Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Cách Chơi Câu Đối Tết Truyền Thống Hay Và Ý Nghĩa

 

Thú chơi hoành phi ngày càng có nhiều người tìm về phong cách cổ xưa, vì thế hoành phi câu đối sử dụng trong từ đường, nhà thờ họ, trong gia đình và chơi Tết cũng đang được nhiều người chú ý. (Ảnh: Shutterstock)

CÁCH CHƠI CÂU ĐỐI TẾT TRUYỀN THỐNG HAY VÀ Ý NGHĨA
Hoàng Mai

Chơi câu đối Tết cũng là một phong tục truyền thống của Tết xưa. Các câu đối thường gửi gắm nguyện vọng trong năm mới như: trừ tà, tiêu tai giải hạn, nghênh tường nạp phúc, phát tài, bình an, phúc, lộc, thọ, khang, ninh...

Những câu đối thời hiện đại dùng tiếng Việt (chữ cái Latin), và đọc theo quy tắc hiện đại (phương Tây) là từ trái qua phải. Tuy nhiên, với những người hoài cổ hoặc người yêu thích những nét đẹp văn hóa truyền thống thì họ vẫn chơi câu đối kiểu ngày xưa, tức là dùng chữ Hán (chữ Nho), và tuân thủ quy tắc đọc từ phải sang trái. Chơi câu đối cũng có những quy tắc nghiêm cẩn. Dưới đây là đôi nét về cách chơi câu đối Tết theo lối truyền thống xưa:

Ở chính diện cửa chính (hoặc cổng chính), phía trên dán (treo) một bức hoành phi, phía bên tay phải dán vế đối thứ nhất, còn gọi vế đối phải, bên trái dán vế đối thứ hai, còn gọi là vế đối trái (cách gọi hiện đại theo quy tắc viết chữ hàng ngang là vế trên và vế dưới).

Cũng như các câu đối nói chung, câu đối Tết cũng phải tuân thủ đối ý (ý nghĩa, từ tính đối nhau), và đối chữ (số chữ, âm điệu bằng - trắc). Trong 2 câu đối đó, làm thế nào biết được, vế đối nào dùng bên phải (vế đối phải, vế đối trên). Thông thường có một số quy tắc sau:

1. Phân biệt theo luật bằng trắc của chữ

Để phán đoán vế đối phải, trái, thường dùng âm bằng trắc của chữ cuối cùng của vế đối. Vế đối phải (vế trên) thường là câu có chữ cuối cùng có thanh trắc (dấu sắc, nặng, hỏi, ngã), còn vế đối trái (vế dưới) là câu có chữ cuối cùng có thanh bằng (dấu huyền, không dấu)

Ví dụ:

Hoành phi"Nghênh xuân tiếp phúc" (迎春接福), nghĩa là: "Đón xuân nhận phúc".

Chú ý: Do cách trình bày hiện đại là đọc từ trái sang phải, thế nên khi chơi hoành phi theo cách truyền thống, chúng ta phải sắp xếp ngược lại theo trình tự từ phải sang trái. Ví dụ câu hoành phi trên sẽ viết theo thứ tự từ phải sang trái - và sẽ là: "phúc tiếp xuân Nghênh" (福接春迎)

Câu đối và hoành phi trước 1 miếu Trung Hoa. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Vế đối phải (vế trên)"Phúc vượng tài vượng vận khí vượng" (福旺財旺運氣旺), nghĩa là: "Phúc thịnh vượng, tài thịnh vượng, vận khí thịnh vượng".

Vế đối trái (vế dưới)"Gia hưng nhân hưng sự nghiệp hưng" (家興人興事業興), nghĩa là: "Nhà hưng thịnh, người hưng thịnh, sự nghiệp hưng thịnh".

Chú ý: Do cách trình bày hiện đại là viết theo dòng từ trái sang phải, thế nên khi chơi câu đối theo cách truyền thống thì chúng ta phải viết theo hàng dọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái.

2. Phân biệt theo trình tự thời gian, không gian

Thông thường vế đối có thời gian, không gian trước là vế đối phải (vế trên), vế đối có thời gian, không gian sau là vế đối trái (vế dưới). Cũng có thể là việc cần làm trước thì làm vế đối phải, việc cần làm sau thì làm vế đối trái...

Ví dụ:

Hoành phi: "Hỷ nghênh tân xuân" (喜迎新春), nghĩa là: "Vui đón tân xuân".

Vế đối phải (vế trên): "Môn nghênh Xuân Hạ Thu Đông phúc" (門迎春夏秋冬福), nghĩa là: "Cổng nghênh đón phúc khí của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông"

Vế đối trái (vế dưới)"Hộ nạp Đông Tây Nam Bắc tường" (戶納東西南北祥), nghĩa là: "Cửa tiếp nhận may mắn của bốn phương Đông Tây Nam Bắc".

3. Phân biệt theo tập quán ngôn ngữ

Một số cặp câu đối là dùng từ những câu châm ngôn, cách ngôn, danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, đã cố định trật tự câu, do đó vế đối cũng đã được cố định.

Ví dụ:

Hoành phi: "Tân niên đại cát" (新年大吉), nghĩa là: "Năm mới may mắn, tốt lành lớn".

Vế đối phải (vế trên): "Phúc như Đông Hải trường lưu thủy" (福如東海長流水), nghĩa là: "Phúc như nước biển Đông chảy mãi"

Vế đối trái (vế dưới): "Thọ tỷ Nam Sơn bất lão tùng" (壽比南山不老松), nghĩa là: "Thọ sánh cùng tùng bất lão núi Nam".

Một câu đối Tết tiếng Việt, viết theo lối thư pháp chữ Việt, tại Đường hoa Nguyễn Huệ 2009: "Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai". (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

4. Phân biệt theo phạm vi, trường hợp

Theo phạm vi, trường hợp thì từ to đến nhỏ, như thời gian, không gian, sự vật lớn làm vế đối phải (vế trên), thời gian, không gian, sự vật nhỏ làm vế đối trái (vế dưới).

Hoành phi: "Cung hạ tân xuân" (恭新春), nghĩa là: "Chúc mừng xuân mới".

Vế đối phải (vế trên): "Niên niên phúc lộc tùy xuân đáo" (年年福祿隨春到), nghĩa là: "Hàng năm phúc lộc theo xuân đến"

Vế đối trái (vế dưới)"Nhật nhật tài nguyên thuận ý lai" (日日財源順意來), nghĩa là: "Hàng ngày tiền tài thuận ý vào".

5. Cách sử dụng câu đối chữ Hán

Sau khi những trào lưu hiện đại lắng lại, khi chúng ta có đủ thời gian để quan sát, so sánh, trầm tĩnh để suy xét đánh giá thì chúng ta mới thấy rằng thời gian là thước đo, là thử thách cho mọi sự vật hiện tượng xã hội. Chỉ những giá trị nhân văn, thiện lương, vượt qua thử thách của thế thời và gột rửa của thời gian mới là chân giá trị. 

Thú chơi hoành phi câu đối cũng như vậy, càng ngày càng nhiều người tìm về phong cách cổ xưa, vì thế hoành phi câu đối sử dụng trong từ đường, nhà thờ họ, trong gia đình và chơi Tết cũng đang được nhiều người chú ý. Xưa mọi người thường tìm đến các cụ đồ Nho có đức cao vọng trọng, văn hay chữ tốt để xin chữ, xin câu đối, để làm phương châm sống cho mình và lưu lại cho con cháu đời sau những bài học quý báu để làm người.

Ngày nay, người am hiểu chữ Nho (tức chữ Hán cổ, chữ chính thể) khá ít, nên không tránh khỏi cách dùng hoành phi câu đối "lai căng", như dùng chữ Hán giản thể (tức chữ Hán hiện đại), và dùng theo quy tắc hiện đại là viết từ phải sang trái. Nhiều bức hoành phi câu đối còn hiện tượng chữ Hán chính thể, giản thể lẫn lộn, thể chữ lẫn lộn, ví dụ: khải thư lẫn chữ hành thư hoặc thảo thư.

Hoành phi câu đối thường được dùng ở những trường hợp trang trọng, trang nghiêm, thế nên, thường dùng thể chữ Chân (tức khải thư) hoặc Lệ (tức lệ thư), đôi khi cũng dùng chữ thể Hành (tức hành thư). Thể Thảo (tức thảo thư) thì phóng túng, thiếu sự nghiêm trang, còn thể Triện (tức triện thư) thì quá cổ kính và khó viết, khó nhận biết, nên cũng hiếm dùng.

Thầy đồ đang viết chữ. (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng lỗi thường gặp nhất, và lớn nhất là dùng chữ Hán giản thể, hoặc lẫn chữ giản thể. Chữ Hán là chữ có nội hàm văn hóa sâu sắc, chứ không đơn thuần là ký tự ghi lại một vài ngữ nghĩa nhất định.

Ví dụ, chúng ta chúc nhau, hoặc mong muốn nguyện vọng trong năm mới là "Tấn tài tấn lộc" (cũng có âm đọc khác là "tiến tài tiến lộc"), thì sự khác biệt giữa hai thể chữ giản thể và chính thể (Hán cổ) trong câu "Tấn tài tấn lộc" như sau:

Chữ chính thể: 進 財 進 祿 

Chữ giản thể: 进 财 进禄  

Còn chữ Tấn (tiến) chính thể (進) gồm bộ Xước (辶) nghĩa là bước đi, và bộ Chuy (隹) nghĩa là loài chim đuôi ngắn. Chữ Chuy này viết giống chữ Giai () nghĩa là tốt đẹp. Như vậy chữ Tấn chính thể (Hán cổ) còn có hàm nghĩa là "càng đi càng tốt đẹp", vì đi theo chính Đạo, đi theo chân lý, nên càng tiến càng tốt đẹp.

Do đó "Tấn tài tấn lộc" chính thể (進 財 進 祿) ngoài ý nghĩa mặt chữ là "tăng tiến tài sản, tăng tiến quan lộc" ra thì nó còn có nội hàm là "tăng tiến tài sản và quan lộc, càng ngày càng tốt đẹp". Bởi vì Nho gia cho rằng: "Người quân tử yêu quý tài sản, nhưng để có được thì phải đúng Đạo lý" (nguyên văn: "Quân tử ái tài, thủ chi hữu Đạo"), tức là với tiền đề là tuân thủ đạo nghĩa rồi mới có được tiền tài, thì càng nhiều càng tốt đẹp, càng đem lại lợi ích cho mình và mọi người.

Còn chữ Tấn (tiến) giản thể (进) gồm bộ Xước (辶) nghĩa là bước đi, và chữ Tỉnh (井) nghĩa là cái giếng. Như thế, chữ Tấn giản thể nó còn ẩn chứa hàm ý càng đi càng đâm đầu xuống giếng, tức đi vào chỗ nguy hiểm, chỗ chết.

Thế nên chữ "Tấn tài tấn lộc" giản thể (进 财 进祿) ngoài ý nghĩa mặt chữ là "tăng tiến tài sản, tăng tiến quan lộc" ra thì nó còn có ẩn chứa ý nghĩa là "tăng tiến tài sản và quan lộc, nhưng càng đi thì càng đâm đầu xuống giếng, vào con đường chết". Bởi vì đây là con đường của kẻ tiểu nhân, chỉ biết có lợi, bất chấp đạo lý, bất chấp tất cả. Nho gia cho rằng: "Người quân tử hiểu rõ về đạo nghĩa, sống vì đạo nghĩa, còn kẻ tiểu nhân thì hiểu rõ về danh lợi, sống về danh lợi" (nguyên văn: "Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi")

Thế nên, khi dùng những bức hoành phi câu đối cho từ đường, nhà thờ họ, hoặc trong gia đình thì cần hết sức chú ý. Ai cũng mong muốn cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng, nên thành kính thỉnh chữ hay chữ tốt về treo. Nhưng đáng tiếc là có khi lại rước rủi ro và bất hạnh về mà không tự biết. Bởi vì những cái giả, cái ác, cái ngụy thiện, giả thiện vẫn được trang sức bề ngoài bằng câu chữ hay ho, đường hoàng, rực rỡ lắm. Xem hiện tượng nhiều quan chức các cấp liên tiếp gặp họa hoạn, mất chức, bị kỷ luật, bị tù tội... phải chăng là vì họ đã theo đuổi "Tấn tài tấn lộc" theo đúng ý nghĩa của chữ giản thể.

Mùa xuân mới đang đến, gió xuân ấm áp quét sạch tàn dư hắc ám cảnh đông hàn, mang đến chồi non nụ biếc trên cảnh vật, trổ ra trăm hoa muôn tía ngàn hồng, đem hương thơm thanh khiết khắp nhân gian. Con người cũng như cỏ cây hoa lá, chỉ loài tùng bách hiên ngang cứng cáp mới vượt qua đông hàn khắc nghiệt mà vẫn còn xanh thắm tốt tươi; chỉ loài mai cúc thanh khiết vững vàng mới ngạo nghễ trước tuyết sương, đem thanh hương đến cho muôn loài. 

Hoàng Mai - NTD Việt Nam

Câu Đối Chúc Tết Hay Và Ý Nghĩa Nhất Năm Nhâm Dần 2022

 

CÂU ĐỐI CHÚC TẾT HAY VÀ Ý NGHĨA NHẤT NĂM NHÂM DẦN 2022

Gia An

Khi những nụ hoa đào ươm dần sắc hồng phai cũng là lúc không khí Tết đã đến thật gần. Trong khoảnh khắc sum vầy, đầm ấm, những câu đối chúc Tết hay lại càng trở nên ý nghĩa bởi thông điệp năm mới vui vầy, an khang, ngập tràn hạnh phúc.

Câu đối là gì?

Câu đối là một trong những hình thức văn học nghệ thuật được người xưa ưa chuộng, đặc biệt là giới văn nhân. Câu đối được xem là một thể loại thơ mang tính biền ngẫu (sóng đôi), thể hiện tư tưởng, ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. 

Đối ở đây được hiểu là chữ nghĩa đối lập, nhưng mang ý nghĩa song song, thành đôi, tạo nên một chỉnh thể ý nghĩa sâu sắc. Câu đối thường được giới văn sĩ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng. Trong những dịp Tết, người ta thường treo những câu đối đỏ như một cách để thể hiện nét văn hóa đặc sắc và cầu mong hạnh phúc phát tài trong năm mới.

Nguồn gốc của câu đối tết

Nguồn gốc của câu đối tết bắt nguồn từ thời nhà Chu. Thời đó, mỗi dịp Tết đến, mỗi nhà dân sẽ treo trước cửa hai tấm "đào phù" (có nghĩa là tấm bùa bằng gỗ cây đào). Đào phù dài 6 tấc (khoảng 20 phân), rộng 3 tấc (khoảng 10 phân), trên đào phù viết tên hai vị Thần chế phục ác ma là Thần Đồ và Uất Lũy. Người ta cho rằng, ngày mồng 1 Tết, treo đào phù ở cửa, có thể khiến trăm loài quỷ đều sợ hãi tránh xa. 

Bởi vậy, treo đào phù có thể xua đuổi ma quỷ, ma tà, trừ bỏ xui xẻo đem lại những điều may mắn. Dần dần, đến thời Ngũ đại, trong cung đình nhà Tây Hán bắt đầu viết câu đối lên đào phù.


Đến thời Ngũ Đại,Theo “Tống sử – Thục thế gia” có viết:

Tân Niên nạp dư khánh 
Gia tiết hiệu trường xuân

Tạm dịch:

Năm mới thừa phúc lành
Tết đẹp mãi trường xuân.

Câu đối Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân được xem là câu đối Tết đầu tiên trong lịch sử các nước châu Á do Hậu Thục chủ Mạnh Sưởng lệnh cho học sỹ Chương Tốn viết lên đào phù. Từ đời Tống trở đi dân gian bắt đầu phổ biến câu đối Tết, đến thời nhà Minh chính thức đổi tên gọi đào phù thành “Câu đối Tết” (Xuân liên).

Phong tục này dần lan truyền ra khắp các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, cũng chưa có có nghiên cứu chính xác câu đối Tết có từ thời nào, nhưng từ thời Trần câu đối Tết đã phổ biến.


Ý nghĩa câu đối chúc Tết đầu năm

Trong ba ngày Tết, những người thân, bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp thường đến nhà nhau và nói lời chúc tốt đẹp mừng năm mới. Chúc Tết trước hết là con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ nhưng trong cuộc sống hiện đại, người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất.

Câu đối chúc Tết như một nét văn hoá tốt đẹp được lưu truyền từ đời xưa. Bao giờ đến nhà nhau, lời chúc ý nghĩa cũng sẽ mở đầu câu chuyện. Lời chúc như gửi gắm sự may mắn, an khang, đại cát, đại lộc đến với mọi người mọi nhà.

Chính vì vậy, những câu đối chúc Tết hay và ý nghĩa luôn được nhiều người thích thú. Dù sao, đầu năm mới khởi đầu với những lời chúc may mắn cũng khiến tư tưởng thoáỉ mái, mọi việc hanh thông, thuận buồm xuôi gió.

Nên gửi câu đối tết đến những ai?

Câu đối chúc Tết đến nay vẫn còn nguyên giá trị về nghệ thuật, tính nhân văn, nhân sinh cuộc đời. Bởi vậy, bạn có thể gửi câu đối Tết đến cho nhiều người khác nhau, thể hiện tình cảm của mình.

Câu đối chúc tết Cha mẹ

Những câu đối chúc Tết Cha mẹ có thể khiến họ vui vẻ, thích thú hơn những lời chúc thông thường. Câu đối có tính thơ, lại mang hàm ý sâu sắc, rất thích hợp cho không khí ngày tết cổ truyền.

Câu đối chúc tết cho doanh nghiệp

Nếu đã quá quen với những lời chúc Tết doanh nghiệp theo những lời văn vui vẻ, ý nghĩa thì câu đối chúc Tết cho doanh nghiệp sẽ là một sự mới lạ giúp họ ấn tượng hơn về lời chúc Tết của bạn.

Câu đối chúc tết cho đối tác, khách hàng

Nếu bạn đang tìm những lời chúc Tết cho đối tác khách hàng ý nghĩa thì những câu đối là lựa chọn tuyệt vời, mang lại sự mới mẻ, độc đáo và ấn tượng. Những câu đối Tết mang hàm ý sâu sắc lại có chút không khí cổ truyền càng khiến việc tặng quà, chúc tết trở nên vui vẻ hơn.

Câu đối chúc tết gửi thầy cô

Với những người làm trong công tác giáo dục, câu đối đã không còn xa lạ với họ. Bởi vậy, dùng câu đối chúc tết thầy cô thể hiện sự hiểu biết văn chương của bạn đối với thể loại văn học này. Đây cũng là cách gây ấn tượng đặc biệt cho các thầy cô đấy!

Câu đối chúc tết cho học sinh

Câu đối chúc Tết cho học sinh thường mang ý nghĩa cổ vũ, động viên học trò trong học tập. Những câu đối Tết tặng học trò sẽ giúp các em hào hứng hơn đối với thể loại văn chương này.


Những câu đối chúc tết hay và phù hợp với mọi đối tượng

Những câu đối, lời chúc Tết hay và ý nghĩa luôn được nhiều người thích thú. Cùng Golden Gift Việt Nam tham khảo những câu đối cho năm Nhâm Dần nhé!

Câu đối chúc tết chữ Hán

- Câu đối 1: Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh/Lộc tiến vinh hoa phú qúy xuân
Tạm dịch như sau: Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh/Lộc nảy vinh hoa phú qúy xuân

- Câu đối 2: Tân niên, hạnh phúc bình an tiến/Xuân nhật, vinh hoa phú qúy lai
Tạm dịch như sau: Năm mới, hạnh phúc bình an đến/Ngày xuân, vinh hoa phú qúy về

- Câu đối 3: Trúc bảo bình an, tài lợi tiến/ Mai khai phú qúy, lộc quyền lai
Tạm dịch như sau: Trúc giữ bình yên, thêm tài lợi/Mai khai phú quý, lại lộc quyền

- Câu đối 4: Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức/Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài
Tạm dịch như sau: Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức/Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài

Câu đối chúc tết 4,5,6,7,8 chữ

Câu đối có nhiều thể loại được quyết định bằng số chữ trong câu. Dưới đây là một số câu đối chúc Tết 4,5,6,7,8 chữ hay và độc đáo bạn có thể tham khảo:

Câu đối tết 4 chữ:

Xuân dinh tứ hải - Mai khai ngũ phúc
Tuế thông thịnh thế - Nhân phùng hoa niên
Xuân phong tống phước - Hỷ khí lâm môn
Bách thuận vi phúc - Lục hợp đồng xuân

Câu đối đối 5 chữ:

Phúc lai miên thế trạch - Lộc mãn trấn gia thanh. 
Minh niên tăng vạn lộc - Xuân nhật tập thiên tường. 
Niên niên như ý xuân - Tuế tuế bình an nhật.

Câu đối tết 6 chữ

Tiếp phước thọ tinh môn đệ - Nghinh xuân chí phú nhân gia. 
Xuân ý tam giang tứ hải - Hỷ dinh vạn hộ thiên gia.
Đại nghiệp thiên phàm cánh phát - Minh xuân vạn tượng canh tân.

Câu đối tết 7 chữ:

Phúc mãn đường niên tăng phú quý - Đức lưu quang nhật tiến vinh hoa.
Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc - Tết về cây đức trổ thêm hoa.
Xuân đáo bình an tài lợi tiến - Mai khai phú quý lộc quyền lai.

Câu đối tết 8 chữ:

Tối Ba mươi đá thằng Bần khỏi cửa - Sáng mồng một nghênh ông Phúc vào nhà
Xuân Tha Hương Sầu Thương Về Quê Mẹ - Tết Xa Nhà Buồn Bã Nhớ Quê Cha.

Câu đối chúc Tết Nhâm Dần hay và ý nghĩa

1. Cung Chúc Tân Xuân Phước Vĩnh Cửu
Chúc Trong Gia Quyến Được An Khương
Tân Niên Lai Đáo Đa Phú Quý
Xuân Đến An Khương Vạn Thọ Tường

2. Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.
Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà.
Vài lời cung chúc tân niên mới.
Vạn sự an khang vạn sự lành

3. Mai vàng nở rộ mừng năm mới
Đào hồng khoe sắc đón xuân sang

4. Tiễn Lợn đi chúc xuân vui hạnh phúc
Đón Chuột về mừng Tết đạt thành công.

5. Cạn ly mừng năm qua đắc lộc
Nâng cốc chúc năm mới phát tài

6. Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà


Những câu đối Hán Việt ngày Tết hay nhất kèm dịch nghĩa

1. Sơn thủy thanh cao xuân bất tận / Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
Dịch:  Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi/  Thần tiên vui thú cảnh đời đời

2. Môn đa khách đáo thiên tài đáo / Gia hữu nhân lai vạn vật lai
Dịch:  Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến / Nhà có người vào lắm vật vào

3. Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ / Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
Dịch: Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ / Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà

4. Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc / Đời vui, sức khỏe, tết an khang

5. Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón Xuân vào
p(Hồ Xuân Hương)

6. Tổ tôn công đức thiên niên thịnh / Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương
Dịch: Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh / Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay

7. Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc / Khách mãn gia đình, tửu mãn tôn
Lược dịch: Xuân như cẩm tú, người như ngọc / Khách chật trong nhà, rượu hết chung

8. Ðịa sinh tài, thế nghiệp quang huy / Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái
Dịch: Ðất sinh tài nghiệp đời xán lạn / Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi

9. Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh / Lộc tiến vinh hoa phú qúy xuân
Dịch: Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh / Lộc nảy vinh hoa phú qúy xuân

10. Niên niên như ý xuân / Tuế tuế bình an nhật
Dịch: Năm năm xuân như ý / Tuổi tuổi ngày bình an

11. Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức / Khải hậu nhân,trường phát kỳ tường
Dịch: Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức / Tin cháu con bền sự lạ hay

12. Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
(Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về)

13. Ðuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân
(Nguyễn Công Trứ)

14. An khang phú quý thái thái bình
Bách lão bá niên trường trường thọ

15. Ðắp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng
Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.

16. Cạn ly mừng năm qua đắc lộc
Nâng cốc chúc năm mới phát tài

17. Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Đón tết từ bi bớt não phiền

18. Chiều ba mươi, đầu bù tóc rối, heo hắt tiễn năm tàn
Sáng mồng một, quần là áo lượt, phấn khởi mừng xuân mới

19. Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,
Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.

20. Ống cựu nghinh tân mừng xuân mới
Dân an quốc thái đón thanh bình

21. Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới,
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.

22. Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc
Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì

23. Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.

24. Mừng xuân đất nước an toàn giao thông tiến
Đón xuân gia đình hạnh phục lộc an khang

25. Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức
Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài
Dịch:
Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức
Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài

26. Đón xuân mới, Dân tộc vững tin, một lòng đoàn kết
Mừng xuân về, Đất nước vững vàng tiếp tục vươn xa

27. Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ... Đùng !... ờ ờ...
Tết Sáng mùng 1 ra chạm niêu đánh... Cộc !... á à... Xuân

28. Đất nước phồn vinh câu chúc tết
Gia đình hòa thuận thiệp mừng xuân

Gia An