Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Nước Mỹ Lạ Lùng

 


NƯỚC MỸ LẠ LÙNG 
Lê Đức Luận

Từ lâu người ta đã nêu lên câu hỏi: “Nước Mỹ là Thiên Đàng hay Địa Ngục?” Đến bây giờ nhiều người cũng hỏi như thế và có thể vài trăm năm sau, nếu loài người còn hiện hữu, chắc câu hỏi này cũng sẽ được nêu lên (?)

Đến thời điểm hiện tại, chưa có ai lên Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục rồi về kể lại cho người trần thế nghe cụ thể quang cảnh Thiên Đàng, Địa Ngục như thế nào; chỉ một số ít người “chết đi, sống lại” có kể cảnh Thiên Đàng một cách mơ hồ trong các mẩu chuyện “huyền bí siêu nhiên” - nên người ở trần gian vẫn còn bán tín, bán nghi. Phải chi có những chuyến du lịch đến đó, thì con người sẽ không tưởng tượng vẽ vời rằng: “Thiên Đàng là chốn gió mát, trăng thanh, thảnh thơi – thơ túi rượu bầu, đờn ca xướng hát cùng các tiên nữ nhởn nhơ… không phải lo chuyện: cơm, áo, gạo, tiền” hay tả cảnh khủng khiếp ở Địa Ngục: “có vạc dầu sôi, có bọn đầu trâu, mặt ngựa luôn tìm cách hành hạ những linh hồn…”

Nếu tưởng tượng như trên thì nước Mỹ không phải là Thiên Đàng vì người Mỹ không được “huỡn” như vậy; và cũng không là Địa Ngục vì nước Mỹ không có cái “ác” như thế.

Nhưng nước Mỹ có một sức hấp dẫn lạ lùng!

Chưa thấy có thống kê nào cho biết có bao nhiêu người trên thế giới thích đến nước Mỹ sinh sống, nhưng cứ đi khắp năm châu, bốn biển hỏi rằng: “anh, chị có thích sinh sống ở nước Mỹ không?” Bảo đảm sẽ có trên 50% trả lời “Yes”. Ngay cả những người quyền thế ở các nước có khuynh hướng chống Mỹ cũng thích gởi con cái đến Mỹ du học, và ngay chính bản thân họ (trong thâm tâm và tính toán) cũng muốn có một “cơ ngơi” ở nước Mỹ.

Riêng tôi, năm lên mười tuổi, lần đầu tiên được nghe tên nước Mỹ qua câu chuyện về một bức hoành phi. Chuyện thế này: Một người bạn của cha tôi tặng một bức hoành phi nhân dịp gia đình tôi dọn vô căn nhà mới - cha tôi quí lắm và treo nó vào một chỗ trang trọng nhất. Bức hoành phi viết bốn chữ nho nhũ vàng “Mỹ Tận Đông Nam” trông bay bướm - rất đẹp! Chừng một tháng sau, ba cán bộ Việt Minh đến nhà tịch thu bức hoành phi. Họ bảo: “Đây là một khẩu hiệu tuyên truyền cho đế quốc Mỹ.” Cha tôi giải thích: “Ông bạn của tôi là một nhà nho và là thầy địa lý; ông thấy nhà tôi xoay hướng đông- nam, nên ông viết mấy chữ chúc lành - mỹ có nghĩa là tốt đẹp chứ đâu phải Mỹ quốc.” “Không giải thích lôi thôi! Đây là ý đồ của tên phản động - Mỹ Tận Đông Nam là: Mỹ sẽ đến Đông Nam Á – ông hiểu chưa?” Tên cán bộ Việt Minh nói tiếp: “Chúng tôi đem tấm hoành phi về trụ sở ủy ban. Ngày mai mời ông lên làm việc.”

Họ giam cha tôi ở đó hơn mười ngày để học tập. Hằng ngày tôi phải đem cơm cho cha tôi. Bác H. người tặng bức hoành phi bị bắt trước cha tôi mấy ngày và họ đưa ông đi đâu không ai biết. Mấy tháng sau, tôi nghe người lớn xầm xì với nhau rằng: “Ông đã bị thủ tiêu vì theo đảng Đại Việt của Trương Tử Anh.” Hồi đó, tôi không hiểu “thủ tiêu” là thế nào, nhưng thấy vắng bác H. lâu ngày, tôi hỏi cha tôi: “Sao lâu quá không thấy bác H. đến chơi?” Cha tôi rưng rưng, nói: “Họ giết bác rồi…” Trong cái đầu ngây thơ của tôi in một dấu ấn: Viêt Minh sao mà ác thế?!

Sau này, mỗi lần các bạn của cha tôi đến chơi, nói chuyện thời sự, tôi có nhiệm vụ nấu nước pha trà hầu các cụ, nên được “nghe lóm” những chuyện: nước Nga vĩ đại, nước Mỹ hùng cường; chuyện Cụ Hồ thân Nga, Cụ Ngô thân Mỹ - Ông này độc tài đảng trị; ông kia nô lệ ngoại bang...

Khi lớn khôn, tôi tìm hiểu và học hỏi, mới biết ngọn ngành:

Trước năm 1954, gia đình tôi sinh sống ở tỉnh Phú Yên, một trong bốn tỉnh thuộc Liên Khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) do Việt Minh kiểm soát, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lớn gọi là Cụ Hồ.

Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước - từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc phe Quốc Gia - lãnh đạo tối cao là Quốc Trưởng Bảo Đại, dưới là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (sau này được bầu làm Tổng Thống) - những người lớn tuổi trong vùng Liên Khu 5 cũ thường gọi tắt là Cụ Ngô hay Cụ Diệm.

Trước 1954, đám thiếu niên, nhi đồng chúng tôi vang vang tiếng hát trong những đêm lửa trại liên hoan: “Bác Hồ Chí Minh muôn năm…Bác Hồ Chí Minh - làm cho nước Việt Nam quang vinh…” Sau 1954, trong buổi chào cờ mỗi sáng Thứ Hai - sau bài Quốc ca, học sinh hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống: “… Bao nhiêu năm từng ‘lê’ gót nơi quê người, cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do… Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống! Ngô Tổng Thống muôn năm…”

Có nhiều giai thoại về hai vị lãnh tụ này. Chuyện kể rằng: “Khi về nước chấp chánh, ông Ngô Đình Diệm mới trên năm mươi tuổi - trông rất phong độ! Thế mà nhiều người quen nếp phong kiến - gọi Cụ để tỏ lòng tôn kính. Ông Diệm không thích, nên bảo các thuộc cấp đừng gọi ông bằng Cụ. Tin tức được loan truyền, từ đó dân chúng suy tôn ông là Chí sĩ - dưới các bức chân dung được viết là Chí sĩ Ngô Đình Diệm (khi ông chưa được bầu làm Tổng Thống).

Với ông Hồ, ông muốn dân ta gọi “Bác Hồ” hơn là “Cụ Hồ”. Trong dịp Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tên gọi “Bác Hồ” xuất hiện. Nhưng đến năm 1946, nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác bài hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em thiếu niên nhi đồng…” tiếng Bác Hồ mới được phổ biến rộng rãi… Ông Hồ thích thế! Vậy là già-trẻ-gái-trai đều gọi ông là Bác Hồ!

Các cơ quan tuyên truyền của cả hai bên đều khuyến cáo: “Trong lời ca tiếng hát và viết lách cũng phải cẩn trọng – nên dùng những chữ bóng bẩy tôn vinh lãnh tụ.” Như bài ca suy tôn Ngô Tổng Thống, không nên hát: “Bao nhiêu năm từng ‘lê gót’ nơi quê người”- “lê gót” nghe bệ rạc quá! Phải sửa lại: “Bao nhiêu năm từng “in gót” nơi quê người…” Ngoài Bắc khi viết về Bác Hồ cũng không nên quá trần trụi… kể rằng: “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã nạp đơn xin vào học trường Thuộc địa để mong được ra làm công chức cho Pháp - cuộc đời khấm khá hơn, nhưng đơn xin bị bác. Thầy giáo Thành hận đời, đổi tên Văn Ba, trốn xuống một chiếc tàu buôn đi Marseille, làm phụ bếp, bồi bàn kiếm sống… Cuộc đời đưa đẩy Bác gia nhập đảng Cộng sản Pháp - làm cách mạng chống thực dân…” Viết như thế thì sự ra đi của Bác sẽ giảm giá trị. Phải viết: “Bác xuống Bến Nhà Rồng - xuất dương tìm đường cứu nước…”

Hai Ông đều ra ngoại quốc “tìm đường cứu nước”. Một ông, sau bao nhiêu năm hoạt động đem về nước hình ảnh ông Tây râu xồm, đó là Karl Marx với lá cờ búa liềm. Một ông bôn ba nhiều năm trên nước Mỹ đã đem về nước hình ảnh cái bắt tay – có huy hiệu lá cờ Mỹ và chữ USAID.

Từ ngày Ông Hồ rước ông râu xồm Karl Marx về tôn thờ thì nước nhà có nhiều biến chuyển. Và khi Ông Diệm về chấp chính, Miền Nam có nhiều thay đổi. Dân ta đều biết! Nhưng lịch sử chưa phán xét rõ ràng và toàn dân Việt Nam chưa đồng thuận trong việc luận “công hay tội” của hai vị lãnh tụ đã có ảnh hưởng lớn lao trong dòng sinh mệnh lịch sử Việt Nam cận đại.

Miền Bắc Ông Hồ xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa để tiến lên chủ nghĩa Cộng sản - Đại đồng do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo… Miền Nam Ông Diệm thiết lập chế độ Tự Do - Dân Chủ dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của Mỹ. Hai Ông đều dựa vào thế lực ngoại bang để củng cố chính quyền. Sự lệ thuộc ngoại bang dần dần đưa đất nước và dân tộc ta đến chỗ “chư hầu cho đế quốc” - đế quốc tư bản hay đế quốc cộng sản. Đó là điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam!

Những bà mẹ Miền Bắc đứt ruột đưa con vào chiến trường để “đi làm nghĩa vụ quốc tế vô sản - giải phóng Miền Nam.” Những bà mẹ Miền Nam đoạn trường tiễn con ra mặt trận để “bảo vệ tiền đồn Thế giới Tự do.”

Nhưng nào phải thế!

Cuộc chiến Quốc-Cộng kéo dài hơn hai mươi năm - những đứa con thân yêu đã bỏ mình nơi chiến địa, không bao giờ mẹ còn trông thấy mặt. Khi tàn chiến cuộc, những đứa con sống sót trở về, kể cho người mẹ Miền Bắc nghe rằng: “Dân Miền Nam đâu cần giải phóng…”  hoặc viết những bài thơ gởi về cho mẹ chưa kịp gởi đi thì đã hy sinh: “… Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu? Nhưng  ... Phải vào Nam giải phóng cái an lành/ Còn non dại nên đành nghe lời hãm hại…(1)” Còn bà mẹ Miền Nam nhìn đứa con ngơ ngác trở về như người mất trí, sau khi buông súng đầu hàng vì cái tiền đồn kia đã bị đồng minh phản bội - bỏ rơi! Rồi nhiều năm sau đó, mẹ chắt chiu thăm nuôi con trong chốn lao tù…

Những bà Mẹ Việt Nam nước mắt lưng tròng, nghĩ về quá khứ mà than rằng: Tổ tiên ta đã lấy cái “tình tự dân tộc” làm gốc để dựng nước và giữ nước trong mấy ngàn năm... Người đời nay, sao không noi gương ấy mà phát huy tinh thần dân tộc để đoàn kết chống ngoại xâm mà cứ đem những lý thuyết ngoại lai vào gây nên hận thù làm cho nhân tâm ly tán; và cứ lấy vũ khí ngoại bang tàn phá quê hương, gây cảnh huynh đệ tương tàn?

Than ôi! Qua rồi một giai đoạn lịch sử điêu linh đã để lại một vết nhơ muôn đời không rửa sạch trong cuộc chiến hai mươi năm không cần thiết.

Tôi lớn lên ở Miền Nam, được hấp thụ một nền giáo dục: Nhân Bản – Dân Tộc và Khai Phóng. Tôi ước mơ được yên ổn học hành để thực hiện câu châm ngôn thuở thiếu thời: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Nhưng  những ước mơ đó đã không trọn vẹn!

Từ ngày Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960), vùng đất quê tôi, người dân cơ cực sống dưới cảnh “một cổ hai tròng”: Ban đêm cán bộ Viêt Minh (bây giờ gọi là Việt Cộng) tập trung dân chúng nghe họ tuyên truyền: Chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, làm cách mạng xây dựng Xã hội Chủ nghĩa…v…v…. Ban ngày dân chúng cũng tập trung nơi đình làng nghe các cán bộ thông tin Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi đồng bào đứng lên chống Cộng sản, để bảo vệ nền Tự do - Dân chủ.

Tôi bắt đầu tìm hiểu Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản để định hướng cho mình một lập trường chính trị.

Karl Marx, ông Tổ của Chủ nghĩa Cộng sản, đã luận về sự vong thân của con người trong tôn giáo, kinh tế và xã hội:

Ông đảo ngược biện chứng duy tâm của Hegel để hình thành biện chứng duy vật. Ông bảo: “Tôn giáo là thuốc phiện và thần thánh do con người tưởng tượng…” Phải tiêu diệt tôn giáo để con người khỏi “vong thân” vì tín ngưỡng.

Về kinh tế và xã hội, Marx biện luận sự “thặng dư giá trị” là nguồn gốc phát sinh giai cấp thống trị và bị trị - bóc lột và bất công. Vậy phải phát động “đấu tranh giai cấp” – tiêu diệt giai cấp thống trị và quyền tư hữu để tiến lên Xã hội Chủ nghĩa - một xã hội không còn cảnh “người bóc lột người” – bình đẳng - không còn giai cấp…

Người cộng sản hay nói về “Thế giới đại đồng”, về “Thiên đường cộng sản”- Quốc gia không còn biên cương và con người sẽ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Nhưng thực tế cho thấy: Năng lực con người có hạn mà nhu cầu thì lại vô biên… và quốc gia không thể xóa bỏ biên cương, con người khó lòng bỏ quyền tư hữu. Xem ra, đó là những điều phi nhân bản và không tưởng! Tôi không chấp nhận Chủ nghĩa Cộng sản.

Lenin, người đã đưa  triết thuyết của Marx vào thực tế để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô năm 1917 - rồi lan rộng đến nhiều nước trên thế giới - đã chủ trương “Chính quyền dựa trên nòng súng”. Sau này Mao Trạch Đông cũng nói: “ họng súng đẻ ra chính quyền”. Tôi thích một chính quyền được thành lập là “ của dân, do dân và vì dân” như vị Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln đã nêu lên trong bài diễn văn đọc tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Gettysburg, Pennsylvania, ngày 19/11/1863 hơn là một chính quyền “đẻ ra từ nòng súng” của người cộng sản.

Thế là tôi đứng cùng chiến tuyến với những người mang tinh thần Quốc gia - Dân tộc, cùng chiến đấu bảo vệ nền Tự do - Dân chủ của Miền Nam. Và từ đó đời tôi nổi trôi theo vận nước…

Máu đã đổ! Quê hương tôi điêu tàn vì đạn bom của đế quốc: Nga, Tàu và Mỹ. Cho đến một ngày: Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ đến Thượng Hải gặp Mao Trạch Đông, ngày 17- 2- 1972 - số phận Việt Nam đã được định đoạt - sau các buổi yến tiệc linh đình mà thực đơn có thêm phần “xương máu” của người Việt Nam…

Mấy ai hiểu thấu niềm đau dân tộc! Cho nên sau ngày 30-4-1975, một số người nông nổi chia phe: “Bên thắng cuộc” và “Bên thua cuộc”.

Nhưng không biết “Bên thắng cuộc”, có ai xót xa khi thấy tên Ải Nam Quan biến mất trên bản đồ nước Việt mà từ thuở thiếu thời đã từng học thuộc lòng: “Nước ta kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu.” Và có tủi nhục khi thấy ngư dân của mình bị “tàu lạ” xua đuổi, bắt bớ, giết hại trên vùng biển của cha ông: Hoàng Sa và Trường Sa; có ai lo lắng cho quê hương mình từng bước đi vào vòng nô lệ Trung Quốc một lần nữa hay không?

Ít ai hiểu thấu, nhưng những người lãnh đạo Miền Bắc chắc là hiểu rõ. Nên ông Lê Duẩn (TBT đảng CS Việt Nam) đã chua chát nói rằng: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.” Vậy là cuộc chiến hai mươi năm trở nên vô nghĩa đối với dân tộc Việt Nam…

Có ai thấu được thân phận bẽ bàng của một nước nhược tiểu? Trước năm 1963, ông Ngô Đình Diệm (TT Việt Nam Cộng Hòa) cương quyết can ngăn chính quyền Kennedy đổ quân vào Miền Nam VN. Ông bị đảo chánh và sát hại! Đến năm 1973, chính quyền Nixon, muốn rút quân Mỹ khỏi Miền Nam VN trong “danh dự”. Miền Nam VN bị bức tử!

“Bên thua cuộc”, trong đó có tôi đã uất hận nghẹn ngào, khi bị Mỹ cố tình “xóa sổ” Việt Nam Cộng Hòa. Một số người chịu cảnh lưu đày trong lao tù cộng sản; một số khác ngậm ngùi bỏ nước ra đi tìm tự do nơi đất khách.

Xem ra “thằng thắng”, “thằng thua” đều mang trong lòng nỗi uất hận và luận về thắng, thua chỉ là chuyện “tầm phào” - chỉ gợi thêm nỗi niềm xót xa, cay đắng! Xét cho cùng: Cả hai thằng đều thua! Dân tộc Việt Nam thua! Đó là một niềm đau!

Tôi chênh vênh trong nỗi niềm cay đắng đó, thì có tin: Chính quyền Mỹ sẽ cho các sĩ quan bị “tập trung cải tạo” trên ba năm, được nạp đơn xin định cư ở Hoa Kỳ. Lửa lòng chưa tắt sự căm hờn khi bị đồng minh phản bội, tôi phân vân tự hỏi: “Đây là lòng nhân đạo hay trò chơi chính trị?”

Người ta hay nói: Nước Mỹ là vùng “đất hứa” mà Thượng Đế dành cho những kẻ khốn cùng.”  Được định cư ở Mỹ là giấc mơ của nhiều người, nhưng tôi vẫn ngại ngần… như con chim bị ná sợ cành cong!

Một hôm, một thằng bạn cùng quê đến thăm - hắn khác chiến tuyến với tôi, nhưng khá thân - học chung trường từ Tiểu học. Khi lên Đại học, hắn theo ngành Dược, rồi vào bưng theo “Mặt trận Giải phóng”. Ngày 30-4-1975 hắn trở về tiếp quản kho thuốc của Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, hắn đã đến thăm tôi với tư thế “kẻ thắng cuộc”, nhưng hắn tế nhị, tránh không nói chuyện chính trị, hắn vẫn giữ tình bạn trong sáng. Hôm nay hắn đến thăm tôi, lại nói nhiều về chính trị. Hắn khuyên tôi: “Mỹ là một nước rất lạ lùng. Mày nên qua đó cho phần đời còn lại được thảnh thơi, hưởng được cái không khí tự do và tương lai con cháu cũng sẽ tốt đẹp hơn. Cái văn hóa Mỹ đã tạo nên nhân cách và lòng nhân ái nơi người Mỹ.”

- Chắc mày còn nhớ đôi điều về lịch sử nước Mỹ? Không đợi tôi trả lời, hắn nói tiếp:

- Chuyện hai ông tướng Tư lịnh – bên thắng, bên thua - thỏa hiệp với nhau để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài bốn năm đẫm máu (Civil War 1861- 1865) đã để lại một bài học lịch sử về nhân cách của những người quân tử đã làm cho nhân loại ngưỡng mộ và con dân Hoa Kỳ hãnh diện về cha ông của họ. Văn bản ghi rằng: The Gentlement Agreement - Thỏa Hiệp Của Những Người Quân Tử (tránh dùng chữ đầu hàng). Theo đó, người lính miền Nam được mang lừa ngựa trở về nhà làm ăn, xây dựng lại quê hương – không có tù binh hay trại tập trung cải tạo. Những nghĩa trang chôn cất tử sĩ phe bại trận được bảo tồn và có cắm lá cờ của miền Nam.  Đặc biệt trong khu nghĩa trang Arlington, ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn - một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng khắp thế giới - mai táng những tử sĩ của Liên quân miền Bắc có một khu cải táng các liệt sĩ Miền Nam gọi là Confederate Memorial. Nơi đây, một hình tượng thiếu phụ cao 32 feet, tượng trưng hình ảnh bà mẹ miền Nam có con đã hy sinh trong cuộc chiến - dưới chân tượng ghi một bài thơ rất cảm động (2). Ngoài ra có rất nhiều viện bảo tàng lưu trữ hình ảnh những anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc, thể hiện tinh thần bất khuất của người Mỹ.

Thằng bạn hạ giọng:

- Đất nước ta ngày nay vắng bóng những người quân tử và cái nhân văn cũng đã hao gầy. Mầy đi… đi! Qua đó để học lại cái tính nhân văn.

- Tao còn suy nghĩ! Đời tao coi như lỡ bước, nhưng vì tương lai mấy đứa nhỏ - ở lại con tao sẽ không được học hành đến nơi đến chốn – chúng nó sẽ không vào Đại học được! Và cũng chưa biết chính sách cụ thể của Chú Sam (Uncle Sam) như thế nào? Nếu họ thực lòng cứu vớt những mảnh đời “sinh nhầm thế kỷ” thì tao: “cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Thử xem con tạo xoay vần đến đâu…” Tôi trả lời với hắn như thế.

Thằng bạn hiểu hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, móc túi đưa tôi một cây vàng, rồi nói:

- Tao cho mượn để mày có tiền lo dịch vụ cho sớm, bao giờ trả cũng được.

Thằng bạn ra về, lòng tôi miên man nghĩ đến tương lai và nhớ về quá khứ.

Thuở thiếu thời, tôi mê đọc những chuyên phiêu lưu của những người đổ về miền viễn Tây nước Mỹ tìm vàng – hấp dẫn còn hơn nghe chuyện cổ tích bà tôi đã kể. Chuyện ông thợ mộc James Marshall, lần đầu tiên lượm được hai cục vàng vào ngày 24 tháng 1 năm 1848, ở bờ sông American, một con sông chảy xuôi từ rặng nuí Sierra Nevada về phía đông California, rồi chảy ra vịnh San Francisco. Chuyện được loan truyền nhanh như gió - những vó ngực đổ về, những cánh buồm vượt biển đưa những con người có đầu óc phiêu lưu, mạo hiểm đến vùng đất xa lạ đầy trắc trở và bí hiểm này. Họ là những anh thợ may sinh quán từ Âu Châu, những anh thư lại từ Anh quốc, những tay quyền thế từ Nam Mỹ, những nguời thợ mỏ nghèo khổ ở Mễ Tây Cơ, những người Trung Hoa cơ cực… Tất cả đến đây với mục đích: đào vàng!

Một người Trung Hoa tên Chun Ming viết thư về quê nhà kể rằng vàng nhiều đến mức: “một người có thể dùng chiếc xẻng và con dao nhỏ đào vàng mà con lừa mang về không nổi.” Cho nên người Hoa đổ xô về đây… họ gọi San Francisco là Gold Mountain – Kim Sơn – Núi Vàng! Bây giờ, nơi này được gọi là Cựu Kim Sơn, vì vàng đã đào hết rồi.

Tôi nghĩ một ngày không xa, tôi sẽ đến được nơi này. Ngày xa xưa người ta đến đây để tìm vàng. Ngày nay tôi sẽ đến đây để tìm hai chữ Tự Do. Lòng tôi háo hức một niềm vui!

Lúc mới đến, gia đình tôi được chính phủ, trợ cấp sáu tháng, vừa đủ cho cuộc sống tằn tiện; các hội đoàn từ thiện, các người chung quanh đến thăm hỏi,  giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần… Tôi nói: “ở đây con người sống với nhau tốt thật!” Vợ tôi bảo: “Mỹ mà!”

Rồi tôi kiếm được việc làm và thấy cái lạ lùng đầu tiên trên đất Mỹ, về khoe với vợ: “Ở đây mình làm việc một giờ đủ ăn một ngày, còn bên xứ mình làm một ngày, không đủ ăn một bữa.” Bà nhà tôi phán: “Mỹ mà!”

Khoảng một năm sau, gần như “đủ lông đủ cánh” – tôi có việc làm tốt – mua được xe, tuy cũ nhưng cũng vi vút đó đây… Thú vui cuối tuần của vợ chồng tôi là đi rảo các chỗ yard sale – mua đồ gia dụng – giá rẻ như cho! Không biết người chủ cũ xài những thứ ấy bao lâu, nhưng khi về nhà tôi, xài mãi không hư. Tôi bảo: “đồ sản xuất ở đây tốt thật!”. Bà nhà tôi lại phán: “Mỹ mà!”

Gần chỗ tôi ở, có cặp vợ chồng già, ngày ngày đến trường rất chăm chỉ. Một hôm vui miệng tôi hỏi: “Hai cụ đi học môn gì vậy?” “Đi học để có thêm chút tiền - ba giờ đi học - chính phủ trả cho vài chục.” Bà cụ trả lời làm tôi chưng hửng! Sao lại có chuyện lạ lùng như thế nhỉ? Rồi những ngày nóng trên 100 độ, xe bus có máy lạnh chạy vòng vòng kêu gọi các cụ lên xe miễn phí, chở đến các Shopping Mall mát rượi cho các cụ vui chơi…

Tôi nói với vợ: “Thiên Đàng nếu có cũng đến thế là cùng!” Bà nhà tôi lại bảo: “Mỹ mà!”

Cái tiếng “Mỹ mà!” vợ tôi hay nói có nghĩa nước Mỹ là “number one”, là “số một”, là “tuyệt vời” từ vật chất đến tinh thần.

Nhưng đó là chuyện mấy mươi năm về trước – lúc tôi mới sang, chứ bây giờ nước Mỹ lắm chuyện lùm xùm: Hàng hóa thì “đồ giả, đồ thiệt”; chính trị thì chia rẽ đảng phái; truyền thông, báo chí thì “loạn cào cào”; xã hội thì lắm chuyện trớ trêu…

Bà nhà tôi, vẫn “cuồng Mỹ”, nên khi mua trúng “đồ dzổm, hàng giả” thì  nói chữa rằng “tiền nào của nấy”. Nhưng nhiều người thất vọng trước những hiện tượng đó, than rằng: Nước Mỹ đang đi vào thời kỳ suy thoái, sẽ không còn là siêu cường lãnh đạo Thế giới Tự Do. Rồi đây Trung Cộng sẽ thay ngôi bá chủ.

Kẻ thù hùa nhau xúc xiểm nước Mỹ: nào là kỳ thị màu da, chủng tộc… nhưng nước Mỹ đã có Tổng Thống da đen, bà Phó TT. da mầu và những thế hệ con cháu của những người đến định cư ở nước Mỹ sau này đã có những vị tướng lãnh, những vị thẩm phán, dân biểu và nghị sĩ. Cụ thể người Việt Nam đến Hoa Kỳ sau 1975, bây giờ đã có bảy tướng lãnh trong Quân đội Hoa kỳ. Vậy xem ra nước Mỹ đâu có kỳ thị màu da, chủng tộc (?) mà là nơi có nhiều cơ hội cho những người tài ba thăng tiến.

Người ta cũng nói: Nước Mỹ bây giờ chia rẽ trầm trọng. Nhưng lịch sử đã cho thấy mỗi lần nước Mỹ chao đảo là một lần nước Mỹ đứng lên mạnh mẽ hơn – bình thường trông nước Mỹ có vẻ “bát nháo” nhưng lúc lâm nguy – người Mỹ biết đoàn kết, đồng lòng đứng lên chống lại quân thù. Đó là điểm son nước Mỹ! Đơn cử, sau trận Trân Châu Cảng, nước Nhật bị hai quả bom nguyên tử của Mỹ - phải đầu hàng! Nước Mỹ tiến lên hàng cường quốc – lãnh đạo Thế giới Tự do. Sau vụ 9/11, bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan bị tiêu diệt, Osama bin Laden đã đền tội, làm cho nước Mỹ và cả Thế giới an toàn hơn.

Điều gì đã làm cho nước Mỹ mạnh mẽ như thế? Đó là do cái “lương tri”. Ai đã làm nên cái “lương tri” đó? Là do những con người từ khắp Năm Châu Bốn Biển tìm đến vùng “đất hứa” mà Thượng Đế dành cho những kẻ khốn cùng bị áp bức hoặc những người tài giỏi muốn đến đây để có nhiều cơ hội phát triển tài năng. Họ là những con người mang dòng máu bất khuất, phiêu lưu với ý chí phi thường đã đến đây để tạo dựng Hiệp Chúng (Chủng) Quốc Hoa Kỳ - USA. Huyết thống đó được lưu truyền từ các bậc Tổ phụ cho đến các thế hệ sau này tạo nên cái “lương tri Mỹ quốc” - Nước Mỹ không của riêng ai – không thuộc chủng tộc nào - kẻ trước người sau – đến đây cùng chung một ý hướng: quyết tâm tạo nên cuộc sống tự do và hạnh phúc. Cái lương tri này là kim chỉ nam cho người Mỹ. Khi đạo đức suy đồi – lương tri sẽ đứng dậy!

Đó là cái giá trị nhân văn và nội lực của nước Mỹ.

Tôi may mắn được hội nhập vào Quốc gia Hoa Kỳ. Nếu tính trung bình cuộc đời con người sống khoảng tám mươi năm, thì tôi đã quá nửa sống trên quê cha đất tổ, và gần một nửa sống trên đất Mỹ. Vài mươi năm trước, người Việt mình thường gọi nơi đây là vùng đất “tạm dung”, chờ ngày trở về quê cũ. Nhưng bây giờ thì nhiều người đã chọn nước Mỹ làm quê hương thứ hai. Tôi cũng như thế!

Quê hương thứ nhất là Việt Nam - nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương thứ hai là nước Mỹ - nơi sẽ gởi nắm xương tàn. Quê hương thứ nhất vẫn còn vương vấn! Quê hương thứ hai nặng trĩu ân tình! Thời thế đã đưa đẩy đời tôi vào tình huống “một cảnh hai quê”. Đó không phải là điều tôi mong ước…

LÊ ĐỨC LUẬN

(Tháng 5-2022)

(1)- Bài thơ sau đây nhặt được từ túi áo của một chiến binh miền Bắc bị tử trận tại chiến trường miền Nam những năm 1969. 

Trong hồi ký của tử sĩ nầy, người ta còn biết anh là con của bà Trần Thị Phấn ở Hải Dương. 

Bài thơ này đã được đăng trên báo chí VNCH thời đó. 

Bài thơ không ghi tên tác giả, được một thường dân miền Nam mến thương cảnh ngộ và ghi lại. 

- Từ buổi con lên đường xa mẹ

Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung. 

Non xanh núi biếc chập chùng

Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ.

 

Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở

Vì hòa bình đâu ngại bước gian nguy. 

Mấy tháng trời, ngày nghỉ đêm đi

Giày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh.

 

Có những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh

Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình. 

Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh

Con bướm nhỏ mái đình xưa, ôi nhớ quá.!

 

Vào nơi đây tuy đất người xa lạ

Nhưng miền Nam vẫn cùng một quê hương. 

Vẫn hàng dừa xanh, vẫn những con đường

Vẫn hương lúa ngọt ngào.

 

Tiếng tiêu gợi nhớ

Con trâu về chuồng

Ðã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ. 

Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu.?

 

Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu

Mái chùa cong buông hồi chuông tín mộ. 

Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ

Ðang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca.

 

Và sau vườn luống cải đã vàng hoa

Ðàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật. 

Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất

Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá làng.?

 

Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau

Ðã nhiều lần tay con run rẩy.

Khi gài mìn để phút sau bỗng thấy

Xác người tung và máu đổ chan hoà.

 

Máu của ai

Máu của bà con ta

Máu của người như con như mẹ… 

Ðêm hôm ấy mắt con tràn lệ


Ác mộng về, con trằn trọc thâu canh. 

Con hối hận vì đã làm chuyện xấu

Lòng con đau có ai nào thấu.?

Con gục đầu chịu chết để tạ tội non sông.

 

Người miền nam xin đừng hận kẻ dại khờ.

Lệnh cấp trên nào ai dám cãi.?

Phải vào Nam giải phóng cái an lành

Còn non dại nên đành nghe lời hảm hại. 

*Bài thơ không ghi tên tác giả. 


(2)"Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.


Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét