Các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine ngồi trên xe buýt, di chuyển đến Olenivka sau khi rời nhà máy thép Azovstal, ngày 20/5/2022. (Ảnh: Victor / Xinhua/Getty Images)
SỐ PHẬN CỦA 2.500 TÙ NHÂN CHIẾN TRANH UKRAINE BỊ NGA BẮT TẠI 'PHÁO ĐÀI' AZOVSTAL SẼ RA SAO?
Huyền Anh
Với việc Nga tuyên bố đã bắt gần 2.500 tù nhân chiến tranh Ukraine tại 'pháo đài' Mariupol bị bao vây, nhiều lo ngại nổi lên sau khi thủ lĩnh phe ly khai thân Nga tuyên bố những người này sẽ phải ra trước tòa.
Nga đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn nhà máy thép Azovstal, thành trì cuối cùng của binh lính Ukraine tại Mariupol trong nhiều tuần. Đây cũng được coi là biểu tượng cho sự kiên cường của Ukraine tại thành phố cảng chiến lược, với hàng trăm binh sĩ tiếp tục chiến đấu tại đây ngay cả khi phần còn lại của thành phố đã rơi vào sự kiểm soát của quân Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đến Ukraine trong một chuyến thăm không báo trước và phát biểu trước quốc hội nước này vào Chủ nhật (22/5), văn phòng của ông cho biết.
Ba Lan, quốc gia đã chào đón hàng triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, là nước ủng hộ mạnh mẽ việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Với việc Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine, Ba Lan đã trở thành một cửa ngõ chính cho viện trợ nhân đạo và vũ khí của phương Tây vào Ukraine, đồng thời giúp Ukraine đưa ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác ra thị trường thế giới.
Cuối ngày 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết tổng 2.439 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng. Ông đã thông báo với Tổng thống Vladimir Putin rằng Mariupol và nhà máy thép đã được “giải phóng hoàn toàn”, theo TASS.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video quay các binh sĩ Ukraine hạ vũ khí sau khi thông báo lực lượng nước này đã kiểm soát hoàn toàn các cơ sở dưới lòng đất ở nhà máy Azovstal, theo AP.
Thành viên gia đình của các binh lính Ukraine đã khẩn cầu họ được trao quyền làm tù binh và trở về Ukraine. Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 21/5 cho biết Ukraine “sẽ chiến đấu để có được sự trở lại” của từng người trong số họ.
Trong khi đó, theo lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng Denis Pushilin, những binh lính bị bắt giữ có một số công dân nước ngoài, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Ông Pushilin nói họ “chắc chắn sẽ phải đối diện với tòa án”. Một số quan chức Nga đã mô tả những người này là “tội phạm”.
“Tôi tin rằng công lý phải được khôi phục. Đây là yêu cầu từ người dân, xã hội và một phần từ cộng đồng thế giới”, TASS dẫn lời ông Pushilin cho biết.
Trong số những người lính có thành viên của Tiểu đoàn Azov - lực lượng dân quân cực hữu của Ukraine, chiếm phần nhỏ trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine. Điện Kremlin nhiều lần coi sự hiện diện của Tiểu đoàn Azov ở miền Đông Ukraine là thách thức cần loại bỏ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga gọi các chiến binh Azov là “phát xít” và cho biết vị chỉ huy được đưa đi bằng xe bọc thép vì cho rằng ông bị người dân địa phương căm ghét do “nhiều hành động tàn bạo”.
Tuy vậy, không có bằng chứng cho thấy lực lượng này ngược đãi người dân Ukraine, theo AP.
Ông Leonid Slutsky - một thành viên của Quốc hội Nga - từng cho biết Moscow đang nghiên cứu khả năng trao đổi binh lính tại Azovstal với chính trị gia Viktor Medvedchuk. Sau đó, ông Slutsky nói ông đồng ý với ông Pushilin rằng tòa án mới là cơ quan quyết định số phận của binh lính Azovstal.
Ông Medvedchuk, 67 tuổi, đồng thời là lãnh đạo đảng Đối lập vì Cuộc sống của Ukraine, bị cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ hồi tháng 4 và buộc tội phản quốc cũng như có quan hệ thân cận với Điện Kremlin, Interfax đưa tin. Phía Nga đã bác bỏ sự liên quan tới chính trị gia này.
Chính phủ Ukraine chưa bình luận về tuyên bố Nga kiểm soát Azovstal. Quân đội Ukraine nói lính họ đã hoàn thành nhiệm vụ và mô tả việc binh lính rời đi là “sơ tán” chứ không phải đầu hàng.
Mariupol có vị trí chiến lược quan trọng với Nga. Kiểm soát được thành phố cảng này giúp Moscow hình thành tuyến đường trên bộ nối bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine, khu vực Nga đơn phương sáp nhập từ 2014, với vùng Donbas, nơi phiến quân ly khai thân Nga kiểm soát.
Quang cảnh thành phố Mariupol vào ngày 10/5/2022, trong bối cảnh 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga đang diễn ra ở Ukraine. (Ảnh: Stringer/Getty Images)
Tác động rộng lớn hơn đến diễn biến cuộc xung đột sau khi Nga kiểm soát Mariupol vẫn chưa rõ ràng. Nhiều binh sĩ Nga từ Mariupol đã được điều động tới những nơi khác.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 21/5 nói Moscow đã phá hủy một căn cứ hoạt động đặc biệt của Ukraine gần Odesa, cũng như một kho vũ khí do phương Tây viện trợ ở vùng Zhytomyr, miền Bắc Ukraine. Ukraine hiện chưa xác nhận thông tin này.
Quân đội Ukraine cho biết giao tranh chủ yếu ở Donbas, miền Đông Ukraine.
“Tình hình ở Donbas là cực kỳ khó khăn”, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết. "Giống như trước đó, quân đội Nga đang cố gắng tấn công Sloviansk và Sievierodonetsk". Ông cho biết lực lượng Ukraine đang ngăn chặn các cuộc tấn công mỗi ngày.
Sievierodonetsk là thành phố chính nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở vùng Luhansk. Luhansk cùng với vùng Donetsk tạo nên Donbas. Thống đốc Serhii Haidai cho biết bệnh viện duy nhất hoạt động trong thành phố chỉ có ba bác sĩ và đồ tiếp tế chỉ đủ trong 10 ngày.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo vào ngày 23/4/2022 tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: John Moore/Getty Images)
Trong khi đó, Sloviansk ở khu vực Donetsk rất quan trọng đối với Nga trong việc kiểm soát toàn bộ miền đông Ukraine. Nơi này đã chứng kiến các hoạt động quân sự ở cường độ cao sau khi quân đội Moscow rút lui khỏi Kyiv.
Ông Zelensky hôm 21/5 nhấn mạnh rằng Donbas vẫn là một phần của Ukraine và lực lượng Ukraine đang chiến đấu để “giải phóng” khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, ông đã thúc giục các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine hệ thống phóng tên lửa.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký khoản viện trợ mới trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, một nửa trong số đó là hỗ trợ quân sự. Bồ Đào Nha cam kết tài trợ tới 250 triệu euro, cũng như tiếp tục vận chuyển thiết bị quân sự.
Ước tính có khoảng 100.000 trong số 450.000 người dân vẫn còn đang cư trú ở Mariupol từ trước chiến tranh. Nhiều người bị mắc kẹt bởi cuộc bao vây của Nga, không có thức ăn, nước uống và điện.
Thị trưởng Mariupol của Ukraine hôm thứ Bảy (21/5) cảnh báo thành phố đang phải đối mặt với một "thảm họa" về sức khỏe và vệ sinh do các vụ chôn cất hàng loạt trong các hố cạn trên khắp thành phố đổ nát cũng như sự cố hệ thống thoát nước thải. Ông Vadim Boychenko cho biết những cơn mưa mùa hè có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước. Do đó, ông đang thúc ép lực lượng Nga cho phép người dân rời khỏi thành phố một cách an toàn.
Ông nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Ngoài thảm họa nhân đạo do những người chiếm đóng tạo ra, thành phố còn đang trên bờ vực bùng phát các bệnh truyền nhiễm".
Huyền Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét