Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Cách Mạng Văn Hóa 2.0 Ở Mỹ: Màu Da Và Giai Cấp - Tẩy Não Và Thù Hận

 

Đám đông nghe Quốc ca Hoa Kỳ tại Broadway Rally For Freedom ở Manhattan, New York, vào ngày 16/10/2021. (Ảnh: Enrico Trigoso / The Epoch Times)

CÁCH MẠNG VĂN HÓA 2.0 Ở MỸ: MÀU DA VÀ GIAI CẤP - TẨY NÃO VÀ THÙ HẬN 
Thùy Tiên

Một bé gái 7 tuổi người Mỹ ở bang Tennessee đã nói với mẹ sau giờ học ở trường: “Con xấu hổ vì con là người da trắng”. "Có điều gì không đúng với con? Tại sao con lại bị ghét nhiều như vậy?”... Các trường học ở Mỹ đang dạy trẻ em điều gì khiến một đứa trẻ da trắng phải ‘xấu hổ’ vì màu da? Bao nhiêu đứa trẻ trên khắp nước Mỹ đang bị nhồi nhét sự thù hận về màu da (của mình hay của bạn nó)? Vì sao da đen và da trắng phải có mối hận thù giống như thù hận giai cấp trong quá khứ? Trẻ em Mỹ có đang trở thành các Hồng vệ binh kiểu mới hay không?

Trong nhiều tháng nay, các bậc cha mẹ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về nỗ lực tẩy não con cái của họ khi chính phủ đưa Thuyết chủng tộc phê phán (CRT) vào chương trình giảng dạy ở trường công. 

Một bà mẹ ở Tennessee gần đây đã cảnh báo với các bậc phụ huynh ở Hạt Williamson rằng, cô con gái 7 tuổi của bà đi học về và nói rằng: “Con xấu hổ vì con là người da trắng”. Con gái của bà hỏi: "Có điều gì không đúng với con? Tại sao con lại bị ghét nhiều như vậy?” 

Thuyết chủng tộc phê phán đã len lỏi vào trường học

Những người chưa tìm hiểu về CRT sẽ bị sốc khi biết rằng sự đau khổ của đứa trẻ này đến từ chương trình giáo dục “Thuyết chủng tộc phê phán” ở trường học. Nếu còn tiếp tục, những tổn thương tinh thần và cảm xúc sẽ len lỏi vào từng lớp học ở Mỹ.

Mặc dù được quảng bá là giáo dục quyền công dân “chống phân biệt chủng tộc”, CRT thực tế lại khuyến khích sự phân biệt đối xử. Về cốt lõi, "Thuyết chủng tộc phê phán" phân chia mọi người thành hai loại chính: Kẻ áp bức và Nạn nhân. Việc phân chia này chỉ dựa trên màu da. 

Các giáo lý của CRT vượt ra khỏi những điều nhân văn; những điều làm nên giá trị văn hoá và sự thịnh vượng ở Mỹ. Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử là sai trái và không nên có chỗ đứng trong lớp học. 

Trong khi nhiều bậc cha mẹ luôn cố gắng giúp con cái của họ kiểm soát những tổn hại về tinh thần và tình cảm do hệ tư tưởng nguy hiểm này gây ra, thì phe cấp tiến lại tiếp tục viết lại hệ thống giáo dục Mỹ để phù hợp với chương trình nghị sự “thức tỉnh” của họ — và họ sẽ không dừng lại cho đến khi CRT có mặt trong mọi lớp học ở Mỹ. Tệ hơn, những người cổ xuý cho CRT đã cố gắng tẩy rửa nguồn gốc chính trị của chương trình này.

Nguồn gốc của thuyết chủng tộc phê phán

Ngạc nhiên là thuyết chủng tộc phê phán bắt nguồn từ lý thuyết đấu tranh giai cấp; thứ mà Mao Trạch Đông đã du nhập từ Nga hồi đầu thế kỷ XX về Trung Quốc. Mao đã vận dụng cực kỳ linh hoạt, thành công lý thuyết đấu tranh giai cấp này trong việc củng cố quyền lực cá nhân nói riêng và ĐCS nói riêng ở Trung Quốc. 

Thông qua lý thuyết rằng giai cấp vô sản, sở dĩ trở nên vô sản vì bị giai cấp tư sản bóc lột. Và bất cứ ai thuộc vào giai cấp tư sản, họ mặc nhiên trở thành kẻ bóc lột phi đạo đức, tà ác; họ phải chịu sự sỉ nhục, ghẻ lạnh, đàn áp. Để làm được điều đó, giai cấp vô sản phải đấu tranh, phải thù hận, phải nắm chính quyền và phải đàn áp giai cấp tư sản bằng vũ lực.

Bằng cách thúc đẩy lý thuyết này, Mao đã thành công đẩy Trung Quốc vào hỗn loạn. Càng hỗn loạn, quyền lực của Mao càng lớn, khả năng kiểm soát tư tưởng và xã hội của Mao càng lớn. Mao sử dụng công cụ đấu tranh và thù hận này để đàn áp, giết chóc và khiến nhiều nhiều nhóm chính trị gia, dân số của Trung Quốc (những người phản đối Mao) phải im lặng và mãi mãi chìm trong sợ hãi.

Đến giữa những năm 1960, giới cấp tiến [những người theo chủ nghĩa Marxist] ở phương Tây đã bắt đầu giật mình trước những tiết lộ về sự tàn bạo của Liên Xô. Họ cũng nhận ra rằng đã nhận ra rằng các cuộc cách mạng của giai cấp vô sản sẽ không bao giờ xảy ra ở Tây Âu hoặc Mỹ. Lý do bởi những quốc gia này có tầng lớp trung lưu lớn và mức sống được cải thiện nhanh chóng. Người Mỹ nói riêng chưa bao giờ phát triển ý thức giai cấp hoặc phân chia giai cấp. Hầu hết người Mỹ tin vào giấc mơ Mỹ - ý tưởng rằng họ có thể vượt lên khỏi nguồn gốc của mình thông qua giáo dục, làm việc chăm chỉ và được hưởng quyền công dân tốt.

Nhưng thay vì từ bỏ dự án chính trị của mình, các học giả cấp tiến ở phương Tây chỉ đơn giản là điều chỉnh lý thuyết cách mạng của họ cho phù hợp với tình trạng bất ổn xã hội và chủng tộc của những năm 1960. Từ bỏ phép biện chứng kinh tế của Marx, Mao Trạch Đông liên quan đến các nhà tư bản và công nhân, họ thay thế “giai cấp” bằng “chủng tộc” và tìm cách tạo ra một liên minh cách mạng dựa trên chủng tộc và sắc tộc.

May mắn thay, những người ủng hộ ban đầu của liên minh cách mạng này ở Mỹ đã thất bại trong những năm 1960 và tìm cách thực hiện lời hứa của Mỹ về tự do và bình đẳng theo luật pháp. Người Mỹ thích ý tưởng cải thiện đất nước của họ hơn là lật đổ nó. 

Nhưng phe cấp tiến cũng đã chứng tỏ sự kiên cường và bền bỉ - đây là nguyên nhân xuất hiện thuyết chủng tộc phê phán.

Thuyết chủng tộc phê phán đã len lỏi vào nhiều trường học tại Mỹ. (Ảnh: William B. Plowman/Getty Images)

Thuyết chủng tộc phê phán thực sự là gì?

Thuyết chủng tộc phê phán là một chuyên ngành học thuật, được hình thành vào những năm 1990 và được xây dựng trên khuôn khổ ý chí của chủ nghĩa Marx dựa trên bản sắc [màu da]. Được phát hành trong nhiều năm cho các trường đại học và các tạp chí học thuật ít người biết đến, nó ngày càng trở thành hệ tư tưởng mặc định trong các tổ chức công của Mỹ trong thập kỷ qua. 

Nó đã được đưa vào các cơ quan chính phủ, hệ thống trường công lập, các chương trình đào tạo giáo viên và các bộ phận nhân sự của công ty dưới dạng các chương trình đào tạo đa dạng, các module nguồn nhân lực, khung chính sách công và chương trình giảng dạy của trường học.

Những người ủng hộ nó triển khai một loạt các từ ngữ để mô tả thuyết chủng tộc phê phán, bao gồm “bình đẳng”, “công bằng xã hội”, “đa dạng và hòa nhập” và “giảng dạy hữu hiệu về văn hóa”.

Ngược lại với sự bình đẳng, sự công bằng theo định nghĩa của các nhà theo thuyết chủng tộc phê phán chỉ là chủ nghĩa Marx được cải tổ một chút. Nhân danh quyền công bằng, giáo sư luật UCLA và nhà lý thuyết phê bình về chủng tộc Cheryl Harris đã đề xuất đình chỉ quyền sở hữu tư nhân, chiếm đoạt đất đai và của cải, và phân phối lại chúng theo các chủng tộc.

Bậc thầy về chủng tộc phê phán Ibram X. Kendi, người chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Chống Chủ nghĩa Phân biệt tại Đại học Boston, đã đề xuất thành lập một Bộ Chống Chủ nghĩa Phân biệt liên bang. Bộ này sẽ độc lập với (tức là không phụ thuộc vào) các nhánh chính phủ được bầu chọn và sẽ có quyền vô hiệu hóa, phủ quyết hoặc bãi bỏ bất kỳ luật nào ở bất kỳ cấp chính quyền nào, và cắt ngắn bài phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị và những người khác - những người mà không đồng quan điểm với bộ.

Một kết quả thực tế của việc thành lập một bộ như vậy sẽ là sự lật đổ chủ nghĩa tư bản, vì theo Kendi: Để thực sự trở thành người đúng đắn, “bạn cũng phải thực sự là người chống lại chủ nghĩa tư bản”.

Nói cách khác, bản sắc là phương tiện; chủ nghĩa Marx là cứu cánh.

Một hình thức chính phủ dựa trên công bằng sẽ có nghĩa là không chỉ chấm dứt việc sở hữu tài sản tư nhân mà còn cả quyền cá nhân, bình đẳng theo luật, chủ nghĩa liên bang và tự do ngôn luận. Những điều này sẽ được thay thế bằng sự phân phối lại của cải dựa trên chủng tộc, quyền dựa trên nhóm, sự phân biệt đối xử và bộ máy quan liêu với quyền lực toàn năng.

Thuyết chủng tộc phê phán quy định một chương trình cách mạng có thể lật ngược các nguyên tắc của Tuyên ngôn và phá hủy cấu trúc còn lại của Hiến pháp Mỹ.

Thuyết chủng tộc phê phán trong thực tế như thế nào? 

FBI đã tổ chức các hội thảo về lý thuyết giao lộ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã nói với các nhân viên da trắng rằng họ đang tạo ra "những sự bất công" và đã bị "xã hội hóa thành vai trò kẻ áp bức".

Bộ Tài chính đã tổ chức một buổi đào tạo và nói với các nhân viên rằng “hầu như tất cả người da trắng đều góp phần vào việc phân biệt chủng tộc”. 

Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia, nơi thiết kế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, đã gửi các giám đốc điều hành nam, da trắng, đến trại đào tạo 3 ngày, nơi họ được dạy rằng “văn hóa nam da trắng” tương tự như “KKK” (nhóm kín có tư tưởng rằng người da trắng có ưu thế hơn), “những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng” và “giết người hàng loạt”. Các giám đốc điều hành sau đó buộc phải từ bỏ “đặc quyền nam da trắng” và viết thư xin lỗi người da màu.

Liên quan đến các vấn đề trong quân đội do huấn luyện thuyết chủng tộc phê phán, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Đảng Cộng hòa - bang Arkansas), một thành viên cấp cao của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang gần đây đã tiết lộ rằng kể từ khi ông lập một đường dây tố giác vào tháng 5, hàng trăm binh sĩ nhập ngũ từ tất cả các binh chủng trong quân đội đã báo cáo vấn đề về thuyết chủng tộc phê phán. 

Nhiều thủy thủ nói rằng Hải quân dường như đang ưu tiên sự đa dạng màu da hơn là huấn luyện chiến đấu. 94% những người được hỏi cho biết Hải quân hiện đang gặp khủng hoảng về khả năng lãnh đạo. Việc bị thúc đẩy phải học thuyết chủng tộc phê phán đã khiến các thành viên quân đội chống lại nhau và bôi nhọ lòng yêu nước; điều này đã khiến một số binh sĩ, thủy thủ, phi công, thủy quân lục chiến và vệ binh từ chức.

Ở Cupertino, California, một trường tiểu học buộc các học sinh lớp một phải xác định lại bảng dạng chủng tộc và giới tính của mình và xếp hạng bản thân theo “quyền lực và đặc quyền”. 

Ở Springfield, Missouri, một trường trung học cơ sở buộc các giáo viên phải định vị mình theo “ma trận áp bức”, dựa trên ý tưởng rằng những nam giới Cơ đốc giáo, da trắng, nói tiếng Anh là thành viên của giai cấp áp bức và phải chuộc tội cho quyền tối thượng của họ và "che giấu quyền tối thượng”.

Tại Philadelphia, một trường tiểu học đã buộc các học sinh lớp 5 ăn mừng “Chủ nghĩa cộng sản da đen” và mô phỏng cuộc biểu tình của Quyền lực Đen để giải phóng Angela Davis cấp tiến những năm 1960 khỏi nhà tù, nơi cô ta từng bị giam giữ vì tội giết người. 

Và ở Seattle, địa hạt trường học nói với các giáo viên da trắng rằng họ phạm tội "giết chết tinh thần" trẻ em da đen.

Ngày nay, dưới sự áp đảo ngày càng tăng của thuyết chủng tộc phê phán và các hệ tư tưởng liên quan, người dân Mỹ đã quay lưng lại với nhau. Điều này không chỉ giới hạn ở bộ máy hành chính thường trực ở Washington, D.C., mà còn đúng với các tổ chức ở các bang. Nó đang lan rộng đến các sở y tế công cộng của hạt, các học khu nhỏ ở miền Trung Tây Hoa Kỳ và hơn thế nữa. Hệ tư tưởng này sẽ không dừng lại cho đến khi nó nuốt chửng tất cả các thể chế của Mỹ.

Cách mạng văn hóa phiên bản 2.0 tại Mỹ

Diễn giả Xi Van Fleet nói với thính giả trong một cuộc hội thảo về Thuyết chủng tộc phê phán do Tổ chức Di sản vì Hoa Kỳ tổ chức rằng, Mỹ đang dần trở nên giống như Trung Quốc cộng sản trong Đại Cách mạng Văn hóa — một phong trào chính trị xã hội xảy ra từ năm 1966 - 1976 dưới thời cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Học sinh đọc sách trong một lớp học tại trường tiểu học Yang Dezhi ‘Hồng vệ binh’ ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, ngày 7/11 /2016. Những ngôi trường như vậy là ví dụ điển hình về “giáo dục yêu nước” mà Đảng cộng sản Trung Quốc đang cố gắng quảng bá để nâng cao tính hợp pháp của mình — nhưng hành vi này lại bị các nhà phê bình lên án là mang tính tẩy não. (Ảnh: Fred Dufour / AFP qua Getty Images)

Năm 1966, Trung Quốc phát động cái được gọi là Cách mạng Văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã thực hiện cuộc cách mạng này bằng cách truyền lửa cho giới trẻ thực hiện chương trình nghị sự của ông ta là định hình lại Trung Quốc thành ngọn hải đăng cho chủ nghĩa cộng sản. 

Thanh niên trong nước được gọi là Hồng vệ binh và được phép tấn công người già và trí thức để loại bỏ các giá trị truyền thống Trung Quốc. Thanh niên trở thành người truyền cảm hứng qua những lời dạy của Mao, qua cuốn Mao ngữ lục (hay Hồng bảo thư - sách quý màu đỏ). 

Mao ngữ lục chứa những câu trích dẫn của Mao Trạch Đông, khuyến khích việc tiến tới chủ nghĩa cộng sản ngay cả khi điều này có nghĩa là chống lại bạn bè, gia đình, giáo viên, và về cơ bản đã phân chia đất nước thành hai loại: Truyền thống và cộng sản. Cuối cùng, Trung Quốc rơi vào cảnh hoàn toàn hỗn loạn và tuyệt vọng về kinh tế.

Sau cuộc thảo luận, bà Van Fleet nói với The Epoch Times: “Đó là cùng một chiến thuật; đó là chiến thuật của Marx. Vì vậy, những gì họ làm là tạo ra sự hỗn loạn. Như Mao đã nói: 'Khi hỗn loạn xuất hiện nhiều nhất, đó là khi có thể đạt được sự kiểm soát tốt nhất'. Họ muốn tạo ra sự hỗn loạn để họ [có thể] lật đổ hệ thống hiện có…”.

Bà Van Fleet nhận ra rằng cuộc cách mạng “thức tỉnh” ngày nay tại Mỹ, do CRT thúc đẩy, có “một người anh em song sinh” - Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, bắt nguồn từ Học thuyết Xung đột Giai cấp (CCT) của Mao Trạch Đông. Một cuộc thanh trừng do lãnh đạo cộng sản thực hiện đã khiến 20 triệu người chết từ năm 1966 - 1976 ở Trung Quốc.

“Ông nội của CRT và CCT là cùng một người, Karl Marx. Và hệ tư tưởng là chủ nghĩa Marx”, bà Van Fleet nói. “Cũng giống như CRT, xung đột giai cấp của Mao chia mọi người thành các nhóm: [Những] kẻ áp bức và những người bị áp bức. Sự khác biệt duy nhất là họ sử dụng từ ‘giai cấp’ thay vì ‘chủng tộc’”…

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bà Van Fleet đã chứng kiến ​​cảnh học sinh sử dụng bạo lực với nhau và với giáo viên như thế nào, giống như thuyết chủng tộc phê phán mà những người cánh tả ở Mỹ đang làm ngày nay. 

Bà nói rằng Mao Trạch Đông đã phát động Cách mạng Văn hóa bằng cách ‘giải phóng’ Hồng vệ binh để tạo ra hỗn loạn. Hồng vệ binh là những thanh niên cộng sản do Mao lãnh đạo để bức hại những người được coi là kẻ thù của ĐCSTQ. Họ dùng bạo lực, cướp bóc, bạo loạn và phá hủy tất cả các hệ thống tòa án truyền thống. “Đó chính xác là những gì chúng ta đã thấy trên đường phố Mỹ năm ngoái”, bà Fleet nói khi đề cập đến các cuộc bạo động do các nhà hoạt động Black Lives Matter tổ chức…

Bà nói thêm rằng Mao Trạch Đông cũng đã ra lệnh cho những Hồng vệ binh này tiêu diệt "Bốn cái cũ": Ý tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và thói quen cũ. Họ xé nát các bức tượng Phật, phá hủy các ngôi chùa, đột kích vào nhà cửa và phá hủy tài sản cá nhân như đồ nội thất cổ và đồ gia truyền.

Hồng vệ binh của Mao cũng thay đổi tên đường phố, tên cửa hàng, tên trường học, và cả tên cá nhân…

Trẻ em Mỹ có trở thành thế hệ 'hồng vệ binh' phiên bản Mỹ?

"Thuyết chủng tộc phê phán", một khái niệm học thuật đang được áp dụng trong các trường học và cao đẳng trên khắp nước Mỹ, dạy rằng đất nước này và các hệ thống được thành lập ngày nay đang phân biệt chủng tộc đối với người thiểu số và phân chia người theo màu da thành các nhóm như kẻ áp bức (Người da trắng) và bị áp bức (Người thiểu số).

Nhiều chính trị gia Mỹ nói rằng đây đơn giản chỉ là lịch sử Mỹ nên được dạy …

CRT tiếp cận với giới trẻ của đất nước Mỹ mỗi ngày và được truyền bá như cách Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền với giới trẻ ở Trung Quốc. Thông qua việc truyền dạy này, thanh niên Mỹ đang trở thành những nhà hoạt động, đấu tranh chống lại những giá trị truyền thống mà họ từng yêu quý, cũng giống như thanh niên trong Hồng vệ binh.

Ian Prior, một phụ huynh có hai con học tại trường Loudoun, cho biết: “Tôi nghĩ rằng từ lâu rồi, các hệ thống trường học đã đưa những thứ này vào trường học ngay dưới mũi chúng tôi, và chúng tôi không biết. Trải qua một trận đại dịch và tất cả thông tin mà phụ huynh có thể nhìn thấy qua chương trình đào tạo từ xa đã giúp chúng tôi hiểu chính xác chuyện gì đang xảy ra”.

Phụ huynh đón con từ trường học về nhà, Chicago, 01/03/2021. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)

Tại Tennessee, sự phản đối đối với CRT đang đến ngay từ các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục. Để hưởng ứng, cơ quan Lập pháp Bang Tennessee đã thông qua và Thống đốc Bill Lee đã ký dự luật cấm CRT trong trường học. 

Thật vậy, trẻ em không nên bị buộc phải chịu đựng vòng xét lại lịch sử mới nhất này, vậy sẽ cần nhiều hơn là thư và luật pháp để khiến CRT bị đẩy ra khỏi lớp học. Phụ huynh cần liên tục đến các cuộc họp của hội đồng nhà trường và nói về những gì đang diễn ra.

Điều cuối cùng mà các nhà giáo dục nên làm là động viên con em không nên xấu hổ về màu da của mình. Cũng chính là người mẹ ở Hạt Williamson, người đã cảnh báo về sự nguy hiểm của CRT, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa đứa con 7 tuổi của mình đến trung tâm điều trị liệu pháp. Tại sao? “Cô bé bị trầm cảm. Bé không muốn đi học”. 

Nếu đa số người Mỹ tin rằng mọi người đều có các quyền như nhau, thì CRT có một vấn đề không giải quyết được. Việc dạy cho trẻ em rằng người da trắng vốn đã phân biệt chủng tộc cuối cùng lại tạo ra nhiều kẻ phân biệt chủng tộc hơn. 

Nếu trẻ em thiểu số được dạy rằng đứa trẻ da trắng bên cạnh đang tích cực áp bức họ, thì lớn lên chúng sẽ ghét bỏ người da trắng. Nếu một đứa trẻ da trắng được dạy rằng nó là kẻ áp bức người thiểu số mặc dù nó không làm gì sai, nó sẽ bắt đầu coi thường những người thiểu số. Kết quả cuối cùng trong tương lai là gì? Một đất nước bị chia cắt và tách biệt, cuối cùng thì các chính trị gia muốn gì khi họ tiếp tục mở rộng quyền lực của mình mà không kiểm soát được? 

Ý tưởng về một dân số bị chia rẽ nhường chỗ cho các lợi ích chính trị không phải là một ý tưởng mới đối với những người đã nghiên cứu nhiều thể loại lịch sử. 

Điều rút ra từ rất nhiều người đã sống qua các cuộc cách mạng cộng sản là, có vẻ như, những người cộng sản hiện đang được khuyến khích để bắt đầu cuộc chơi cuối cùng chống lại Mỹ. Họ đã áp dụng thuật ngữ “thức tỉnh” và các chương trình nghe có vẻ mang tính trí tuệ cao như Thuyết chủng tộc phê phán; nhưng thật ra chúng giống như một cuốn sách cũ về bốn giai đoạn chồng chéo của cách mạng cộng sản: thứ nhất, làm xã hội mất tinh thần; thứ hai, gây ra sự chia rẽ và bất ổn xã hội; thứ ba, mang lại khủng hoảng và sụp đổ; và thứ tư, mang lại sự bình thường mới đầy chất cộng sản.

Thuỷ Tiên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét