7 THỨ NGƯỜI GIÀU KHÔN NGOAN TỪ CHỐI CHI TIỀN, NGƯỜI CHƯA GIÀU LẠI VÔ CÙNG HAM MUỐN
Thúy Phương
Dám tiêu tiền thì mới biết cách kiếm ra tiền. Tuy nhiên, những người giàu khôn ngoan sẽ từ chối chi tiền cho 7 khoản sau đây.
Có những người luôn theo đuổi sự thỏa mãn về vật chất, mua cho mình mọi thứ theo sở thích. Ngược lại, cũng có những người chỉ sống tiết kiệm và có xu hướng chỉ tiêu những gì họ có thể mua được. Họ luôn tìm cách để làm cho tiền của mình tăng lên, thay vì tiêu nó, đặc biệt là với 7 thứ sau đây.
1. Mua ô tô mới tinh
Chuyên gia tài chính cá nhân Lynnette Khalfani-Cox cho biết: “Người thực sự có vài trăm nghìn đô la trong ngân hàng, hoặc thậm chí có thể là triệu phú, sẽ lái một chiếc ô tô 5 năm tuổi hoặc thậm chí 10 năm tuổi.”
Theo báo cáo của Steven John, một chiếc ô tô mới có thể mất đi 10% giá trị trong tháng đầu tiên và 20% giá trị trong năm đầu tiên. Một người giàu khôn ngoan sẽ chấp nhận sự “thua lỗ” hiển nhiên như vậy.
Họ biết rằng một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng vẫn giữ được độ bền mới là thứ giá trị lâu dài nhất. Sử dụng chiếc xe ấy càng lâu thì họ càng có thể tiết kiệm được rất nhiều.
2. Thuê ô tô sành điệu
Trong vấn đề đi lại, Khalfani-Cox cũng cho rằng, "Những người giàu khôn ngoan sẽ không bỏ ra 50.000 đô la để thuê một chiếc xe. Sau đó, họ lại đổi sang thuê một chiếc khác vào năm sau.”
Chi trả cho các hợp đồng thuê xe đương nhiên sẽ dễ dàng hơn việc mua một chiếc xe, tuy nhiên, sau một thời gian rất dài, các khoản chi này cộng dồn cũng có giá trị không hề nhỏ. Ở thời điểm đó, bạn sẽ nhận ra mình đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa hề sở hữu bất cứ thứ gì trong tay.
Những người làm chủ về tài chính thường ít để tâm đến những thứ xa hoa hay mới mẻ. Với họ, xe cộ chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển chứ không phải thứ để phô trương sự giàu có.
3. Những ngôi nhà quá đắt đỏ
Bất động sản là một “món hời” để đầu tư. Nhưng những người giàu khôn ngoan lại không muốn chi nhiều hơn mức họ có thể để mua cho một ngôi nhà quá đắt đỏ.
Một chuyên gia tài chính của Business Insider, Holly Johnson đã cho biết: “Tôi chọn mua một ngôi nhà nhỏ để có thể thoát khỏi các khoản vay nợ, được tự do nghỉ hưu sớm mà thoải mái đi du lịch nhiều tháng trong năm. Với khả năng tài chính của mình, tôi vẫn có thể mua một ngôi nhà hoàn toàn đắt đỏ hơn, nhưng cả tôi và chồng đều bỏ qua lựa chọn đó.”
4. Những món đồ chi trả bằng thẻ tín dụng
Cho dù là hóa đơn trị giá 2.000 đô la hay chỉ 20 đô la, không ai thích chi trả thêm một khoản lãi suất cho nó cả. Thanh toán bằng thẻ tín dụng có nghĩa là bạn sẽ bị tính lãi suất hàng tháng và nó cũng sẽ không hề rẻ. Nhiều loại thẻ tín dụng có mức lãi suất từ 25% trở lên.
Elizabeth Aldrich, một cây bút của Insider, đã từng phải gánh khoản nợ trị giá 10.000 đô la ở độ tuổi 20 vì những sai lầm khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Kể từ đó, cô ấy đã vỡ lẽ rất nhiều bài học từ quá khứ của mình và bắt đầu học cách quản lý chi tiêu khôn ngoan hơn. Chỉ sau 3 năm, cô đã có thể trả hết nợ nần và lập ra một quỹ khẩn cấp 20.000 đô la trong sáu tháng sau đó.
Khi nhìn lại những sai lầm về tiền bạc khiến mình mắc nợ, cô cho rằng, thẻ tín dụng là một trong những vấn đề lớn nhất của bản thân. "Mỗi tháng, tôi sẽ sử dụng hết con số khả dụng trong thẻ tín dụng của mình. Đến đầu tháng sau lại bắt đầu tìm cách trả hết những gì có thể. Rồi tới cuối tháng lại túng thiếu, lại tiếp tục quẹt thẻ tín dụng để mua sắm", cô viết.
Thói quen này khiến cô ấy không chỉ chi trả cho những gì mình đã vay, mà còn phải gánh thêm khoản lãi suất thẻ tín dụng không hề nhỏ ở độ tuổi 20 của mình.
Nhiều loại thẻ tín dụng có mức lãi suất khá cao. Ảnh kotak
5. Các loại hàng hiệu xa xỉ
Khalfani-Cox cho biết, không phải người giàu nào cũng quan tâm đến hàng hiệu và đồ xa xỉ. Tại Mỹ, top 1% những người giàu nhất đã bắt đầu chi tiêu ít hơn cho của cải vật chất kể từ năm 2007. Khoe giàu đã không còn là xu hướng mà nhiều người theo đuổi nữa.
Thay vì những món đồ hào nhoáng, xa xỉ, nhiều người đang chọn chi tiêu cho sự riêng tư, chăm sóc sức khỏe và thể chất, hoặc đầu tư vào giáo dục cho bản thân cùng với các thế hệ tương lai. Đây mới là những khoản chi tiêu xa xỉ nhất chứ không phải hàng hiệu nổi tiếng, thương hiệu đắt đỏ.
6. Những gì không đảm bảo chất lượng
Những người khôn ngoan không bao giờ lấp đầy tủ quần áo của mình bằng những mặt hàng “thời trang ăn liền”, chỉ sử dụng được trong ngắn hạn. Giá tiền bao nhiêu không phải vấn đề, quan trọng nhất là họ thà bỏ tiền vào những món đồ dùng được lâu dài, có độ bền và tính ứng dụng cao.
"Họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thay vì số lượng," Khalfani-Cox nói. "Tôi nghĩ những người giàu có thường không ngại đi ngược lại số đông và có thể tự thoát khỏi chủ nghĩa tiêu dùng."
7. Kế hoạch đám cưới xa hoa, tốn kém
Nhiều người không muốn quá tốn kém cho việc tổ chức đám cưới. Ảnh: Squarespace
Bất cứ ai đã từng tổ chức một đám cưới đều biết chúng tốn kém như thế nào. Nhiều người có tiền không có ý định chi nhiều tiền cho ngày trọng đại của họ.
Nathan Clarke của The Millionaire Dojo đã kiếm được hơn 100.000 đô la ngay từ khi ở tuổi 25. Khi lên kế hoạch kết hôn của mình, anh cùng vợ cũng thống nhất chỉ chi 10.000 đô la cho đồ ăn và địa điểm tổ chức tiệc chiêu đãi. Những chi phí còn lại đều được giản lược tối đa.
Clarke cho rằng: "Chúng tôi thà đi du lịch thế giới trong một năm với 50.000 USD còn hơn chi tiêu trong một ngày".
Thúy Phương
*Theo B.I
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét