Ngồi, từ trái, nhà văn Từ Dung và nhà văn Ngọc Cường ký tên sách theo yêu cầu của độc giả. (Hình: Đằng- Giao/Người Việt)
BUỔI RA MẮT SÁCH CỦA 2 HẬU DUỆ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN ĐƯỢC ỦNG HỘ NỒNG NHIỆT
Đằng Giao
WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo độc giả tham dự buổi ra mắt sách của hai nhà văn Từ Dung và Ngọc Cường tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt trưa Chủ Nhật, 15 Tháng Năm do Nhóm Văn Học Nghệ Thuật/Tiếng Thời Gian tổ chức.
Nhà văn Từ Dung ra mắt sáng tác đầu tay của bà với tựa đề “Hồi Tưởng” và nhà văn Ngọc Cường ra mắt tác phẩm thứ tư của ông là “Ba Chị Em.”
Tham luận đoàn gồm có bảy người là Từ Dung, Ngọc Cường, Việt Hải, Vi Khiêm, Kiều My, Khánh Lan và Mộng Thủy với sự điều phối của Giáo Sư Quyên Di để cùng bàn thảo về hai tác phẩm này.
Trong không khí thân mật và vui nhộn, tham luận đoàn chia sẻ cảm nhận và ấn tượng của mình về hai tác phẩm “Hồi Tưởng” và “Ba Chị Em.”
“Hồi Tưởng” của nhà văn Từ Dung
“Hồi Tưởng” của Từ Dung được mô tả như một hồi ký được phần nào tiểu thuyết hóa nhưng vẫn giữ được những sự thật không theo một thứ tự thời gian nhất định nên có nét lung linh lấp lánh như một bức tranh diễm ảo. Người đọc được theo dõi cuộc đời trôi nổi khi hạnh phúc, lúc giông tố chiến tranh, khi bôn ba, chìm nổi từ Hà Nội đến Sài Gòn đến Hawaii của nhà văn.
Dù có khó khăn, chật vật đến đâu thì con tim kiên cường chan chứa yêu thương vẫn thúc dục bà phải gượng dậy, quên đi thù ghét để cứ mãi tin yêu.
“Hồi Tưởng” của Từ Dung như muốn nhắc nhở mọi người rằng lòng tin yêu với con tim ngây thơ trinh trắng là điều duy nhất có thể khiến cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Còn sống là còn yêu bởi vì thiếu lòng yêu thương kiên trì, cuộc đời vô vị như hư vô.
Tác phẩm “Hồi Tưởng” có bán tại Amazon.
Đông đảo độc giả mua sách ủng hộ hai tác giả. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Ba Chị Em” của nhà văn Ngọc Cường
Chưa đọc chữ nào trong “Ba Chị Em” thì người ta đã bàn đến hình bìa cuốn sách rồi.
Nhà văn Ngọc Cường trình bày rằng ông muốn cho hình ảnh này mờ đi, không sắc nét. Ông nói: “Cứ coi như đây là ba nhân vật ở bất cứ đâu cũng được vì câu chuyện về ba chị em trong sách có thể là câu chuyện của bất cứ người nào.”
Các tham luận viên cùng đồng ý rằng “Ba Chị Em” nói lên tâm trạng đầy mặc cảm mồ côi mẹ một cách chân thành và đầy tình cảm.
“Ba Chị Em” của Ngọc Cường là một tập truyện ngắn hư cấu và phần biên khảo về cái chết đầy uẩn khúc của nhà văn Nhất Linh.
Nhà văn Ngọc Cường đã nắm bắt một mảng đau thương này trong cuộc sống và diễn tả được tình mẫu tử thiêng liêng không bao giờ phôi phai trong lòng những đứa con mồ côi mẹ.
Nhiều người cho rằng qua “Ba Chị Em,” Ngọc Cường như muốn nhắn nhủ mọi người nên sống bằng tình thương chan hòa trong tình nhân ái.
Ngay lập tức, nhà văn Ngọc Cường lại đính chính.
Ông trình bày: “Tôi chỉ diễn tả lại cuộc đời theo cảm nhận của riêng mình chứ không dám cho mình có quyền khuyên ai hay nhắn nhủ gì cho ai. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi chấm dứt khi viết xong cuốn sách. Vì vậy, độc giả có quyền có nhận thức riêng của mình.”
Về phần biên khảo, nhà văn Ngọc Cường cho biết cái chết bí ẩn của nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam không thể là một quyết định bồng bột nhất thời.
Ban nhạc Tiếng Thời Gian trong nhạc phẩm “Ghé Bến Sài Gòn” của nhạc sĩ Văn Phụng giúp vui buổi ra mắt sách. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Có bao nhiêu biến cố và áp lực xã hội trong một thời gian dài mới đưa đẩy nhà văn Nhất Linh đến quyết định tự kết liễu cuộc đời mình như vậy,” nhà văn Ngọc Cường khẳng định.
“Tôi muốn độc giả đọc kỹ và tự tìm cho mình một nhận xét.”
Tác phẩm “Ba Chị Em” có bán tại nhật báo Người Việt.
Sơ lược tiểu sử nhà văn Từ Dung
Nhà văn Từ Dung sinh năm 1946 tại Hà Nội, là con út nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Từ Dung là tên do thân phụ của bà đặt cho.
Năm 1954, gia đình bà di cư vào Nam và sống tại Tân Định.
Năm 1970, bà tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Anh Văn tại Đại Học Sài Gòn và năm 1974 tốt nghiệp khóa sư phạm cấp tốc tại Đại Học Sài Gòn.
Từ 1975 đến 1980, bà là giáo viên trung học ở Dĩ An.
Năm 1990, bà định cư tại Hawaii.
Khách tham dự buổi ra mắt sách của Từ Dung và Ngọc Cường “chật rạp.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Năm 1992, bà tốt nghiệp ngành sư phạm và dạy Anh ngữ (ESL).
Trong lãnh vực văn chương, Từ Dung viết nhiều truyện ngắn đăng trên nhật báo Người Việt và các tạp chí khác.
Ngoài ra, truyện ngắn của bà còn được in trong tập sách như “Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay & Tự Lực Văn Đoàn” (2013) “Tưởng niệm nhà báo Như Phong-Lê Văn Tiến (2016) và Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” (2019).
Bà hiện sống tại California.
Sơ lược tiểu sử nhà văn Ngọc Cường
Nhà văn Ngọc Cường sinh ra ở Hà Nội, di cư vào Nam năm 1951.
Ông là cháu ruột nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long).
Ông đậu tú tài năm 1964 và theo học nhiều ngành như dược khoa, luật khoa và khoa học nhưng sau cùng theo đường binh nghiệp, phục vụ ở Quân Đoàn II Pleiku rồi được thuyên chuyển về Sài Gòn và làm việc ở Nha Báo Chí, Phủ Phó Tổng Thống.
Năm 1971, ông làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đài Phát Thanh Quân Đội.
Sau 1975, nhà văn Ngọc cường bị tù cải tạo rồi vượt biên đến Mỹ năm 1981, định cư ở tiểu bang Ohio. Ông theo học hóa học và làm việc cho Quận Hạt Dayton.
Tác phẩm đầu tiên của ông là “Bèo Giạt” (xuất bản 2014), rồi “Hệ Lụy (2016), “Bâng Khuâng” (2016), và “Ba Chị Em” (2020).
Bút hiệu Ngọc Cường là tên ghép của hai chữ “Ngọc” là tên con gái Bích Ngọc đã quá vãng của ông năm 1979 và “Cường” là tên ông.
Tham luận đoàn gồm có bảy người là Từ Dung, Ngọc Cường, Việt Hải, Vi Khiêm, Kiều My, Khánh Lan và Mộng Thủy với sự điều phối của Giáo Sư Quyên Di. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Trong số quan khách tham dự, có Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà thơ Nguyên Nga (phu nhân cố nhạc sĩ Lê Trọng Tuyển), nhà văn Vi Khiêm, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Khiếu Lâm, nhà văn Nhược Thu, nhà văn Khánh Lan, nhà văn Kiều My, Dược Sĩ Phạm Hồng Phúc, nhà thơ Lê Hân và nhóm bạn tù của nhà văn Ngọc Cường.
Cả hai nhà văn Từ Dung và Ngọc Cường đều được mọi người công nhận xứng đáng là hậu duệ của các văn sĩ nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Đằng-Giao/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét