để tặng cho các cháu có nhu cầu thật sự. Thấy nhóm Người Việt ở San Jose có nhiều thành viên, nên ông Nhã lên và “rao” xem có học sinh nào cần thì gặp ông lấy máy về dùng.
Một trăm máy tính đầu tiên bay cái “vèo” chỉ trong nháy mắt. Ông chợt nhận thấy nhu cầu của các cháu sinh viên, học sinh cần máy để dùng là rất lớn.
Ông Nhã trao máy vi tính cho các em học sinh trước một trong hai chiếc xe cổ của ông. (Hình: Nguyễn Vũ Nhã cung cấp)
Thay vì máy vi tính ở công ty bỏ đi lãng phí, ông Nhã lại đem về, lại hì hục sửa chữa, tân trang và đem tặng.
Làm một mình không xuể, ông “tuyển” thêm một người cũng làm việc không lương, tới giúp tân trang máy móc để ông kịp đem đi tặng.
Một hôm, ông nhận được điện thoại của một sinh viên gọi tới xin laptop.
“Tôi hỏi cặn kẽ xem có đúng là cháu cần thật hay không,” ông nói. “Và khi biết đó là một cậu sinh viên nghèo, tôi trả lời liền: ‘OK, hai tiếng nữa con tới gặp chú lấy máy.’ Rồi tôi chuẩn bị cho cháu một chiếc laptop khá mới. Cháu tới, mua cho tôi ổ bánh mì và ly cà phê. Khi cháu về, tôi giở gói bánh mì ra thì thấy có hai ổ, mà một ổ đã bị cắn dở dang. Tôi gọi, thì cháu đã chạy tới xa lộ, trả lời: ‘Chú ơi con trễ giờ học rồi, chú ăn giúp con bánh mì. Con xin lỗi.’ Thấy thương quá, tôi dặn cháu: ‘Ừ, lái xe cẩn thận nhe con!’ Tôi dặn cháu, như dặn đứa con gái, mỗi lần cháu về thăm tôi.”
Mỗi chiếc “máy cũ mà chạy tốt” như những chiếc ông Nhã đem tặng, có trị giá khoảng $250/chiếc.
“Sau này tôi hết máy bàn (desktop) các mạnh thường quân thấy tôi làm chuyện ‘có lý’ nên đem cho tôi máy cũ để tôi sửa, tân trang, hoặc có người cho tiền để tôi mua máy,” ông Nhã cho biết.
Chỉ từ Tháng Tư đến nay, ông Nhã giúp được cho khoảng 700 học sinh, sinh viên có máy dùng, kể cả desktop, máy xách tay (laptop) và cả máy in.
Nước mắt đàn ông
Ông Nhã có người bạn là nhạc sĩ Trần Chí Phúc. Thấy ông Nhã tặng máy cho học sinh, ông Phúc nói máy vi tính thì giá ở đâu cũng bằng nhau, nhưng thu nhập của người ở miền Nam thấp hơn Bắc California, nên nói ông Nhã hãy tặng máy cho các cháu ở Orange County.
Ông Nhã quyết định “Nam tiến.”
Ở San Jose thì dễ, chứ dưới Orange County, ông Nhã không biết quảng bá thế nào. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc nhờ nhật báo Người Việt đăng bản tin “quảng cáo.”
“Bài đăng lên, có 50 cháu gọi cho tôi, thế là tôi tức tốc chuẩn bị 50 chiếc máy, rồi lái xe xuống tặng cho các cháu, ngay tại trụ sở báo Người Việt,” ông Nhã kể.
Từ đó đến nay, ông Nhã còn làm thêm được ba đợt tặng máy cho học sinh vùng Orange County, tổng cộng 80 laptop và 120 desktop.
Ông Nhã tâm sự, chỉ khi làm công việc giúp người này, ông mới thấy trên cuộc đời này có quá nhiều người khốn khó.
Một lần nọ, khi ông Nhã đem máy xuống Orange County để tặng, có người đến nhận, nhưng không phải sinh viên, mà là một phụ nữ. Hỏi ra, ông mới biết người xin là cô gái 22 tuổi, nhưng nhờ mẹ đi nhận giùm.
Cô gái không muốn “lộ diện” vì đang phải ngồi xe lăn. Mẹ cô kể, sau lần gặp tai nạn “hit and run” (người gây tai nạn bỏ chạy), con bà bị thương tích nặng, liệt nửa người, rồi mắc thêm chứng trầm cảm.
“Biết chuyện, tôi đã không cầm được nước mắt,” ông Nhã nói.
Trước đó, con bà cũng có máy để xài, nhưng có một lần, vì quá giận dữ, cô cầm chiếc laptop quăng đi. Máy hư.
“Sau khi người mẹ đến nhận máy về, cô gái gọi điện thoại cho tôi cảm ơn,” ông Nhã kể. “Cô bé xin lỗi vì không trực tiếp đến nhận máy, dù nhà chỉ cách chỗ tôi trao máy không xa, ở Santa Ana.”
Ông Nhã có nhiều máy để tặng là do có các mạnh thường quân giúp một tay. Nhưng cũng có khi chẳng có “tay” nào giúp.
Lúc tiền sắp hết, ông Nhã chợt nhớ tới hai chiếc xe cổ “trùm mền” trong nhà.
“Hai chiếc xe cổ này rất có giá trị, nên nhiều người thích chụp hình,” ông Nhã kể. “Tôi rao trên Facebook là vì cần tiền mua máy cho các em học sinh, nên ai có nhu cầu chụp hình xe cổ, tôi lấy lệ phí $200 cho hai tiếng, muốn chụp bao nhiêu kiểu thì chụp.”
“Ra giá” là vậy, nhưng có nhiều người không trả đúng số tiền ông quy định, mà còn đưa nhiều hơn mấy lần như thế – một cách để họ chung tay góp sức với ông.
Ai không có tiền thì tặng… xe. Đó là trường hợp cô Lan ở San Jose. Nhận thấy xe cũ cần phải sửa, ông Nhã bàn với cô Lan là sẽ sửa xe, bán đi, rồi lấy tiền mua máy vi tính cho học sinh.
Ông Nhã bên chiếc xe cổ giúp ông “kiếm tiền” mua máy vi tính tặng học sinh, sinh viên. (Hình: Nguyễn Vũ Nhã cung cấp)
Xe sửa xong, ông bán được $2,500. Cô Lan lấy lại $1,000 tặng cho một học sinh bên Texas có hoàn cảnh nghèo khó cần giúp đỡ. Số tiền $1,500 còn lại, ông Nhã bỏ thêm tiền túi, mua 14 máy cũ, tặng được cho 14 em học sinh.
“Chuyện này mới khiến tôi xúc động,” ông Nhã kể tiếp. “Một cô sống bằng nghề đưa cơm tháng, chạy Uber. Dịch bệnh không chạy Uber được, cô nắn tượng đem bán lấy tiền sinh sống. Một hôm, cô đưa tôi $100 góp vô để tôi mua máy. Tôi không nhận vì thấy cô nghèo, nên ‘viện cớ’ $100 thì không mua được gì cả. Một tuần sau cô trở lại, tặng tôi bịch trái cây. Khi cô về, tôi mở ra thấy một bao thơ có $1,000. Sau đó cô tâm sự đó là số tiền cô dành dụm phòng khi cần đến, rồi nói với tôi ‘đây là lúc em cần đến.’ Tôi đã khóc vì tấm lòng cao đẹp của cô.”
Trăn trở và làm theo cảm xúc
Không chỉ học sinh, sinh viên, những “vị khách đặc biệt” của ông Nhã còn có cả sư cô và nữ tu (soeur).
“Sư cô Tuệ Hương đang học ở Santa Ana mà máy bị hư. Sư cô nhắn cho tôi. Tôi nghĩ: Con của Phật mà kêu mình thì không thể từ chối. Thế là tôi lo cho sư cô một cái máy. Máy mới luôn nhe. Sư cô mừng lắm,” ông Nhã kể.
“Cách đây ba tuần, soeur Diễm Liên đang theo học ở một tu viện bên Texas. Máy hư lâu rồi mà chưa đủ điều kiện mua máy mới, soeur nhờ tôi giúp. Qua điện thoại, giọng nói soeur thánh thót như tiếng chuông nhà thờ ở làng quê Phụng Du của tôi năm nào. Soeur như một Thiên Thần. Tôi liền chạy lo ngay cho soeur một bộ máy, mang đến giao cho mẹ của soeur, nhờ bà chuyển giùm. Người mẹ cười tươi, hãnh diện vì có đứa con đang phụng sự việc Chúa. Và tôi cũng rất vui!”
Ông Nhã thường kết hợp các chuyến công tác, hội họp ở Orange County để tặng máy cho học sinh.
“Nếu có cuộc họp ở Orange County vào Thứ Sáu, tôi thường xin dời qua Thứ Hai, để Thứ Bảy tôi lái xe từ San Jose xuống. Chủ Nhật tôi phát máy. Thứ Hai họp xong tôi về. Nhưng nhiều lúc không họp hành gì, mà cứ nghe cháu nào ‘réo’: ‘Chú ơi, máy của con đâu?’ là tôi lại nóng ruột, rồi vội vàng sắp xếp để lái xuống đưa máy cho cháu,” ông Nhã kể.
Ông Nhã không nhận những chuyện mình làm là “việc thiện.”
Ông cho biết: “Khi các nơi phải đóng cửa vì đại dịch, những người có kỹ năng, có nghề, còn được giữ làm việc, chứ người làm ở nhà hàng, cơ sở dịch vụ, đều bị thất nghiệp hết. Khi ấy tài chánh kiệt quệ, không có tiền lo cho con cái, cuộc đời các cháu bé sẽ đi về đâu?”
“Nhiều bố mẹ không có đủ $300 để mua máy cho con, nghĩ tới là thấy thương các cháu. Đó là điều tôi trăn trở và làm theo cảm xúc của mình, chứ tôi không phải làm thiện nguyện gì cả,” ông thổ lộ.
Ông Nhã tận tâm giúp đỡ mọi người, nhất là các bạn trẻ đang còn đi học, vì như lời ông giải thích: “Nhiều cháu sinh viên nhận máy xong, cảm ơn và hứa với tôi rằng ‘nếu học không nên người, con không nhìn mặt chú.’ Tội nghiệp, chuyện tôi làm có tí xíu à, vậy mà các cháu vẫn quý và hứa những điều tốt lành, khiến tôi cảm động vô cùng.”
Mấy tháng học sinh, sinh viên nghỉ Hè, ông Nhã không được “xả hơi” mà thậm chí còn bận rộn hơn, vì phải đi thu mua máy cũ.
“Tháng Tám là lúc các cháu vào học, nên tôi phải kiếm máy từ bây giờ, đem về sửa chữa, tân trang, kịp tặng cho các cháu trước ngày tựu trường,” ông nói.
Các em học sinh, sinh viên có nhu cầu dùng desktop, laptop trong việc học tập, hãy điện thoại cho ông Nguyễn Vũ Nhã qua số (408) 621-8154. [đ.d.]
Đoan Trang/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét