Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Lễ Giáng Sinh Ngày Càng Phổ Biến Tại Việt Nam

 

Không có gì mô tả rõ hơn cảnh "Giáng Sinh ở Việt Nam" bằng những đám đông người đến xem và trông thấy quanh các trung tâm mua bán trang hoàng rực rỡ.

Trẻ em trong trang phục ông già Noel xếp hàng tại một trường mầm non ở Hà Nội.

LỄ GIÁNG SINH NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM
Lien Hoang

Lễ Giáng Sinh đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, một nước cộng sản mà người ta có thể không trông đợi một ngày lễ tôn giáo lại được nhiều sự thúc đẩy như thế. Tuy nhiên những người Việt ngày càng giàu có hơn đang ủng hộ lễ Giáng Sinh chính bởi vì sự hấp dẫn phi tôn giáo và sức thu hút thương mại.

Dân địa phương cũng ngày càng tiếp xúc với văn hoá Tây phương hơn bao giờ hết, tuy rằng phong cách mừng lễ Giáng Sinh có thể khiến một số người Tây phương không nhận ra được.

Ngày lễ thương mại

Người đi mua sắm chụp ảnh tại một trung tâm ở TP HCM.

Cạnh một bùng binh trong một khu phố lao động, cô Trần thị Kim Oanh bán những bộ trang phục Ông già Noel treo tòong teng ở lề đường. Cô nói xe cộ lưu thông chậm lại.

Cô Oanh nói: “Trước kia, tôi có thể bán nhiều hàng hơn. Có nhiều cạnh tranh quá. Trước kia, các doanh nghiệp và siêu thị không bán những thứ này, nhưng bây giờ họ thấy là họ có thể làm được, nên họ cũng bán.”


Kinh nghiệm của cô Oanh nêu ra thắc mắc liệu luật cung cầu có thúc đẩy chiều hướng Giáng Sinh hay không. Ở Bắc Mỹ, một số người lo ngại các mùa mua bán kéo dài hơn là dấu hiệu của một dịp lễ mang tính vật chất nhiều hơn. Nhưng ở Việt Nam, không có sự suy ngẫm nhiều như thế về vai trò của các doanh nghiệp trong việc đem lễ Giáng sinh lại với dân địa phương.

Ông Rylan Higgins, một nhà nhân chủng học tại trường Đại học Saint Mary’s ở Canada, nói rằng các công ty đã đẩy mạnh việc tiếp thị vào dịp này trong năm, từ tuyết giả rải trước các toà nhà cho đến âm thanh của bài bát “Last Christmas” tràn ra đường phố từ các cửa hiệu.

Làm việc tại Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2011, ông Higgins nói: “Chủ nghĩa tiêu thụ chiếm một phần lớn bởi vì ta thấy những công ty lớn này nhận ra một cách mới để bán mọi thứ cho người dân Việt Nam.” Ông nói thêm, “Ta có một giới trung lưu đang mở rộng, và ta thấy các đại công ty tìm cách khai thác sự kiện này.”

Thời gian cho bạn bè

Bóng bay ông già Noel bán gần Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội.

Người Việt có thể dễ chấp nhận ảnh hưởng của các công ty hơn bởi vì đối với nhiều người, đầu tiên là lễ Giáng Sinh không hề dựa trên các giá trị cá nhân. Đó không phải là lúc để ăn bữa tối ở nhà với gia đình và cảm ơn lẫn nhau. Thay vì thế, đó là dịp để ra phố, mua sắm, chụp hình với bạn bè trước những cảnh trưng bày sặc sỡ, nhất là vào đêm Giáng Sinh.

Ông Higgins nói: “Khi tôi ở Việt Nam vào dịp Giáng Sinh, cảm giác không giống với Giáng Sinh ở Bắc Mỹ chút nào cả.”


Linh mục công giáo Đinh Hữu Thoại đồng ý và nói: “Điều đặc biệt về Việt Nam là giới trẻ không ở nhà vào đêm trước lễ Giáng Sinh. Xe cộ giao thông thật là nhiều, họ đổ ra đường. Không giống như ở phương Tây, nơi người ta ở nhà và dành cho gia đình nhiều hơn.”

Dĩ nhiên, Cơ đốc giáo không vắng mặt trong ngày lễ. Linh mục Thoại nói nhiều người đã đến dự thánh lễ Giáng sinh trong những năm vừa qua đến nỗi nhà thờ của ông phải thêm một chỗ để xe ở dưới tầng hầm. Sự thay đổi diễn ra vào một thời điểm khi nhà chức trách đã nới lỏng một số hạn chế đối với tôn giáo, mặc dầu nhiều người dự thánh lễ cho vui và để nghe nhạc, chứ không phải để thờ phụng.


Linh mục Thoại chấp nhận chuyện đó và nói rằng ông vui mừng nhìn thấy ngày lễ của Cơ đốc giáo được nhiều người biết đến hơn.


Trong một cuộc phỏng vấn tại nhà thờ của ông, bao quanh bởi một cây Giáng sinh giả và những hình ảnh của Đức giáo hoàng Phanxico, linh mục Thoại nói: “Giáng Sinh không phải chỉ dành cho những người theo đạo. Vì thế khi tôi thuyết giảng, tôi cũng làm việc ấy để những người không theo đạo hiểu được. Tôi rao giảng về tình thương.”

Lien Hoang - Báo Mai



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét