Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Bộ Tứ Công Bố Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Mới Dành Cho Khu Vực Ấn Độ-Thái Bình Dương

 

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chụp ảnh tại sảnh vào của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo hôm 24/05/2022. (Ảnh: Zhang Xiaoyu/Pool qua Reuters)

BỘ TỨ CÔNG BỐ SÁNG KIẾN AN NINH HÀNG HẢI MỚI DÀNH CHO KHU VỰC ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG
Việt Phương biên dịch

Hôm thứ Ba (24/05), các nhà lãnh đạo của “Bộ Tứ” — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ — đã công bố một sáng kiến ​​an ninh hàng hải nhằm theo dõi tốt hơn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và “vận chuyển chui” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sáng kiến, được gọi là Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức Miền Hàng hải (IPMDA), đã được công bố trong cuộc họp Bộ Tứ ở Tokyo. Sáng kiến này sẽ cho phép các quốc gia “giám sát đầy đủ” và duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tòa Bạch Ốc tuyên bố, “Sáng kiến này sẽ cho phép theo dõi hoạt động ‘vận chuyển chui’ và các hoạt động cấp chiến thuật khác, chẳng hạn như chuyển hàng trên biển, cũng như cải thiện khả năng của các đối tác để ứng phó với các sự kiện khí hậu và nhân đạo và bảo vệ việc khai thác cá của họ, vốn rất quan trọng đối với nhiều nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

“Tàu chui” là các tàu tắt bộ thu phát tín hiệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để tránh bị phát hiện.

Theo Tòa Bạch Ốc, IPMDA sẽ thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa các trung tâm hợp nhất hiện hữu trong khu vực, bao gồm cả những trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, và các đảo Thái Bình Dương.

Họ cho biết, “Thông qua sự kết hợp của hệ thống nhận dạng tự động và công nghệ tần số vô tuyến, các đối tác Bộ Tứ có thể cung cấp một ‘chuỗi hoạt động chung’ chưa từng có.” 

“Vì nguồn gốc thương mại của nó, dữ liệu này sẽ là công khai, cho phép Bộ Tứ cung cấp nó cho nhiều đối tác muốn hưởng lợi.”

Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ công bố kế hoạch nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, coi đánh bắt bất hợp pháp là “một trong những thách thức lớn nhất ở Thái Bình Dương.”

Tuyên bố trên không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hành động này dường như nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc đã được xếp hạng là nước vi phạm tồi tệ nhất trong Chỉ số Đánh bắt Hải sản IUU năm 2021 (IUU là từ viết tắt tiếng Anh của bất hợp pháp, không khai báo, và không theo quy định).

Ông Michael Sinclair, một thành viên thuộc nhánh hành pháp của liên bang tại Viện Brookings có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong bài báo năm 2021 của mình rằng đánh bắt IUU đã trở thành một “mối lo an ninh quốc gia” đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trên toàn thế giới.

Ông Sinclair tuyên bố rằng các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc là “một mối đe dọa IUU thực sự dị thường và nghiêm trọng,” với hạm đội tàu cá lớn được nước này sử dụng để đáp ứng nhu cầu protein khổng lồ của người dân.

“[Trung Quốc] cũng cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng, nhằm khuyến khích sự gia tăng nhanh chóng của các tàu ‘xa bờ’ lớn, có khả năng thu được lượng đánh bắt đáng kinh ngạc trong một chuyến đi, thường là bằng cách giã cào (thả lưới xuống đáy biển rồi kéo đi) mà không quan tâm đến loại cá, độ tuổi, hoặc giới hạn số lượng,” ông nói. “Khi làm việc cùng nhau trong các hạm đội, những con tàu này rất tham lam.”

Một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Philippines và Indonesia, chỉ trích hạm đội tàu đánh cá lớn của Trung Quốc, cho rằng các tàu của họ thường xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của những nước này, gây thiệt hại cho môi trường và kinh tế.

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters

Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét