Hình minh họa - internet
BA ÔNG GIÀ ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Lê Đức Luận
Những năm gần đây, cư dân vùng Westminster, CA thường
nhắc đến hiện tượng ba ông già Việt Nam đi tìm hạnh phúc. Trong những lúc trà dư
tửu hậu, hoặc ngồi tán gẫu trong quán cà phê, người ta hay đem chuyện cuộc đời
của ba ông già ra kể – có khi rất hào hùng, có lúc thật thê lương – Ai nghe cũng
cảm thấy chạnh lòng! Nào là những ngày Miền Nam sục sôi máu lửa, các ông là những
chiến sĩ can trường, xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương. Rồi khi Miền Nam thất
thủ, các ông đã trải qua những đòn thù khổ nhục trong chốn lao tù - tuổi thanh
xuân đã bị chiến tranh và lòng người hung hiểm vùi dập. Đến một ngày “Thiên đàng
mở cửa” các ông đến được “miền đất hứa” là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nơi đây với
hai bàn tay trắng, sức lực hao gầy trong những tháng năm bị tù đày, nhưng các ông
đã tận tụy, kiên trì, cố gắng hết sức mình để làm viên gạch lót đường cho thế hệ
thứ hai tiến bước. Nhìn con cháu phổng phao đến trường, học hành thành đạt. Các
ông cảm thấy thoả lòng… Khi tuổi già sức yếu các ông âm thầm ở lại với căn nhà
xưa cũ trong khu housing chật hẹp (nhà ở dành cho những người có đồng lương thấp)
hoặc xin vào viện dưỡng lão để khỏi phiền hà đến con cháu.
Không hiểu tự thân các ông già có tìm được hạnh phúc
trong cách chọn lựa lối sống này hay không, nhưng trông hình ảnh lụm cụm, cô đơn,
thẫn thờ…đi lang thang trên đường phố, hay ngồi tư lự trong công viên vào những
buổi chiều tà. Người ta bảo rằng: “Đây là ba ông già đau khổ”.
“Ba ông già đau khổ” - mới nghe qua, những người có
lòng lành động lòng thương cảm, trong đó có tôi. Nhưng phải xem các ông đang “đau”
hay “khổ”- có khi các ông đau mà không khổ hoặc khổ mà không đau?! Nếu tuổi già
mà mang cả đau lẫn khổ thì quả là bất hạnh…
Một buổi chiều đẹp trời, tôi ra công viên tìm gặp các
cụ để xem sự tình những mảnh đời bất hạnh đó có những nhu cầu gì, may ra giúp
cho các cụ bớt được phần nào sự đau khổ.
Gặp ông già thứ nhất - sau những lời chào hỏi xã
giao thông thường, tôi hỏi:
- Sức khỏe của Cụ hiện tại thế nào?
- Cảm ơn ông có lời hỏi thăm. Về sức khỏe không có vấn
đề - ở tuổi này thường không mắc “ba cao” cũng bị một “thấp”. Nhưng có lẽ nhờ
trời thương với lại tôi tập thể dục đều đặn, nên không phải vướng vào. “Ba cao”
là: cao mỡ, cao máu, cao đường. Còn “một thấp” là thấp khớp đấy.
- Cao tuổi mà sức khỏe được như vậy là hạnh phúc lắm
rồi, nhưng tôi thấy hình như cụ có một tâm sự buồn?
- Vừa buồn, vừa khổ ông ạ!
- Tại sao? Tôi hỏi.
Ông già nhìn lên bầu trời xanh lơ, giọng đầy bất mãn:
- Tất cả đều do cái bọn làm truyền thông thiếu lương
thiện – hiện nay người ta gọi là bọn “truyền thông thổ tả” đấy. Những ngày mới
sang đây, tôi cực nhọc với công việc để kiếm tiền nuôi con ăn học; gầy dựng lại
mái ấm gia đình. Cực thì có mà khổ thì không – trong lòng cứ phơi phới niềm vui
khi thấy con cháu chăm chỉ học hành tiến bộ. Bây giờ chúng nó đã thành đạt, có việc
làm ổn định, nhà cửa khang trang, không còn cần đến sự bảo bọc của mình nữa. Thế
là mãn nguyện và an hưởng tuổi già. Ngày xưa các cụ nhà ta, tuổi già có cái vui
thú điền viên. Bây giờ ở bên này, tuổi già tìm thú vui nơi cái TV, sách báo… Đám
già tụi tôi sang đây chỉ được học ESL mấy tháng, rồi lăn lưng vào công việc, tiếng
Anh tiếng u không học được bao nhiêu để nghe đài ngoại quốc, chỉ còn trông cậy
vào truyền thông Việt ngữ. Tuổi già thường hay hoài niệm về quê hương và muốn
theo dõi những sinh hoạt cộng đồng. Nhưng tin tức trong nước thì bưng bít hoặc
tuyên truyền xuyên tạc. Ngoài này thì thoải mái tung hê - tha hồ “bôi tro trát
trấu” – tin giả (fake news), tin thật “loạn xà ngầu”. Mấy cái đài Việt Nam, báo
chí Việt ngữ thì phe nọ, đảng kia – đưa tin, bình luận theo “đơn đặt hàng”, ít
khi có được nguồn tin chính xác hay một bài bình luận khách quan nên chẳng biết
đâu mà lần. Ngày nào lời nói của các cụ là “khuôn vàng thước ngọc”, bây giờ thế
hệ trẻ cho là lạc hậu và những nhận định về thời cuộc của các ông già, chúng nó
coi như chuyện “tào lao”. Những kinh nghiệm trường đời của cha ông không còn là
“kho báu” cho thế hệ trẻ. Chúng nó rành tiếng Anh, nghe đài Mỹ, cập nhật tin tức,
rồi tự cảm thấy mình giỏi giang hơn, cấp tiến hơn, văn minh hơn - mà thực tế là
như vậy nên được các bà mẹ ủng hộ. Đám già tụi tôi chỉ còn là bóng mờ dĩ vãng -
lời nói không đáng một xu! Nhưng xem ra sự khôn ngoan trong xử thế và các giá
trị đạo đức chúng nó còn cần học hỏi nơi các ông già, vậy mà chúng nó ít quan tâm,
còn cho là “lẩm cẩm”! Đám già cảm thấy lạc lõng, cô đơn…chỉ thầm lặng nhớ đến câu
thơ của ông Tú Xương: “Nhà kia lỗi đạo
con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” mà não lòng…
Ông già trầm ngâm, nói tiếp: - Cái khổ nhất trong đời
người là mất niềm tin. Truyền thông đóng
một vai trò quan trọng tạo dựng niềm tin, nhưng ngày nay đã mất hết rồi. Khổ lắm
ông ạ!
Tôi đến gặp ông già thứ hai - trông ông không được khoẻ
mạnh - mập phì, đi đứng khó khăn chậm chạp. Cũng qua câu chào hỏi xã giao, tôi
hỏi:
- Cụ cảm thấy tuổi già ở bên Mỹ - sướng khổ thế nào?
- Không khổ, mà đau bệnh hoài ông ạ.
Tôi vớt vát một câu xã giao an ủi:
- Tuổi già đau bệnh là lẽ thường, ít ai tránh khỏi…
Ông già trầm ngâm, có vẻ tự trách:
- Già sinh bệnh là lẽ thường, nhưng cũng do mình ngây
thơ tin vào tuyền thông nên mới ra cớ sự. Khi tôi sang đây, mấy đứa con đã lớn,
tôi chỉ làm việc nuôi chúng nó vài năm. Sau đó chúng nó mở cơ sở làm ăn khấm khá:
đứa tiệm tóc, đứa tiệm nail. Thương ông già bao năm khổ cực ở quê nhà, chúng bảo
tôi thôi làm việc cho khỏe và đua nhau phụng dưỡng cha già. Tôi được thưởng thức
các món ngon vật lạ - hưởng thụ văn minh vật chất Hoa Kỳ. Các con tôi xem TV,
thấy thứ gì quảng cáo bổ dưỡng là mua về biếu tặng: nào là sữa ong chúa, đông
trùng hạ thảo; các loại dược thảo mát gan, bổ thận, duỡng tim, khỏe phổi đều có
cả …Trong nhà đủ bộ Super của Phạm Hoàng Trung: Super Liver, Super Vision,
SuperBone… Nhưng càng uống lục phủ ngũ tạng càng rã rời…
- Vậy cụ có còn dùng dược thảo nữa không? Tôi hỏi.
- Bỏ lâu rồi! Bây giờ uống thứ gì đều hỏi bác sĩ gia đình.
Thấy ông già có vẻ cởi mở, tôi đùa:
- Có một nơi chữa bịnh cao mỡ, cao máu, cao đường, mập
phì thần kỳ - không cần thầy, cần thuốc.
- Nơi nào? Ông già hỏi.
- Xin vào các “Trại tập trung cải tạo” ở Việt Nam.
Ông già cười hì hì:
- Ừ! Trong đó còn có thứ thuốc bổ phổi lại trừ lao
hay hết biết là thuốc lào. Nhưng thôi! Cho em xin! Đã ở trong đó hơn sáu năm trước
khi qua đây – Chớ có dại!
Hôm sau tôi tìm gặp ông già thứ ba. Thoáng trông đã
biết ông là người vừa đau vừa khổ - hai tay run run tỳ trên thanh ngang của chiếc
xe tập đi cho người già, cái lưng còng quá độ trên tấm thân gầy guộc xiêu xiêu
từng bước theo chiếc xe lăn. Ông thẩn thờ nhìn những chiếc lá vàng rời cành
chao bay trong gió, thỉnh thoảng lầu bầu những lời không nghe rõ. Tôi theo sau ông
một đoạn đường, mới lên tiếng chào:
- Xin chào thầy, hôm nay đẹp trời thầy ra đây ngoạn cảnh?
- Hôm nào tôi cũng tập đi trên con đường này, già mà
cứ ngồi một chỗ sẽ liệt đấy ông ạ.
Trong vùng này nhiều người biết đến ông qua các buổi
hội luận và các bài khảo cứu đăng trên báo về lịch sử Việt Nam cận đại. Riêng tôi,
đã biết ông từ trước năm 1975. Ông là Giáo sư dạy Sử Địa nổi tiếng ở trường Võ
Tánh - Nha Trang. Ông giảng bài hấp dẫn như nghe chuyện kiếm hiệp và có nhiều bài
khảo cứu lịch sử giá trị đăng trong Tập San Sử Địa. Ông đã qua một thời vang bóng
và là thần tượng của nhiều học sinh trường Võ Tánh - Nha Trang trong thập niên
60-70.
Bây giờ trông ông tàn tạ, tôi cảm thấy ái ngại nêu lên
câu hỏi. Nhưng ông bộc bạch:
- Tuổi già mấy ai tránh khỏi đau bệnh. Đau bệnh nó đến
rồi đi – lúc mệt, lúc khỏe là chuyện thường tình. Nhưng cái khổ thì cứ miên man
ông ạ - có lẽ mình còn nặng nợ với trần gian nên cứ vấn vương “nỗi khổ”.
- Điều gì đã làm cho Thầy vấn vương nỗi khổ? Tôi hỏi.
- Vấn đề lịch sử nước nhà – Tôi đã học và nghiên cứu
lịch sử suốt cả cuộc đời. Mọi người đều biết rằng: quá khứ không thể đổi thay –
nó đã được lưu vào sử sách để con cháu đời sau biết việc làm của cha ông mà hãnh
diện, vinh danh hay rút kinh nghiệm. Nhưng thời nay con nguời thường “chính trị
hoá lịch sử”: bóp méo, vo tròn, xuyên tạc lịch sử theo nhu cầu đảng phái, quyền
lợi cá nhân, phe nhóm. Sự thật không còn được tôn trọng.
- Người xưa đã bảo:
. Biết mà không nói là bất nhân’
. Thấy sai mà không chỉ cho người ta sửa là bất
nhẫn.
. Biết sai mà
cứ nói, cứ làm để an thân, thủ lợi là bất lương.
. Không phân
biệt được đúng sai, cứ làm càng, nói bậy là bất trí.
-Tôi không muốn là kẻ: bất nhân, bất nhẫn, bất lương
và không trí tuệ, cho nên từng đêm tôi tra cứu, suy tư về lịch sử để viết những
bài khảo luận, những mong soi sáng lịch sử nước nhà. Nhưng than ôi! Bây giờ “Mười
nguời đọc, chín người thôi” - giống như ông Trần Tế Xương đã than: “Cái học nhà nho đã hỏng rồi / Mười người đi
học, chín người thôi”…
- Đó là nỗi khổ ông à...
Sau khi gặp gỡ, phỏng vấn ba ông già, tôi thấy: một ông
khổ mà không đau; một ông đau mà không khổ; một ông bị cả khổ lẫn đau. Và cả ba
ông đều không tìm được hạnh phúc cho tuổi già, nên cứ mãi đi tìm.
Một ngày đẹp trời, tôi tình nguyện lái xe đưa ba ông
già đi thăm một người bạn trước đây cùng ở trong khu housing, nhưng nay đã trả
nhà cho chính phủ để “đi tu tiên”. Được biết trước năm 1975, ông là giáo sư dạy
Triết ở trường Võ Tánh-Nha Trang, bạn thân với ông Giáo sư Sử Địa. Gia đình ông
vượt biên sang đây được vài năm thì vợ bỏ đi theo người khác. Ông không có con
cái gì, và được hưởng tiền trợ cấp xã hội (welfare) - đủ sống… nên không bận tâm
về việc làm và vấn đề tài chánh. Những người quen biết tưởng rằng ông vào chùa
hay tịnh cốc nào đó tu hành cho quên nỗi buồn thế sự… nhưng khi đến nơi mới thấy:
không phải chùa chiền, tịnh cốc mà chỉ là cái lều vải đơn sơ căng trong khu rừng
vắng, cách con lộ chính vài miles. Dân cư trong vùng gọi là “Ông già Á đông
homeless”.
Phải khen ông khéo chọn nơi này - nắng chiều xuyên
qua kẽ lá rừng phong làm cho những chiếc lá vàng cuối thu thêm óng ả, bên cạnh
căn lều có con suối nhỏ nước trong trông tận đáy – róc rách, lững lờ, mát rượi…một
cây hoa giấy đỏ rực màu xác pháo phủ lên một góc căn lều - một cảnh thiên nhiên
tuyệt đẹp như tranh vẽ!
Chúng tôi dừng lại trước căn lều. Một ông già râu tóc
bạc phơ nheo mắt nhìn chúng tôi, mỉn cưởi hiền hậu như một tiên ông. Ông vui vẻ
bắt tay từng người, rồi hỏi:
- Ngọn gió nào đưa quý ông đến đây?
Ông Giáo sư Sử Địa lên tiếng, trả lời:
- Muốn đến thăm ông, xem ông tu hành đến đâu để bắt
chước cho đời bớt khổ.
- Tôi nghe người ta bảo ba ông đang đi tìm hạnh phúc.
Vậy quí ông đã tìm ra chưa? Theo tôi nghĩ: - Hạnh phúc đâu có rơi vãi bên ngoài
mà đi tìm – nó tự tại trong suy tưởng của mỗi con người. Nguồn gốc của hạnh phúc
là sự tự do. Sống trên đất Mỹ tự do có thừa mà không cảm nhận được hạnh phúc, là
do mình chưa vận dụng đúng mức chữ tự do nên nỗi khổ cứ miên man.
Một ông già phản biện:
- Chính cái “tự do dư thừa” đó làm cho con người đau
khổ đấy ông ạ.
Ông già tu tiên chậm rãi, nói:
- Ừ! Có người còn nôm na bảo rằng dân Mỹ đang “bội thực
tự do”. Nhưng giữa bội thực với không có cái gì bỏ vào mồm - giữa tự do và độc
tài - ông chọn cái nào?
Ông già kia ú ớ! Ông tu tiên tiếp tục:
- Cứ nôm na coi “tự do” như “thực phẩm” thì Tự do, tự
nó là tốt lành nuôi dưỡng tinh thần như thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể. Chỉ vì con
người tham lam - tự đánh mất bản ngã của mình – cái thân còn đó, nhưng suy tư tách
biệt – đôi khi đối lập với chính mình. Hegel, một triết gia duy tâm nổi tiếng
người Đức vào thế kỷ 19 gọi đó là hiện tượng vong thân. Trong xã hội ngày nay có
lắm kẻ vong thân làm cho nhân loại tăng thêm nỗi khổ.
Ông già nhìn mọi người với ánh mắt rưng rưng. Và ông
nói như thầm nhủ với chính mình:
- Đám già chúng ta thường sống trong hoài niệm với tâm
trạng của con hổ trong vườn bách thú. Cứ mãi nhớ ngày nào:“ …Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn
tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc/ Trong hang
tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi…” (Thơ Thế Lữ)
Nhưng than ôi! “Thời
oanh liệt nay còn đâu!”
Ông già tiếp tục:
- Nỗi khổ cứ miên man - làm sao để tiêu trừ? Người đời
thường bảo: “tuổi già đau khổ”. Nhưng khi chiết tự mới thấy: cái đau không giống
cái khổ - cái đau phát xuất từ thân, cái khổ phát xuất từ tâm (cảm nhận). Đau là
cụ thể mà khổ thì trừu tượng. Đau nằm trong ý thức, khổ lặn trong vô thức. Thầy,
thuốc có thể chữa dứt cái đau. Còn khổ phải tự thân quán chiếu giải trừ - ngoại
nhân bất lực!
Bây giờ “ông già tu tiên” nhìn chúng tôi như đám học
trò đang nghe thầy giáo giảng bài. Ông tiếp tục nói:
- Đem hai chữ “thân”, “tâm” ra luận: thân là cơ thể
(gồm lục phủ, ngũ tạng, và năm giác quan). Tâm ở đây là tinh thần, là tâm thức, là sự cảm nhận. Con
người kết hợp hai phần: thân và tâm - sinh lý thuộc thân, tâm lý thuộc tâm. Thân
là cụ thể, Tâm lại vô hình nhưng luôn luôn khắn khít với nhau - khi Thân đau thì
Tâm khổ; khi Tâm khổ khiến Thân đau.
- Cho nên giữ cái Thân được An, cái Tâm được Lạc là có
ngay hạnh phúc. Có lẽ không có câu cầu chúc nào cho những người già hay hơn là:
“Cầu chúc Thân Tâm thường An Lạc”. Tôi xin cầu chúc quý ông được như vậy trong
Năm Mới Nhâm Dần!
Tới đây thì nắng chiều sắp tắt, khu rừng phong đượm nét
cô liêu. Chúng tôi ra về, ông già homeless tiếp tục ở lại tu tiên. Tôi tự hỏi:
- Trong bốn ông già, không biết ông nào sẽ là người tìm được hạnh phúc trong cõi
ta bà này?
LÊ
ĐỨC LUẬN
(Tháng 12-2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét