Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Khi Các Ngân Hàng Trung Ương Cố Gắng Thắt Chặt Tiền Tệ?

 

Kho ảnh của các tờ USD. (Ảnh: Pixabay/Pexels)

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CỐ GẮNG THẮT CHẶT TIỀN TỆ?
Vân Du biên dịch

Sau một thời gian kéo dài chính sách tiền tệ nới lỏng, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã xúc tiến lập trường thắt chặt tiền tệ hơn. Hôm 04/05/2022, Fed đã tăng lãi suất chuẩn của mình thêm 0.50%, lên khoảng mục tiêu từ 0.75 % đến 1.00 %. Mức tăng này là lớn nhất kể từ năm 2000 và theo sau mức tăng 0.25% vào tháng Ba năm nay, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 12/2018.

Nhiều nhà bình luận dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022, đạt 2.90% vào đầu năm 2023. Bắt đầu từ tháng Sáu năm 2022, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng có kế hoạch thu hẹp danh mục tài sản 9 ngàn tỷ USD của Fed. Lý do chính đằng sau lập trường thắt chặt tiền tệ là do Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) có tốc độ tăng trưởng hàng năm mạnh, ở mức 8.5% trong tháng Ba so với 2.6% vào tháng Ba năm ngoái.

Theo cách nghĩ phổ biến, vai trò của ngân hàng trung ương là đảm bảo nền kinh tế đi theo con đường tăng trưởng kinh tế ổn định và ổn định giá cả. Theo cách suy nghĩ này, nền kinh tế được coi giống như một con tàu vũ trụ, đôi khi trượt khỏi quỹ đạo của tăng trưởng kinh tế ổn định và giá cả ổn định.

Các nhà kinh tế học chính thống cho rằng, khi hoạt động kinh tế chậm lại và giảm xuống dưới lộ trình tăng trưởng kinh tế ổn định và giá cả ổn định, ngân hàng trung ương nên thúc đẩy, để dẫn dắt nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng ổn định. Việc thúc đẩy này được thực hiện bằng biện pháp chính sách tiền tệ nới lỏng — tức là giảm lãi suất và đẩy tốc độ tăng cung tiền. Ngược lại, khi hoạt động kinh tế được cho là “quá mạnh”, thì để ngăn chặn tình trạng “quá nóng”, ngân hàng trung ương có nhiệm vụ “hạ nhiệt” nền kinh tế bằng cách đưa ra một lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn.

Điều này dẫn đến việc tăng lãi suất và giảm việc bơm tiền vào. Người ta tin rằng lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn sẽ đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế ổn định và giá cả ổn định. Do đó, có vẻ như một lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn có thể cân bằng lại những tác động của lập trường tiền tệ nới lỏng trước đó. Theo cách suy nghĩ này, việc ngân hàng trung ương theo dõi nền kinh tế mọi lúc và thực hiện những điều chỉnh cần thiết để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định là rất có ý nghĩa.

Tại sao lập trường tiền tệ chặt chẽ không thể xóa được ảnh hưởng của lập trường tiền tệ nới lỏng?

Tuy nhiên, một lập trường tiền tệ chặt chẽ không thể hồi lại được những tiêu cực của lập trường tiền tệ nới lỏng trước đó. Việc phân phối sai nguồn lực do chính sách tiền tệ nới lỏng không thể được đảo ngược một cách đơn giản bằng cách thắt chặt. Theo ông Percy L. Greaves Jr. trong “Nguyên nhân của cuộc Khủng hoảng Kinh tế và Các bài tiểu Luận Khác trước cuộc Đại Suy thoái” (pdf): “Ngài Mises cũng đề cập đến thực tế là giảm phát không bao giờ có thể sửa chữa được những thiệt hại của một cuộc lạm phát tiên nghiệm. Trong buổi hội thảo của mình, ông thường ví quá trình như vậy giống như một người lái xe hơi đã cán qua một người rồi sau đó cố gắng khắc phục tình hình bằng cách cán qua nạn nhân khi lùi ngược lại. Lạm phát làm xáo trộn những thay đổi về của cải và thu nhập đến mức không thể hồi lại các tác động đã xảy ra. Sau đó, các thao tác lên cung tiền để làm giảm phát lại cũng có tính phá hoại như thế đối với các quá trình thị trường vốn được dẫn dắt bởi giá thị trường mà không có sự can thiệp, tiền lương, và lãi suất, bị ảnh hưởng như khi các thao túng cung tiền dẫn đến lạm phát đã gây ra.”

Một lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn, mặc dù có khả năng làm suy yếu các hoạt động bong bóng khác nhau cũng sẽ tạo ra các biến dạng khác nhau, do đó gây ra thiệt hại cho những người tạo ra của cải. Lưu ý rằng lập trường chặt chẽ hơn vẫn là sự can thiệp của ngân hàng trung ương và nó không dẫn đến việc phân phối nguồn lực phù hợp với ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Do đó, quan điểm cho rằng lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn có thể đảo ngược lại thiệt hại do chính sách lạm phát gây ra là không đúng.

Chúng tôi cho rằng bằng cách giải phóng nền kinh tế khỏi sự can thiệp của ngân hàng trung ương với lãi suất và nguồn cung tiền, quá trình hủy hoại của cải sẽ được ngăn lại, và sẽ thúc đẩy quá trình tạo ra của cải thực sự. Với một lượng của cải lớn hơn, sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc hấp thụ các loại nguồn lực bị phân phối sai. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng một số tài nguyên sẽ khó hấp thụ hơn nhiều, do bản chất của chúng.

Ví dụ, nhu cầu về tư liệu sản xuất nhất định và một số kỹ năng nhất định của con người có thể biến mất hoặc suy yếu đáng kể trong môi trường thị trường tự do mới. Một lập trường tiền tệ chặt chẽ hơn cũng sẽ làm suy yếu các hoạt động khác nhau đã xuất hiện dựa trên lập trường tiền tệ nới lỏng trước đây, dẫn tới có khả năng làm tổn thương các hoạt động bong bóng khác nhau. Càng nhiều bong bóng được tạo ra trong giai đoạn lập trường tiền tệ nới lỏng, thì khả năng phá sản lại càng lớn.

Việc Fed can thiệp vào các tín hiệu thị trường làm suy yếu quá trình tạo ra của cải, do đó gây áp lực tăng lên đối với lãi suất ưu tiên thời gian và lãi suất thị trường. Lãi suất thị trường có thể sẽ tiếp tục dốc lên nữa một khi Fed bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán, tuy nhiên qua thời gian, việc cắt giảm bảng cân đối kế toán sẽ có lợi cho quá trình tạo ra của cải, nếu tất cả những yếu tố khác vẫn vậy. Diễn biến này cuối cùng có tác dụng theo hướng giảm lãi suất ưu tiên thời gian và lãi suất thị trường.

Các chính sách của Ngân hàng Trung ương có thể duy trì tăng trưởng ổn định không?

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng một trở ngại lớn trên con đường đạt được tăng trưởng ổn định và giá cả ổn định là sự biến động của lãi suất quỹ liên bang xung quanh lãi suất trung tính. Lãi suất trung tính được cho là lãi suất phù hợp với giá cả ổn định và nền kinh tế cân bằng. Các nhà kinh tế vĩ mô tin rằng, điều mà sau đó các nhà hoạch định chính sách của Fed cần làm là hướng lãi suất quỹ liên bang về phía lãi suất trung tính (Theo quan điểm này, nguồn gốc chính của bất ổn kinh tế là sự thay đổi chênh lệch giữa lãi suất thị trường tiền tệ và lãi suất trung tính.)

Lưu ý rằng trong khuôn khổ này, lãi suất trung tính được thiết lập khi đường tổng cung và đường tổng cầu cắt nhau. Nếu lãi suất thị trường giảm xuống dưới mức lãi suất trung tính, đầu tư sẽ vượt quá tiết kiệm ngụ ý rằng tổng cầu [đầu tư] lớn hơn tổng cung [tiền]. Giả sử rằng lượng cầu dư thừa này được tài trợ bởi việc mở rộng các khoản cho vay của ngân hàng, quá trình này sẽ dẫn đến việc tạo ra tiền mới, từ đó đẩy các mức giá chung lên cao.

Tuy nhiên, nếu lãi suất thị trường tăng cao hơn lãi suất trung tính, tiết kiệm sẽ vượt quá đầu tư, do đó tổng cung [tiền] sẽ vượt tổng cầu [đầu tư], có nghĩa là các khoản vay ngân hàng và khối lượng tiền sẽ thu hẹp lại, và giá sẽ giảm. Do đó, bất cứ khi nào lãi suất thị trường phù hợp với lãi suất trung tính, nền kinh tế ở trạng thái cân bằng và không có áp lực tăng và cũng không có áp lực giảm đối với mặt bằng giá cả. Tuy nhiên, vấn đề chính là không thể quan sát được lãi suất trung tính. Làm thế nào để biết lãi suất thị trường cao hơn hay thấp hơn lãi suất trung tính?

Mặc dù thực tế là không thể quan sát được lãi suất trung tính, các nhà kinh tế học chính thống tin rằng lãi suất này có thể được ước tính bằng các phương pháp gián tiếp. Để xác định mức lãi suất trung tính không thể quan sát được, các nhà kinh tế hiện sử dụng các phương pháp toán học phức tạp như bộ lọc Kalman (pdf). Tuy nhiên, điều này có đúng không?

Khi cố gắng tìm hiểu lộ trình tăng trưởng ổn định, các nhà kinh tế học giả định sự tồn tại của đường tổng cung và đường cầu. Giao điểm của những đường cong này tạo ra cái gọi là trạng thái cân bằng được cho là tương ứng với lộ trình tăng trưởng của sự ổn định kinh tế.

Các đường cong tổng cung và tổng cầu do kinh tế học đại chúng trình bày không bắt nguồn từ các dữ kiện thực tế mà là từ tưởng tượng của các nhà kinh tế học. Không có số liệu nào làm nền tảng cho các đường cung và cầu đến từ thế giới thựcchúng hoàn toàn chỉ là tưởng tượng. Theo ngài Ludwig von Mises (pdf): “Điều quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta không có bất kỳ kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm nào về hình dạng của những đường cong như vậy.”

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tranh luận sôi nổi về các tính chất khác nhau của những đường cong vô hình này và tác động của chúng đối với các chính sách của chính phủ và ngân hàng trung ương, mặc dù trên thực tế, chúng không tồn tại.

Tại sao cân bằng tổng thể là tưởng tượng

Sự tồn tại của trạng thái cân bằng tổng thể được mô tả bằng sự giao nhau giữa đường cung của nền kinh tế tổng thể với đường cầu của nền kinh tế tổng thể là một vấn đề đáng nghi ngờ và nền kinh tế như vậy không tồn tại độc lập với các cá nhân. Vậy nên, một cái gì đó không tồn tại không thể chuyển đến trạng thái cân bằng chung; khái niệm cân bằng chỉ phù hợp với các cá nhân mà thôi.

Trạng thái cân bằng trong bối cảnh hành vi có ý thức và có mục đích của các cá nhân không liên quan gì đến trạng thái cân bằng tưởng tượng như được mô tả trong kinh tế học đại chúng. Thay vào đó, cân bằng này được thiết lập khi các cá nhân cân đối được thu chi.

Khi một nhà cung cấp bán thành công nguồn cung cấp của mình ở mức giá mang lại lợi nhuận, thì người đó được cho là đã đạt đến trạng thái cân bằng. Tương tự, những người tiêu dùng đã mua nguồn cung này đã làm như vậy để đạt được mục tiêu của họ. Một lần nữa, mỗi cá nhân trong bối cảnh riêng của mình đều đạt được trạng thái cân bằng bất cứ khi nào anh ta đạt được mục tiêu của mình.

Trong trường hợp không có sự can thiệp của ngân hàng trung ương, lãi suất được thiết lập sẽ phù hợp với các mục tiêu khác nhau của các cá nhân, chứ không phải theo mong muốn của các nhà hoạch định ngân hàng trung ương. Do đó, một số cá nhân có thể phát hiện ra rằng mức lãi suất mà họ sẽ phải trả thấp hơn nhiều so với mức họ sẵn sàng trả. Đối với một số cá nhân khác, lãi suất thị trường tự do có thể quá cao. Do đó, những người này sẽ không [xác định lãi suất] thị trường. (Người cho vay cận biên và người đi vay cận biên thiết lập lãi suất thị trường. Giao điểm của đường cung và đường cầu không thiết lập lãi suất thị trường.)

Một khi các chính sách được thực hiện để đạt được lãi suất trung tính  vốn được cho là phản ánh cái gọi là trạng thái cân bằng chung như được thiết lập bởi các mô hình toán họcthì các chính sách này có thể mâu thuẫn với những gì thị trường tự do đã thiết lập. Kết quả là, hành động này sẽ phân phối sai nguồn lực và làm suy yếu quá trình tạo ra của cải thực, gây ra tình trạng bần cùng hóa về kinh tế. (Lưu ý rằng bằng cách đặt lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đang giả bộ rằng họ có thông tin số liệu về lãi suất tương ứng với con đường tăng trưởng với tăng trưởng kinh tế ổn định và giá cả ổn định.)

Sự thất bại của các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khác nhau như Liên Xô cũ cho thấy nỗ lực của chính phủ trung ương nhằm thúc đẩy nền kinh tế đi theo quỹ đạo tăng trưởng như các quan chức chính phủ ra lệnh đã dẫn đến thảm họa kinh tế như thế nào. Thay vì tăng lãi suất để chống lại sự gia tăng mạnh mẽ của giá hàng hóa và dịch vụ, Fed nên đóng tất cả các kẽ hở để tạo ra tiền từ “hư không.”

Trái ngược với tư tưởng kinh tế chủ đạo, thiệt hại do các chính sách lạm phát gây ra không thể được hóa giải bằng cách đối phó thông qua các chính sách thắt chặt tiền tệ. Bản thân chính sách giảm phát là một chính sách can thiệp và chính sách này đặt ra một hình thức phân phối sai nguồn lực khác nhưng có hại.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Tiến sĩ Frank Shostak giảng dạy tại Đại học Pretoria và Trường Kinh doanh sau đại học tại Đại học Witwatersrand. Công ty tư vấn của ông, Applied Austrian School Economics, cung cấp các đánh giá và báo cáo chuyên sâu về thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Viện Mises, được thành lập vào năm 1982, thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu trong trường kinh tế của Áo, tự do cá nhân, lịch sử trung thực, và hòa bình quốc tế, theo truyền thống của ngài Ludwig von Mises và ngài Murray N. Rothbard. Viện Mises tìm kiếm một sự thay đổi căn bản trong môi trường trí tuệ, thoát khỏi thống kê và hướng tới trật tự sở hữu tư nhân.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét