Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Người Bạn Nghèo Trong Mùa Giáng Sinh

 


NGƯỜI BẠN NGHÈO TRONG MÙA GIÁNG SINH
Trần Mỹ Duyệt  

Mùa Giáng Sinh năm nay đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, gieo kinh hoàng, và chết chóc! Người nghèo khổ, vô gia cư, bệnh tật, và thất nghiệp; các gia đình ly tán do ảnh hưởng của dịch bệnh… như đang thách thức lương tâm nhân loại. Ngược lại với bối cảnh xã hội đang bị đảo lộn, giá trị tinh thần, đạo lý đang bị băng hoại là những hình ảnh hào nhoáng, hấp dẫn hiện ra trước mắt mỗi lần khi chúng ta mở TV, hoặc dạo chơi, mua sắm tại các cửa hàng ở những khu thương mại sang trọng, sầm uất. Những hình ảnh trái ngược này gợi lại trong tâm trí tôi về Mùa Giáng Sinh năm xưa, một đôi vợ chồng mà người vợ đang mang thai chờ ngày sinh, nhưng vì nghèo nên bị hất hủi, bị loại bỏ ra ngoài xã hội. Hình ảnh của Giuse và Maria.


Tôi đã có diễm phúc viếng thăm cánh đồng chiên, nơi các mục đồng canh giữ các đàn chiên của họ. Nơi họ đã bị đánh thức bởi tiếng hát các thiên thần, và lời mời gọi: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.

Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. (Luca 2: 10-12) Và hình ảnh các mục đồng đã vội vã giục dã nhau sang Belem: “Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (15-16)


Tại Belem, cũng như các mục đồng năm xưa, tôi cũng đã được quỳ trước Ngôi Sao Máng Cỏ, nơi Con Chúa Trời đã giáng sinh làm người, và được đặt nằm trong một máng ăn của chiên bò.

Quá đơn sơ, nghèo nàn, và thanh bần. Sự nghèo nàn mang hơi hám một chuồng chăn nuôi súc vật. Trong xã hội hôm nay, nó chính là phản ảnh những manh áo tả tơi trên các tấm thân gầy yếu, bệnh tật, những căn nhà lá đơn sơ vách nát, những ngôi nhà ổ chuột trong những con hẻm chật hẹp đầy cống rãnh, sình thối trên mảnh đất quê hương, và cũng ngay trên miền đất văn minh nhất thế giới như tại Hoa Kỳ.

Khi những hình ảnh này đang chập chờn trong đầu óc, thì bất ngờ một hình ảnh khác mà thường ngày tôi vẫn gặp nhưng chưa nhận thức được ý nghĩa của nó đã xuất hiện: hình ảnh một người vô gia cư.

Hình minh họa

Đây là một người đàn ông trên tuổi trung niên, to con, và khỏe mạnh tên là Charles. Ông ăn mặc hơi rách rưới, nghèo nàn. Điều đáng ngạc nhiên là lúc nào gặp cũng thấy ông ngồi phía dưới thánh đường để tham dự các thánh lễ, hoặc ngồi một cách lặng lẽ bên trong nhà nguyện nơi đặt Mình Thánh Chúa. Không nghe thấy ông đọc kinh gì. Và cũng không nghe ông nói năng gì, hoặc chào hỏi bất kỳ ai.

Tôi cảm được cái nghèo và cô đơn của ông, nên thỉnh thoảng vẫn âm thầm biếu ông một số tiền nhỏ để ông có thể sống đơn giản một hoặc hai ngày. Trong những lần ấy, khi nhận sự giúp đỡ, ông chỉ mỉm cười và nói hai chữ “Thank you”. Một lần, tôi đã thân mật hỏi ông về nhà ở và công ăn việc làm, hy vọng có dịp nhờ ông làm một việc gì đó quanh nhà và trả lương cho ông. Nhưng ông không có điện thoại, không có địa chỉ nơi cư ngụ, và cũng không có nhà ở. Ông nói rằng ông chỉ làm quanh quẩn những việc mà ai đó mướn ông, và kiếm ăn đủ qua ngày. Nhưng đủ sống làm sao với gia tài là một chiếc xe đạp cũ, một túi đựng lỉnh kỉnh với mấy thứ gì trong đó, và một bộ đồ mà lúc nào gặp, tôi cũng thấy ông mặc như vậy.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là hình như qua con người tầm thường ấy có một cái gì khác thường. Qua con người nghèo khó ấy dường như chiếm hữu được sự giàu có của nước trời. Cũng như qua cái vẻ bề ngoài ít ai để ý ấy là một nội tâm sâu sa, kết hợp bền chặt với Chúa.


Nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng ông là một “anh tiểu đệ” theo tinh thần Charles de Foucauld? Suy nghĩ của tôi cũng không xa sự thật khi biết rằng ông đã chinh phục được hai cha con một người không tin vào Chúa mà chỉ tin vào sự giải thích và chứng minh khoa học bằng một câu nói: “Thiên Chúa không minh chứng được, nhưng cảm nghiệm được”. Cần gì phải tìm cách chứng minh Thiên Chúa trong khi chung quanh ta mọi tạo vật đều minh chứng kỳ công tay Ngài. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.”(Thánh Vịnh 18:2)


Giáng Sinh năm nay tôi không cần phải sang Đất Thánh để tìm gặp một thánh gia nghèo, bị xã hội ruồng bỏ, và từ chối nữa. Tôi cũng không phải vận dụng trí tưởng tượng để hình dung ra một Hài Nhi nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa giáng trần như thế nào nữa. Những gì tôi muốn và tưởng tượng thì tôi đã thấy, đã có dịp giao tiếp và thăm hỏi. Tôi đã tìm được hình ảnh của Giuse, Maria, và Hài Đồng Giêsu qua người anh em mà tôi vẫn thường ngày gặp gỡ.

“Người nghèo thì các ngươi luôn luôn có, nhưng các người sẽ không có Ta luôn ở bên.” (Mátthêu 26:11) Nhận ra Chúa qua những anh chị em bần cùng, nghèo khó, bị đời bỏ quên là một hồng ân. Món quà Giáng Sinh đặc biệt mà Hài Đồng Giêsu đã ban tặng khi tôi mở cửa tâm hồn đón tiếp Ngài. Nó được gói qua vỏ bọc của một người vô gia cư.

Và trong tâm tình tạ ơn, tôi thưa lên với Ngài:

“Hi Chúa Hài Đồng.
Xin cho con biết h mình xung.
Khiêm nhường và đơn sơ như tr con.
Để con được làm bn thân ca Chúa.”

Trần Mỹ Duyệt  _  Noel 2021 - Báo Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét