Ngày 23 tháng Chạp ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc... là ngày lễ cúng Táo Quân hay Ông Công Ông Táo lên trời. Tại sao lại là cá chép và cách thả cá chép nên như thế nào?
ĐÔI NÉT VỀ TỤC LỆ THẢ CÁ CHÉP TRONG NGÀY CÚNG TÁO QUÂN
Bình Nguyên
Cá chép hóa rồng như thế nào? Việc này liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Khi ấy, ngài có xẻ núi Long Môn để dòng Hoàng Hà hùng vĩ chảy xuyên qua đá tạo thành một ngọn thác sầm sập từ trên cao đổ xuống...
Ngày 23 tháng Chạp ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc... là ngày lễ cúng Táo Quân hay Ông Công Ông Táo lên trời.
Sự tích Ông Công Ông Táo ở các nơi có thể khác nhau đôi chút, cách cúng cũng khác nhau. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ bàn đến việc thả cá chép để làm vật cưỡi cho Táo Quân lên thiên đình. Tại sao lại là cá chép và cách thả cá chép nên như thế nào? Độc giả có thể xem đây là một gợi ý từ góc nhìn văn hóa.
Tại sao lại chọn cá chép?
Trong các loài vật trên cạn, dưới nước thì duy nhất cá chép có thể hóa rồng và bay lên trời được. Các con vật cưỡi khác như trâu, ngựa, voi... không thể bay lên trời. Có những linh vật của các vị Thần, Phật, Bồ Tát cũng có thể thăng thiên như: trâu xanh của Đức Lão Tử, voi trắng của Phổ Hiển Bồ Tát, sư tử xanh của Văn Thù Bồ Tát... nhưng đó là cá biệt vì những con vật đó có lai lịch sâu xa.
Vậy chẳng phải các vị Táo Quân cưỡi chim có thể bay lên trời nhanh hơn ư? Còn tùy vào cách hiểu thế nào là “Trời”. Trời ở đây không phải là khoảng cách tương đối với mặt đất, mà là một không gian khác mà nói chung chỉ có các linh vật như rồng mới có thể bay đến được. Thế nên phải là cá chép, vì nó có thể hóa rồng.
Trời ở đây không phải là khoảng cách tương đối với mặt đất, mà là một không gian khác mà nói chung chỉ có các linh vật như rồng mới có thể bay đến được. Thế nên phải là cá chép, vì nó có thể hóa rồng. (Ảnh: Shutterstock)
Cá chép hóa rồng như thế nào? Việc này liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Khi ấy, ngài có xẻ núi Long Môn để dòng Hoàng Hà hùng vĩ chảy xuyên qua đá tạo thành một ngọn thác sầm sập từ trên cao đổ xuống. Khi đối diện với ngọn thác cao vút hiểm trở này, chỉ có con cá chép phi thường mới có thể vượt qua được. Và khi qua được thì với phẩm chất ấy, nó có thể hóa rồng và bay lên trời.
Cho nên, các vị Táo Quân nhất định phải chọn cá chép, không phải là loài vật nào khác.
Cách thả cá chép
Bên cạnh ý nghĩa hiến vật cưỡi cho các Táo Quân, việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa phóng sinh, đó là lòng từ bi của người Việt. Vì muôn vật có đức hiếu sinh, ông Trời cũng có đức hiếu sinh cho nên thả cá để phóng sinh thì chính là trên thuận ý Trời, dưới hợp lòng người. Thế thì, việc thả cá đã là mang ý nghĩa tâm linh quan trọng trong tâm thức bao đời người Việt chúng ta.
Đã là một nghi lễ tâm linh thì rõ ràng cách thả cá như thế nào cũng rất quan trọng. Cá cần phải được thả sớm để cá còn khỏe. Thái độ khi thả cá cũng cần xét đến, ấy là sự cung kính với Trời Đất, với Thần. Người ta hay nói: “Người đang làm, Thần đang nhìn” hay “trên đầu ba thước có Thần linh”. Khi đã làm thì hãy đặt tâm làm cho trọn vẹn, đấy mới là điều các Thần chứng giám.
Vậy thì không thể vứt "tòm" cá xuống nước cho xong việc, còn thì sống chết mặc bay. Thả cá như vậy thì có thể đã tiễn cá về Địa Phủ, lên trời làm sao được? Cũng không được để cá trong túi ni lông rồi vứt cả túi xuống, cá cũng dễ chết, mà lại phá hoại môi trường. Thả cá đúng cách ấy là phải chọn chỗ nước lặng, nước trong, để cá trong hai lòng bàn tay mà nhẹ nhàng thả xuống nước.
Vậy thì không thể vứt "tòm" cá xuống nước cho xong việc, còn thì sống chết mặc bay. Thả cá như vậy thì có thể đã tiễn cá về Địa Phủ, lên trời làm sao được?
Vì thả cá chép sống mang nhiều ý nghĩa như vậy, nên thả cá sống thì hay hơn là đốt cá giấy. Việc đốt cá giấy suy diễn từ tục đốt vàng mã, vốn là một sự thay thế cho vật sống trong nghi thức tuẫn táng xa xưa, không phải hình thức nguyên thủy của nghi lễ thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp.
Vì chỉ có ba vị Táo Quân (hai ông một bà) nên chỉ cần thả 3 con cá chép khỏe mạnh là đủ. Nếu thả ít hơn thì có lẽ các vị phải cưỡi chung chăng? Cũng không hợp lý.
Đáng lên án nhất là việc đầu này thả cá, đầu kia bắt lại đem bán cho người khác thả và cứ thế diễn đi diễn lại. Ấy là làm nên tội, tội với Thần và tội với sinh linh. Cản trở, đánh lừa các Thần là một tội rất lớn sẽ phải chịu hậu quả không nhỏ. Vả lại, cá chép bắt lên bắt xuống thì sống sao được? Còn gì ý nghĩa phóng sinh nữa? Bản thân việc biến thủ tục thả cá chép từ một nghi lễ linh thiêng thành một hành vi trục lợi chính là phá hoại văn hóa, truyền thống và lòng tin của con người với nhau, với xã hội.
Nên thả cá chép ở một nơi phù hợp nhất: sông
Có bạn đọc sẽ quan tâm nên thả cá đi đâu? Theo thiển ý của chúng tôi thì phải thả ra sông. Ao hồ là bất đắc dĩ. Lấy sự tích cá chép hóa rồng mà nói, chỉ có trên dòng chảy cuồn cuộn của dòng sông, nơi có những ghềnh thác hiểm trở thì cá chép mới có cơ hội để hóa rồng. Thả cá chép trong ao tù nước đọng thì cá chỉ quanh quẩn trong đó, hóa rồng sao được và bay đi đâu?
Hơn nữa, dòng sông không chỉ là dòng sông, nó còn là dòng chảy của thời gian. Người ta theo dòng sông mà ngược về quá khứ, xuôi đến tương lai, ấy là trong chuyện xưa tích cũ. Dòng sông còn là con đường dẫn đến một thế giới khác cõi trần. Trong văn hóa Tây phương, con người khi chết phải đi qua một dòng sông Styx (hay Argon) để xuống đến âm phủ - đấy là chuyện được ghi lại trong Thần thoại Hy Lạp.
Trong tuyệt tác Thần Khúc của đại thi hào Italia thời Trung Cổ là Dante Alighieri, Dante và nhà thơ Virgil phải dừng chân tại bờ sông Acheron, là các con sông mà các linh hồn phải vượt qua trước khi tiến vào địa ngục.
Ở văn hóa Á Đông thì có dòng Vong Xuyên Hà, người ta vượt dòng sông này thì đến thế giới địa phủ. Trong truyện Tây Du Ký, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân phải trở về dương gian qua đường sông Vị Thủy sau khi đi chơi âm giới ba ngày. Thầy trò Đường Tăng cũng phải vượt qua một con sông rồi mới đến đất Phật. Tại bến Lăng Vân có Tiếp Dẫn Phật Tổ đón đưa lên thuyền để vượt sông.
...Chỉ có trên dòng chảy cuồn cuộn của dòng sông thì cá chép mới có cơ hội để hóa rồng. Thả cá chép trong ao tù nước đọng thì cá chỉ quanh quẩn trong đó, hóa rồng sao được và bay đi đâu?
Nói chung, dòng chảy của sông chính là con đường để đến một thế giới khác, có thể là thiên đàng hay Địa Phủ hay cõi Cực Lạc... Do vậy, cá chép cần thả ra sông mới có thể đưa Ông Táo lên trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Nét đẹp văn hóa cần trân trọng và lưu giữ
Tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp trong lễ cúng Táo Quân là một truyền thống đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt. Nhưng có lẽ việc tìm hiểu ý nghĩa của tục lệ này là cần thiết để chúng ta thêm trân trọng những di sản tinh thần của cha ông và lưu lại nét đẹp ấy cho các thế hệ tương lai. Văn hóa dân gian vốn có ít ghi chép, phần lớn căn cứ vào truyền miệng nên chúng tôi không dám khẳng định cách hiểu này là tuyệt đối chính xác. Do vậy, bài viết này chỉ là một sự quan sát cá nhân có tính gợi mở, với kỳ vọng khiến độc giả thêm yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc Việt.
Ta hãy tạm biệt cá chép – loài cá thần, bằng bài thơ Cá chép vượt đăng của cụ nghè Nguyễn Khuyến:
“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?”
Bình Nguyên - NTD Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét