Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Tại Sao 'Ông Công Ông Táo' Phải Chầu Trời Ngày 23 Tháng Chạp?

 

Mâm cơm đủ đầy cúng ông Táo về chầu trời (Ảnh minh họa)

TẠI SAO 'ÔNG CÔNG ÔNG TÁO' PHẢI CHẦU TRỜI NGÀY 23 THÁNG CHẠP MÀ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGÀY KHÁC?
Phương Anh

Cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, 'ông Công ông Táo' về chầu trời để báo cáo tình hình hạ giới trong suốt một năm qua. Có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao lại là ngày 23?

Tết Táo Quân là một nghi thức quan trọng, cận kề với Tết Nguyên Đán, và đó cũng là một dịp để mọi người trong gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là 'Tết ông Công' hoặc 'Tết Táo Quân'.

Người Việt tin rằng, hàng năm đến ngày này, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Với mong muốn ông Công ông Táo sẽ phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm mâm cơm cúng tiễn Táo Quân chầu trời một cách long trọng.

Lễ vật cúng Táo Quân gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ tượng trưng cho Táo bà. Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu và một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ.

Những đồ 'vàng mã' sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Quân. Sau khi cúng Táo Quân, người ta đem đốt hóa mã.

Lễ cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia chủ (Ảnh minh họa)

Theo tín ngưỡng cổ truyền lý giải nguồn gốc ra đời của Táo Quân, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian trong một năm qua.  

Theo đó, ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày 'mở cổng trời', tức là thời điểm 3 hành tinh Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất ở trên một quỹ đạo. Nếu ông Công ông Táo lên chệch ngày thì 'cổng trời' sẽ đóng, chính vì vậy sẽ không thể vào tâu với Ngọc Hoàng.

Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này. Thời gian đẹp nhất diễn ra từ tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch đến trưa ngày 23.

Cúng ông Táo không phải là hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa hướng con người đến những điều thiện và giá trị tốt đẹp trong cuộc sống

Tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình, lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia chủ. Lễ cúng phải được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23/12 âm lịch và đọc văn khấn cúng ông Táo theo phong tục.

Tuy nhiên, các chuyên gia văn hoá cho rằng, thời gian cúng tốt nhất là từ 11 giờ – 13 giờ ngày 23 tháng Chạp. Do đó gia chủ cần cố gắng thu xếp thời gian và chuẩn bị lễ vật đầy đủ để cúng lễ vào khung giờ trên.

Nhưng hiện nay tùy vào điều kiện từng gia đình, mà có thể làm lễ tiến ông Công ông Táo vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước. 

Thumb: Phương Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét