Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Hoa Đào Ngày Tết Mang Ý Nghĩa Gì?

 

Hoa đào dùng để trang trí trong nhà vào ngày tết với mong muốn mang đến nhiều may mắn

HOA ĐÀO NGÀY TẾT MANG Ý NGHĨA GÌ?, NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA TỪNG LOẠI
Hải Trà

Đào là loại cây không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Những cây đào với màu hồng đậm hoặc hồng nhạt làm cho không khí trở nên ấm cúng, báo hiệu một năm mới chuẩn bị gõ cửa. Hoa đào ngày tết mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, xuất hiện nhiều trong cái tết của người miền Bắc. Dưới đây là những thông tin hữu ích liên quan đến loại cây đặc biệt này. 

Hoa đào ngày tết - Loài cây mang hơi thở mùa xuân 

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, những cành đào với đủ thế, đua nhau khoe sắc lại được bày bán trên khắp mọi nẻo đường. Đào từ lâu đã là loại cây không thể thiếu trong nét văn hóa của người dân miền Bắc dịp đầu năm. Thấy đào là thấy tết, nó được bày trong phòng khách của các gia đình hoặc bày trên bàn thờ tổ tiên.

Nguồn gốc của hoa đào 

Cây hoa đào có lịch sử hình thành từ khá lâu đời. Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng loại cây này đã xuất hiện từ 7.500 năm trước. Sau này, người ta lai ghép để lấy quả hoặc phục vụ cho mục đích làm cảnh.

Ban đầu, cây hoa đào được tìm thấy nhiều tại vùng đất Ba Tư. Sau đó một vài quốc gia như Lào, Trung Quốc hay Mông Cổ… cũng bắt đầu trồng đào. Tại Việt Nam, đào là biểu tượng cho ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nó được các gia đình mua về, trang trí trong nhà. 

Đặc điểm của cây hoa đào

Cây đào có tên khoa học là Prunus, thuộc loại thân gỗ, chiều cao dao động từ 5 đến 10m. Lá cây nhỏ, hình mũi mác, màu xanh non và đậm dần khi trưởng thành.

Lá cây dài tầm 5 đến 15cm. Hoa đào có nhiều màu nhưng được sử dụng nhiều nhất vẫn là màu hồng nhạt và hồng đậm. Người miền Bắc thường gọi loại đào đậm là bích đào, đào hồng nhạt là đào phai. Hoa nở vào mùa xuân, có 5 cánh, mọc đơn hoặc mọc đôi. 

Cây Đào được trồng để lấy quả hay hoa, cây thân gỗ nhỏ, có thể cao tới 5–10 m

Sau mùa hoa là đến mùa quả. Thông thường đào cảnh ngày tết khi kết trái, quả sẽ không to như đào vườn, đào nuôi nhằm mục đích lấy quả.

Quả khi chín vỏ có màu xanh hoặc màu hồng ngả vàng, bao bọc bên ngoài bởi một lớp lông. Phần thịt màu trắng, thơm chịu nhẹ, khi ăn cảm giác ngọt ngọt nơi đầu lưỡi. Rễ cây phân nhánh, thuộc dạng rễ cọc với khả năng chịu hạn tốt, chịu úng kém. 

Phân loại hoa đào 

Hoa đào được chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại lại mang đến một màu sắc riêng biệt, trong đó đào phai và đào bích là phổ biến nhất. Dưới đây là một vài đặc tính của hoa đào:

* Đào phai: Đào này có màu hoa hồng nhẹ nhàng, thanh lịch và tinh tế. Nó xuất hiện nhiều trong dịp tết nguyên đán

* Bích đào: Màu hoa hồng đậm, nổi bật hơn so với đào phai. Ngày tết, bích đào được trang trí trong nhà hoặc cắm trên bàn thờ gia tiên. 

* Bạch đào: Mùa hoa trắng tinh khôi, thuần khiết. Hoa 5 cánh mọc đan xen vừa sang trọng, vừa tinh tế. Bạch đào ngày nay khá khó tìm. Tại Việt Nam, loại đào này chỉ xuất hiện ở các vùng núi phía Tây Bắc. 

* Đào má hồng Đà Lạt: Tên gọi khác của loại đào này là đào vạn trượng hoặc đào lông. Nó được ghép từ gốc đào rừng Đà Lạt với mầm bích đào, hồng đào hay bạch đào… Khi ra hoa, đào má hồng nở hoa kép, mùi thơm đặc trưng. 

* Đào thất thốn: Giống đào này khá quý, khi xưa được dùng để tiến vua. Mỗi nhánh có 7 bông hoa, màu sắc rực rỡ ấn tượng vô cùng. 

* Đào đá: Loại này mọc nhiều ở trong những khu rừng. Thân cây có phần hơi xù xì, cành to và chắc khỏe. Nhiều loại sinh vật ký sinh trên thân cây tạo nên vẻ ngoài vô cùng đặc biệt. Hoa đào có 5 cánh, nhưng số lượng mọc trên cành ít hơn so với đào phai và đào bích. 

Đào được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến nhất là đào phai và đào bích

Ý nghĩa hoa đào ngày tết 

Cành lá mảnh mai, hoa nở nhẹ nhàng, tinh tế là những gì có thể nói khi nhắc đến cây hoa đào. Không phải tự nhiên mà loại cây này lại trở thành biểu tượng cho ngày tết. Hoa mang nhiều ý nghĩa, là khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp. 

Xua đuổi tà ma 

Xưa kia, tại vùng núi Sóc Sơn, có một loại cây được mọc từ rất lâu mang tên hoa đào. Cành lá cây khỏe mạnh, lá mọc rậm rạp, hoa rực rỡ, nổi bật. Lúc bấy giờ trong dân gian có hai vị thần mang tên là Uất Lũy và Trà trú ngụ tại 2 cây hoa đào. Họ giúp dân chúng xua đuổi tà ma, giúp dân sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. 

Theo quan niệm Hoa đào xua đuổi tà ma, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi gia đình

Cứ đến dịp cuối năm Ngọc Hoàng lại triệu tập Uất Lũy và Trà về chầu trời. Tuy nhiên vì sợ cây hoa đào đỏ rực của 2 vị thần nên quỷ dữ không dám làm hại con người. Chính vì thế, người dân liền bẻ cành đào đem cắm trong nhà mỗi dịp cuối năm và đầu năm mới nhằm mục đích tránh quỷ, xua đuổi tà ma. 

Tượng trưng cho sự sinh sôi

Ý nghĩa tiếp theo của cây hoa đào đó chính là tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Mỗi cành đào đều mọc nhiều hoa, hoa đan xen và quấn lấy nhau. Khi trưng bày đào trong ngày đầu xuân năm mới sẽ mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình. 

Nhiều địa phương còn sử dụng cây hoa đào để trang trí cho đám cưới. mục đích là để cầu chúc cho đôi tân lang, tân nương có được một cuộc sống viên mãn, “con đàn cháu đống”, gia đình yên bình, hạnh phúc. 

Biểu tượng cho sự thuận hòa, gắn kết 

Một ý nghĩa khác của cây hoa đào đó chính là biểu tượng của sự thuận hòa, gắn kết. Đây là loài hoa của sự thủy chung như tình nghĩa của Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi. Họ từng kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào với lời thế về sinh mệnh “Không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày”. Cũng bởi lý do này mà hoa đào còn được mệnh danh là loài hoa của những đức tính tốt đẹp nhất. 

Hoa đào ngày tết mang ý nghĩa về sự gắn kết, thuận hòa, là loài hoa của tình nghĩa

Loài hoa của sự thịnh vượng 

Hoa mang sắc hồng rạng rỡ. Theo dân gian, đây là màu sắc của sự may mắn, nhẹ nhàng và mộng mơ. Mỗi gia đình sẽ luôn cảm thấy ấm cúng trong ngày đầu năm mới. Niềm vui, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp với biết bao điều may mắn. Một cuộc sống an yên, ấm áp và thịnh vượng chuẩn bị đến với gia đình bạn. 

Cách trồng cây hoa đào kết nhiều hoa trong ngày tết

Cây hoa đào có thể sinh trưởng tốt trong môi trường khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp. Cây ưa sáng, khả năng sinh trưởng ở mức trung bình. Khi chăm sóc hoa đào ngày tết cần đúng lý thuật hoa mới nở nhanh, cành lá chắc khỏe. Dưới đây là một số lưu ý trong kỹ thuật trồng cây hòa đào bạn không nên bỏ qua:

* Tuốt lá cho cây: Việc tuốt lá sẽ giúp hàm lượng chất dinh dưỡng được tập trung, hoa nở to và đẹp hơn. Bạn nên tuốt lá hoa đào vào tầm giữa tháng 11 âm lịch. Từ đó cây mọc lá non, đâm chồi nảy lộc đúng dịp tết đến, xuân về. 

* Bón phân cho cây hoa đào: Bước tiếp theo đó là bón phân. Nên bón phân sau khi tuốt lá không nên bón trước. 

* Tiến hành đảo cây: Sau khi trồng đào được một thời gian, bạn nên tiến hành đảo cây. Đào một hố đất mới rồi trồng cây đào từ hố đất cũ sang hố mới. Như vậy cây được kích thích, gia tăng khả năng chống chịu dưới mọi loại đất trồng khác nhau. 

* Kích thích cho cây: Thông thường, người ta thường đặt chậu cây vào trong phòng hoặc tưới nước ấm mỗi ngày để hoa nở đúng vào dịp Tết. Cứ tầm 2 đến 3 ngày lại tưới nước một lần, mỗi ngày tưới từ 5 đến 6 lần. Nhiệt độ nước tầm 40 đến 50 độ là thích hợp nhất. Lưu ý không nên tưới quá nhiều nước, chỉ tưới với lượng vừa phải. 

Cần chăm sóc cây hoa đào thật chu đáo, tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều và lâu tàn hơn

Cách chăm sóc hoa đào nở lâu hơn 

Hoa đào ngày tết thường được trồng trong chậu hoặc cắm lọ đặt tại phòng khác, trên bàn thờ. Với mỗi loại, cách chăm sóc sẽ khác nhau. Chăm sóc đúng cách hoa nở lâu và khó tàn hơn. 

Đối với hoa trồng trong chậu 

Cây hoa đào khi được trồng trong chậu cần phải được tưới nước hàng ngày. Tuy nhiên chỉ tưới với lượng vừa đủ, không nên tưới quá nhiều để tránh làm úng và thối rễ. Nên đặt chậu cây ở những nơi thoáng mát, nhiều gió, hoa sẽ nở lâu và bền hơn. Cách tốt nhất để khiến hoa nở chậm đó là đắp vôi xung quanh gốc hoặc rải ít sỏi lên trên. Như vậy, hoa sẽ nở từ từ, không tàn nhanh. 

Hoa đào khi được trồng trong chậu hoặc cắm trong bình cũng cần phải tưới hoặc thay nước thường xuyên

Đối với hoa đào cắm cành 

Nhiều người cho rằng, hoa đào cắm cành sẽ nhanh héo, cành dễ bị thâm, khó phát triển. Chính vì thế, cành đào trước khi đem về nên đốt gốc hoặc nhúng vào một chậu nước nóng. Cách này sẽ làm cho hàm lượng dinh dưỡng có trong thân cây không bị mất ra ngoài, cây sống lâu hơn, hoa bền và không bị nhanh úa. 

Hoa đào nở vào đầu mùa đông kéo dài đến tết

Đồng thời khi cắm cành hoa vào trong lọ, bạn lưu ý cần phải thay nước thường xuyên. Cứ từ 2 đến 3 ngày lại thay nước một lần. Phần gốc rửa sạch rồi cằm vào trong phần nước mới vừa thay.

Để giữ cho cành hoa đào lâu tàn, bền đẹp hơn bạn nên cho vào trong lọ thêm mấy viên B1. Hoặc khi thấy hoa đào nở quá nhanh, nở quá nhiều hãy dùng dao rạch một vòng tròn xung quanh gốc. Cách này sẽ khiến hoa không bị mất đi hàm lượng dinh dưỡng, hạn chế tình trạng hoa nở nhanh. 

Hoa đào trên vùng núi cao

Hoa đào ngày tết mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho sự sinh sôi, cho sức sống và những điều may mắn trong năm mới. Để hoa nở đều và đẹp, bạn cần trồng trọt và chăm sóc đúng cách. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về loại cây phổ biến này. 

Nguồn: Hải Trà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét