Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

"Ấy Ơi, Chừng Nào Lấy Chồng?"

 

Nhiều cô gái mơ tới ngày lên xe hoa, nhưng không phải cứ quen là cưới. Minh họa: Unsplash

"ẤY ƠI, CHỪNG NÀO LẤY CHỒNG?"
Đơn Dương

Mùa cưới sắp đến, đây là lúc các cô rất bực bội khi nghe hỏi “chừng nào lấy chồng?” Nhiều người thích hỏi. Và dù không thích, bạn vẫn phải trả lời. Bạn trả lời sao đây?

Trải qua ba cuộc tình, nhưng năm nay sắp “băm” rồi mà Jenny Nguyễn, cư dân thành phố Santa Ana, vẫn chỉ đi chơi với một lũ bạn gái. Ừ thì có sao đâu. Chưa có bạn trai thì đi chơi với bạn gái. Vậy mà ba mẹ cô vẫn sốt ruột, hỏi có định lấy chồng không. “Con cũng ham lắm chứ, nhưng có ai đâu!” Jenny nhăn nhó trả lời. “Thôi ba mẹ đừng hỏi nữa.”

Jenny xem vậy vẫn còn trẻ, chứ Kim Hoàng ở thành phố Long Beach đã qua “tuổi băm” được sáu năm, mà vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai”. Kim tâm sự: “Mình thấy mấy đứa em lấy chồng, sinh con đẻ cái, cũng nôn lắm, nhưng chắc chưa tới duyên, quen ai vài tháng rồi cũng chia tay. Người mình thích thì họ chỉ xem mình là bạn, còn người thích mình thì mình lại thấy họ… ghê ghê, sao sao ấy.” Mấy tháng qua Kim quen một anh, nhưng cả hai vẫn chưa tính toán gì. Giờ Kim chỉ muốn ở vậy… nuôi cháu. Nhưng mỗi buổi tiệc tùng, gặp họ hàng, Kim đều phải tìm cách né những câu đại loại “Còn ở vậy tới bao giờ?”, “Lấy chồng sớm đi, sắp… hết đẻ được rồi.”

Đi chơi với bạn gái có sao, mà các bậc phụ huynh vẫn cứ… sốt ruột. Minh họa: Unsplash

Trong khi đó, cũng có nhiều bạn trẻ chỉ thích sống chung chứ không muốn cưới xin gì cả. Theo Katherine Herlein, nhà trị liệu các mối quan hệ và giáo sư tại chương trình trị liệu tâm lý vợ chồng và gia đình tại Đại học Nevada ở Las Vegas, khi hai người quyết định không kết hôn mà gia đình cứ bắt cưới, điều này có thể dẫn tới những lời đàm tiếu và bè phái trong gia đình, thậm chí chia rẽ cả các cặp đôi.

Các nhà tâm lý biết rõ chuyện khó nói này nên đã hướng dẫn một số cách “giải thoát” cho những ai hay bị hỏi những câu khó trả lời trên. Nếu bạn đã từng bối rối khi đối diện với câu hỏi cưới xin, bạn có thể áp dụng các cách xử lý dưới đây:

Herleintin cho rằng một trong những lý do mọi người hay hỏi về việc cưới xin chính là họ muốn tìm kiếm cách để thể hiện bản thân. Những cặp đôi cần giao tiếp với nhau về những quy tắc chung và trao đổi trước những điều mà họ muốn tiết lộ với người khác.

Nên để cho người có mối quan hệ với thành viên gia đình đặt câu hỏi chủ động trả lời, trong khi người còn lại sẽ trợ giúp. Điều này giúp giảm thiểu khả năng gia đình sẽ đổ lỗi cho người còn lại.

Nhiều cặp chỉ thích sống chung, chứ chưa muốn cưới. Minh họa: Unsplash

Melanie Cote, 43 tuổi, và Jamie, 45 tuổi là một cặp ở Canada. Họ có chung với nhau một đứa con bốn tuổi nhưng chưa muốn làm đám cưới. Gia đình họ ủng hộ chứ không ép cưới hỏi. Cote kể, chúng tôi bảo đảm với hai bên nội ngoại rằng chúng tôi luôn quan tâm tới nhau, đã ở với nhau tám năm và có con chung, nên chuyện đám cưới đám hỏi đối với chúng tôi không có gì là quan trọng.

Trong trường hợp các thành viên trong gia đình “tranh thủ” vắng người này tra hỏi người kia, chuyên gia Hertlein cho rằng bạn nên… né, cho đến khi người yêu bạn xuất hiện. Hai người… đối phó vẫn hơn.

Nếu bạn có dự định kết hôn trong tương lai, bạn nên tránh thảo luận về thời gian bạn muốn cưới với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Họ sẽ tập trung tìm ra những cách để giúp bạn thúc đẩy tiến độ thay vì để hai bạn tự quyết.

Irana Firstein, một nhà trị liệu ở Manhattan, đưa ra lời khuyên rằng bạn cứ… giả lơ, hoặc cứ nói thẳng bạn không thoải mái với những câu hỏi này. Họ sẽ không hỏi nữa.

Eric Hutchison, 29 tuổi từng không có ý định cưới cho tới khi gặp hôn phu của mình – Rebecca Anderson, 33 tuổi ở Seattle. Sáu tháng bước vào mối quan hệ, Eric đã choáng ngợp với hàng loạt câu hỏi từ họ hàng của người yêu về việc cưới xin. “Càng bị hỏi thì cô ấy càng áp lực và tôi có thể thấy điều đó. Chúng tôi đã nói chuyện vài lần về chuyện kết hôn và tôi biết điều đó rất có ý nghĩa với Rebecca,” Eric nói. May mắn là cuối cùng cả hai cũng… có ngày cưới sau bốn năm hẹn hò. Anh cho biết mình rất hạnh phúc khi đó là quyết định tự mình đưa ra chứ không phải vì áp lực gia đình.

Sống một mình thì có sao nào! Vẫn vui mà! Minh họa: Unsplash

Tất nhiên mọi người sẽ “buông tha” bạn, khi bạn tìm được “bến đỗ” hoặc có ngày “theo chàng về dinh”.

Hiện tại, Cote cảm thấy mình và bạn trai rất gắn bó. Cô nói ngay từ đầu mối quan hệ, chúng tôi đã có những ý định của riêng của mỗi người. Vấn đề là họ cùng quan điểm với nhau là mọi chuyện ổn.

Còn Jenny thì vẫn đi chơi với đám bạn gái. Thỉnh thoảng cũng có người hỏi “Ấy ơi, chừng nào lấy chồng?” Giờ Jenny không còn thấy khó chịu nữa, mà tìm cách nói vui cho qua: “Tính hết trơn rồi, giờ chờ có chú rể nữa là ráp vô.”

Đơn Dương - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét