Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với đại diện giới nông nghiệp, bàn về giải pháp giảm giá thịt; Washington DC, ngày 3 Tháng Một 2022 (ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)
TỔNG THỐNG BIDEN SẼ TRẢ GIÁ CHÍNH TRỊ NẾU LẠM PHÁT TIẾP TỤC TĂNG?
Lê Tây Sơn
Nhiều tháng qua, Tổng thống Joe Biden và các cố vấn luôn dự đoán lạm phát chỉ là “nhất thời”. Nhưng dữ liệu mới ngày 12 Tháng Một đã thách thức niềm tin này. Lạm phát trầm trọng và giá cả vẫn tăng thay vì giảm. Đây là một thách thức đối với Toà Bạch Ốc khi chỉ còn 10 tháng nữa cử tri sẽ đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ để quyết định đảng nào chiếm ưu thế tại Quốc hội…
Không còn nhiều thời gian
Giá cả tăng 7% trong 12 tháng qua, kết thúc vào cuối Tháng Mười Hai 2021, khiến năm 2021 trở thành “năm lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm”, kể từ năm 1982, theo một báo cáo mới công bố của Cục Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics). Việc tăng giá đối với hầu hết mặt hàng, từ xăng dầu, hàng tạp hóa đến xe hơi đã qua sử dụng và vật liệu xây dựng có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị đối với Biden và đảng Dân chủ trước bầu cử nếu không có giải pháp thích đáng.
Lạm phát có tác động trực tiếp đến ví tiền của người dân trong cuộc sống hàng ngày; và giá cả tăng đã che phủ cách cử tri cảm nhận về thành công của các biện pháp chính phủ đưa ra để giúp duy trì sự ổn định và sức mạnh của nền kinh tế, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương tăng và thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh. Cho đến khi nào giá cả còn tăng, Biden có thể phải trả giá bằng chính trị trong cuộc bầu cử sắp tới, vì quá khứ cho thấy kinh tế và tình hình nội địa thường có vai trò quyết định lá phiếu cử tri. Theo một khảo sát của Đại học Quinnipiac công bố ngày 12 Tháng Một, 54% người Mỹ cho rằng nền kinh tế quốc gia đang trở nên tồi tệ hơn và nhiều người đổ lỗi cho Biden. Khoảng 57% cho biết họ không tán thành cách xử lý của Biden đối với nền kinh tế, trong khi chỉ có 34% tán thành.
Celinda Lake, nhà thăm dò ý kiến và chiến lược gia của đảng Dân chủ nhận định: “Cử tri rất lo ngại về lạm phát. Điều mà họ cần đảng Dân chủ làm là tuyên bố: Chúng tôi đang đạt được tiến bộ; dù chưa đủ tốt nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn”. Lake chỉ ra các điểm trong chương trình nghị sự “Build Back Better” đã được Hạ viện thông qua và được nhiều cử tri tin rằng sẽ giúp giảm lạm phát, kể cả giảm chi phí chăm sóc trẻ em, thuốc kê toa và chăm sóc người già.
Tuy nhiên, dự luật này đang bị kẹt tại Thượng viện do bị toàn bộ phe Cộng Hòa và Thượng nghị sĩ Joe Manchin III (Dân Chủ, tiểu bang West Virginia) phản đối. Biden lập luận rằng luật cơ sở hạ tầng của ông sẽ giúp cải thiện hệ thống vận chuyển hàng hoá và lưới điện quốc gia, ngăn ngừa tái diễn trong tương lai những vấn đề liên quan chuỗi cung ứng toàn cầu, và quan trọng hơn, nếu dự luật “Build Back Better” được thông qua, nó sẽ đưa nhiều tiền hơn vào túi những người Mỹ bình thường.
Tăng giá không phải là tạm thời mà kéo dài
Nhưng thời gian là có hạn và cử tri không thể chờ đợi mãi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thái độ của cử tri về nền kinh tế thường không thay đổi sau Tháng Năm hoặc Tháng Sáu của năm bầu cử. Với những tin tức tiêu cực dự đoán còn kéo dài, vài tháng tới là rất quan trọng. Thay đổi thái độ của cử tri trong vài tháng là điều không đơn giản nếu không có gì cho họ tin. “Hiện tại, sự biến động về giá cả quá lớn đến nỗi những người bỏ phiếu gần như bị sốc. Cử tri cảm thấy họ đang ở trên một chiếc tàu lượn siêu tốc và muốn rời khỏi con tàu!” – Celinda Lake nói. Đối với đảng cầm quyền, phản ứng này là bất lợi cho dù chính quyền Biden có các chỉ số kinh tế mạnh mẽ khác chẳng hạn thất nghiệp thấp.
Joe Trippi, một nhà tư vấn chính trị của đảng Dân Chủ nhận định: “Những thứ khác có tốt đẹp đến mấy cũng không quan trọng khi mọi người thực sự cảm thấy bị tác động mạnh bởi giá cả tăng. Họ không quan tâm đến chín triệu việc làm được tạo ra, không nhận thấy tính tích cực của nó mà chỉ biết phải bỏ thêm $10 để đổ đầy bình xăng hoặc bánh mì trong nhà đã hết. Nó đụng chạm vào thực tế cuộc sống hàng ngày ngay cả khi họ nhận được khoản tiền lương cao hơn”.
Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (National Economic Council) của Tòa Bạch Ốc đổ lỗi lạm phát kéo dài một phần do tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh hơn dự kiến và đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không riêng gì Mỹ. Cách nay sáu tháng, Tổng thống Biden nói “lạm phát chỉ là tạm thời. Niềm tin chung là nó sẽ tăng lên một chút và sau đó giảm xuống”. Nhưng mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với đài WHIO ở tiểu bang Ohio, ông đã chuyển sang lo ngại: “Những người đang làm việc và những người thuộc tầng lớp trung lưu có thể an tâm. Nhưng lạm phát, ít nhất vào lúc này, là có thật”. Ngày 12 Tháng Một, trong một tuyên bố, Biden dẫn báo cáo của Cục Thống kê Lao động cho thấy giá xăng và một số thực phẩm đã giảm nhẹ trong Tháng Mười Hai sau nhiều tháng tăng, để chứng tỏ “chính phủ đang đạt được một số tiến bộ”.
Phe Cộng Hòa khẳng định: “Con số lạm phát mới là một dấu hiệu khác cho thấy các chính sách kinh tế của Biden không hiệu quả!”. Trong suốt năm, chi phí cho thực phẩm, năng lượng và chỗ ở đều tăng trung bình hơn 8%. Douglas Holtz-Eakin, nhà phân tích chính sách của Cộng Hòa từng là giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái, cho biết ba loại chi tiêu trên chiếm đến 50% ngân sách các hộ gia đình trung bình. “Đây là vấn đề cốt lõi của họ. Và nó chưa bao giờ tồi tệ như thế trong 40 năm qua!”.
Giá thực phẩm tăng tác động rất mạnh đến tâm lý cử tri (ảnh: Pixabay)
Tòa Bạch Ốc đã vận dụng tất cả phương pháp khả dĩ để chống lạm phát, vì họ biết nó đe dọa sinh mệnh chính trị của đảng Dân Chủ. Các quan chức đã thành lập một lực lượng đặc biệt để phục hồi chuỗi cung ứng, thúc đẩy nguồn cung xe tải, tăng cạnh tranh trong ngành vận tải biển và giải phóng hàng hóa tồn đọng tại các cảng quan trọng trên khắp đất nước, cùng các biện pháp khác.
Đã có một số dấu hiệu khích lệ. Sau khi chính phủ kéo giảm lợi nhuận của kỹ nghệ thịt đóng gói, giá thịt đã giảm trong Tháng Mười Hai. Sau khi phối hợp công bố dự trữ xăng dầu trên toàn cầu, giá xăng cũng giảm trong tháng này. Tuy vậy, số liệu vừa công bố cho thấy thu nhập trung bình hàng tuần của hầu hết công nhân Mỹ đã giảm 2.3% trong năm 2021 (đã điều chỉnh theo lạm phát). Điều đó có nghĩa là tiền lương không theo kịp với giá tăng. Matthew J. Slaughter, nhà kinh tế học tại Đại học Dartmouth, cảm thán: “Thực tế thật đau đớn. Nó không cho thấy cơ hội xây dựng nước Mỹ tốt hơn và không thúc đẩy Giấc mơ Mỹ”.
Một số còn cảnh báo nguy cơ xảy ra “Vòng xoáy bám đuổi tiền lương – giá cả”, trong đó lương của người lao động và giá cả cùng tăng khi bên này cố gắng bắt kịp bên kia! Vòng xoáy khó có thể ngăn chặn nếu không có sự can thiệp từ Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve-FED), và có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào suy thoái lần nữa. Ông Larry Summers, người từng giữ các vị trí cao trong hai chính quyền Clinton và Obama (nhưng vẫn chỉ trích gói kích thích trị giá $1.9 ngàn tỷ của Biden) nhận định:
“Điều nguy hiểm là chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện lực đẩy của vòng xoáy giá cả-tiền lương, trong đó tiền lương tăng dẫn đến giá tăng; giá tăng cao, tiền lương tăng nữa, và cứ như thế. Từ kinh nghiệm của hai thập niên 1960 và 1970 về kinh tế vĩ mô của tôi, một nền kinh tế phát triển quá nóng không chỉ dẫn đến lạm phát cao mà còn đẩy nhanh tốc độ lạm phát. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế như thế và tôi chưa thấy có dấu hiệu nào nó sẽ sớm hạ nhiệt!”.
Lê Tây Sơn - SàiGòn Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét