Minh họa: Damir Spanic/Unsplash
ĐỂ VẪN CÓ THỂ NGỦ CHUNG GIƯỜNG
Lê Tây Sơn
“Anh ta ngáy cho đến khi các bức tường phản hồi lại âm thanh đáng sợ làm tôi thao thức cả đêm!” – người vợ than thở. “Cơ thể cô ấy có một năng lượng cực mạnh vào ban đêm khiến chân tay liên tục cử động, đẩy tôi vào thế luôn phòng thủ!” – người chồng bức xúc nói.
Khổ sở và trầm cảm vì phải ngủ chung giường!
Nếu bạn là một “kẻ chuyên gây rối trên giường vào ban đêm” hoặc thường xuyên đi vệ sinh lúc nửa đêm về sáng, có thể bạn đã mắc chứng mộng du hoặc bị mất ngủ kinh niên.
Danh sách những lý do khiến vợ bạn phải thức suốt đêm vì bạn cũng dài và buồn tẻ như tâm trạng mệt mỏi của cô ấy khi mệt mỏi lê mình khỏi giường vào mỗi buổi sáng do thiếu ngủ mà lỗi không phải của cô ta!
Khi nói đến sức khỏe, “những hành vi bất thường” của bạn là rất đáng quan tâm. Khoa học chứng minh, những người không ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim mạch và trí tuệ giảm sút. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khẳng định như thế.
Wendy Troxel, Chuyên gia cấp cao về giấc ngủ và hành vi tại RAND Corporation, tác giả cuốn “Sharing the Covers: Every Couple’s Guide to Better Sleep” cảnh báo: “Thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ cộng đồng, kể cả tâm trạng, sự thất vọng, sức chịu đựng, sự đồng cảm và khả năng giao tiếp với đối tác làm ăn và bạn bè, người thân trong cuộc sống”.
Chuyên gia giấc ngủ Rebecca Robbins, giảng viên môn y học giấc ngủ tại trường Y khoa Harvard Medical, đồng tác giả cuốn “Sleep for Success!” (Ngủ để thành công!) lưu ý: “Căng thẳng do thiếu ngủ dễ dẫn đến trầm cảm, lo lắng và các rối loạn chức năng tình cảm, quan hệ. Tệ hơn nữa, căng thẳng hôm nay lại tiếp tục ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm hôm sau theo “chu kỳ tiêu cực” lập đi lập lại đến nỗi gây ra các triệu chứng sức khỏe tâm thần”.
Minh họa: Velizar Ivanov/Unsplash
Làm sao loại bỏ các vấn nạn ngủ để vẫn còn chung giường?
Vậy, giải pháp dành cho người bị mất ngủ vì người chung giường là gì? Đẩy họ ra… đường hay chuyển qua phòng riêng? Tiếc thay, nhiều người không hề muốn tách khỏi nửa kia của mình, bất chấp lý do, trừ khi họ đủ già và bị tê liệt cảm xúc! Câu trả lời của họ là “Không, không nhất thiết phải thế!”.
Troxel giải thích “Đối với những người này, ngủ chung tạo cảm giác an toàn và được yêu thương. Nhưng có lẽ họ đã sai, vì lợi ít hại nhiều!”. Một nghiên cứu do Troxel tiến hành cùng các cộng sự cho thấy một người được ngủ đủ sẽ giao tiếp tốt hơn, hạnh phúc hơn, đồng cảm hơn, hấp dẫn hơn và hài hước hơn.
“Đây là những đặc điểm then chốt cho sự phát triển và duy trì các mối quan hệ bền chặt – bà nói – Ngủ riêng sẽ giúp vợ chồng có vấn đề khi ngủ hạnh phúc hơn, ít bực bội hơn. Họ vẫn có thể tận hưởng thời gian bên nhau trên giường, đặc biệt là vào cuối tuần khi công việc ít hơn (nên thiếu ngủ một đêm cũng chẳng sao!). Lời khuyên của tôi là đừng xem đây là một hình thức của ly hôn mà nó chỉ đơn thuần là ký kết một hợp đồng để giúp nhau có giấc ngủ tốt hơn. Thực tế của cuộc sống hôn nhân cho thấy không có gì khỏe mạnh, hạnh phúc và quyến rũ hơn sau một đêm ngon giấc!”.
Nếu chồng bạn bị rối loạn giấc ngủ thì nên khuyến khích anh ta đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ. Không chẩn đoán đúng lý do gây rối loạn giấc ngủ sẽ có hại cho sức khỏe tương lai của bạn và “nửa kia” của bạn. Điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến giấc ngủ sau đây là rất cần thiết.
- Hãy xem tiếng ngáy của người bạn đời có phải là chứng ngưng thở khi ngủ không? Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một triệu chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng khi nạn nhân bị ngừng thở từ 10 giây trở lên mỗi lần. Robbins nói: “Khi người bạn đời có tiếng ngáy to, khàn khàn hoặc bị gián đoạn, đó là lúc bạn nên lo lắng”. Theo American Academy of Sleep Medicine (Viện Y học về Giấc ngủ Mỹ), nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cao làm tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường Type 2, trầm cảm, thậm chí chết sớm!
- Hội chứng chân tay bồn chồn cũng phá vỡ giấc ngủ của người nằm cạnh. Nếu chân của vợ bạn co giật, lắc lư hoặc đá nhiều lần trong đêm, có thể cô ấy đang bị chứng “rối loạn chuyển động chân tay” hoặc hội chứng “chân không yên” của bệnh Willis-Ekbom. Bệnh này có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc.
- Nhiều loại thuốc thông thường là nguyên nhân gây mất ngủ hoặc các vấn đề khác về giấc ngủ. Chẳng hạn thuốc giảm cholesterol, thuốc hen suyễn, thuốc giảm huyết áp, steroid và thuốc chống trầm cảm
- Chồng bạn thao thức cả đêm có thể là do không được điều trị một căn bệnh nào đó? Bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tim, ung thư và một số bệnh phổ biến khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ với những cơn đau mãn tính hoặc vào ra toilet nhiều lần trong đêm. Thăm khám định kỳ sẽ tìm ra giải pháp.
Minh họa: Zohre Nemati/Unsplash
Thử những cách này trước khi đến bác sĩ
Troxel nói: “Một khi đã loại trừ được các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, giấc ngủ sẽ không còn bị gián đoạn nữa và vợ chồng sẽ cảm thấy gắn bó tình cảm hơn khi ngủ chung giường. Tuy nhiên, có thể thử trước một số mẹo trước khi đến bác sĩ.
- Không uống rượu bia trước khi ngủ. Theo các chuyên gia, nếu phải vật lộn với giấc ngủ, bạn đừng uống rượu bia trước khi lên giường. Rượu bia tưởng giúp ngủ dễ nhưng lại làm thức giữa đêm và đánh thức luôn người ngủ chung. Người ngủ ngáy nên bỏ hẳn rượu vì rượu làm ngáy to hơn và nhiều hơn. Troxel khuyên: “Nếu bạn thích uống rượu nhưng khi biết rằng hậu quả không chỉ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bạn mà còn cả giấc ngủ của vợ, thì bạn sẽ có động lực bỏ rượu, ít nhất là trước khi ngủ”.
- Nâng cao đầu. Đối với người bị chứng ngáy khi ngủ, hãy thử ngủ trên gối cao hoặc ngủ trên chiếc giường có thể nâng cao đầu để giữ cho cổ họng mở. Troxel giải thích: “Đối với nhiều người, ngáy sẽ tệ hơn trong tư thế ngủ thẳng lưng; vì vậy nâng cao đầu một chút sẽ có lợi. Ngoài ra cũng có thể giảm tắc nghẽn đường thở bằng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc dùng miếng dán mũi bán tự do để giữ cho đường thở thông thoáng”.
- Lấn át tiếng ngáy. Có thể đối phó với tiếng ngáy khó chịu bằng bông gòn nhét lỗ tai hoặc dùng âm thanh dễ chịu hơn của quạt điện quay đều hoặc máy tạo tiếng ồn.
- Ngủ muộn hơn. Troxel nói: “Người ngủ ngáy có thể giúp người ngủ chung ngủ được nhiều hơn bằng cách đi ngủ muộn hơn từ 30 phút đến một giờ, tức là chờ cho người kia đã đi vào giai đoạn ngủ sâu mới lên giường”
- Xoay người ngủ nghiêng. Nằm ngửa khiến ngủ ngáy tồi tệ hơn vì các mô mềm của miệng và lưỡi bị dồn xuống cổ họng. Khi người ngủ đẩy không khí qua các mô mềm đó một cách vô thức, tiếng ngáy sẽ xuất hiện. FDA cho phép dùng một số thiết bị đeo vào cổ hoặc ngực và sẽ rung lên khi tư thế ngửa để người mang chuyển sang ngủ nghiêng.
Nếu bạn đã thử tất cả các liệu pháp đơn giản mà giấc ngủ ngon vẫn còn xa vời vì bị quấy rối thì đã đến lúc mỗi người một phòng. Đây là giải pháp tốt nhất khi không thể nuôi dưỡng mối quan hệ và hâm nóng tình yêu bằng cách ngủ chung giường!
“May mắn, các cặp đôi vẫn có thể biến phòng ngủ thành một không gian thiêng liêng, ngay cả khi quyết định không ngủ chung nữa. Tự lập ra nghi thức trước khi ngủ, chia sẻ những buồn vui trong ngày và gửi tin nhắn tích cực cho nhau không chỉ là kết nối tình cảm mà còn là lời cảm ơn nửa kia đã chấp nhận hy sinh vì giấc ngủ của bạn. Ngủ chung không phải là chiến lược hâm nóng tình yêu tốt nhất mà là sự cảm thông và thấu hiểu. Quan hệ tình cảm không nhất thiết phải nằm chung trên một chiếc giường mọi ngày trong tuần. Nói vậy để thấy ‘ly hôn giấc ngủ’ không có gì đáng sợ” – Troxel nói.
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét