Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

California Thiếu Nước: Dân Tình Vẫn Xài Xả Láng!

 

Thiếu nước là vấn đề kinh niên ở California (ảnh: David McNew/Getty Images)

CALIFORNIA THIẾU NƯỚC: DÂN TÌNH VẪN XÀI XẢ LÁNG!
Lê Tây Sơn

California vẫn đang ở trong cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, nhưng lượng nước sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng lên. Một câu hỏi được đặt ra, nên tập trung kéo giảm nước sinh hoạt hay cắt bớt lượng nước cung cấp cho các doanh nghiệp và các ngành nghề “lạm sát” nước?

Không tiết kiệm 15% mà còn dùng thêm 19%!

Ai cũng biết California đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng do khô hạn kéo dài. Không chỉ các hồ chứa của tiểu bang đã giảm đến mức báo động mà người dân và doanh nghiệp trên toàn tiểu bang cũng sử dụng nhiều nước hơn so với 7 năm qua, bất chấp những nỗ lực của Thống đốc Gavin Newsom khuyến khích mọi người tiết kiệm nước, chỉ dùng khi thật cần thiết.

Cụ thể, ông kêu gọi người dân và doanh nghiệp giảm 15% lượng nước tiêu thụ. Nhưng số liệu Tháng Ba cho thấy lượng nước sử dụng ở các thành thị không giảm mà tăng 19% so với Tháng Ba 2020, năm bắt đầu đợt hạn hán mới sau vài năm giảm nhẹ. Đây cũng là mức tiêu thụ nước Tháng Ba cao nhất kể từ năm 2015, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm soát Tài nguyên Nước (State Water Resources Control Board) của tiểu bang vào đầu tuần này. Siêu hạn hán ở bờ Tây nước Mỹ đã kéo mực nước của hai hồ chứa lớn nhất California xuống mức “cực kỳ thấp” dù mới bắt đầu mùa khô.

Giữa Tháng Năm 2022, ít nhất 20 ngôi nhà ở Laguna Niguel, California bị thiêu rụi bởi cháy rừng do gió nóng và thời tiết hanh khô gây ra bởi hạn hán nghiêm trọng (ảnh: Carolyn Cole / Los Angeles Times via Getty Images)

Nhiều hài cốt người được phát hiện tại Hồ Mead khi mực chứa nước giảm sâu. Nhưng Ủy ban Duyên hải đã không cho vận hành một nhà máy khử muối trị giá $1.4 tỷ để chuyển đổi nước biển thành nước dùng. Từng được xem là “Great American Lawn” (khu vườn Mỹ vĩ đại), tại sao California lại trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nước ở bờ Tây? Khô hạn bắt đầu gây ra những vụ cháy rừng thiêu rụi nhiều ngôi nhà trị giá hàng triệu đôla nằm trên những sườn đồi và ven rừng. Sông Colorado cung cấp nước tưới tiêu cho các trang trại, thủy điện cho mạng lưới điện khu vực và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 40 triệu người, nay nguồn nước dần cạn kiệt.

Người dân vẫn bình chân như vại!

Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tiết kiệm nước là ý thức sử dụng nước của người dân. Có vẻ người dân California không cảm thấy mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến họ. Thông điệp bảo tồn nước của thống đốc, của các cơ quan có thẩm quyền và các khu vực pháp lý khác nhau có vẻ rơi vào thinh không!

Thậm chí nhiều người nghĩ rằng các thông điệp về nước chỉ dành cho ai khác chứ không phải họ! Họ cũng không có ý tưởng tiết kiệm nước và không quan tâm đến cách thực hiện nó. Với suy nghĩ và hành xử kiểu này, chắc chắn nhiều người không biết được mức giảm 15% tiểu bang đưa ra là có cả trách nhiệm của họ mỗi khi dùng nước.

Kelsey Hinton, Giám đốc truyền thông của Trung tâm nước cộng đồng, một nhóm vận động tiếp cận nước sạch với giá phải chăng, cho biết: “Các cộng đồng đô thị thường lấy nước từ các hồ chứa của tiểu bang nhưng lại không hiểu được mức độ nghiêm trọng của hạn hán theo cách các cộng đồng nông thôn hiểu, nơi mà nước có thể ngừng chảy khỏi vòi nếu nguồn nước ngầm bị cạn kiệt. Nói rõ hơn, người dân đô thị thường nghĩ họ có thể dùng nước thoải mái vì nước hồ chứa không bao giờ cạn!”. Hinton nói thêm: “Ở các cộng đồng nông thôn, mỗi ngày người ta đều cảm thấy sự nghiêm trọng của thiếu nguồn cung và hiểu trách nhiệm của mình là phải tìm ra giải pháp khả thi để duy trì nguồn nước. Nhưng nếu sống ở thủ phủ Sacramento, bạn sẽ không thấy sự cấp bách tương tự bởi vì người dân không phụ thuộc vào nước ngầm và các nguồn tài nguyên khan hiếm khác giống như những cộng đồng nông thôn”.

Cảnh báo khô hạn xuất hiện khắp nơi ở California (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Chưa tìm được sự đồng thuận

Một số người lại nói rằng cách chính quyền bảo vệ nguồn nước cũng là sai lầm. Một người nói: “Bắt dân cư hạn chế nước tự nguyện không phải là giải pháp mang tính quyết định, mà trọng tâm là các doanh nghiệp và các ngành sử dụng nhiều nước của tiểu bang”. Jessica Gable, người phát ngôn của tổ chức Food & Water Watch, nêu ý kiến: “Việc lạm dụng nước của các doanh nghiệp phải được giải quyết trước khi vận dụng các biện pháp khác. Ai ở California cũng biết hạn hán có liên quan đến biến đổi khí hậu. Oái oăm thay, các ngành sử dụng nhiều nước nhất lại là các ngành thải ra nhiều khí thải nhà kính làm nóng lên toàn cầu nhất. Nhắm vào họ là đúng trọng tâm”.

Hầu hết lượng nước sử dụng tăng đột biến trong Tháng Ba đến từ các khu vực quản lý nước (water jurisdiction) ở Nam California. Ví dụ, lượng nước dùng ở khu vực thủy văn Bờ biển phía Nam, gồm Los Angeles và San Diego County, đã tăng 27% so với Tháng Ba 2020 (theo dữ liệu do ban quản lý nước của tiểu bang). Chỉ có khu vực Bờ biển phía Bắc tiết kiệm nước trong Tháng Ba, giảm khoảng 4.3% lượng nước sử dụng.

Edward Ortiz, người phát ngôn của Hội đồng Kiểm soát Nguồn nước Tiểu bang (State Water Resources Control Board), nhận định: “Tháng Ba là một bước lùi lớn đối với các mục tiêu về nước của thống đốc. Đây là điều đáng quan tâm trong cách California phản ứng với hạn hán. Nếu muốn đối phó hiệu quả với thiếu nước, chúng ta phải làm sao để mỗi người dân đều xem việc bảo tồn nước là một cách sống. Tiết kiệm nước là thường xuyên, bất kể thời tiết. Người dân California cần phải nỗ lực gấp đôi để bảo tồn nguồn nước bên trong và bên ngoài ngôi nhà và cơ sở kinh doanh của họ”.

Loay hoay với các giải pháp

Tháng trước, Cơ quan quản lý Nước Đô thị Nam California (Metropolitan Water District of Southern California) đã công bố những hạn chế mạnh mẽ nhất về dùng nước đối với cư dân và doanh nghiệp ở các vùng xung quanh thành phố Los Angeles, với mục tiêu cắt giảm lượng nước sử dụng đến 35% trở lên.

Bắt đầu từ ngày 1 Tháng Sáu, dùng nước ngoài trời chỉ được phép một ngày một tuần. Nhưng cộng đồng dân cư cũng đặt câu hỏi “liệu những doanh nghiệp và ngành nghề sử dụng nhiều nước cũng phải giảm tương tự, kể cả nông nghiệp đòi hỏi một lượng lớn nước (như hạnh nhân, cỏ linh lăng, bơ và cà chua) hay khai thác dầu đá phiến dùng hàng chục hàng triệu gallon?”.

Dù tiết kiệm nước ở mức cá nhân cũng rất quan trọng nhưng muốn thuyết phục người dân tiết kiệm thì các ngành công nghiệp cũng phải tự nguyện cắt giảm đáng kể lượng nước được phân bổ. Tiếc thay, điều này hiếm khi xảy ra. Amanda Starbuck, Giám đốc nghiên cứu tại Food & Water Watch, cho biết: “Vận động cắt giảm sử dụng nước trong dân cư cũng giống như khẩu hiệu ‘tái chế có thể cứu hành tinh’. Dù đây là một hành động có ý nghĩa, nhưng nó sẽ không giảm được cuộc khủng hoảng nếu nước vẫn sử dụng bừa bãi tại những nơi khác, nhân danh ‘sự thiết yếu’. Không nên đổ lỗi cho các khu dân cư về cuộc khủng hoảng vì họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng mức tiêu thụ, trong khi đây là vấn đề lớn hơn nhiều. Chúng ta cần tập trung vào những ngành công nghiệp lớn đang lạm thác nước trong thời gian hạn hán này”.

Các cộng đồng nông thôn lo lắng

Người phát ngôn của văn phòng Newsom cho biết các cơ quan cấp nước địa phương đã đặt ra các mục tiêu mới kể từ Tháng Ba để tiết kiệm nước, như hạn chế tưới nước ngoài trời cùng các hạn chế khác sẽ đưa ra trước cơ quan chuyên trách trong tháng này.

Nguồn tài trợ bổ sung cho khả năng phục hồi nước mà thống đốc đã công bố trong đề xuất ngân sách của mình vào ngày 13 Tháng Năm. Khoản tài trợ đó nằm trong gói $47 tỷ dự kiến ​​để giải quyết các tác động của khủng hoảng khí hậu ở tiểu bang. Trong khi phần lớn các cuộc thảo luận về nước tập trung vào việc sử dụng nước ở thành thị, các cộng đồng nông thôn đang sống với nỗi lo hàng ngày nước sẽ ngừng chảy. Đây là mối lo lớn, nhất là khi những cơn mưa rào ít và ngắn hơn. Gia đình nào cũng lo lắng là sắp tới sẽ không còn nước nữa. Đây là những cộng đồng không dùng được nước từ các hồ chứa mà lấy từ các giếng nước ngầm tư nhân.

Mối quan tâm nữa là khô hạn kéo dài sẽ làm sụt mực nước ngầm trong khi nông nghiệp và các ngành khác lệ thuộc vào nước cần dùng nhiều hơn do khô hạn. Trên thực tế, đã có những giếng đào cạn nước từ đợt hạn hán vừa qua nhưng không được đào sâu thêm. Những đợt nắng nóng gay gắt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng gây ra những trận cháy rừng hủy diệt ảnh hưởng nặng nề bờ Tây nước Mỹ trong những năm gần đây.

Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét