KỲ THỊ CHỦNG TỘC _ THẬT HAY PHỊA?
Vũ Linh
Lá bài kỳ thị chủng tộc đã được đảng DC và cụ Biden khai thác như một vũ khí chính trị tối thượng chưa từng thấy trong mùa bầu cử năm ngoái sau biến cố ‘Thánh Floyd tử vì đạo’’, cùng với lá bài dịch Vũ Hán dĩ nhiên. Và hiển nhiên đã có tác dụng thuận lợi cho phe ta khi cụ Biden hạ được TT Trump.
Từ ngay khi cuộc vận động tranh cử giữa hai ông Trump và Biden bắt đầu, ta đã thấy lá bài kỳ thị được khai thác triệt để. Những tưởng sau khi cụ Biden chiếm được Tòa Bạch Ốc thì cuộc chiến kỳ thị sẽ hạ hỏa phần nào, nhưng không, trái lại, cả năm nay, cái mũ kỳ thị đã được chụp lên cả nước như chưa bao giờ thấy. Tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ, trên mọi khía cạnh xã hội hay chính trị, đều được nhìn qua lăng kính kỳ thị màu da, đặc biệt nếu có một anh chị đen nào dính líu tới.
Đó chính là thực tế chính trị của nước Mỹ hiện nay.
Kẻ này tạm gọi là thời kỳ ‘thượng tôn da đen’ để đối chiếu với phong trào tố khổ đám gọi là ‘thượng tôn da trắng’. Nghe có vẻ cưỡng ép, phóng đại nhưng đáng tiếc thay, thượng tôn da đen chính là chính sách thực sự của Nhà Nước Mỹ hiện nay dưới chính quyền Biden. Phải nói ngay, không phải vì cụ Biden và đảng DC thương tình dân da đen gì đâu, mà chẳng qua chỉ vì cụ và đảng DC chưa bao giờ cần phiếu của dân da đen như bây giờ, khi mà khối da trắng bỏ đảng hàng loạt, trong khi khối da nâu lưỡng lự trước chính sách di dân bất nhất của cụ. Khối da vàng và da đỏ thì chưa bao giờ là yếu tố đáng kể trong chính trị Mỹ.
Khi viết cụ Biden “không thương tình dân da đen” thế nào cũng có vài con vẹt ‘bảo hoàng hơn vua’ nhảy ra bênh cụ Biden. Muốn biết cụ Biden có kỳ thị da đen hay tôn trọng da đen, chỉ cần hỏi bà phó Kamala, hay xem lại cuộc tranh luận trên TV đầu tiên giữa các ứng cử viên tổng thống của đảng DC năm 2019 và nghe cho kỹ những gì bà Kamala nói trong đó.
Câu chuyện kỳ thị da đen đã bị các chính khách của đảng DC khai thác đến mức lố bịch. Khi một tiệm thẩm mỹ Hàn Quốc tại Dallas bị một tay khùng vác súng vào bắn loạn cách đây hơn một tuần, bà dân biểu đen Joyce Beatty, từ tiểu bang xa tuốt Ohio, chẳng cần biết thực hư ra sao, đã nhảy dựng ngay, hùng hổ tố cáo đám thượng tôn da trắng lại ra tay kỳ thị. Cho đến khi tin rõ hơn cho biết hung thủ là một tay da đen thì bà ta mới im, mà chẳng xin lỗi hay rút lời lại.
Kỳ thị da đen đã là vấn nạn lớn của xứ Mỹ này ngay từ trước ngày lập quốc. Qua những nổi loạn của dân da đen, và quan trọng hơn cả, qua những nỗ lực cởi mở của chính dân da trắng, hoàn cảnh của dân da đen đã được cải tiến rất nhiều hơn nửa thế kỷ qua.
Nhiều người ra rả sỉ vả dân da trắng Mỹ là dân có máu kỳ thị trong người. Họ chỉ là vẹt nhai lại luận điệu của phe cấp tiến đang lo nịnh dân da đen, và họ đã không công bằng khi cố tình phớt lờ không nói đến việc dân da trắng Mỹ đã từng đánh nhau qua một cuộc nội chiến tàn khốc nhất để tháo gông cùm nô lệ ra khỏi cổ dân da đen, chứ không phải dân da đen đã tự mình nổi dậy tháo gỡ gông cùm đó. Họ cũng quên những luật nhân quyền và dân quyền khai phóng dân đen đã được các tổng thống da trắng Kennedy và Johnson ban hành chứ không phải ông tổng thống da đen Obama. Các cuộc nổi loạn bạo động của dân da đen trong thời Kennedy và Johnson chỉ nổi lên sau khi các thống đốc thuộc đảng DC của các tiểu bang miền Nam đàn áp dân da đen mạnh, chống lại Kennedy và Johnson. Nếu đa số dân da trắng Mỹ có máu kỳ thị trong người thì giờ này, dân da đen vẫn còn đang là nô lệ, dân gốc Tàu vẫn còn làm cu ly khuân vác, thiếu tướng Lương Xuân Việt cũng chỉ phục dịch tiệm phở là giỏi.
Đám dân sỉ vả dân da trắng Mỹ kỳ thị cũng quên luôn ông đen Obama đã đắc cử tổng thống tới hai lần nhờ số phiếu của cử tri da trắng trong khi dân đen chỉ có 12% tổng số dân Mỹ, mà đa số chẳng bao giờ đi bầu.
Ở đây, có chuyện ‘ngoài lề’ cần phải nhắc qua. Đảng DC tung ra lá bài kỳ thị da đen, coi như là vũ khí chính trị chính, hay món ăn chính trong thực đơn, nhưng muốn có vẻ đa dạng, họ đã thêm mắm thêm muối, cài món ăn phụ 'kỳ thị da vàng' cho xôm trò. Cái đáng tiếc là vài con vẹt tị nạn mau mắn hùa theo, khai thác vài chuyện cướp cạn hay hành hung dân Á Đông lẻ tẻ, biến thành chuyện dân Mỹ kỳ thị da vàng và dân tị nạn Việt toàn diện, một cách có hệ thống, systemic racism, đặc biệt là từ khối da trắng CH, được Trump cổ võ. CH kỳ thị mà ông dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên là ông CH Cao Quang Ánh (Louisiana), trong khi hiện nay, ông Cao Hùng (Virginia), ứng cử viên dân biểu liên bang gốc Việt duy nhất cũng là một ông trong đảng CH.
Kẻ này có cảm tưởng như những con vẹt tị nạn hô hoán Mỹ trắng kỳ thị dân Việt tị nạn, nếu không phải là VC nằm vùng tung ra sách lược tuyên truyền bài Mỹ, thì cũng thuộc loại ‘ăn cháo đá bát’. Phớt lờ việc cả ngàn gia đình Mỹ trắng đã tự nguyện bảo trợ cho cả trăm ngàn người Việt mới đến Mỹ còn trong trại tạm cư năm 75 về nhà sống chung với gia đình họ. Muốn hiểu rõ và đánh giá đúng mức người Mỹ, ta cần phải tự đặt câu hỏi giả tưởng: giả sử như có cả trăm ngàn dân Căm-Pu-Chia khố rách áo ôm chạy qua VN xin tị nạn, chúng ta, các gia đình VN, có sẵn sàng mở cửa, bảo trợ cho đám dân Căm-Pu-Chia đó mang về nhà sống chung một thời gian không? Hỏi tức là trả lời.
Đám vẹt này cũng phớt lờ việc cả trăm ngàn dân tị nạn đã được các công ty và các ông chủ hãng, cai thợ, đồng nghiệp,… hầu hết da trắng giúp đỡ có công ăn việc làm những ngày đầu, để rồi dân tị nạn đã đi vào lịch sử như một trong những khối dân tị nạn thành công nhất trong việc tái định cư tại Mỹ. Có thể nói tuyệt đại đa số dân Việt tị nạn đã thành công, ngoại trừ những thành phần nạn nhân tù cải tạo VC quá lâu, sức khỏe thể xác và tinh thần đã bị VC hủy diệt, qua đây phải trông cậy vào Nhà Nước Mỹ lo cho. Không ai có thể chối cãi được tinh thần tự lập, cầu tiến và tính siêng năng chăm chỉ của dân Việt, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận chúng ta đã được dân Mỹ, đặc biệt là Mỹ trắng, giúp đỡ rất nhiều. Phủ nhận chuyện này là thiếu lương thiện.
Dĩ nhiên không ít người không may mắn, đi làm đã bị xếp lớn xếp nhỏ ‘đì’, nhưng vấn đề cần nhìn cho kỹ, đó là chuyện tính tình cá nhân hay chuyện kỳ thị màu da hay chủng tộc nói chung? Một tên côn đồ da trắng hay da đen, ăn cướp và đánh một người Á Đông, câu hỏi phải đặt ra: đó là chuyện côn đồ cướp bóc, hay chuyện kỳ thị Á Đông? Phong trào thời thượng bây giờ là cứ thấy nạn nhân là da vàng trong khi thủ phạm không phải da vàng là hô hoán ầm ĩ kỳ thị da vàng ngay, bất kể sự thật.
Cái may mắn lớn cho đảng DC, cũng là cái họa lớn cho cả nước Mỹ, là trong năm tranh cử 2020, tự nhiên xảy ra chuyện vi khuẩn Vũ Hán ào ào bay vào Mỹ, đã vậy, họa vô đơn chí, lại xảy ra chuyện tay du thủ du thực đen George Floyd bị chết trong tay cảnh sát da trắng, để rồi dân đen lợi dụng cơ hội ào ào nổi loạn đi cướp phá, hôi của. Cơ hội ngàn vàng, đảng DC nhìn thấy hệ quả vĩ đại cho cuộc bầu tổng thống sắp tới. Toàn thể cấp lãnh đạo đảng DC, thay vì trừng phạt những hành động thảo khấu, tất cả đều hấp tấp nhất loại qùy gối gục đầu xin lỗi dân đa đen và phong thánh cho Floyd. Chính trị Mỹ chưa bao giờ đê hèn đến vậy. Nhưng thây kệ, cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Mà sách lược ti tiện đó lại hữu hiệu mới đáng nói.
Bỏ qua chuyện gian lận bầu cử, ta chỉ cần nhìn vào những kết quả bầu cử tại Georgia.
Đây là tiểu bang lớn của miền nam, từ lâu nay là thành đồng kiên cố của đảng bảo thủ CH vì dân da đen tại đây tuy rất đông, nhưng rất lười đi bầu. Nhưng nhờ sách lược quậy tung nạn kỳ thị da đen, phong thánh cho dân da đen, đảng DC đã thuyết phục được một số rất lớn dân da đen chịu khó ra khỏi nhà đi bầu, với kết quả không ai ngờ trước được là chẳng những tiểu bang đã bầu cho cụ DC Biden, mà cũng bầu luôn cho hai thượng nghị sĩ DC, mang lại thế đa số cho đảng DC trong thượng viện liên bang.
Lá bài tẩy kỳ thị da đen không có gì mới lạ, nhưng bây giờ, ta mới thấy hệ quả khi được khai thác đúng mức sẽ lớn như thế nào.
Ngay năm 2008, khi truyền thông cổ võ cho việc bầu một ông đen làm tổng thống để xóa bỏ nạn kỳ thị đen, Vũ Linh này đã viết bài vạch ra cái mâu thuẫn hiển nhiên: xóa bỏ kỳ thị màu da bằng cách bầu một ông vì màu da của ông ta, và đã khẳng định việc bầu cho ông Obama sẽ chỉ gia tăng nạn kỳ thị màu da thôi. Y như rằng.
Obama đắc cử chính vì đã khôn ngoan biết cách khai thác nạn kỳ thị màu da, đại khái, thách thức dân da trắng có dám bầu cho một ông đen không? Và đám da trắng đã mắc bẫy thật, bầu cho ông đen như một cách tự biện minh mình không kỳ thị. Bây giờ, cụ Biden học được bài học. Chuyện hiển nhiên ai cũng thấy là cụ Biden đã khai thác tối đa nạn kỳ thị đen trong cuộc vận động tranh cử, và sau khi đắc cử, trong các chính sách của cụ Biden, bất cứ chuyện gì cũng mang yếu tố ‘chủng tộc’ vào làm mồi câu.
Từ chuyện nhỏ nhất là việc chính quyền trợ cấp tiền giúp những người nghiện ma túy, có điều kiện là ưu tiên được giúp phải là da đen. Cho đến chuyện lớn với hệ quả lâu dài như trong chính sách giáo dục, chính sách bảo đảm an ninh trật tự công cộng, thậm chí tới luôn cả việc bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Về giáo dục, điểm nổi bật dĩ nhiên là việc mang môn học về kỳ thị chủng tộc vào các trường. Đây là chuyện bắt các trường dạy môn Critical Race Theory, trên nguyên tắc là dạy về lịch sử các chủng tộc Mỹ, nhưng trên thực tế, chỉ là bản án tố giác tính kỳ thị dã man, tàn bạo nhất của dân da trắng đối với dân nô lệ da đen. Bất kể mọi bào chữa, điều hiển nhiên ai cũng thấy, môn học này chỉ đào sâu thêm hố chia rẽ chủng tộc chứ chẳng hàn gắn gì. Mà cái vô lý thô bạo nhất là trong khi đám cấp tiến hô hào xóa bỏ kỳ thị, xóa bỏ lằn ranh màu da, xóa bỏ nạn chống da đen, thì họ cũng lại chủ trương dạy cho trẻ con biết dân da trắng tàn ác và tồi tệ như thế nào.
Chính quyền Biden còn đang từng bước một, cố gắng đi xa hơn nữa trong việc gọi là giúp dân da đen bằng mọi cách như thay đổi cách nhận học sinh và sinh viên để bảo đảm ưu tiên nhận học sinh và sinh viên da đen, một kiểu áp dụng luật ‘công bằng cơ hội’ hiện đã có -equal opportunities rules- một cách mạnh tay hơn. Rồi lại có những đề nghị thay đổi táo bạo hơn nhiều, như hủy bỏ việc thi cử, chấm điểm,… để tránh học sinh da đen thi rớt hay lãnh điểm thấp, nhân danh cái gọi là bảo đảm ‘racial equity’, công bằng chủng tộc ‘đầu ra’, nghĩa là bảo đảm tất cả học sinh và sinh viên đều… tốt nghiệp hết, bất cần biết học sinh giỏi hay dốt, có học gì hay không.
Những giúp đỡ này có thể có những hậu quả tốt cho học sinh và sinh viên da đen trong ngắn hạn, nhưng chỉ cần nghĩ lại trong hai phút thì cũng thấy cái tai hại vô vàn về lâu về dài cho dân da đen. Giáo dục nâng đỡ kiểu này, hệ quả lâu dài dĩ nhiên là thanh niên da đen ra đời sẽ khó cạnh tranh và thành công trong cuộc sống thực tế của họ. Đi đến chuyện nói chung, dân da đen vẫn sẽ thua sút dân da trắng hay cả dân da vàng và da nâu trong trường đời. Hệ quả lâu dài sẽ cực kỳ tai hại cho chính dân da đen. Nhưng thực tế mà nói, các chính khách Mỹ không bao giờ nhìn xa hơn cuộc bầu cử tới, đòi hỏi họ nghĩ đến hậu quả ‘lâu dài’ là chuyện không tưởng.
Ông thẩm phán da đen duy nhất trong Tối Cao Pháp Viện, Clarence Thomas, chính là người chống những giúp đỡ này mạnh nhất. Theo ông, giúp đỡ kiểu này chính là cách nhục mạ dân da đen ngu, không thể cạnh tranh ngang tay với dân da trắng hay da vàng được nên mới cần giúp đỡ, kiểu như chạy đua, cho chạy trước một đoạn vậy.
Mà cái chuyện lạ đáng nói là việc dành ưu tiên cho dân da đen này hiển nhiên chỉ là chuyện kỳ thị ngược. Không ai thấy cái mâu thuẫn thật phi lý: muốn diệt kỳ thị da đen bằng cách kỳ thị tất cả các màu da khác. Việc tuyển chọn học sinh và sinh viên với ưu tiên và ưu đãi cho dân da đen chẳng những gây thiệt thòi cho dân da trắng, mà còn gây thiệt thòi luôn cho dân da vàng, trong đó có những học sinh và sinh viên ưu tú nhất của cộng đồng tị nạn Việt. Cái tính kỳ thị da vàng đó, đám vẹt tị nạn mù quáng dĩ nhiên không nhìn thấy, hay không muốn nhìn thấy. Đại học Harvard và Yale đã công khai có chính sách giới hạn sinh viên gốc Á Đông để dành chỗ cho sinh viên gốc Phi Châu. Có ai nghe đám PIVOT của vẹt tị nạn khiếu nại gì không?
Trong vấn đề an ninh trật tự, dân da đen bực mình nổi loạn sau vụ tay du thủ du thực George Floyd bị chết dưới tay cảnh sát da trắng là điều dễ hiểu. Dễ hiểu vì có lý do bực mình chính đáng, nhưng cũng dễ hiểu khi thấy trong lịch sử, nổi loạn cướp phá hôi của luôn luôn xảy ra mỗi khi dân đen có một lý cớ nào đó để có dịp khiêng ít đồ đạc hàng hóa miễn phí về nhà.
Việc nổi loạn như vậy tuyệt đối không thể chấp nhận được trong bất cứ hoàn cảnh nào, chẳng những vì đó là những hành động phá hoại côn đồ vi phạm đủ thứ luật, mà tai hại hơn cả, nạn nhân chính của các vụ nổi loạn không phải là dân da trắng mà lại là dân da đen. Hoặc là nhà cửa, xe cộ, cửa tiệm của họ bị cướp phá, hay các cơ sở thương mại lớn như Target, CVS, WalMart,… trong khu da đen bị thiệt hại, phải đóng cửa, dọn qua khu khác, gây thiệt thòi cho khách hàng da đen trong khu da đen thôi. Dân da đen nổi loạn luôn luôn cướp phá khu da đen của họ, không bao giờ đi tới khu da trắng để hành động. Chưa kể những vụ bạo động như vậy chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách trắng đen, khiến dân da trắng lại thêm mất cảm tình với dân da đen, phân hóa chủng tộc càng lớn rộng thêm.
Việc có cụ vẹt tị nạn VVL tự nghĩ mình cần có đầu óc khai phóng văn minh như đám cấp tiến Mỹ, lên tiếng bào chữa, bênh vực cho nổi loạn, đốt phá, cướp giật chỉ là việc làm ngớ ngẩn, vô ý thức, vô trách nhiệm nhất, chỉ vì thời cơ chủ nghĩa, hay muốn biểu diễn mình có lòng nhân ái tiến bộ, nhưng lại chỉ là nhân ái đặt sai chỗ, sai lúc, và sai người. Cái nhân ái, nhân đạo, muốn đúng chỗ đúng người, phải được dành cho những nạn nhân vô tội của cướp bóc mà đại đa số cũng là dân da đen, chứ không phải được dành cho đám cướp thủ phạm. Thủy Hử chỉ là chuyện hư cấu đọc cho vui, chứ trên thực tế, ăn cướp là ăn cướp, không phải người hùng, và đám côn đồ da đen đi cướp phá cũng chẳng phải là những người hùng Lương Sơn Bạc đâu.
Trong câu chuyện này, cái ngu xuẩn nhất là phong trào đòi triệt hạ, giải tán hay cắt ngân sách cảnh sát, là lực lượng giữ an ninh trật tự. Trong khi tình trạng mất an ninh trật tự bộc phát mạnh, mà lại nảy ra phong trào đòi giải tán cảnh sát thì đúng là chỉ có những người đầu óc có vấn đề lớn hay chính các tay cướp cạn mới có thể nghĩ tới.
Cái quái dị đặc biệt nữa là việc nảy sinh ra cái phong trào gọi là Black Lives Matter, Mạng Sống Da Đen Đáng Kể. Nghe cũng hợp lý thôi. Cho đến khi thấy một anh dân biểu da trắng ra trước đám đông hô “Black Lives Matter!” được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhưng ngay sau đó hô tiếp “All Lives Matter!” thì bị rủa thê thảm đến độ phải xin lỗi, rút lại câu hô đó. Thế nghĩa là gì? Trên cõi đời ô trọc Mỹ này, chỉ có mạng sống da đen đáng kể còn các mạng sống màu da khác đáng liệng cống hết sao?
Khó ngửi hơn cả là vài đứa nhóc vẹt tị nạn thế hệ 2 rảnh hơi, hay đã bị tẩy não quá kỹ trong 20 năm học trường cải tạo Mỹ, cũng rủ nhau xuống đường đi biểu tình hô hoán Black Lives Matter, rồi một tay tị nạn thời cơ chuyên nghề bán bảo hiểm tại Houston mua bảng quảng cáo khổng lồ -billboard- ngay trung tâm Việt tại Bellaire để kẻ chữ ‘Black Lives Matter’ khổng lồ đập vào mắt dân Việt đi ngang qua khu này.
Với đám ngố này, trong khi cả triệu dân Việt đang quằn quại trong nhà tù lớn CSVN thì chúng lo năn nỉ ‘các chú các bác đừng chụp cái gông chống cộng lên đầu chúng cháu’, nhưng lại rảnh hơi xuống đường hô hoán bảo vệ mạng da đen. Bà con thân thuộc đang chết -chết thật- dưới tay VC không lo, đi lo chuyện ruồi bu thiên hạ, bảo vệ mạng sống của các tay cướp cạn da đen kiểu ‘thánh Floyd’. Có lộn không vậy?
Phong trào thượng tôn da đen hiện đang bộc phát mạnh trong một khu vực mới, ít người ngờ: ngành tư pháp. Trên nguyên tắc, các quan tòa phải y như bà thần công lý, mắt bịt hoàn toàn, chỉ biết dùng cán cân công lý, ngoài ra không cần biết những yếu tố khác như cảm tình cá nhân, địa vị xã hội, giàu nghèo, nam nữ, trẻ già,… và nhất là màu da.
Thế nhưng trong việc bổ nhiệm quan tòa, cụ Biden đã lại coi nặng yếu tố màu da nhất. Từ việc bổ nhiệm cả mấy chục quan tòa da đen vào các tòa liên bang đến các tòa phá án, cho đến việc công khai rình ràng tuyên bố hai yếu tố chính để cụ tuyển chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là phụ nữ và da đen. Khả năng và kinh nghiệm bây giờ đã trở thành những yếu tố phụ, cho có.
Ngọn gió kỳ thị mới, đáng sợ thay, bây giờ chẳng những thống trị mọi khía cạnh xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục, tư pháp,… mà lại còn nhảy nhổm vào cả những lãnh vực như phim ảnh giải trí, tiếp thị và cả thể thao luôn mới quái lạ.
Phim ảnh thì ta đã nghe nhiều anh chị đen khiếu nại sao tài tử đen ít được giải Oscar? Dân đen chiếm 12% dân Mỹ, mà sao chỉ có chưa tới 1% tài tử đen được giải Oscar? Phim ảnh nói chung, bao giờ cũng phải đủ tính 'đa dạng': đàn ông, đàn bà, da trắng, da đen, bây giờ thêm da nâu, da vàng. Tiếp thị thì ngồi coi TV, thấy ngay quảng cáo nào cũng phải có ít nhất một hai anh chị đen, bất kể quảng cáo món hàng nào. Thời thượng hơn cả là phải co một cặp chồng trắng vợ đen hay ngược lại. Dân da đen chỉ có đâu 12% dân Mỹ, nhưng lại xuất hiện trong hơn 90% quảng cáo trên TV.
Chuyện lạ là trong thể thao, khi ai cũng biết thể thao Mỹ là khu vực mà dân da đen thống trị hoàn toàn. Cầu thủ da đen chiếm tới 70% tổng số cầu thủ trong football Mỹ, và hơn 80% trong bóng rổ Mỹ.
Ông ‘bầu’ -coach- của đội football Dolphins của Miami, sau ba năm không mấy thành công, bị sa thải. Sau khi mất job, anh này đi phỏng vấn xin job cả nửa tá đội football khác nhưng thấy có ít triển vọng, nên tung lá bài tẩy … ’kỳ thị’ ra ngay. Anh nộp đơn kiện tất cả 32 đội banh và cả Hiệp Hội National Football League NFL vì tội đã kỳ thị không cho anh ta job vì anh ta là da đen. Anh ta tố cáo NFL không khác gì một ‘plantation’, khai thác lao động của các cầu thủ da đen. ‘Plantation’ là các đồn điền, hay nông trại trồng cây gòn -cotton- của miền Nam, là nơi trong quá khứ xa xưa đã khai thác tối đa và tàn bạo nhất các nô lệ ‘nhập cảng’ từ Phi Châu qua. Danh từ ‘plantation’ là danh từ thường được dùng làm biểu tượng để lên án tình trạng kỳ thị trấn lột dân da đen. Ngay sau đó, đội banh Pittsburg Steelers vội mướn ông bàu này ngay.
Thực tế là được chơi cho một đội banh, hay nói cách khác, được tuyển làm ‘nô lệ’ trong ‘plantation NFL’, đã là giấc mộng lớn nhất của các thanh niên Mỹ, bất kể da đen hay da trắng. Được làm cầu thủ, họ được trả lương tối thiểu trên dưới một triệu đô một năm ngay sau khi mới được tuyển vào. Tới mức ‘siêu sao’ sau vài năm, họ được trả 40-50 triệu đô một năm để chơi banh đâu 17 trận trong khoảng 5 tháng. Đây là loại lương mà sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Harvard nằm mơ cũng không thấy được. Xin lỗi, nô lệ đồn điền kiểu này, ai không mơ?
Tất cả những phong trào chống kỳ thị da đen lạ lùng thay lại đẻ ra phong trào da đen kỳ thị ngược da trắng, không chịu ‘sống chung’ với dân da trắng. Điển hình là trong nhiều trường đại học, sinh viên da đen thành lập hội sinh viên da đen riêng, không chấp nhận sinh viên da trắng. Đã vậy còn đòi thay thế thầy da trắng bằng thầy da đen, đòi khu túc xá dành riêng cho dân da đen không cho da trắng vào ở chung, thậm chí đòi mở những chương trình, lớp học, và môn học dành riêng cho dân da đen.
Trước đây da trắng kỳ thị không chịu sống chung với da đen, sau đó, hai bên sống chung tuy hằm hè nhau suốt ngày, bây giờ tới phiên da đen kỳ thị ngược, không chịu sống chung với da trắng. Năm xưa da trắng miệt thị da đen trong khi da đen khúm núm cúi đầu nhịn, bây giờ da đen miệt thị da trắng trong khi da trắng khúm núm cúi đầu xin lỗi.
Thật ra, tất cả những ồn ào về nạn kỳ thị da đen hay da vàng, chỉ là chuyện màu mè, mánh mung chính trị, nhưng dân da đen không ngu chút nào. Họ không nghe chuyện lảm nhảm vớ vẩn mà chỉ nhìn vào cuộc sống thực tế của họ, nhìn vào bữa cơm gia đình xem trên bàn ăn có gì, và họ đã thấy rõ càng ngày càng ít đồ ăn vì giá thực phẩm tăng nhanh gấp mấy lần mức lương của họ. Và họ cũng hiểu rõ vấn đề từ đâu ra.
Theo thăm dò mới nhất của CNN -không phải Fox News đâu- thì cụ Biden còn được hậu thuẫn của 69% dân đen. Nghe có vẻ nhiều, cho đến khi nhìn lại thấy cụ Biden đã có được 92% phiếu của dân đen trong cuộc bầu năm 2020. Nghĩa là trong một năm nắm quyền, cụ Biden đã mất hậu thuẫn của 23%, gần một phần tư dân da đen.
Bởi vậy càng cuống cuồng nịnh để khỏi mất thêm phiếu.
Vũ Linh - Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét