Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

7 Câu Cha Mẹ Không Nên Nói Nếu Muốn Con Khôn Lớn Trưởng Thành

 

Lời nói có sức ảnh hưởng to lớn đến tư duy, cảm xúc của trẻ. (Ảnh pexels)

7 CÂU CHA MẸ KHÔNG NÊN NÓI NẾU MUỐN CON KHÔN LỚN TRƯỞNG THÀNH 
Tố Như

Đôi khi, những lời nói tưởng vô hại của cha mẹ lại để lại những ấn tượng không tốt với trẻ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ ngày càng xa cách, thậm chí làm trẻ tổn thương, thiếu tự tin vào bản thân.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể nghe thấy những câu nói gây tổn thương từ ông bà, cha mẹ với trẻ. Người lớn cho đó là điều bình thường, mà không biết rằng môi trường tạo nên cá thể. Những hành động, việc làm của cha mẹ, các thành viên trong gia đình và môi trường sống xung quanh sẽ tác động đến nhân sinh quan, hình thành tính cách của trẻ. Đặc biệt, lời nói có sức ảnh hưởng to lớn đến tư duy, cảm xúc của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý tránh 7 câu nói dưới đây khi giao tiếp, nuôi dạy con trẻ.

1. Chúng ta không có đủ tiền để mua thứ đó

Nếu có thứ gì đó bạn hoặc con bạn muốn mua, nhưng lại nằm ngoài khả năng tài chính của bạn, thì đừng vội vàng nói với con rằng bạn không có tiền để mua nó. Nghe vậy trẻ sẽ mặc định trong đầu rằng, bạn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của trẻ, dễ khiến trẻ sẽ mất đi niềm yêu thích về mọi thứ, tự ti về bản thân, gia đình.

Thay vào đó, bạn có thể nói với con rằng: “Chúng ta sẽ mua thứ đó nếu thật sự cần thiết cho con”; “Chúng ta sẽ mua nó sau khi mẹ được tăng lương”; hay yêu cầu con hoàn thành một việc nào đó để được tặng món quà xứng đáng…

Hoặc con bạn rất muốn đến công viên Disney, hãy nói: “Chúng ta chưa thể mua vé vì nó không nằm trong kế hoạch của chúng ta năm nay”; “Con có thể tiết kiệm tiền để đi nếu con muốn”. Sau đó, có thể chuẩn bị cho con bạn một con lợn đất đựng tiền tiết kiệm, để chúng có thể tự tiết kiệm cho chuyến đi này.

Khi bạn giúp con mình tạo lập những thói quen tài chính thông minh, chúng sẽ hiểu rằng, nếu muốn thứ gì đó mà chúng chưa mua được, thì cần điều chỉnh các thứ tự ưu tiên và cách thức để có điều mình muốn, không đòi hỏi một cách vô lý.

2. Con nên lắng nghe người lớn

Câu nói này rất ‘nguy hiểm’, vì trẻ sẽ tin tưởng rằng, tất cả người lớn, kể cả người lạ đều đúng, mà không ngờ tới những điều xấu có thể xảy ra với chúng.

Nghe điều này, có thể đứa trẻ sẽ nghĩ tất cả người lớn đều thông minh và giỏi giang. Mình phải làm theo những gì người lớn nói. Mẹ dặn rồi người lớn nói là phải nghe. 

Câu cha mẹ nên dùng là: “Con cần lắng nghe cha mẹ”, điều này giúp trẻ có sự cảnh giác khi gặp người lạ, gặp sự việc sẽ nghĩ đến lời cha mẹ dạy.

3. Đừng lo, có cha/ mẹ đây rồi

Nghe câu này, trẻ có thể nghĩ cha mẹ sẽ giải quyết thay mọi việc, làm gì cũng không nghĩ đến hậu quả, chúng sẽ có xu hướng cư xử liều lĩnh, vô trách trách nhiệm với việc mình đã làm.

Càng lớn, trẻ càng muốn được thoải mái tự do. Cha mẹ không thể bao bọc, luôn bên cạnh con mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, cha mẹ nên để trẻ được phép mắc sai lầm, chịu trách nhiệm với những việc mình làm. 

Hãy để trẻ có cơ hội được khám phá thế giới xung quanh, học cách đứng dậy sau vấp ngã. Đặc biệt ở tuổi mới lớn, trẻ sẽ tò mò về thế giới, nếu càng cấm đoán, con sẽ càng tìm cách vượt qua những cấm cản đó. 

Vai trò của cha mẹ là định hướng, phân tích đúng sai, đưa cách giải quyết hợp lý thay vì trấn an mọi việc đã có cha mẹ lo.

Cha mẹ nên để trẻ được phép mắc sai lầm, chịu trách nhiệm với những việc mình làm. (Ảnh pexels)

4. Đừng khóc nữa

Khóc là một phản xạ tự nhiên thể hiện cảm xúc, tình cảm của con người, khi vui buồn, đau khổ. Khi trẻ khóc để giải tỏa cảm xúc, nghe cha mẹ nói câu này, đứa trẻ có thể sẽ nghĩ hiểu rằng, thật tệ khi thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, bị mắng chỉ vì khóc. 

Những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén sẽ bộc lộ ra thành sự hung hăng, trẻ vì thế lớn lên trong im lặng, ít thể hiện cảm xúc và ác cảm với nước mắt khi nhìn người khác khóc. 

Thay vào đó cha mẹ có thể nói: “Hãy cho mẹ biết điều gì làm con buồn phiền”; “Tại sao con lại khóc?”, “Con bị đau ở đâu?”

Điều này sẽ tạo một cuộc trò chuyện an toàn giúp trẻ xác định được cảm xúc của bản thân và thầm hiểu cách điều chỉnh, giải tỏa cảm xúc khi gặp sự việc không như ý, biết cảm thông với người khác.

5. Con là đứa vô tích sự

Câu này có lẽ cha mẹ không bao giờ nên nói với con. Trẻ đang trong độ tuổi phát triển, khám phá cuộc sống xung quanh có thể làm nhiều việc không theo ý của cha mẹ, hoặc chúng thường xuyên làm hỏng đồ vật, việc vặt trong nhà. Nhưng cha mẹ đừng vội vàng đuổi con ra và dùng những lời lẽ mang tính phán xét, miệt thị.

Bởi trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, dần dần tự ti, mặc cảm vào bản thân và cho rằng mình là người kém cỏi. Câu nói này cũng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn. Chúng không muốn chia sẻ, càng không muốn cố gắng để thay đổi vì “đằng nào trong mắt cha, mẹ, mình cũng không làm gì nên hồn”.

6. Cấm được cãi

Nhiều phụ huynh cho rằng con không được phép cãi cha mẹ dù ở hoàn cảnh nào. Về đạo lý thì đúng như vậy nhưng con cái được nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với cha mẹ. 

Các chuyên gia nhận định khi cha mẹ nói câu này khiến trẻ thêm ức chế, bực bội vì không được tôn trọng, lắng nghe. Trẻ sẽ thấy cha mẹ luôn vô lý, cảm thấy bất bình trong tâm mỗi khi cha mẹ có việc gì nói đến trẻ sẽ phản kháng lại bằng thái độ gay gắt, không nghe lời.

Thay vì dùng những lời lẽ bực bội, buộc tội, chúng ta nên dành thời gian lắng nghe vấn đề con đang gặp phải, cho trẻ cơ hội phản biện và phân tích đúng sai. Nếu bạn luôn độc đoán, con sẽ không còn tin tưởng nữa.

Chúng ta nên dành thời gian lắng nghe vấn đề con đang gặp phải, (Ảnh pexels)

7. Suốt ngày dán mắt vào cái điện thoại

Câu nói này ngày càng phổ biến và đã trở thành câu cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh khi trẻ sử dụng, nghiện smartphone trong thời 4.0. Việc trẻ dùng điện thoại quá nhiều là do cha mẹ xao nhãng và không can thiệp sớm. Trách con nghiện thiết bị điện tử, nhưng chính phụ huynh cũng thường xuyên bỏ mặc con với máy tính bảng, điện thoại, vùi đầu vào công việc, cho con ăn-học-chơi cùng điện thoại từ bé đến lớn.

Vì vậy, cha mẹ không nên nói suông, đổ lỗi toàn bộ cho trẻ, hãy thay đổi lại bản thân và cách giáo dục con hiện tại của mình. Cha mẹ có thể hướng con đến những trò chơi dân gian, đọc sách, tham gia các hoạt động vui chơi cùng các bạn, chơi logo… để kéo trẻ ra khỏi màn hình máy ảnh, điện thoại.

Tố Như - NTD Việt Nam 
(T/h)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét