PHẦN 5 (tiếp theo)
Với một thời gian lệ thuộc "dai dẳng cả ngàn năm" nên nước ta không thể nào không bị những ảnh hưởng về mặt phong tục, tập quán và lễ hội trên phương diện văn hóa! Văn hóa có sức mạnh đồng hóa được phương Bắc sử dụng từ xưa đối với nhiều bộ tộc, nhiều quốc gia mà họ xâm lấn! Do đó, những ảnh hưởng của các phong tục tập quán và các lễ hội phương Bắc mà chúng ta đề cập tiếp theo đây cũng nên đánh giá và gạn lọc hầu giữ cho bản sắc Việt Nam được tốt đẹp hơn, riêng biệt hơn chứ không là một bản sao hoàn toàn của phương Bắc y như chương trình học hành và thi cử từ thời tự chủ cho đến những năm cuối triều Nguyễn. Đây là một vấn đề không đơn giản vì nó đã thấm sâu vào đời sống tinh thần cũng như thói quen của người Việt chúng ta. Trong phần đầu của cuốn VNSL, Trần Trọng Kim cho rằng: "Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng cùng giữ một kỷ niệm (?), thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối nước" (sđd, tr.18). Cũng có nhiều tác giả cho rằng nước ta dầu bị lệ thuộc phương Bắc cả ngàn năm nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng trong đó có phong tục tập quán. Tuy nhiên, xét kỹ theo những gì lịch sử còn ghi lại, nhiều thứ của phong tục rất gần gũi và quen thuộc hằng ngày của chúng ta được du nhập từ Trung Hoa và trở thành "tập quán" đã hơn hai ngàn năm nay rồi! Nước Việt còn giữ nhiều phong tục lễ hội mang bản sắc riêng nhưng rất nhiều phong tục lễ hội nước ta là bản sao của Trung Hoa. Cho nên, thay vì nói như Trần Trọng Kim: "Người Việt Nam từ Bắc chí Nam đều theo một phong tục...." có lẽ nên nói cho rõ hơn: "Người Việt Nam chúng ta từ Bắc chí Nam đều cùng chung một tiếng nói nhưng phong tục còn chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Hoa...". Nói khác hơn, nước ta có thể đồng nhất trong phong tục nhưng đó là phong tục có từ thời dựng nước và chưa bị phương Bắc dòm ngó ,xâm lăng! Tục cạo đầu, vẽ mình, nhuộm răng, xăm người… v.v.... có thể là của người Việt xưa. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp có đoạn viết: "... Chu Công (1) có hỏi: Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao? Đáp: Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng rú. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây... Để đầu trần để tránh lửa bén, Ăn trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen vậy "(LNCQ, sđd, tr. 65, 66). Còn tục ăn trầu không phải chỉ có tộc Việt mà người Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông và nhiều bộ tộc khác nữa (xem Nhất Thanh, sđd, tr.128) cũng dùng như người Việt. Vài ví dụ như thế để thấy rõ hơn chuyện phong tục tập quán nước Việt chịu ảnh hưởng đậm đà từ phương Bắc là một thực tế.
1/- Thực vậy, phong tục tập quán là những thói tục đã trở thành những nền nếp sinh hoạt của dân tộc từ bao nhiêu đời nay. Phong tục tập quán được hình thành từ trong cuộc sống của một dân tộc và có khi được du nhập từ bên ngoài lâu ngày thành ra những thói quen bình thường. Một ngàn năm Bắc thuộc cộng với hơn tám trăm năm học hành theo lề lối Trung Hoa khiến cho phong tục tập quán nước ta chịu ảnh hưởng đậm đà từ văn hóa của họ. Ngay từ thời Triệu Đà và con cháu cai trị nước ta, bọn quan lại Trung Hoa luôn khinh miệt dân tộc Việt xem vùng đất này là nơi không có luật pháp. Chẳng hạn vua Mân Việt kế bên vào năm 135 TCN xâm lấn nước Nam Việt thời Triệu Văn Vương, Hoài Nam Vương An khi dâng tấu vua Hán đã nói về dân Việt: "Đất Việt là đất ngoài, là dân cạo tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được..." (ĐVSKTT, Q.1, sđd, tr.94). Người Trung Hoa trong cách nói năng như Vương An vẫn xem dân Việt là dân "di, địch" với tục "cạo tóc vẽ mình" của thời kỳ còn sơ khai, chưa "văn minh", chưa có "pháp độ" như dân nước họ! Trong khi các triều đại Trung Hoa tương đối có văn minh với những chế độ cai trị có bài bản, nước Việt vẫn đang bị họ Triệu gốc gác từ phương Bắc cai trị trong tình trạng còn lạc hậu trong đó có phong tục tập quán. Các vua nhà Triệu bắt đầu du nhập vào nước ta sách vở Hán học cùng nhiều phong tục tập quán của Trung Hoa. Phải đến khi dẹp nhà Triệu xong, nhà Hán cho Tích Quang rồi Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp sang cai trị, phong tục tập quán của dân ta dần dà thay đổi mau chóng như nông nghiệp, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng ông bà... v.v... với nhiều hình thức đem từ Trung Hoa sang. Bên cạnh đó, các thần linh Trung Hoa như thổ thần, thần sông nước, những danh tướng của họ từng xâm lăng nước ta... v.v... cũng được "rước" vào nước ta lâu dần cũng thành thói quen thờ cúng các vị khác giống khác nòi này! ( thờ Quan Công, Bao Công, Mã Viện, Sầm Nghi Đống,... v.v...).
Trước hết, từ thời Hồng Bàng, nước ta đã theo chế độ mẫu hệ với vai trò người phụ nữ nắm việc điều khiển gia đình là chính. Thời Hai Bà Trưng là một ví dụ cho thấy quyền hành của nữ giới không những trong gia đình mà cả ngoài xã hội nữa! Khi nhà Hán với thái thú Tô Định thiết lập sự đô hộ lên Lĩnh Nam, vai trò của người đàn ông trong gia đình và xã hội dần dần thay cho chế độ mẫu hệ: "Chế độ mẫu hệ rung chuyển đến tận nền tảng rồi nghiêng lay để nhường chỗ cho chế độ phụ quyền đã đủ điều kiện đến thế chân.... Những lực lượng đang tàn của thị tộc mẫu hệ Việt Nam vùng dậy để kết tinh trong hai người đàn bà... Hai Bà nổi dậy phất cao ngọn cờ chiến đấu chống kẻ ngoại xâm..." ( Lương Đức Thiệp, sđd, tr. 32&34). Từ chế độ mẫu hệ đã bắt đầu chuyển qua phụ hệ, từ việc chịu sự áp bức đô hộ của giặc xâm lược, dân ta đã "có thói quen" đấu tranh để giành quyền tự chủ cho dân tộc.
Khi Lộ Bác Đức, theo lệnh vua Tây Hán sang đánh dẹp Thuật Dương Vương nhà Triệu rồi cho những viên quan như Tích Quang rồi Nhâm Diên... qua để cai trị mang theo văn hóa, văn minh, học thuật... v.v... của phương Bắc sang, đất đai Tượng Quân xưa bị nhà Hán chia làm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam gọi chung là Giao Chỉ (202 TTL). Phong tục sinh sống của dân nước ta (thời "Giao Chỉ") chủ yếu là săn bắn, chài lưới chứ không chú trọng cầy cấy vì dân Việt chúng ta thường gieo trồng lúa theo cách đơn giản trên vùng có đầm lầy, sông nước chen lẫn núi non ở Bắc Việt. Việc trồng lúa thuận theo tự nhiên chứ không có kỹ thuật dọn ruộng, cày ải, gieo sạ theo thứ tự (bấy giờ là thời "Giao Châu", cuối thời Đông Hán) đã được Nhâm Diên canh cải: " Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ... ". Rồi Diên cũng bày cho dân Việt cách cưới hỏi phải có sính lễ. " Dân nghèo không có sính lễ thì Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc để giúp đỡ..." (ĐVSKTT, Q. 1, sđd, tr.108). Như thế, tục cưới hỏi có sính lễ, lạy gia tiên, đón dâu... v.v... cũng đều từ Trung Hoa đưa qua. Phan Kế Bính khi tìm hiểu tục cưới xin của dân ta đã nhận xét: "Tục cưới của ta, cũng là noi theo tục Tàu. Tàu có sáu lễ: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghênh" (sđd, tr.63).
Đi theo chính sách đồng hóa của phương Bắc và sự du nhập những lễ nghi, đạo
nghĩa suốt gần hai ngàn năm như tục lệ hiếu đạo, đạo phu thê, tế tự... Tục hiếu
kính với tổ tiên và nhất là cha mẹ là một tục lệ giúp con người sống có lòng
hiếu thảo với đấng sinh thành. Chẳng hạn trong chương đầu có tên "Khai
tông minh nghĩa chương 開宗明義章" của Hiếu Kinh 孝經, Khổng Tử khi nói với
đồ đệ là Tăng Tử đã cho rằng: "Đạo hiếu kính với cha mẹ là gốc rễ của đạo
đức con người do việc giáo dục mà sinh ra" (Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo
chi sở do sinh dã 夫孝, 德之本也教之所由生也). Hiếu Kinh được soạn vào khoảng thời nhà
Tần và nhà Hán trích lại lời của Khổng Tử về đạo làm con, đạo làm tôi, việc
tang chế... v.v... đã từng đề cập trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Những sách vở như thế
đã mang đến nước ta rất nhiều tập tục theo lễ nghi của Trung Hoa xưa.
Việc tang ma khi có người thân mất đi cũng phải có những lễ nghi thích hợp để tỏ lòng hiếu kính, tôn trọng người đã mất. Từ việc chuẩn bị cho người mới mất để khâm liệm rồi phát tang, mặc tang phục theo qui định theo thứ bậc cho đến việc đưa đám (phát dẫn), hạ huyệt, mở cửa mã, bốn mươi chín ngày (chung thất)... v.v... chưa kể đến nhiều lễ nghi rườm rà khác nữa đều là sản phẩm của Trung Hoa. Càng về sau, những nghi thức không cần thiết và nhất là ảnh hưởng chuyện làm ăn sinh sống được nhiều người Việt ngày nay bỏ bớt nhưng không phải bỏ hết ! Thành ra, các chuyện cưới hỏi, ma chay, cúng cấp… v.v… nguyên khởi đều du nhập từ Trung Hoa cả!
Cách ăn mặc, phục sức của dân ta trước đây đều vay mượn theo lối của người Trung Hoa. Thời kỳ còn sơ khai của tộc Việt, câu chuyện Chử Đồng Tử cho thấy người đàn ông xưa thường đóng khố, đàn bà mặc váy. Khi bị Bắc thuộc, chính sách đồng hóa của phương Bắc đem văn hóa của họ vào nước ta trong đó có việc ăn mặc khiến dân Việt dần dần cũng ăn mặc như họ. Triều phục vua quan hay còn gọi là phẩm phục đều giống kiểu như của Trung Hoa nhưng đơn giản hơn! Thời quân Minh xâm lăng nước ta (1414-1427), bọn Hoàng Phúc đẩy mạnh việc đồng hóa khi bắt đàn ông, đàn bà không được cắt tóc phải để dài buộc lại, cấm đàn bà mặc váy như xưa kia và mặc áo ngắn, quần có ống chân kiểu Trung Hoa thời Minh. Nhưng khi Lê Lợi dẹp tan quân Minh, đất nước đã tạm yên ổn, các vua sau như Lê Thần Tông(1653) và Lê Huyền Tông(1665) lại bắt đàn bà mặc váy như trước cốt giữ sự độc lập tự chủ của phương Nam. Đây chỉ nêu ra vài điểm nhỏ chứ xét rộng ra, phong tục nước ta, đặc biệt phần có liên quan lễ nghi hầu như nhiễm phong cách Trung Hoa cả!
Thêm vào đó, trong cuộc sống hằng ngày, nhiều phong tục gia đình, xã hội cũng được phương Bắc mang sang nước ta. Chẳng hạn, ngoài tục tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, còn có những phong tục gia đình khác như đạo làm vợ phải "tam tòng, tứ đức三從 四徳" nghĩa là "Vị giá tòng phụ, kí giá tòng phu, phu tử tòng tử” 未嫁從父, 既嫁從夫, 夫死從子" (khi chưa lấy chồng thì theo cha mẹ, lấy chồng rồi thì theo chồng, chồng chết thì theo con cái ); còn Tứ đức mà người phụ nữ cần có là: công, dung, ngôn, hạnh (biết chăm chỉ làm việc, lo lắng cho gia đình; con người phải hòa nhã, dáng vẻ gọn gàng; nói năng dịu dàng và tính hạnh nhu mì yêu chồng, thương con, đối xử bậc trên hay anh em trong nhà đúng mực...). Những đức tính trang bị cho phụ nữ Việt bấy lâu cũng là nhập từ Trung Hoa ! Rồi đạo vua tôi, thầy trò... v.v… đều mang dấu ấn của lễ giáo và phong tục của Hoa tộc thông qua Nho giáo!
Có một điều đáng lưu ý là các dịp Tết cổ truyền, người Hoa hay người Việt vẫn thường đốt vàng mã, tiền giấy hay hình nhân gấp nhiều lần các dịp cúng tổ tiên, ông bà hay các lễ hội khác. Tục đốt tiền giấy, vàng mã đã có từ thời Chu Vũ Vương bên Trung Hoa (1122 TTL). Tương tuyền Chu Vũ Vương là một vị vua nhân đức và thương dân nên khi chết đi được trời cho sống lại vì chưa tới số ! Nhà vua đã đến cõi âm nên thấy nhiều vong linh rất thiếu thốn nên khuyên dân chúng nên cúng vàng mã cho người đã khuất để họ có tiền bạc và đồ dùng trong thế giới bên kia! Cho nên, tục cúng và đốt vàng mã là của người Hoa trong các lễ lạc nhất là dịp Tết chứ chẳng phải truyền thống của tổ tiên người VIệt!
Tục đốt vàng mã rầm rộ ngày Vu Lan cũng không phải là của đạo Phật ! Theo cố Hòa thượng Thích Tố Liên (1903-1977, người có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo) đã giải thích như sau: thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762), Phật giáo Trung Hoa rất thịnh nên sư Đạo Tăng tâu vua cho phép đốt vàng mã trong mùa Vu Lan rằm tháng bảy là lễ hội của Phật giáo, nhằm cúng dường vật phẩm bằng giấy như các đồ dùng, tiền bạc.. v.. v.. cho vong hồn người chết có dùng. Như thế, tục đốt vàng mã trong dịp Tết và các lễ hội đều có nguồn gốc bên phương Bắc cả! (theo: hophap.net)
2/- Cùng với những nét chính về phong tục tập quán của nước ta chịu ảnh hưởng từ phương Bắc, nhiều lễ hội quan trọng mà dân Việt tổ chức hằng năm cũng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Người Hoa khi sang Lĩnh Nam, ngoài biết bao phong tục, họ còn mang sang nhiều hình thức lễ hội và lâu ngày đã trở thành thói quen trong đời sống văn hóa của người Việt nên nhiều người cứ lầm tưởng nước ta có những phong tục như thế truyền lại từ xa xưa! Chúng ta có thể nêu lên vài lễ hội có nguồn gốc Trung Hoa và rất quen thuộc với đa số người Việt chúng ta:
2. 1- Đầu tiên phải nói đến Tết Nguyên Đán. Chữ TẾT là cách đọc theo âm tiếng Việt từ chữ Tiết 節 của người Hoa có nghĩa là thời tiết, tiết trời, đốt, lóng... Ở đây đi với Nguyên Đán元旦 nghĩa là ngày đầu tiên của một giai đoạn, ngày đầu của một năm, ngày đầu một mùa mới của tiết xuân (xuân tiết 春節 ). Theo các sách Trung Hoa như Từ Hải, lịch Trung Hoa ra đời từ trước năm 3000 TCN nghĩa là trước thời Hồng Bàng (sách ĐVSKTT, Q1, tr. 27 ghi lại khoảng năm Nhâm Tuất 2879 TCN). Người Việt trước thời Hồng Bàng có lẽ đã ăn Tết Nguyên Đán theo lịch Trung Hoa từ lâu! Những chi tiết về các nghi thức cho ngày Tết có lẽ ai cũng biết đại thể nhưng có một điều từ khi thực dân Pháp sang nước ta với những lễ hội theo truyền thống Tây phương cũng làm giảm đi sự trọng vọng về ngày Tết cổ truyền. Càng về sau có lẽ do cuộc sống bận rộn hơn nên ba ngày Tết của phần lớn người Việt có mức sống trung bình được tổ chức đơn giản hơn nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm!
2. 2- Tết Đoan Ngọ thường tổ chức buổi trưa ngày mồng năm tháng năm âm lịch. Với người Trung Hoa, Tết Đoan Ngọ 端 午, hay còn gọi là Tết Đoan Dương 端 阳 là Tết truyền thống lớn thứ hai sau Tết Nguyên Đán có hai ý nghĩa chính:
a- Tết Đoan Ngọ nhằm kỷ niệm ngày mất của Khuất Nguyên 屈原 là một trung thần thời Sở Hoài Vương .Ông vì can vua không nên qua Tần phó hội nên bị bọn thủ cựu ghét ghen dèm pha rồi bị đi đày. Khi đến sông Mịch La (Hà Nam/TH) ông nghe vua Sở chết bên Tần (296 TCN) nên phẫn uất nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mồng 5 tháng 5. Dân nước Sở và sau này người Trung Hoa lấy ngày này để tưởng nhớ một vị trung thần khẳng khái của họ nhưng người Việt lại "ăn theo " chẳng kể gì đến nguồn gốc lễ hội này (như nhiều người dân ba miền nước ta nhất là vùng có Hoa kiều thường tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5)
b- Tháng năm là tháng nóng nên sinh ra dịch bệnh, người Trung Hoa thường dùng lá ngải cứu hoặc thạch xương bồ treo trước nhà để xua đuổi dịch bệnh. Ngày này bên Trung Hoa có tục lệ lên núi hái cây thuốc về chữa bệnh.
Cả hai ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ được giải thích theo cách của người phương Bắc. Bên nước ta rất nhiều người ngày nay không chú ý đến nguồn gốc, thường lấy cách giải thích ý nghĩa thứ hai để gán ghép cho Tết Đoan Ngọ hầu cố tình giữ lại loại Tết lai căng này! Tết Đoan Ngọ cũng chỉ là một "sản phẩm văn hóa " được truyền vào đất Việt từ những thời trước Hồng Bàng và được tổ chức thường xuyên trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc do tác động của công cuộc đồng hóa của quan lại Trung Hoa. Thời tự chủ, các triều đình không chú ý gạn lọc các yếu tố văn hóa ngoại lai nên vẫn giữ lại truyền thống lễ này .Vì thế, nhiều người Việt không chịu tìm hiểu ,cứ ngỡ là của cha ông mình làm ra!
2. 3- Một lễ hội lớn nữa là Tết Trung Thu ( Trung thu tiết 中秋節 ) cũng được du nhập vào nước ta suốt gần hai ngàn năm nay. Theo nhiều sách, vua Đường Minh Hoàng 唐明 皇 tức Đường Huyền Tông唐玄宗 (685-762) thời nhà Đường là một người yêu chuộng văn chương, nghệ thuật đã cho tổ chức lễ hội Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch sau khi nông dân thu hoạch vụ mùa xong để có dịp cả nước nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, Cũng có truyền thuyết nói rằng sau loạn An Lộc Sơn, Dương Quý Phi bị ba quân buộc thắt lụa tự vẫn nên Đường Minh Hoàng thường hay uống rượu ngắm trăng để tưởng nhớ Dương Quý Phi và chọn rằm tháng tám làm lễ hội Trung Thu.... Chắc chắn nguồn gốc Trung Thu là của người Trung Hoa. Nó là một lễ hội đầy thi vị giúp cho cuộc sống có hương sắc hơn nhưng đậm màu sắc Trung Hoa!
Hai lễ hội như Tết Nguyên Đán và Trung Thu có thể xem là hai lễ hội chính dù là du nhập từ phương Bắc nhưng cũng trở thành phong tục quen thuộc của người Việt. Ngoài ra những lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, Tết Hàn Thực, Tết Trùng Cửu... chỉ những gia đình còn giữ gốc gác Hoa tộc hoặc Hoa kiều mới tổ chức chứ người Việt chúng ta hầu như không quan tâm các lễ hội này! Vì thế có thể nên giữ lại Tết Nguyên Đán và Trung Thu nhưng Tết Đoan Ngọ chẳng dính dáng gì đến người Việt nên tìm cách bỏ đi vì lai căng và không cần cho đời sống văn hóa Việt .Khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, ngày lễ Noël của họ cũng trở thành một dịp lễ quen thuộc với dân ta gần hai thế kỷ nay và đó cũng là lễ hội quốc tế. Dĩ nhiên, các địa phương khắp cả nước đều có những lễ hội riêng biệt của địa phương đó nhưng vẫn mang màu sắc dân tộc nhất là các lễ hội phía bắc nước ta đã có từ xa xưa.
Cho nên, biết bao phong tục và lễ hội chịu ảnh hưởng của Hoa tộc đã thành thói quen lâu ngày của dân ta. Những tục cưới xin với các lễ nghi chính yếu nên giữ lại nhưng tránh bày vẽ nhiều lễ tục không cần thiết. Những sự hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ.... là nét đẹp của tình người là phong tục cần thiết cho cuộc sống. Các tôn giáo Đông phương cũng thường khuyên bảo con người sống phải biết hiếu thuận chứ không riêng người Trung Hoa. Các lễ hội chính yếu có giá trị tinh thần như Tết Nguyên Đán không phải "của riêng" dành cho Hoa tộc mà của nhiều dân tộc khác nữa cùng chung với suối nguồn văn hóa với Trung Hoa như Cao Ly ,Nhật Bản ,Việt Nam vì nó có từ mấy ngàn năm nay rồi. Tết Trung Thu cũng thế, dẫu phát xuất từ Trung Hoa nhưng cũng đem lại cho trẻ thơ và nhiều người lớn những niềm vui nhẹ nhàng..... Sự chọn lựa cũng tùy thuộc nó có cần thiết cho cuộc sống thực tế hay không mà thôi.
Dân tộc ta tuy chấp nhận học hỏi nhiều tục lệ tốt đẹp như thế của phương Bắc nhưng ý thức giữ gìn nền tự chủ cho đất nước rất mạnh mẽ nên không dễ dàng bị Hán hóa. Truyền thống giữ gìn tiếng nói của tộc Việt từ xưa là một trong những nguyên nhân chính giúp mạch máu dân tộc và đất nước dẫu bị phương Bắc xâm lược cả ngàn năm giúp cho nước Việt vẫn tồn tại ! Việc giao tiếp với quan lại cai trị có thể phải dùng chữ Hán nhưng sinh hoạt trong nước vẫn giữ được tiếng Việt nên "thói quen" này giúp dân Việt không bị đồng hóa như nhiều bộ tộc khác khi phải sống chung với Hoa tộc. Phong tục tập quán hay lễ hội nào của phương Bắc giúp cho đời sống tinh thần xã hội bao lâu nay được tốt đẹp cũng nên duy trì. Đồng thời nên gạn lọc, bỏ đi những phong tục hay lễ hội nào đậm đà màu sắc Trung Hoa và chỉ phù hợp với Hoa tộc không liên quan gì với Việt tộc. Đó là một công việc do những người cầm cương, cầm chịch cần phải lưu tâm kẻo sự Hán hóa sẽ âm thầm đánh mất bản sắc dân tộc, đưa đến tình trạng vong bản quên đi nguồn gốc của tiên tổ!
30/ Peter Navarro và Greg Autry, Chết Bởi Trung Quốc, Đối đầu với con rồng. Lời kêu gọi thế giới hành động (Death by China, Confronting the dragon. A global call to action). Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT, NXB First News VN, 2016 (Bảng PDF trên Google)
31/ Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, NXB Trẻ VN (không nêu rõ in tại địa phương nào) 1993 (theo bản in 1942, NXB Hàn Thuyên).
32/ Phan Kế Bính, Việt Nam
Phong Tục, NXB Văn Học, Hà Nội 2017 (theo bản in 1915)
33/ Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói, NXB Văn Học, Hà nội, 2017 (theo bản in 1970,
NXB Đường Sáng Saigon)
34/ Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục, Q. 1 & Q. 2, (Phạm Trọng Điểm dịch), NXB
trẻ & NXB Hồng Bàng, Saigon 2013, 2012.
35/ Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam Chích Quái (Vũ Quỳnh & Kiều Phú nhuận chính,
Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San phiên dịch), NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng,
Tb lần 2, Saigon 2016.
Dương Anh Sơn
(Lần đến:
N.A.H.C.T.H.... Phần 6, Chương 1&2: Những mối liên hệ từ "sự trỗi dậy" của Trung Hoa với VN trong giai đoạn hiện
nay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét