TIẾN TRIỂN TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỊNH CƯ ĐỒNG BÀO TỊ NẠN Ở THÁI LAN
Mạch Sống
* BPSOS: Hoa Kỳ cần công bằng trong chính sách định cư tị nạn
Mạch Sống, ngày 18 tháng 5, 2022
Ngày 11 tháng 5 vừa qua, một gia đình Hmong 6 người đã đến định cư ở Colorado, Hoa Kỳ. Tại buổi họp ngày 17 tháng 5, 2022 giữa Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes, đặc trách chương trình tị nạn ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, báo tin phấn khởi này và xem đấy là dấu hiệu lạc quan cho việc định cư người tị nạn ở Thái Lan trong thời gian tới đây.
Buổi họp ngày 17 tháng 5 là cuộc gặp gỡ giáp mặt giữa Bà Valls Noyes, mới nhậm chức cách đây 6 tuần, và các người đại diện cho Hội Đồng Tị Nạn Hoa Kỳ (Refugee Council USA, hoặc RCUSA). BPSOS là một trong số 29 tổ chức thành viên của RCUSA và Ts. Thắng phục vụ trong hội đồng quản trị của liên minh này.
Phái đoàn RCUSA họp với Bà Julieta Valls Noyes tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (ảnh PRM)
2 yếu tố tắc nghẽn trong vấn đề định cư tị nạn vào Hoa Kỳ
Yếu tố thứ nhất là chính sách nhận định cư tị nạn của Hoa Kỳ. Dưới thời Hành Pháp Trump, đỉnh số nhận định cư tị nạn ngày càng giảm. Năm 2020, chỉ còn 15.000 chỗ cho toàn cầu; nghĩa là người tị nạn ở Thái Lan hầu như không có cơ hội định cư vào Hoa Kỳ. Hành Pháp Biden đã tăng đỉnh số lên 125.000 mỗi năm, nhưng triển vọng cho người tị nạn ở Thái Lan vẫn không cải thiện vì Hoa Kỳ phải tập trung định cư khẩn cấp người tị nạn Afghanistan rồi đến người tị nạn Ucraina.
BPSOS ủng hộ định cư người tị nạn Afghanistan và Ucraina nhưng kêu gọi sự công bằng trong chính sách định cư. Tại buổi họp kể trên, Ts. Thắng cho bà Valls Noyes biết là gia đình Hmong kể trên đã phải chờ ở Thái Lan hơn 8 năm để được định cư.
“Tôi hy vọng việc định cư của gia đình người Hmong tuần rồi là một chỉ dấu về sự công bằng trong định cư tị nạn,” Ts. Thắng phát biểu tại buổi họp.
Yếu tố thứ hai là chính sách của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ về chọn người tị nạn để giới thiệu định cư. Trong chính sách “tái cân bằng toàn cầu” khởi xướng năm 2015, CUTN/LHQ ưu tiên định cư cho một số thành phần: người bị nguy hiểm cận kề, người bị bệnh nặng hay bệnh mãn tính, người già neo đơn, mẹ đơn hành, gia đình đông con. Những tiêu chuẩn ưu tiên này không đủ bao quát và nhiều khi được dựa vào những tiêu chí chủ quan.
Tại buổi họp, một số biện pháp để tác động yếu tố tắc nghẽn thứ hai này đã được bàn thảo.
Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes tại buổi họp với phái đoàn RCUSA (ảnh PRM)
Chương trình bảo lãnh tư nhân
Bà Valls Noyes cho biết là chương trình bảo lãnh người tị nạn theo diện tư nhân, đang được thực hiện cho người tị nạn Afghanistan, sẽ được nới rộng cho mọi thành phần tị nạn vào cuối năm nay.
Chương trình bảo lãnh tư nhân là một trong 3 cách để tháo gỡ sự tắc nghẽn từ phía CUTN/LHQ đã được thảo luận tại buổi họp. Nói chung các tổ chức tôn giáo, hội đoàn, thậm chí nhóm cá nhân có thể đứng ra bảo lãnh người tị nạn.Chẳng hạn, một cộng đoàn Công Giáo ở Hoa Kỳ có thể nhận bảo lãnh định cư cho một gia đình giáo dân Công Giáo ở Thái Lan mà không cần phải chờ CUTN/LHQ giới thiệu hồ sơ, miễn sao người được bảo lãnh đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn.
BPSOS sẽ thông báo về thể thức làm thủ tục bảo lãnh ngay khi chính phủ sẵn sàng để triển khai chương trình.
Ts. Thắng cùng với một số người đấu tranh cho quyền tị nạn và Bà Julieta Valls Noyes (ở giữa), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 17/05/2022 (ảnh EN)
Tại sao BPSOS không gây quỹ định cư người tị nạn?
“Gây quỹ cả triệu Mỹ kim để định cư vài chục người không phải là cách sử dụng tiền đóng góp của những nhà hảo tâm một cách hợp lý và trong tinh thần trách nhiệm,” Ts. Thắng giải thích. “BPSOS đã giúp hàng trăm người định cư vào Canada mà không tốn kém gì cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.”
Theo Ông, trong chục năm qua, BPSOS vẫn giới thiệu nhiều người tị nạn định cư qua chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada hoặc hỗ trợ hồ sơ cho những người định cư qua chương trình định cư tị nạn của chính phủ Canada.
Từ năm 1978, chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada đã định cư 225,000 người tị nạn; cũng trong khoảng thời gian này, 545,000 người tị nạn được định cư bởi chính phủ Canada. Ở Canada có nhiều tổ chức, nhất là các tổ chức tôn giáo, với bề dày kinh nghiệm định cư người tị nạn.
“Chúng tôi chỉ cần hợp tác với các tổ chức này, chẳng việc gì khởi sự từ đầu và kêu gọi gây quỹ trong cộng đồng,” Ts. Thắng nói.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, 2 người Tây Nguyên và 7 người Hmong theo Đạo Tin Lành đã định cư Canada. Trong mấy tháng qua BPSOS đã lập hồ sơ định cư tị nạn Canada cho thêm 80 đồng bào khác.
Theo Ts. Thắng, chủ trương của BPSOS là dành tài chánh của những nhà hảo tâm đóng góp cho công việc tối quan trọng nhưng không ai làm: can thiệp pháp lý để đồng bào đi lánh nạn được công nhận tư cách tị nạn bởi CUTN/LHQ. Nếu không có quy chế tị nạn thì không thể đi định cư dưới bất kỳ chương trình nào, đến bất kỳ quốc gia nào.
Trong 12 năm qua, văn phòng luật sư hoạt động thường trực ở Thái Lan do BPSOS tài trợ từ đóng góp của đồng hương đã giúp khoảng 1,600 đồng bào lánh nạn có quy chế tị nạn. Khoảng 800 đồng bào trong số đó đã định cư ở nhiều quốc gia. Số còn kẹt ở Thái Lan là những người phải đối mặt với sự tắc nghẽn về định cư.
Vận động chính sách
Để giải quyết số 800 đồng bào có quy chế tị nạn nhưng còn kẹt ở Thái Lan, BPSOS vừa gia tăng giới thiệu hồ sơ qua chương trình định cư của Canada và một số quốc gia khác, vừa vận động Hoa Kỳ có chính sách công bằng trong định cư người tị nạn.
Chỉ khi nào chính sách của Hoa Kỳ thay đổi thì mới hy vọng giải quyết bế tắc hiện nay cho số đồng bào này; việc gia đình Ông Hoàng Văn Pá mới đây được định cư vào Hoa Kỳ có thể báo hiệu sự thay đổi chính sách này.
“Vấn đề định cư người tị nạn liên quan mật thiết với việc bảo vệ người tị nạn,” Ts. Thắng giải thích tại buổi họp. “Thật khó để chúng tôi hoặc LHQ hoặc Hoa Kỳ có tiếng nói ảnh hưởng với chính phủ Thái Lan và kêu gọi họ rộng lượng đối với người đến lánh nạn nơi quốc gia họ khi mà số người tị nạn ở đó ngày càng tăng mà không có dấu hiệu được giải quyết định cư.”
Bà Valls Noyes cho biết rằng bà rất quan tâm đến tình hình người tị nạn ở Thái Lan và lẽ ra tuần qua bà đã có mặt ở Bangkok nhưng phải hoãn chuyến đi vì lý do kỹ thuật.
Ở Thái Lan cũng còn nhiều trăm người Việt đang trong tiến trình xin quy chế tị nạn hoặc đã bị từ chối quy chế tị nạn.
Theo Ts. Thắng, trong tháng 6 này, BPSOS sẽ cử người tham gia 2 buổi họp tư vấn với CUTN/LHQ ở Geneva, Thuỵ Sĩ. Một buổi họp liên quan đến vấn đề định cư người tị nạn và buổi họp kia tập trung vào đề tài bảo vệ người lánh nạn ở quốc gia tạm dung như Thái Lan.
Mạch Sống
Thông tin liên quan:
Hành trình 8 năm của gia đình Hmong tị nạn tìm tự do
Những điều cần biết về tình trạng và nhu cầu của người tị nạn ở Thái Lan để giúp họ một cách hiệu quả
BPSOS: Tường trình hoạt động bảo vệ người tị nạn ở Thái Lan năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét